Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Lời dạy cổ xưa: “Bạn là những gì bạn ăn.”

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

TÌNH NHỎ LÀM SAO QUÊN || Toại Khanh
Hồi còn ở bên nhà, tôi từng nghe một ông người Bắc bảo rằng dân Nam Bộ xuề xòa vậy mà ngôn ngữ của họ có nhiều chỗ độc đáo kinh người. Như chữ Nhậu chẳng hạn. Trong khi người Bắc nói uống rượu thì đôi khi chỉ có nghĩa là cho rượu vào miệng rồi nuốt ực, tức là uống rượu suông, không có mồi màng, thức nhắm gì ráo. Rồi thì ngồi uống rượu với cả một mâm cỗ thịt thà ê hề cũng vẫn cứ là uống rượu. Tiếng Nhậu trong Nam thì không phải vậy. Chỉ có rượu thôi thì không phải Nhậu rồi. Ít gì cũng phải là một trái xoài, trái ổi để nhâm nhi, mới có chỗ để xài chữ 'nhậu'. Nghĩa là cạnh cái uống, phải có cái ăn thì mới làm nên chữ 'nhậu'. Chữ Nhậu phải hiểu vậy mới đúng, mới đã!
Rồi tới cái ngày xa xứ, tôi một túi vải lên đường với bao thứ gói ghém trong cái tâm tình viễn mộng, bao gồm vài món không dám xao lãng trong tấc dạ. Một trong những món hành trang đó dĩ nhiên có cả một thứ ngôn ngữ đã nói đến mềm môi. Giữa xứ người mênh mông, đôi lúc chỉ thèm nghe lại một câu chữ bằng tiếng ta thiệt đúng điệu cho ấm lòng. Thế thôi, vậy mà đâu phải muốn là được. Vậy rồi bỗng một ngày đang ngồi nhơi như bò mấy bài vở dễ ghét của đám người mắt xanh, da trắng, tôi chợt thấm thía một con chữ tiếng Việt bao lâu qua vẫn làm tôi xao lòng mà ít khi để ý. Đó là chữ Nhớ, thâm thúy gấp trăm lần chữ Nhậu kia nữa.
Mấy tiếng Miss, Recall, Remember, Recollect, Memories… trong Anh ngữ hình như không đủ để dịch đúng chữ Nhớ của tiếng Việt. Chẳng biết có phải tôi đã giàu tưởng tượng quá chăng?
Một đứa bé giữa đêm thức giấc không thấy có mẹ nằm bên thì khóc. Đó cũng là nhớ. Biết đi biết chạy, nó không quên chỗ cất mấy món đồ chơi, đó cũng là nhớ. Tuổi dậy thì, nó cứ bâng khuâng khi nghĩ về một người dưng bằng thứ cảm giác chưa từng có với những người thân trong nhà, đó cũng là nhớ. Phạm Thái với Quỳnh Như, Loan và Dũng, Lan và Điệp, cũng đều là nhớ. Cao xa và thiêng liêng hơn một chút, người của Lục Quốc đối với Kinh Kha sau ngày chàng bỏ mạng trên đất Tần cũng là một chữ Nhớ… Đại khái, tình nhà hay tình nước, tình bạn tri âm hay tình yêu nam nữ, cao thấu trời hay thấp tận bùn thảy đều là Nhớ hết. Chỉ một chữ đó thôi, thi ca rồi âm nhạc nối nhau ra đời suốt mấy ngàn năm qua. Đời sống của con người cũng không thể không dành cho nỗi nhớ kia một góc rộng và sâu. Tôi nghĩ hoài cũng không sao tìm ra được một hạng người, sống mà không cần đến tối thiểu một nỗi nhớ. Mấy ông vua thái tổ của các triều đại cổ kim đều lập quốc từ chữ Nhớ, người tầm thường xây dựng gia đình hay cuộc sống riêng tư cũng bằng một nỗi nhớ. Những tâm niệm đau đáu ngay ngáy của một doanh nhân trên thương trường, một nhà ngoại giao hay một chính khách trên chính trường, một tướng lãnh ngoài chiến trường, thậm chí trâu nhớ ngõ, chó nhớ đường cũng cứ là một chữ nhớ đó thôi. Chữ Nhớ đó càng thần diệu vào một ngày tôi lần đầu xem kinh Phật…
“Này các Tỷ-kheo, đây là con đường duy nhất dẫn đến Niết-bàn, tức bốn Niệm Xứ này đây. Ở đây vị Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm diệt trừ tham ưu ở đời…”
Trời ạ, cái gọi là con đường giải thoát duy nhất ấy cũng chỉ là hành trình của một nỗi nhớ mà chữ Phạn xưa gọi là Sati, tiếng Anh bây giờ có dịch sao cũng không đúng. Hán tạng xưa giờ vẫn dịch chữ Sati đó là Niệm. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học để biện giải phân tích kiểu bác học, chỉ lấy làm tâm đắc với phép Lục Thư đã làm nên chữ đó: Một chữ Kim (今) (bây giờ) nằm trên chữ Tâm (心) thành ra chữ Niệm (念), ngụ ý Niệm là khả năng ghi nhớ mọi chuyện như là chúng đang xảy ra. Từ lâu nay trong phòng sách của tôi vẫn có một bức tranh không mấy người để ý: Tôi đã cắt dán một trái tim ghép vào bên dưới bức hình Kim Tự Tháp của Ai Cập để thỉnh thoảng tự cho mình là hành giả. Treo nỗi nhớ trước mặt mà lòng cứ quên. Quên đạo để nhớ về đời!
Như đã nói ở trên, toàn bộ những thứ làm nên cõi nhân gian vui ít buồn nhiều này chỉ là những nỗi nhớ. Chuyện đó đã đành. Nhưng có ai ngờ được là đã vào bằng nỗi nhớ thì cửa ra cũng vẫn là một nỗi nhớ khác. Một đứa bé hay một người làm cái chuyện khai sơn lập quốc, chí đến một bậc đại sĩ cầu đạo vô thượng… ai cũng đều cầm tay một chữ nhớ mà lên đường vào cuộc bể dâu…
Nỗi nhớ từ đó đã là một đất trời vạn đại cho nhất thiết pháp giới dung thân. Nó là đất sống mà cũng là cõi chết, là cơ nghiệp dựng xây mà cũng là hành trình tự hủy. Một Mỵ Châu đã vì nỗi nhớ mà chấm hết đế nghiệp của phụ vương, một Huyền Trân đã vì nỗi nhớ mà mở rộng quốc thổ cho dân tộc, một hoàng tử Tất-đạt đã nhờ một nỗi nhớ mà trở thành bậc đại giác. Nói gọn lại, anh chính là những gì anh nhớ đến trong thao thức, trở trăn!
Tất thảy những suy tư ngờ nghệch đó về nỗi nhớ, ai ngờ đã được phôi dựng từ một xúc cảm lạ lùng với bài thơ ngẫu nhiên tìm thấy và nghe được của ông Du Tử Lê: Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời!
Ông nói đúng lắm. Chỉ một nỗi nhớ thôi, nghìn kiếp còn chưa thấm tháp bõ bèn gì, nói chi là cái trăm năm ngắn ngủi của một kiếp người mù sương… Nhưng chỉ những câu chữ và ý tưởng của riêng ông thì vẫn chưa đủ để tôi chìm sâu hơn vào những nỗi nhớ. Trần Duy Đức đã một ngày đẩy nỗi nhớ đó lên một cõi thinh không xa vời mộng mị bằng những làn điệu xa vắng, khơi vơi đến mê hoặc, và cái giọng khàn khàn khó kiếm của Lê Uyên đã giúp tôi lên tới được cái ngọn nguồn thăm thẳm đó vào một đêm khuya nhìn quanh không người. Biết cảm ơn người nào trong số họ đây?
Megahut, Jan/7/09

CÔNG VIỆC SAU KHI THÀNH PHẬT CÓ PHẢI LÀ NGHĨ NGƠI, HƯỞNG PHƯỚC HAY KHÔNG?
Phật sau khi thành đạo không thể nói là không còn việc gì, mà sau khi thành đạo, một sự việc to lớn duy nhất chính là phải thực hiện nguyện đã phát ra ở trong nhân địa, phải thực hiện viên mãn, không thể nói rồi mà không làm. Trong nhân địa đã phát ra nguyện gì? “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, cho nên sau khi thành Phật chỉ có một sự việc là đi độ chúng sanh. Ý nghĩa của ba chữ “độ chúng sanh” này chính là thương yêu chúng sanh, quan tâm chúng sanh, thương xót chúng sanh, toàn tâm toàn lực giúp đỡ chúng sanh, đó chính là ý của chữ độ. Sau khi thành Phật thì chuyên môn làm việc này, đúng như trên Kinh đã nói: “Ngàn nơi mong cầu ngàn nơi đến”. Nơi nào chúng sanh có cảm, Phật liền nhất định hiện thân. Chúng sanh có cảm quá nhiều, cảm chính là mong cầu, cầu Phật Bồ Tát bảo hộ, cầu Phật Bồ Tát gia trì. Ý niệm mong cầu này chính là cảm. Chỉ cần có cầu thì Phật liền có ứng. Chúng sanh cầu Phật thì có hai loại cầu, có cái cầu rõ ràng gọi là hiển cầu; có cái cầu âm thầm. Cầu âm thầm là chính mình thật có ý niệm mong cầu nhưng chính mình không phát hiện ra. Có thể thấy được ý niệm này dường như rất là vi tế, chính mình không phát hiện ra. Một ý niệm vi tế như vậy chính mình không biết, thế nhưng cảm ứng của Phật rất linh mẫn, các Ngài đã cảm ứng đến, các Ngài đã quan sát đến. Khi quan sát đến thì Phật nhất định có ứng.
Ứng của Phật cũng có hai loại, có hiển ứng, có minh ứng. Minh ứng thì bạn không thể cảm giác được, Phật đích thực đang ở chung quanh bạn, ở bên cạnh bạn giúp đỡ bạn, nhưng chính bạn không hề cảm giác được. Hiển ứng là để chúng ta cảm nhận được, hoặc giả bạn nhìn thấy được hình tượng của Phật Bồ Tát, hoặc giả bạn nghe được âm thanh của Phật Bồ Tát. Như chúng ta xem thấy ở trên “Kinh Địa Tạng”, Bà La Môn nữ cúng dường đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, nghe được âm thanh của Phật, đó là hiển ứng rõ ràng. Cô có thể nói chuyện với Phật, tuy là Phật không hiện thân, không nhìn thấy thân tướng, thế nhưng nghe được âm thanh. Cho nên, cảm và ứng đều có minh - hiển khác nhau, có minh cảm - hiển ứng, minh cảm - minh ứng; có hiển cảm - hiển ứng, hiển cảm - minh ứng. Cảm ứng đạo giao có bốn loại khác nhau. Chúng sanh thế gian chúng ta căn tánh chín muồi, đó là minh cảm, không phải là hiển cảm.
Vào ba ngàn năm trước, chúng sanh thế gian này căn tánh chín muồi, cảm động Thích Ca Mâu Ni Phật ứng hóa đến thế gian của chúng ta. Phật là hiển ứng, ứng hóa rõ ràng. Phật xuất hiện ở thế gian này không có người quen biết, không có người thỉnh pháp. Nếu không người thỉnh pháp thì Phật phải nhập diệt, phải vào Bát Niết Bàn, Ngài ở thế gian này không có việc gì làm. Phàm phu chúng ta ngu si không biết Thế Tôn thành Phật, không biết có Phật xuất thế, may mà người Trời Tịnh Cư biết được (người Trời Tịnh Cư chính là ngũ bất hoàn thiên trong đệ tứ thiền, trong tầng trời thứ năm này đều là người tu hành, không phải là phàm phu, trong Kinh điển nói là “thánh nhân Tam quả trở lên”). Nơi đó là đạo tràng lớn, họ nhìn thấy được Phật xuất hiện ở thế gian này, vội vàng đi xuống thay mọi người chúng ta khải thỉnh, thỉnh pháp, thế là Thế Tôn tiếp nhận lễ thỉnh của chúng sanh, nên mới bắt đầu vì mọi người giảng Kinh nói pháp, triển khai sự nghiệp giáo hóa chúng sanh của Ngài. Sự nghiệp này dùng lời hiện đại mà nói là “công tác giáo dục xã hội”, Ngài triển khai công tác giáo dục xã hội của Ngài.
A DI Đà Phật
HT. Tịnh không

DINH DƯỠNG VI TẾ.
Đây là những chia sẻ tâm huyết, các bạn lưu lại đọc kỹ. Khái niệm dinh dưỡng ở đây hiểu theo nghĩa rộng.
“Bạn là những gì bạn ăn” là thành ngữ phổ biến ở nhiều dân tộc, về tâm linh, đó là sự thật và mang ý nghĩa rất sâu sắc.
📎ĐIỀU THỨ NHẤT, mọi tồn tại tác động vào chúng ta đều có ba thuộc tính tùy thuộc tần số của chúng:
* Rung động Sattva – hòa thanh tráng kiện
* Rung động Tamas – nặng trược
* Rung động Rajas – kích động
Ba yếu tố này, trong không gian, khí quyển, thực phẩm, đồ uống, quần áo, thuốc… là những kiến thức vi tế nhất về dinh dưỡng mà tới nay loài người biết. Ba yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà cả tinh thần. Tất cả những ai muốn dấn thân vào thực hành tâm linh hay trở thành người dẫn kênh đều phải nhuần nhuyễn các kiến thức này, nếu không hiểu thì không chống lại được các cuộc tấn công năng lượng tiêu cực từ khí quyển cũng như không hấp thụ các rung động tích cực vẫn rót xuống liên tục từ các cõi thanh nhẹ hơn.
📎ĐIỀU THỨ HAI, hệ thống luân xa của chúng ta được xếp làm 2 nhóm:
* Nhóm các luân xa trên, số 4,5,6,7 và vùng trống, đáp ứng chủ yếu hoạt động trí tuệ.
* Nhóm các luân xa dưới, số 1,2,3 đáp ứng chủ yếu cho chiều kích thế gian.
Ba yếu tố tác động tới hoạt động của các luân xa trên và các luân xa dưới khác nhau.
📎ĐIỀU THỨ BA, ba yếu tố tác động vào cá thể hạnh phúc, cá thể đau khổ, cá thể ù lỳ khác nhau chứ không đồng đều. Tức là, cùng một loại thức ăn, cùng một bước sóng, cùng một môi trường, cùng một bộ quần áo… thì người hạnh phúc hấp thu và chuyển hóa khác với người đau khổ. Bởi vậy chớ dại bắt chước người khác mà không suy nghĩ.
Nếu cá thể hạnh phúc thì thành phần Tamas duy trì trong một thời gian ngắn còn Sattva được duy trì trong khoảng thời gian dài hơn. Một cá nhân như vậy dễ thanh tẩy Tamas và bảo toàn Sattva.
Lưu ý, hạnh phúc và đau khổ đề cập ở đây là trạng thái nội tâm chứ không theo các tiêu chuẩn thế gian kiểu như phúc-lộc-thọ-khang-ninh.
Quá trình thay tẩy Tamas nhanh hay chậm phụ thuộc vào cá thể hạnh phúc hay đang đau khổ tức là phụ thuộc vào nghiệp.
📎ĐIỀU THỨ TƯ, thói quen kiểm soát cảm xúc và tâm trí cùng các thực hành tâm linh rốt ráo thuận nhân quả đem lại lợi ích to lớn, có tác dụng như một sự đề kháng chống độc tự động rất vi tế. Khi cá thể đạt được mức 6/10 nội hàm tâm linh của con đường tu tập thì tất cả các yếu tố đều ít ảnh hưởng hơn, nghĩa là chúng ta chống lại được rung động tiêu cực nhiều hơn, chúng ta ít bị ô nhiễm hơn. Điều này giải thích một thực tế rất khó hiểu trước mắt mọi người là, tại sao một số hành giả cao cấp khi hết kỳ nhập thất lại không giữ chay nghiêm ngặt mà tùy duyên thọ thực do thí chủ bố thí, hay họ hóa độ cả ở những nơi ô trược đầy rung động Tamas và Rajas như bãi tha ma, nhà thổ, lò sát sinh, ngục, nhà thương điên… [những địa điểm mà hành giả mới nhập môn được răn là phải tránh xa], hay họ có thể đi một mình trong đêm từ 12 giờ tới 2 giờ sáng là khoảng thời gian Tamas nặng nhất.
📎ĐIỀU THỨ NĂM, về mặt thực phẩm, ở đây tôi chưa đề cập tới áo quần, khí quyển…, chỉ có rung động Sattva – hòa thanh tráng kiện từ thức ăn chay mới kích hoạt chức năng Chetana – tức “ý thức thần thánh chi phối tâm trí”, kết quả là, rung động hòa thanh tráng kiện lan nhanh khắp cơ thể, lợi ích bất khả tư nghị. Trường chay 7 năm thì cơ thể đạt tới trạng thái tự báo, tự thanh lọc thực phẩm ô trược.
4 luân xa trên nhạy cảm hơn 3 luân xa dưới trong việc đáp ứng với ba yếu tố, chúng tự kích hoạt để khử tác động của tần số Tamas nặng trược khi ăn thịt dẫn tới sự mất năng lượng ròng của các luân xa trên. Bất kỳ ai hành thiền đều đặn đều biết rõ rằng, nếu bữa tối có thịt thì đêm thiền không hiệu quả, đó là do 4 luân xa trên đang mất năng lượng để thanh lọc yếu tố Tamas và Rajas. Nếu ăn thịt kéo dài, các luân xa trên cũng như dưới trở nên ù lỳ. Cần chú ý rằng, con người vốn không được Thiên tạo thiết kế để ăn thịt, chúng ta không thể ăn thịt mà không tẩm ướp rất nhiều gia vị, muối mắm, như vậy thịt Tamas luôn đi kèm Rajas – một tác động tiêu cực đúp.
📎CẢNH BÁO, một số người thiếu kinh nghiệm, khi thấy 4 luân xa trên gia tăng hoạt động lại tưởng là luân xa quay mạnh nhưng thực ra là nó bị kích thích do hấp thụ tần số Tamas nặng trược từ việc ăn thịt, sự gia tăng hoạt động lúc này chỉ nhằm tẩy trược.
Khi các luân xa trên tăng cường tẩy trược thì các luân xa dưới đình trệ, điều này không khó hiểu, cùng một mức năng lượng, ví dụ nôm na là khả năng tài chính, một tháng lương bạn mua thứ này thì phải giảm mua thứ khác.
Sau đó, khi thành phần Tamas nặng trược trong cơ thể bị phá hủy, bốn luân xa trên cố gắng lấy lại Sattva đã bị suy giảm đi trong ‘trận chiến’, bạn rất cần bổ sung sinh tố rau củ quả tươi và một số yếu tố khác mà trong khuôn khổ bài này tôi chưa thể đề cập. Sau khi trẻ chạy chơi, tắm nắng hay bơi lội hoặc người lớn tập thể thao, tuyệt đối không uống nước đường mà dùng sinh tố hỗn hợp rau củ quả để Sattva được hấp thu triệt để, giúp cơ thể thanh lọc Tamas. Khi bị nhiễm độc bởi thuốc, ví dụ như corticosteroid cũng áp dụng thanh lọc.
Khi ăn chay, tần số Sattva cải thiện hoạt động của bốn luân xa trên dù người ăn đau khổ hay hạnh phúc. Ở những người tập yoga, dù hạnh phúc hay đau khổ thì 2 luân xa dưới được cải thiện khi họ chuyển sang ăn chay. Thức ăn chay có lợi hơn cho hoạt động tối ưu của cơ thể, cảm xúc và tâm trí. Nếu chưa ăn chay được, chúng ta phải cố gắng giảm tiêu thụ thịt và tăng lượng thực vật tươi sống. Bạn đã bao giờ thấy ai thanh tẩy tiêu độc bằng thịt cá chưa, tất cả đều bằng thực vật, chỉ có thực vật.
Từ hàng ngàn năm trước, tôn giáo đã giảng dạy về những điều này rất chi tiết, ngày nay, khoa học thực nghiệm đã đo được các thông số cụ thể trên hệ thống luân xa Kundalini nhờ máy quét Electrosomatographic với sự trợ giúp của máy phản hồi sinh học DDFAO.
Lời dạy cổ xưa: “Bạn là những gì bạn ăn.”

Không có nhận xét nào: