Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Thư Chân Hành Giả 8

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. A Di Ðà Phật! Ngày 22 tháng 2 năm 1978. Sư-Phụ từ giám, Trở lại thiên nhiên. Chúng con, đệ tử Ba Bước Một Lạy, cầu chúc Sư phụ cùng đại chúng những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúng con đang ở thành phố Harmony, tiểu bang California, dân số khoảng 18 ngàn người, ở chặng giữa thành phố Cayucos và Cambria. Ngày ngày, đồi núi càng thêm xanh tươi, nền trời càng xanh thẳm, người càng thưa dần, sương mai càng dầy đặc. Quang cảnh có những con rắn dài và con bò lông dài trên đồng cỏ lạnh. Một sinh viên sinh vật học tại đại học Cal. Poly xác nhận rằng con vật mà thầy Hằng Triều thấy hôm chủ nhật chính là sư tử núi. Nghe lời khuyên của một hộ pháp, chúng con bắt đầu ăn rau dại mọc dọc theo đường lộ. Hái rau quả là một thiện pháp. Rau dại miễn phí, cũng giống như Phật tánh; không cần dùng tiền mua. Trước khi chúng con khám phá ra rằng chư Phật khắp thời gian và không gian đều do tâm tạo, chúng con đã rong ruỗi khắp Pháp Giới để tìm Đạo. Sau đó chúng con được nghe rằng là Đạo ở ngay trong chân tâm chúng con - điều chúng con cần làm là khai mở ra. Ồ! Rau dại cũng giống như vậy. Cánh đồng trông có vẻ đầy cỏ dại cho đến khi có người nói: "Này, rau dại mà các ngài đang dẫm lên đó có mùi vị giống những thứ rau ngon nhất trong các siêu thị, và hơn thế nữa vì chúng miễn phí, xanh tươi và có rất nhiều." Ồ! Cánh đồng cỏ dại trở thành vườn rau bổ dưỡng. Thử thách hiện giờ của người hành giả là đừng nghĩ dến bao tử mỗi khi nhìn xuống dất. Ba bước một lạy mang lại lòng biết ơn nhiều thứ chúng ta đã bỏ sót hoặc cho là đương nhiên. Những rau dại này xứng đáng được đề cập là kho tàng thực phẩm vô tận dành cho những người hành hương và các ẩn sĩ sơn lâm trong tương lai. Chúng con không đi ra xa để thu nhặt - chúng con có thê nhận ra 5, 6 loại rau mọc hầu như khắp nơi. Trong năm phút, chúng con hái đầy một nồi (nhưng phải lưu ý đến côn trùng vì đây cũng là thế giới của chúng!). Sau dó, rửa sạch, luộc khoảng hai phút. Thế là xong. Còn gì nữa? Chúng con tìm rau "đắng" để tẩy trừ "khí nóng" phát sanh do tọa thiền. Cây bồ công anh, cây cải xen xanh có đủ chất đắng thiên nhiên để hạ nhiệt lửa trong người nhưng không quá đằng để có thể nuốt. Sinh hoạt hằng ngày của chúng con trở nên tự nhiên và đơn giản hơn khi lễ bái dẹp trừ lần lần những tập khí nhân tạo chúng con đã tích tụ qua nhiều năm. Chân lý tự nhiên và đơn giản: "Tất cả pháp duyên sanh đều sẽ hủy diệt." Thân thể do bốn yếu tố tảm kết hợp: đất nước gió lửa. Không có số lượng thức ăn thiên nhiên nào có thể giữ thân thể khoẻ mạnh khi đến lúc phải chết. Phong trào trở về thiên nhiên thì đi đúng đường, nhưng nếu ngừng ở chỗ "rau dại, hạt" bên vệ đường thì không "quay lại" đủ cho lắm. Phật tử là một phần tử trong phong trào chân thực quan trọng trong thế giới tân tiến hiện nay - phong trào "quay trở về tự tánh chân thật". Tự tánh chân thật không hư hoại, đó là quyền bẩm sinh của chúng sanh. Bằng cách tu hành theo đường tất cả chư Phật đã qua, chúng ta trở về Thiên Nhiên vĩ đại nhất. "Gió và ánh sáng của đất tâm có mùi vị đặc biệt vi diệu vô hạn. Nếu chúng ta muốn nếm thử mùi vị của nó, chúng ta đơn giản chỉ cần thanh tịnh tự tâm. - Thủy Kính Hồi Thiên - Hòa Thượng Tuyên Hóa Có thể nói rằng ở đây Hòa Thượng nói về cây bồ đề; cây mà chúng ta muốn nhận diện, được ăn và chia xẻ với tất cả pháp hữu. Cây này không có trong sách hướng dẫn các loại cây có thể ăn được ở ngoài các cánh đồng, bởi vì cây này rất đặc biệt - nó sinh trưởng trong đất tâm. Sư phụ chỉ cho chúng con tìm nó ở đâu, làm thế nào để nhận diện, để thu hoạch. Dưới đây là cách thức cây này có thể được liệt kê trong sách Hoa Phật Giáo: Chủng loại: giác ngộ. Thứ loại: vi diệu Môi trường: trong chân tâm tất cả chúng sanh. Phân bố: khắp Pháp Giới. Mùa thích hợp: mãi mãi Mô tả: xem Kinh Hoa Nghiêm để tham khảo. Vi diệu không thể nghĩ bàn. Câu chuyện về chiếc xe: Chiếc xe hang-động-trên-bánh-xe Plymouth của chúng con chẳng phải một chiếc bình thường. Chúng con nghi ngờ rằng nó là một con rồng, có thể là một đệ tử Sư phụ hóa thân tính nguyện làm việc cho hành trình Ba Bước Một Lạy. Chiếc xe vừa hộ pháp vừa nói Pháp cho chúng con. Có những đêm. nằm dưới ánh trăng sáng nó thực giống rồng, có đủ râu quai hàm, đuôi dài thườn thược. Ðáng lẽ đã rã rời hàng chục lần rồi, nhưng vẫn còn hăng hái lăn bánh. Lần nọ, đầu tháng Hai, gặp một trận bão lớn, xe không chịu nổ máy. Chúng con đành phải đậu xe bên lề xa lộ. Một người thợ máy trong trạm xăng ra rồ máy "rồng" nhưng chẳng nổ máy. Chiếc xe nẳm ù lỳ trong khi chúng con lạy bên đường bùn lầy ngập đến mắt cá chân. Dự tính sẽ lái vào vịnh Morro buổi sáng đó để phơi khô đồ của chúng con tại một tiệm giặt ủi, nhưng không có cách gì cả; xe bị ướt hoàn toàn. Ðột nhiên, một xe buýt màu xanh quen thuộc hiện ngay bên cạnh chúng con, với ba tượng Phật vàng kim cột chặt vào ghế xe. Ðó là ưu bà tắc Quả Tài, đến để đón chúng con và mang ba tượng Phật xuống Los Angeles . Nếu chúng con đi đến tiệm giặt đồ thì ông ta chẳng bao giờ tìm được chúng con. "Ðược hãy thử xe lần nữa coi!" Rồ rồ, nó bắt đầu chạy như nôn nóng và chuúg con đi. Quả Tài nói: "Theo quí thầy,nó cố ý không chịu chạy để đợi tôi xuống à?" "Vâng, còn cách nào khác để giải thích?". Có đủ thứ kỳ lạ vi diệu trên thế gian- vô số, vô tận, vô lưoơng, vô biên - tất cả đều từ số không (zero) ở trong tâm. Thật không thể nghĩ bàn! A Di Ðà Phật. Ðệ tử Quả Chân đảnh lễ. ******* Ðạo Phật Ở Nước Mỹ Harmony, California, ngày 23 tháng 2 năm 1978. Kính bạch Sư-Phụ, Sáng hôm nay con có viết một bài văn ngắn ghi lại vài điều đã trở nên rõ rệt hơn đối với con về Ðạo Phật và nước Mỹ trong lúc đi Ba Bước Một Lạy. Ðạo Phật Ở Nước Mỹ Vịnh Morro Bay, California. Con người với mọi chủng tộc, mọi màu da mà chúng ta có thể hình dung được, đã từ khắp nơi trên thế giới đến định cư tại đất nước này. Tất cả đều cùng san xẻ một vật: Hiệp Chủng Quốc, nơi sẵn sàng dành cho mọi người một dịp may để làm lại cuộc đời, một cơ hội để sửa đổi những thói hư tật xấu cũ và trở thành con người mới. Tất cả đều đang tìm kiếm một thiên đường đã đánh mất. Họ lìa bỏ nhà cửa và những thứ quen thuộc, họ đến đây để tìm một mảnh đất thanh tịnh và để tìm lại bản tánh chất phác tự nhiên của họ. Là những kẻ mơ mộng và là những người lý tưởng, những người này là những người tìm kiếm sự tĩnh lặng và đuổi theo sự tự do và hòa bình tối hậu. Cho tới nay, điều này vẫn đúng thật và người ta vẫn còn đến nước Mỹ vì tự do và vì vườn Ðịa-đàng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tìm được nó. Vì sao? Các bạn có thể nêu lên một lý do là chúng ta đã tìm không đúng chỗ. Nó rất giống câu chuyện trong Kinh Pháp-Hoa về một người đàn ông giàu có nhưng con ông ta lại không thấy thỏa mãn và còn muốn bỏ nhà ra đi . Nhưng trước khi người con ra đi, cha mẹ của cậu ta vì lo sợ rằng con mình sẽ trở thành một kẻ lang thang phiêu bạt, không một đồng xu dính túi, nên đã lén may một viên ngọc như-ý vào trong áo quần của người con. Người con bỏ đi và quả thật, đã trở nên ngèo túng. Nhưng người con không hề biết là một viên ngọc vô giá được may giấu trong áo quần của mình, cho nên cậu ta đã không hưởng được sự ích lợi của viên ngọc như ý này. Người Mỹ rất giống với người con trai của vị phú ông ấy. Chúng ta cứ không thấy vui vẻ, hạnh phúc ở nhà, và cứ bứt rức mong muốn được tự do. Thế nên, chúng ta chạy ra ngoài: đuổi theo tiền tài và mưu cầu "nhiều hơn, tốt hơn, lớn hơn"--xe cộ, nhà cửa, và những thứ cao xa. Tuy thế, tất cả mọi thành quả thế gian làm cho đất nước này trở nên một quốc gia phồn vinh nhất thế giới lại không thể nào sản sinh ra thiên đường được. Sự thành công về mặt vật chất của chúng ta mang lại một chút tự do hoặc an toàn. Chúng ta vẫn cứ mãi bồn chồn và không cội rễ như thuở nào, và có lẽ còn hơn tệ thế nữa so với cách đây 200 năm. Càng khổ công và nôn nóng săn kiếm "viên ngọc" ở bên ngoài bao nhiêu, thì chúng ta lại càng rời xa quê nhà mình bấy nhiêu. "Sai một ly ở bước đầu", thì chúng ta "đi sai một ngàn dặm ở chặng cuối". Vịnh Morro Bay chính là "chặng cuối" theo nhiều phương diện và là một thí dụ điển hình về vấn đề vì sao Ðạo Phật lại đang bắt rễ trên mảnh đất phương Tây này. Virginia, John McKenzie với bốn đứa con ở vùng Morro Bay là một gia đình người Mỹ tiêu biểu. Họ tốt nghiệp Ðại học, lập nghiệp tại South Pasadena, và bắt đầu sống một đời sống tốt đẹp và đầy hứa hẹn. Virginia kể lại rằng: "Nhưng vấn đề không phải ở chỗ có được cái T.V. màu mà là có được bao nhiêu cái T.V. màu; đó mới là điều đáng kể." Nhưng họ vẫn thấy thiếu vắng cái gì đó và những thành công hơn nữa về sau cũng không sửa đổi lại sự thiếu vắng đó được. “Do đó chúng tôi bán mấy cái TV và chiếc Cadillac, mua một chiếc xe có phần sau rộng (station wagon), và dọn lên vùng núi non để ở.”. Họ sống ở đó trong ba năm và học hỏi được rất nhiều. "Tôi học cách để dành những sợi dây thun và cảm thấy như đang học lại lớp mẫu giáo.” Nhưng những đứa con nhỏ cần "trường học và hướng đạo" do đó họ dọn đến thành phố Morro Bay như là một thỏa hiệp – là một thành phố, nhưng không ô nhiễm và điên đảo như thành phố Los Angeles, theo họ nghĩ. Trong thời gian ngắn, các công ty dầu hỏa, các công ty điện lực xây cất những nhà máy khổng lồ. Các "nhà phát triển xây dựng" tràn vào, chia lô và xây dựng, cho đến khi thành phố Morro Bay tăng phồng lên về kích thước và các sự nhức đầu. "Xa lộ từ từ kề cận; và " cộng đồng an vui yên tĩnh" lại có vấn đề ma tuý trầm trọng đến với trẻ em. Chúng tôi rất lo ngại." Virginia nói tiếp: "Con của chúng tôi là những đứa trẻ ngoan, nhưng khi ma túy ngay trong trường học thì..." Gia đình họ McKanzie đọc qua về Vạn-Phật-Thành đăng trong báo thành phố San Francisco, và thấy chúng con lễ lạy. Họ xông xáo vận động ủng hộ và họ "thật vui vì có dịp cho ra." Họ thường gởi cho chúng con xăng, nước và thức ăn. Con giải thích ngắn gọn như thế nào mà Tăng-già là "ruộng phước" như thế nào. Mọi người bố thí qua chúng con chứ không phải cho chúng con. Bố thí là một cách để trồng thiện căn, trưởng dưỡng những điều Phật giáo tiêu biểu: giác ngộ, từ bi, dứt khổ, và trí huệ viên mãn. Virginia bảo: "Rất chí lý, giống như gieo hạt. Tôi không hiểu nhiều. tất cả điều tôi suy nghĩ khi tối cho ra là nơi đó (Vạn-Phật-Thành). Tôi thấy những khuôn mặt hiền hòa, vùng đất an lạc, những toà nhà tốt đẹp và đang được sử dụng. Tôi gởi lên đó để giúp họ phát triển." Bà ra điệu bộ như người trưởng đội cỗ vũ (cheerleader). Về năm giới, Virginia nói: "Ồ! Giữ giới sẽ giúp lấy gánh nặng lớn ra khỏi lưng, có phải không?" Cliff và Vicky, một cặp vợ chồng trẻ, hiện sống trong một khu chung cư phát triển cộng đồng có "tiền mướn mắc" và đông đúc gọi là Bay Wood, ở thành phố Boro Bay. Họ không mấy vui vẻ hay có vẻ ổn định. "Chúng tôi đang tìm kiếm những gì có thể diễn tả được phù hợp với tư tưởng và cảm giác nội tâm của chúng tôi - ở bên trong, bạn có biết không? Sự thành công và các tôn giáo truyền thống không đáp ứng được. Cái đó không phải là 'nhà' cho chúng tôi. Rất nhiều người bàn về Con Đường và về Ðạo, nhưng chúng tôi thực chưa tìm thấy ai chân chánh thực hành," họ giải thích. Khi biết rằng chúng con là một phần của cả một cộng đồng cư sĩ và tu sĩ đang thực hành Phật giáo, Vicky nói: "Tôi không thể xóa đi nụ cười trên khuông mặt mình trong mấy ngày qua vì tôi quá sung sướng." Họ cùng bạn bè mang đồ cúng dường, tham gia buổi tụng tán Quán-Âm chiều chủ nhật, cùng tụng Chú Ðại-Bi. Tuần rồi Cliff lúc đang lái xe về nhà trong một cơn bão dữ dội. Mưa to gió lớn đã đưa xe anh ta từ lằn đường này sang lằn đường khác trên xa lộ; bỗng chợt một đàn chim tránh bão liệng mình trước xe. Cliff bảo: "Tôi nhìn kiếng hậu thấy một con chim lăn cuộn trên xa lộ. Tôi đã đụng nó, tôi biết con chim đang chết dần. Tô cảm thấy mình phải làm cái gì đó để giúp nó. Khi ấy, vì lý do nào đó, không suy nghĩ, tôi niệm "Nam mô Quán-Âm Bồ-tát" khoảng năm hay sáu lần vì tôi nhớ Bồ-tát Quán-Âm luôn cứu giúp khi đau khổ hay bệnh hoạn. Sau đó điều kỳ lạ xảy ra. Ðột nhiên bầu trời trở lại quang đãng, gió dịu lại. Trời nắng lên và an toàn suốt đoạn đường về nhà. "Khi bước chân vào nhà, mặt anh ta ngời sáng và vui vẻ!" Vicky nói. "Tôi biết việc ấy có liên hệ với việc niệm danh hiệu Bồ-tát Quán-Âm, nhưng tôi không biết tại sao, thế nào? Trong đời tôi chưa bao giờ gặp việc như thế, thật lạ quá !" Cliff bảo. Họ xin tất cả bản in của Chú Ðại-Bi do một cư sĩ ở Los Angeles cúng dường. Họ liên tiếp hỏi han, thành tâm tìm hiểu Phật Pháp. "Pháp thân thanh tịnh là gì?" "Chúng tôi có thể bắt đầu đọc từ đâu?" "Bồ-tát là gì?" "Chúng tôi có thể giúp được những gì khác?" "Ai là Phật A-Di-Ðà?" .... Hai con chim ưng cuối cùng trong nước được bảo vệ chu đáo tại địa điểm đặc biệt trong vùng vịnh Morro - một hòn đảo nhô cao giữa vịnh. Tự thành phố là nơi nương náu của các loài chim. Mọi người đều biết rõ họ đang sống sát bờ đại lục. Không còn chỗ để mở rộng hay để chạy thẳng lên đồi thưởng thức cỏ xanh tươi hơn. Là một quốc gia, hiện tại cũng như thế: chúng ta đã hết chỗ để chạy ra ngoài. “Cuộc lẩn tránh vĩ đại", như một sử gia đã gọi việc tự trốn chính mình của chúng ta, đang đến một giới hạn thiên nhiên và về mặt tâm linh chúng ta đã đi sai cả ngàn dặm. Nhưng người Mỹ là những người lạc quan, đầy nhựa sống. Họ không thất vọng. Sống thực tiễn, tự lực cánh sinh, họ lại tự đứng dậy và tránh lỗi lầm xưa. Ðây gọi là sám hối và sửa đổi. Những người chúng con gặp thường không cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi khi chấp nhận rằng họ lạc đường và muốn khởi sự lại cho đúng. Cởi mở và đầy năng lực, nhiều người sẵn sàng rời bỏ “thế giới mới can đảm" để đến "thế giới Hoa-Tạng". Họ sẵn sàng "hồi quang phản chiếu". Nhưng bắt đầu từ đâu? "… nơi đó có ai là người trí, được gặp và nghe Phật mà không tu hành nguyện thanh tịnh và bước đi trên cùng con đường mà Đức Phật đã đi?" Kinh Hoa-Nghiêm-Phẩm Ðao-Lợi Thiên. Sư-Phụ thường nhấn mạnh: "Phải xem Phật Giáo là trách nhiệm của chính mình.” Chỉ có điều này mới quan trọng: mỗi Phật-giáo-đồ phải cố gắng hết mình để buông bỏ cái giả và tìm cái thật. Điều làm cảm động và gây hứng khởi cho người khác là sự thật sự thực - những nguyện thanh tịnh và thực hành. Như chỉ nói suông thì không giá trị. Có rất nhiều người như thầy Hằng-Thật và con nhận thức được rằng chúng con thực chưa chân chánh lo làm phận sự của mình, chúng con chỉ lên toa tàu và đi nhờ miễn phí mà thôi. Chúng con đã xài gần cạn phước báo bằng cách thọ hưởng phước. Giống như người con của ông trưởng giả giàu có, chúng con đã chạy ra ngoài phan duyên và phải khởi sự lại từ đầu. Vạn-Phật-Thành rất quan trọng. Đó là nơi chốn thanh tịnh chúng ta có thể rửa sạch tâm hồn nhơ bẩn và đặt nền móng đức hạnh cho cuộc đời mình. Vạn Phật Thành đại biểu niềm hy vọng cho vô số chúng sanh để họ chấm dứt khổ não và tìm được tự do chân thật. Vạn Phật Thành đang trở thành một biểu tượng, giống như tượng Nữ Thần Tự Do, của cơ hội và nơi nương náu: một cơ hội để hoàn thành cuộc Cách Mạng Độc Lập Thật Sự bằng cách giải thoát tâm địa. Nhiều người chúng con gặp đã chia sẻ niềm xác tín này và họ rất vui mừng về Chánh Pháp và Vạn-Phật-Thành. Thực tế, cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ để dành độc lập chưa hề hoàn tất. Nhiều người Mỹ cảm nhận được ý nghĩa của công việc chưa hoàn tất trong tâm trí họ. Lịch sử và hành vi của chúng ta tiếp tục trở thành một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ để tìm gốc rễ tự nhiên và sự giải thoát tối hậu của chúng ta. Có ai ngờ rằng "bảo châu" được may vào ngay trong vạt áo của chúng ta? Bảo châu là gì? Có phải đó là sự giàu có thịnh vượng của chúng ta không? Không! Bảo châu này là thể tánh sáng ngời của tự tánh thanh tịnh thường trụ, tâm bất biến chân thật của chúng ta. Chúng ta thường cho rằng Phật-giáo rất mới mẻ tại Hoa Kỳ, những điều này không hoàn toàn chính xác. Như viên ngọc bảo châu, Phật-giáo luôn có mặt tại đây. Chúng ta chỉ không biết tìm ở đâu mà thôi. Nay "Mộ-Trung-Tăng," vị tăng trong phần mộ đến nước Mỹ và nhắc nhở chúng ta về bảo châu may trong áo của chúng ta – viên ngọc như ý. Lục-Tổ nói “Chính thân này là đất giác, chính tâm này là Tịnh Độ". Ông Stan, là người gốc ở thành phố Boise, tiểu bang Idaho, tuổi gần 80, về hưu sinh sống với vợ tại vịnh Morro, vẫn mặc áo có in hình, tánh thẳng thắng, đơn giản, chân thật. Ông nói: "Chúng tôi đã đọc báo về quý vị, và về những gì quý vị đang làm tại Bắc Ukiah..." "Ông nói về Vạn Phật Thành à?" "Vâng, đúng rồi. Ồ, những gì tôi muốn nói là đất nước này cần thêm nhiều người như quý vị. Ông Stan đem đồ cúng dường và mời chúng con trú lại nhà ông qua đêm khi còn ở trong vùng này. Con giải thích về những lời nguyện của chúng con không cho phép chúng con làm việc đó, nhưng đó là một sự mời mọc tử tế. "Vâng, rất vinh dự được biết quý vị. Vợ tôi và tôi rất thích thú về việc quý vị đang làm. Ðây là việc sẽ làm cho đất nước vững mạnh. Chúc quý vị may mắn và cảm ơn quý vị!" Mộ Trung Tăng, vị tăng trong phần mộ đến đây không vô ích. Virginia Mckenzie tỏ lòng muốn cám ơn người nào đó. Chúng con bảo bà ta rằng nếu muốn cám ơn thì tốt nhất nên thực hành giáo pháp, và chúng con nói với bà về những chữ phía trên cửa ra vào tại Chùa Kim Sơn Thánh Tự: "Hãy cố gắng hết mình!" "Ồ, đúng rồi, có phải không?" Virginia la lên, "Và nếu bạn làm lầm lỗi, thì hãy cố gắng hết mình để cố gắng làm tốt hơn!" Ðệ tử Quả-Ðình đảnh lễ. Xem đầy đủ tại đây : http://www.dharmasite.net/thuhanhgia.htm

Không có nhận xét nào: