Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Thư Chân Hành Giả 9

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.
Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao? Bắc Hearst Castle, ngày 16 tháng 3 năm 1978. Sư-Phụ từ giám, Xuân chợt đến hôm nay và chúng con mới cởi mấy lớp y phục lần đầu tiên kể từ tháng 11, có vẻ như vậy . Mặt trời nóng và hàng đàn côn trùng đến thăm viếng. Rõ ràng mọi việc đều do tâm tạo. Tháng rồi con lục trong giỏ xách tìm đôi vớ ấm. Quá lạnh, vớ mỏng muà hè không thể dùng được. Hôm nay con lục lọi lần nữa, những chiếc vớ len nặng nề trông khổ não trong những ngày nóng bức chẳng còn quyến rũ nữa. Dưới đáy giỏ là những đôi vớ mỏng. Ồ, tuyệt diệu. Những đôi vớ có biến hóa gì trong bốn tháng rồi không? Không chút nào cả. Chính tất cả là do tâm con tạo, tâm đại phân biệt, tìm cầu thoải mái cho túi da. Là một chúng sanh thì có thể chắc chắn là phức tạp và phiền toái. Thầy Hằng-Triều và con từng có nhận thức rõ ràng trong mấy tháng vừa qua rằng Sư-Phụ có ở đây với chúng con. Chúng con đạt được sự nhận biết này sau khi kinh nghiệm những khai thị của Sư Phụ đều trở thành sự thật trong tâm của chúng con hết lần này đến lần khác. Thật rõ ràng, đúng thời điểm chính xác! sự tỉnh thức rất kỳ diệu. Bất cứ nơi nào chúng con đi xa ra khỏi ý định ban đầu là đi trên Trung-đạo, bất cứ cảnh giới nào phát sinh trong thiền định, chúng con khám phá ra rằng Sư Phụ đều biết hướng đi của chúng con. Và Sư Phụ hoặc chỉ ra một cánh cửa đang mở, và/hoặc dùng vài phương tiện thiện xảo qua lời ẩn dụ hay bài kệ...để dẫn dắt chúng con rời khỏi con đường nào đó, hoặc để đến con đường thẳng tắp hơn và cao cả hơn. Rất khó diễn bày bằng lời, cả hai chúng con đều cảm thấy Sư Phụ luôn hiện diện trong khi tu hành. Điều này luôn rõ ràng, đáng tin cậy, và thường xuyên nếu chúng con vẫn dụng công. Năng lực và trí tuệ của bậc thiện huệ tri thức thật không thể nghĩ bàn. Trong lịch sử, nhiều hành giả dụng công rất nỗ lực, nhưng lại rơi vào chấp có chấp không, ngưng tiến bộ đơn giản chỉ vì không có bậc thầy, thiện tri thức như vậy dẫn dắt. Thầy Hằng-Triều và con đảnh lễ Sư Phụ hằng ngày trên xa lộ: sáng, trưa, chiều, tối, với lòng thành kính thâm sâu, cảm kích vô ngần sự may mắn không ngờ được gặp Thiện Tri Thức trong đời này. Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ. **** Sư Phụ từ giám, Xuân đến, đột nhiên có gió ấm, âm thanh nhè nhẹ. Những cơn bão tuyết lạnh rét đã qua chỉ để lại những cánh đồng cỏ hoa xanh thẳm, những khe suối chảy róc rách. Chim chóc tìm bạn và xây tổ. Ðó là thời điểm và tất cả năng lực "tự nhiên" của trái đất đều di chuyển về chiều hướng này: ghi dấu tích trên thế gian, xây tổ (căn nhà), và trở nên sáng tạo. Còn chúng con thì sao? Chúng con cũng đang quay về tự nhiên - tự nhiên bổn nguyên, tự tánh không duyên. Hết đời này sang đời khác, chúng con đã chịu thua trước những dục vọng và khoái lạc của mùa xuân. Hết đời này sang đời khác, chúng con đã "trôi theo dòng" và trở về tổ. Nhưng tổ (nhà) trở thành lồng củi, và chẳng bao lâu, câu hỏi tối hậu nẩy sanh: "Có phải là cái đó không? Chỉ chừng ấy thôi sao? Giao phối và chết đi, chết đi và giao phối. Sanh, trụ, hoại, không chỉ trong nháy mắt. Không gì ngoài ăn, ngủ, và mặc áo quần hay sao ? Nên nhìn như thế nào và nhìn ở đâu?" "Nếu có chúng sanh không biết cách để vượt thoát ra Không cầu giải thoát, chỉ lo khóc lóc, mê muội, Bồ-tát vì những chúng sanh đó, thị hiện thí xả quốc thành tài bảo, Xuất gia tu Ðao, hằng thường tịch tĩnh, an lạc." Kinh Hoa-Nghiêm Hôm qua, Quả Chu, Nicholson ghé qua và Quả Kuei cho hay: "Ngày mai là ngày đặc biệt." "Ồ ?" con nói. "Vâng, ngày mai là ngày Phật Thích Ca Mâu Ni cạo đầu và cỡi ngựa trắng ra đi - ngày xuất gia của Ngài." Thật là một hình ảnh mãnh liệt của thanh tịnh va giải thoát: Ðức Phật cạo tóc và cỡi ngựa trắng đi tu hành. Đức Phật đã có một trong những "tổ ấm" tuyệt hảo, tại sao Ngài lại rời bỏ? "Nhà là chốn tham ái và phiền trược. Bồ-tát mong muốn chúng sanh có thể xả ly; Nên thị hiện xuất gia đắc giải thoát, Giữa dục lạc mà không thọ dục lạc." Kinh Hoa-Nghiêm Buổi sáng nay, khi đang lạy dọc trên đường lộ vắng vẻ, con chợt nhận thức rằng con đã xuất gia hơn một năm và mỗi ngày con đều an lạc vui sướng hơn. Có một thôi thúc tự nhiên khác dâng tràn trong tâm chúng sanh. Ðó là sự thôi thúc về sự giác ngộ và tự do tuyệt đối. Sự thôi thúc này mạnh mẽ hơn và căn bản hơn việc giao phối và xây tổ (cần bạn) và đến lúc thì tất cả chúng ta đều theo sự thôi thúc này. Đến lúc thì tất cả chúng ta đều nhận ra nó. "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật." Xuân này, một số người tìm cầu đôi lứa, một số người sẽ tu hành. Và điều này sẽ đem lại sự khác biệt. Nhưng nguyên thủy vốn không có sự khác biệt, và sớm hoặc muộn tất cả chúng ta đều "có thể xả ly" và ra đi trên con ngựa trắng. Thế nên Sư Phụ thường dạy: "Mọi việc đều okay (everything is okay)." Mọi người đáng được tự do và hạnh phúc vào mùa xuân này và mỗi ngày đều đi về hướng thiện. Hãy giúp trái tim nhẹ đi, thanh tịnh tâm và tìm cách giúp đỡ tha nhân. Trong một năm lễ lạy, Thầy Hằng Thật và con đang khám phá ra rằng tu hành là ngay tại trong những điều căn bản này. Dẹp trừ tham, sân, si là điều quan trọng và giúp người khác được vui vẻ và tự do. “Nguyện cho tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi đến toàn giác thật sớm. Con hy vọng như vậy (1) . An lạc trong Đạo thật nhiều. Ðệ tử Qủa Ðình đảnh lễ. Tái bút: Chư cư sĩ hộ-pháp vùng địa phương cực lực đề nghị chúng con nên rời xa lộ số 1 và tìm một đường khác. Con đường có vẻ trở nên quanh co, hẹp và nhiều xe lưu thông. Các người bạn của chong con trong Ty Lâm-sản đang vẽ lộ trình mới cho chúng con đi xuyên qua vùng Ventana hoang vu, cùng rừng cây quốc gia Los Padres. Con đuờng này sẽ đi vòng qua đoạn khúc khuỷu nơi xa lộ số 1 cho đến vùng Carmel. Chúng con sẽ tùy duyên tính đến chuyện này Chúng con đã học được là không nên ép buộc hay chấp trước, dầu là việc nhỏ. Bất cứ chuyện gì xảy ra đều thuận theo nhân duyên phải như vậy, không theo vọng tưởng của chúng con. Chúng con chỉ có thể nói là chúng con sẽ ở trên xa lộ số 1 thêm bốn hay năm tuần nữa; và sẽ thưa cho Sư Phụ biết ngay khi tìm được đường mới để về Vạn Phật Thành. Không có đường nhất định để đến Vạn Phật Thành! Tất cả các con đường đến đó cuối cùng đều trở về. Ghi chú: (1) Lời trong bản nhạc "Study Buddhism": Hoà Thượng viết lời, Sư Cô Hằng Âm phổ nhạc (trong Kinh Nhật Tụng của Vạn Phật Thánh Thành).   ******* Bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất Tỉnh Monterey, thác nước thứ ba trên đỉnh Ragger, ngày 8 tháng 4 năm 1978. Sư Phụ từ giám, Chúng con sẽ không thể về tham dự buổi sinh nhật của Sư Phụ, nhưng xin thành tâm đảnh lễ Sư Phụ chín lạy trên đường lộ, kinh chúc Sư Phụ được nhiều vui vẻ. Dưới đây là những thay đổi nội tâm gần đây của chúng con trên hành trình Ba bước một lạy. Thầy Hằng-Triều, Quả-Chu và con đang lạy quanh một dốc cao bỗng nhiên trước mắt hiện ra một quang cảnh mà chúng con sẽ sống trong ba tuần lễ sắp đến, nỗi rõ trên nền đá xanh và mặt nước xanh lơ: hai mươi dặm trải dài với những tảng đá ký vĩ trong nắng chiếu nghiêng bóng. Quang cảnh đầu tiên của các dốc đá cao vút thằng đứng với mặt đại dương trong xanh làm con há hốc kinh ngạc. Chúng con có thể thấy những đốm lóe của ánh nắng phản chiếu trên kiếng xe: xe hơi, xe cắm trại di chuyển trên xa lộ nhỏ như sợi chỉ dính vào sườn núi. Chúng con sẽ lạy trên đoạn này. Cảm giác đầu tiên là theo tập khí cũ, cho tâm đắm vào mơ mộng giữa ban ngày để tránh đối đầu thực tế. Những con không thể làm như vậy. Một năng lực dương mới đang chậm chạp thành hình chế ngự và đưa tâm con trở về tập trung trong công việc. Ðoạn kinh văn đọc tối qua nầy lại xuất hiện: Ðều khiến các cõi đều thanh tịnh Cũng chẳng phân biệt nơi các cõi Biết tánh các cõi đều không có Mà khiến ý hoan hỷ thanh tịnh. Nơi một Phật độ không sở y. Tất cả Phật độ đều như vậy Cũng chẳng nhiễm trước pháp hữu vi Biết pháp tánh kia không y xứ. (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Hồi Hướng) Con đã áp dụng đoạn kinh trên vào hoàn cảnh này: chỉ vài giờ trước, con đã lạy liên tục trên đường Huntington phía ngoài Kim-Luân tự, ở thành phố Los Angeles; Ở đâu có pháp nào để nương vào ? Hiện giờ thành phố Los Angeles ở đâu? Khi ở thành phố Los Angeles, dốc núi đây, biển cả này ở đâu? Giây phút này khác giây phút lúc đó như thế nào? Con không tìm thấy sự khác biệt nào cả! Như thế có cái gì để trốn chạy ? Tại sao lại tìm chỗ nghỉ ngơi trong vọng tưởng ? Chẳng có gì ngoài việc bản ngã nhỏ bé buồn bã tìm cách thối thoát ra khỏi áp lực của việc dụng công chậm chạp, đều đặn trên đất tâm. Sư Phụ sẽ nói gì? "Mọi việc sẽ okay, không vấn đề gì cả. Cứ dụng công. Sợ hãi không ích lợi gì cả!" Do đó, con lại nhìn vào phong cảnh trước mặt: "A! Thật là một nơi chốn đẹp đẽ, thanh tịnh để tu tập. Thật là một đạo tràng tốt đẹp!" Tâm con như muốn chấp cánh bay vào vùng không khí trong lành bên trên vũng bùn phiền não. Những tảng đá này chưa thành vi trần thì con nguyện vẫn mãi hành đạo Bồ-tát, làm dứt khổ não của tất cả chúng sanh. Bây giờ, chúng con chú tâm vào những điêu căn bản: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn. Cùng tất cả các đệ tử của Sư Phụ, chúng con đang làm việc để tặng thế giới một Vạn Phật Thánh Thành, nơi giới luật sẽ là nền tảng làm người. Về nhẫn nhục, thì có rất nhiều cơ hội thực hành nhẫn nhục trên sườn núi này. Cư sĩ Quả Ðề Schmitz đang chia sẻ công việc với chúng con trong tuần này, đang nhẫn nại chịu đựng một số thời tiết bất thường nhất của cả chuyến hành trình. Chúng con đang đi trên bảy dặm của đoạn đường nguy hiểm nhất mà chúng con từng đối diện: cây sồi độc mọc khắp nơi, muỗi mòng độc hại ẩn trong các tàng cây, nắng cháy, gió cuồng của vùng Big Sur, mưa lạnh cóng liền ngưng khi chúng con vừa mặc áo mưa mang giày ống vào, và mưa trở lại khi chúng con vừa cởi áo mưa ra! Hành trình này dạy chúng con biết ơn về môi trường của tu viện. Những tường vách, mái ngói và nền nhà sạch sẽ thật đẹp! Con đã không tận dụng cơ hội để tu hành trong không gian thiền tập lý tưởng của Chùa Kim Sơn. Bây giờ con thật sự muốn dụng công thì đủ loại chướng ngại trổi lên: mỗi chướng ngại trở thành một thử thách về tánh kiên nhẫn, lòng quyết tâm, và công phu chịu đựng gió, côn trùng dưới chân, khu phố chật chội, quá nhiều mưa, nắng, xe cộ - tất cả các pháp này giúp hành giả rèn đúc tâm kim cang. Chúng con hồi hướng công đức, cầu mong Vạn Phật Thành sớm và dễ dàng thành hình để bất cứ người nào phát tâm tu hành, sẽ có một nơi chốn thanh tịnh để thực hiện mong muốn của mình. Họ sẽ không phải chịu đựng bao sự quấy rầy trước khi ngồi thiền Không phải con đang than phiền! Chưa bao giờ con cảm thấy hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn lúc này. Những thân xác vụng về chúng con mang đi lòng vòng thật là phiền hà! Chúng con mất qúa nhiều thời gian để lo lắng săn sóc thân thể. Điều có lý duy nhất để dùng chúng là tu Đạo. Con giống như vị Bồ Tát trong Hạnh Thứ Nhất của phẩm Thập Hạnh (Kinh Hoa-Nghiêm): Bồ-tát phát nguyện khi thọ sanh sẽ được hóa thân to lớn để dầu có nhiều chúng sanh bị đói muốn ăn thịt ngài thì tất cả đều đuợc thỏa mãn. Sau đó Bồ-tát quán sát thân thể của chúng sanh trong qúa khứ, hiện tại, vị lai. Bồ Tát quán sát thân chúng sanh thọ nhận, thọ mạng, hư hoại, hủy diệt của chúng. Kinh nói: "Bồ-tát lại suy nghĩ: lạ thay cho chúng-sanh ngu-si, vô-trí, ở trong sanh tử, thọ vô-số thân mỏng manh chẳng tạm dừng, mau về nơi hoại diệt, hoặc đã, hoặc hiện, hoặc sẽ hoại-diệt, mà họ chẳng thể đem thân chẳng bền để cầu thân kiên-cố. Tôi phải học tập những điều mà chư Phật đã học tập, để được chứng nhứt-thiết-trí, biết nhứt-thiết-pháp, rồi vì chúng-sanh diễn thuyết tam-thế bình-đẳng tùy thuận pháp-tánh tịch-tịnh bất-hoại, khiến họ được vĩnh-viễn an-ổn khoái-lạc." Con học thuộc đoạn kinh này trong Kinh Hoa Nghiêm, đoạn kinh này đã giúp cho tâm con tiếp tục lạy vượt qua nhi nhiều hoàn cảnh mà túi da cũng như tâm phàm phu của con cứ sợ là không thể tiếp tục được.. Một áp ụng hữu ích tức thời: khi sức nóng và áp lực tạo nên trong chân khi ngồi thiền, điều con phải làm là ôn lại lời trí tuệ trong Kinh và tìm sức mạnh để tiếp tục ngồi mà không lay động thân mình hay phải buông chân ra khỏi thế ngồi kiết già. Kinh gọi điều này là “Lên đường đến thành giải thoát vô ưu”. Sự khám phá lớn nhất trong tháng Ba: "Có chí thì nên." Chúng ta có rất nhiều phương pháp tu hành. Điều quan trọng là quyết tâm muốn thành tựu. Lúc đó Đạo (con đường) sẽ mở ra. Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật) đảnh lễ.

Không có nhận xét nào: