Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Thư Chân Hành Giả 7

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Sư-Phụ từ giám, Con hiện đang đợi xe tại một trạm xăng thuộc vùng Lompoc. Trước mặt con là vùng đồng quê hoang vu, trống trải, không có phố xá ngoại trừ một vài trạm xăng dành cho cuộc hành trình "lạy dặm trường." Do đó, con phải vào thành phố mua đồ phụ tùng và tu bổ lại những chỗ cần thiết để chuẩn bị cho nhiều tuần lễ sắp tới. Thầy Hằng-Thật đang lạy trong cánh đồng cao nguyên trơ trọi, nằm trên những ngọn đồi ngó ra Nhà Tù Liên Bang ở bên ngoài Căn Cứ Không Quân Vandenberg. Ðây là nơi chúng con cắm trại tối qua. Những người thợ máy có lời khuyến cáo và bông đùa về những chặng đường sắp đến, và chúc chúng con được may mắn. Bạch Sư-Phụ, thật là buồn cười, nhưng mới đây trong chuyến hành hương này con khám phá ra rằng càng lúc con càng tự nhiên và thành thật giữ im lặng. Nó chẳng phải là không có ý nghĩ hay sự cảm xúc. Con vui vẻ và no nê, nhưng không phải về những lời đàm luận, chuyện trò. Cho nên thật khó đặt bút, bởi vì đây là một chốn mới mẻ và xa lạ. Các lời trong kinh là những gì con thích nghe và thích lập lại nhất, mà đặc biệt là Kinh Hoa-Nghiêm. Những lời kinh vang vọng trong tâm chúng con suốt ngày và là một phần của sự tĩnh lặng này. Sự huyên náo cùng các âm thanh khác đến rồi đi, nhưng âm vang của lời kinh vẫn cứ tồn tại, trực tiếp nói lên các kinh nghiệm và choàn cảnh của chúng con. Âm thanh của lời kinh đều tự nhiên và hòa lẫn với sự tĩnh lặng của gió, cây. Có một sự khế hợp tinh tế, hài hòa giữa những đạo lý này với tâm chúng con. Khi chúng con đọc các lời trong Kinh điển cho nhau nghe, cả hai khuôn mặt và cặp mắt đều sáng rực, reo lên: "Ồ! Ðúng rồi đó! Nó là như thế đó!" Rồi hai cái đầu cùng gật gù, hai khuôn mặt cùng tươi cười tán thành. Chúng con thường có cảm giác như có thêm một pháp-hữu khác nữa--một pháp-hữu thông thái, không hề nhầm lẫn, hiểu rõ những ý nghĩ và cảm xúc sâu kín nhất của chúng con--đó là Kinh Hoa-Nghiêm! Những gì chúng con trải qua, kinh điển đều giải thích rõ; và những gì được giảng giải trong kinh điển, chúng con đều trải qua. Khi đạt tới một giai đoạn trong sự tu hành mà trước kia cả hai chúng con đều chưa hề biết đến, thì bao giờ tối đến kinh điển cũng soi tỏ, giảng giải và cắt nghĩa về cảnh giới ấy. Thật là bất khả tư nghị! Và, có quá nhiều điều để thâm nhập, tìm hiểu! Hôm thứ ba, khi chúng con lạy ngang qua thành phố nhỏ Vandenberg Village vào lúc mặt trời lặn, thì có một nhóm khoảng ba mươi người xúm lại chung quanh--dòm ngó, bàn tán xôn xao và lấy làm lạ về chúng con. Một cụ già thấp bé bước ra khỏi nhà, kính cẩn tiến đến cúng dường. Với nụ cười hiền hòa và dáng điệu chỉ tay về hướng bắc, ông ta bày tỏ không bằng lời nói: "Hy vọng vật thực này sẽ trợ giúp các ông trên đường đi. Hãy tiếp tục. Chúc các ông được may mắn!" Ðột nhiên nhóm người căng thẳng và bất an đang lặng lẽ quan sát lại tản mác ra. Nhiều phút sau, họ trở lại và hùa nhau mang ra tiền bạc cùng những thực phẩm cúng dường. Già, trẻ, cháu chắt, ông bà, tất cả đều tươi cười, bố thí và chúc phúc cho chúng con. Sức mạnh từ sự bố thí và thâu nhiếp của một người đã chuyển hóa cả nhóm người hầu như đối nghịch thành những kẻ chúc phúc hoan hỷ! Lúc từ trạm xăng trở lại, con thấy thầy Hằng-Thật đang lễ bái trong một cánh đồng trống, lộng gió bên ngoài Highway 520, với khuôn mặt tươi cười và tràn ngập vẻ khinh an (nhẹ nhàng, thanh thản). Khi chúng con im lặng ngồi thọ trai trong chiếc xe Plymouth cũ kỹ--bữa ăn gồm có bánh mì, trái cây, đậu và rau cải--con nhận thấy như chúng con đã tự mình lễ lạy vào một thế giới khác--một nơi trong suốt như lưu ly, thanh tịnh và hỷ duyệt--và chúng con chỉ vừa bắt đầu. Tâm trí con đi đến Chùa Kim-Sơn và một thoáng về Sư-Phụ cùng toàn thể đại chúng. Từng khuôn mặt hiện ra, chen chúc nhau trong chiếc xe, tất cả đều sung mãn pháp hỷ, cùng nhau rời bỏ cõi Ta-Bà bụi bặm. Ðây đích thực là nhà : Thường-trụ Tam-Bảo không nơi chốn hay giới hạn. Một ngày nào đó, những khuôn mặt mà chúng con gặp gỡ trong lúc lễ lạy sau mỗi ba bước--cảnh sát, trẻ con, thợ máy, hươu nai, kiến, người già, kỹ nữ, phóng viên, gió, đá và mây trời--sẽ thành một khuôn mặt. Tất cả sẽ quay về và nương tựa nơi Thường-trụ Tam-Bảo ở ngay trong tự-tánh thật sự của chúng con. Tất cả chúng sanh đều có Phật-tánh. Tất cả đều sẽ thành Phật. Hôm nay là một ngày rất vui! Một người đàn bà chạy băng qua bốn lanes của đường freeway với xe cộ chạy hết tốc lực, bị trợt chân trượt té xuống một lề đường dốc để cúng dường những bánh ngọt do bà tự làm lấy và 5 dollars--khuôn mặt nở đầy nụ cười suốt đường đi. Nhiều an lành trong Ðạo, Ðệ tử Qủa-Ðình (Hằng-Triều) kính cẩn đảnh lễ. ******** Trong chánh điện Chùa Kim Luân sau khi Hòa Thượng khai thị. (tháng 11, 1977) ******** Sai một ly, đi sai ngàn dặm Ngày 21 tháng 1 năm 1978. Sư-Phụ từ giám, Bây giờ, sau lưng chúng con là thành phố San Luis Obispo và khoảng 12 dặm về phía trước là vịnh Morro Bay; và kế đó, không gì khác ngoài những dặm đường dài tít mù quanh co uốn lượn dọc theo bờ biển dẫn đến thành phố San Francisco. Chặng đường San Luis có vẻ đặc biệt và trông giống một cổng thâu tiền xe không có cổng hơn. Nhiều thử thách lớn lao về sự quyết tâm và tâm chuyên nhất. Chúng con biết rất rõ tin là khoá thiền đang tiến hành tại Vạn-Phật-Thành và đều cảm thấy công việc của chúng con tựa hồ như một khóa Thiền ngoài xa lộ. Các khóa Thiền thất phản chiếu sự tu hành của chúng con. Nếu công việc hàng ngày làm cẩu thả thì sẽ thấy ngay trong khi vào thiền thất . Áp lực cho thấy ngay nhựng chỗ rạn nứt và khiếm khuyết. Thay vì thu hoạch, thiền thất lại trở thành tiệm sửa chữa. Lạy trong thành phố cũng giống như vậy. Các tập khí xấu xa thường xem phớt qua hay không rèn luyện đều hiện rõ khi chúng con lễ lạy trong thành phố. Những phương diện giả tạo và che dấu của tâm chúng con đột nhiên hiện rõ dưới ánh đèn pha. Kệ rằng: "Ờ vùng quê, hãy rèn luyện nó, Thử tánh nóng ở thị thành, Vượt qua hay không, vẫn tiến bước Quán bản thể." Khi vị hành-giả thật sự dụng công thì thử thách xảy đến không ngừng, ở cả thôn quê lẫn thành thị. Là đệ tử của Sư-Phụ, chúng con biết rằng: "Mọi việc là thử thách, Xem coi ta làm gì, Ðối trước mà không rõ, Phải đào luyện trở lại." Thầy Hằng-Triều thuật lại thử thách Thầy đối mặt: Nơi công viên quốc gia, Pismo, không một bóng người, Thầy ngước mắt để ngắm xem đôi vòng mống cầu rực rỡ trên nền trời hướng đông trong nhiều giây. Trong chớp mắt, trong đầu hiện đầy những hình ảnh tham dục và tập khí cũ. Ngay chớp mắt đó, thầy "Ngã lăn theo bánh xe." như bài kệ: Thấy việc rõ việc, xuất thế gian, Thấy việc mê việc, đọa trầm luân. Chỉ vì sai lệch chừng một kẽ tóc ngay lúc khởi đầu mà đến phút cuối, Thầy Hằng-Triều đã trật xa cả ngàn dặm và phải luyện lại. Con cũng đối mặt và thất bại trong một cuộc khảo nghiệm tương tự. Trong trường hợp này, nó sai lệch một khoảng cỡ bằng bề ngang của cá voi thì đúng hơn, nhưng kết quả vẫn là sự hồ đồ giống như vậy. Chiều tối nọ, gần Căn cứ Không quân Vandenberg, một chiếc xe van quen thuộc tạt vào đậu ngay trước mặt. Đó là chiếc xe loại Chevy của Chùa Kim Sơn. Không mang kính nhưng con đã nghĩ đó đó là chiếc xe của Chùa. Lúc ấy là thời gian cuối của một ngày dài lễ lạy; bản ngã của con mong muốn một bất cứ sự biện minh nào đó cho sự phóng ra bên ngoài. Tự nghĩ "Thật tuyệt diệu! Một cuộc thăm viếng bất ngờ của gia đình chúng ta." Con phóng chiếu rằng đó là một thầy Tỳ-kheo mang đến kinh điển mới, hay thức ăn, hay có thể là lời nhắn nhủ của Sư-Phụ. Ngay lập tức con có nguyên một cảnh tượng tham lam diễn bày trong đầu óc. "Nghĩ tức cười! Không ai bước ra khỏi xe đó cả. Không biết họ đang đợi gì? Tại sao thầy Hằng-Triều chưa bước qua để đón họ? Ồ! Kệ, hãy lạy cho xong hôm nay rồi nhận phần thưởng sau cũng được. Kìa, cửa xe mở. Ai vậy cà?" "Này bạn, bạn có nhận Chúa Giê-su là đấng cứu rỗi không?" "Ô không! Một người truyền đạo Thiên-Chúa lại trùng hợp lái chiếc xe van Chevy màu xanh lá cây! đó." Hãy trở lại tay lái để đào luyện trở lại. Tiến trình đào luyện cũng giống như công việc hằng ngày tại tu viện. Phải đúng giờ, đừng vội vàng, ăn vừa đủ, chớ tham nhiều, thời thời khắc khắc, nhất tâm nhất ý hành lý Trung-đạo, hàng phục bản ngã mọi lúc. Nếu kiên nhẫn, tinh tấn, thành tâm rèn luyện, thì khi đường phố hiển hiện dưới đầu gối của chúng con là lúc đo được độ cứng và độ bền của kim loại. Những chỗ cứng vượt được thử nghiệm; chỗ yếu phải trở lại lò rèn thêm một vòng nữa. Cũng giống như trong khóa thiền, việc tu hành diễn tiến như bình thường, nhưng có phần nhiều hơn. Với sự tập trung tâm trí vào việc trì tụng và ngồi thiền, kết quả công việc hàng ngày được đưa vào kho (để kiểm điểm). Những cây trơ trụi phải tỉa cành ngắn lại để mọc ra vào mùa tới. Một ví dụ về nội tâm đối thoại khởi lên trong quá trình rèn luyện: "Hàng phục tâm tham danh chưa? Định lực của mình như thế nào khi phóng viên địa phương đến chụp hình 'cắc, cắc, cắc' hàng giờ ? Mình có bị chệch ra khỏi tâm điểm và bắt đầu làm bộ dạng? Lăn theo bánh xe. Về thức thì như thế nào? Vẫn bám víu mùi vị cùng ăn cho no đầy phải không?" Hãy thử xem. Ông bà của Sa di Qủa-Hữu, Bill và Pat đến với một mâm bánh mì nóng hổi vừa làm tại nhà. Tất cả sáu căn đều động cùng một lúc; tâm thì đầy cả mây mù vọng tưởng. Trở lại lò rèn! Nói đi, mình đang tu hành cái g ngoài tâm tham bánh mì bắp nóng? Còn ngủ nghê thì thế nào? Giờ là tám giờ rưỡi tối; đã tụng Kinh Hoa Nghiêm xong; bây giờ mỏi mệt trong từng lằn gân tế bào; tập khí xấu làm mình thiếu kiên nhẫn, lại sắp sửa muốn đắm vào giấc ngủ. Đến giờ ngồi thiền, nhưng để làm gì? Mình sẽ chỉ ngủ gục. Sư-Phụ, con phải làm gì? Con đã tuyệt vọng rồi! Càng đi sâu hơn vào tâm con, con càng quậy ra thêm nhiều bùn nhơ và rác rưởi. Không có hoa sen ở đây, chỉ có bùn lầy. Nghiệp chướng qúa thâm trọng. Được, đi hỏi thầy mình thì không bị sai, dù trường hợp của con là trường hợp tuyệt vọng. Lòng từ bi của Sư-Phụ thâm sâu hơn sự ngu si của con. Con đang tận lực để tự đứng, nhưng đây là thời điểm cần sự giúp đỡ. Trước mặt là quyển Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng, hãy mở ra xem kinh nói gì: "Bậc Sa-môn học Đạo phải giữ lòng bền vững và tinh tấn lướt tới, chẳng sợ cảnh trước, phá diệt bọn ma, chứng được Đạo-quả. .... Liên kết ba sức mạnh của Giới, Định, Huệ với nhau, tất sẽ dứt trừ được những thói hư tật xấu và thói quen giả dối có từ vô thủy. Vô số thói hư tật xấu này được ví như chúng ma ... chớ bỏ dở nửa chừng, và tinh tấn lướt tới, dũng mãnh dấn thân, chỉ có tiến chứ không chịu lùi bước." (1) Thật kỳ lạ! Dường như Sư-Phụ đang ngồi ở ngay đây! Khi ấy, trong tai con nghe có tiếng Sư-Phụ văng vẳng: "Này Quả-Chân, con sâu lười biếng! Sao chưa làm xong công-quả mà lại dám nghĩ tới chuyện ngủ nghê? Con phải lo làm công-quả y hệt như con lo mặc y phục, hay lo ăn cơm vậy. Con có bỏ bữa thọ trai vì quá mệt mỏi không? Chắc chắn là không! Vậy thì, sao con lại không ngồi thiền? Mọi người đều đang nỗ lực dụng công trong kỳ thiền-thất, còn con thì viện cớ gì chứ?" Con ngồi thẳng dậy và bắt tréo chân ngồi kiết-già. Bao nỗi mệt nhọc cùng nghi hoặc trong lòng con tan biến dần như màn sương mù trước ánh nắng ban mai. "Dầu thành hay bại, chúng ta vẫn tiếp tục quán tưởng về thực-thể." Ai dám hoài nghi việc thân cận bậc Thiện-tri-thức là tất cả (một trăm phần trăm) của Ðạo? Vịnh Morro Bay - cách 13 dặm. Monterey - cách 135 dặm. San Francisco - cách 249 dặm. Vạn Phật Thành - cách chỉ một niệm.   Ðệ tử Quả Chân (Hằng Thật) kính cẩn đảnh lễ.   Ghi chú: (1) Kinh Bốn Mươi Hai Chương Lược Giảng - Chương thứ 33. ******** Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng Tháng 1 năm 1978. Sư-Phụ từ giám, Tháng 1 năm 1978. Sư-Phụ từ giám, Chủ-nhật, 3 giờ 45 sáng: Thức dậy làm lễ công-phu khuya, trườn người lấy áo ấm mặc vào để tránh cái lạnh ban mai. Xa lộ còn vắng vẻ và yên tĩnh, chỉ có tiếng trăng và tiếng róc rách êm tai của dòng suối nhỏ trước khi chúng con bắt đầu với Chú Lăng-Nghiêm. Từ 5 giờ đến 6 giờ 30 sáng: Chúng con chép và xem kinh điển, đổ dầu đầy cây đèn dầu. Ngồi thiền. Từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng: Tập Thái-cực quyền--con trợt chân và trượt té trên những trái cây khuynh diệp. 7 giờ 15 sáng: Lái xe đến điểm lạy trên đường đèo trong núi Santa Lucia Mts. Gió thổi nhè nhẹ, lạnh và trong lành. Mặt trời đang nhô lên trên rặng núi. 8 giờ sáng: Bốn đệ tử tại gia từ Los Angeles ra gặp, họ mặc đồ ấm dày và sẵn sàng để lạy. 9:00: Một thanh niên tên Richard, thầm lặng tham gia lễ lạy ngang qua cổng nhà tù tiểu bang bên ngoải thành phố San Luis Obispo. "Tôi vừa thấy quý vi, cảm nhận quý vị rất thành tâm và cảm nhận được mối quan hệ nên tôi quyết định tham gia, có được không?" Anh Richard cũng cho biết rằng đã có tập chút ít Thái-cực quyền, Yoga, thiền tập. "Và việc lễ lạy này trông thấy và cảm nhận đều giống nhau". Anh ta cúng dường rồi rời khỏi lúc 10 giờ để trở về đi làm. Anh là người làm vườn; dự định đến Vạn-Phật-Thành trong mùa xuân này khi được một tháng nghỉ hè. 10:30: Ngừng lạy, hồi hướng công đức; lái xe ra khỏi xa lộ đến cánh đồng trống thọ trai. 10:45: Hết xăng (xe không có đồng hồ đo xăng). 11:00-11:30: Ngồi thiền. 11:30-12:30: Cúng ngọ, thọ trai. Ðang thọ trai bỗng có một người từ xa đi lại chắp tay, vái và cung kính cúng dường một bọc trái cây cùng một số cành hoa hồng đỏ. 1:00-2:00: Tụng tán Quán-Âm, tụng Chú Ðại-Bi, Kinh Hoa-Nghiêm--phẩm Ðao-Lợi (thầy Hằng-Thật dịch). 2:00-6:00: Lễ lạy. Trên đường trở về chỗ lạy, con nhập trong định "Vọng-tưởng" về việc làm thế nào để đem thưc phẩm cúng dường còn dư về Vạn-Phật-Thành. Chợt thấy một con rùa đang ngước cổ ngay giữa xa lộ; có vẻ hoang mang . Lúc đó con thức tỉnh, suy nghĩ muốn cứu nó, nhưng chúng con đã chạy quá xa. Phải quay xe trở lại. Chúng con trở lại chỉ vừa đúng lúc để nghe thấy con rùa bị dập nát tung tóe bên dưới bánh xe của một chiếc xe Cadillac. Chúng con cảm thấy sinh mạng con rùa chấm dứt ngay trong tâm can mình. Đây là một bài học lớn lao: "Ban đầu sai một ly, cuối cùng sai ngàn dặm." Nếu con thuận theo duyên, không để thân nơi này, tâm nơi kia, thì chắc con đã quyết ngừng xe lại ngay khi vừa trông thấy nó mắc kẹt giữa đường. Thay vào đó, cơn "định" vọng tưởng về thực phẩm của con khiến con xa rời vài giây và chính điều này đã làm sự việc hoàn toàn khác. Trong giới Bồ-tát nói rằng Bồ-tát phải giải thoát và cứu giúp chúng-sanh. Bài học là: "Phạm giới khởi nguyên từ vọng tưởng và tạo ra bao hoạn nạn khổ đau." 3:00 pm: Một ông băng ngang xa lộ đầy xe lưu thông để cúng dường, ông ta nói: "Tôi chưa bao giờ biết đến một nơi như thế (Vạn-Phật-Thành) hiện hữu tại Cali này. Tôi muốn giúp." 4:00 pm: Một bà ngừng xe trước cổng nhà tù liên bang tiến đến: "Các ngài có nhận thứ này không?" Vừa hỏi vừa chìa tay ra một xấp tiền tem phiếu (1), "Va khi tụng kinh, nhớ cầu nguyện giùm chồng tôi. Ông ta đang ở trong đó.", bà chỉ tay về phía nhà tù. "Cầu Chúa ban phước lành cho các ngài." 5:30 pm: "Về nhà, lũ đầu trọc!" một chiếc xe lướt qua. 5:40 pm: Một ông bước đến từ nơi bờ rìa xa lộ nhỏ hẹp, gần như bị trượt té, nhưng vẫn tới, đưa tiền cúng dường cho con, nói rằng: "Khi tâm sùng kính, thì ngay cả răng chó cũng phát ra ánh sáng." Ông ta quay mình và bỏ đi. 6:00 pm: Chung con hồi hướng công đức, lạy Tam-Bảo và Sư-Phụ. 6:30-7:30: Ngồi thiền. 7:30-9:00: Tụng Kinh A-Di-Ðà cùng các bài tán. Dịch Kinh Hoa-Nghiêm. 9:30-10:30: Con tập thể dụcc võ Thiếu-Lâm, sau đó đứng thiền bên ngoài để tỉnh ngủ và xua đuổi cơn lạnh. 10:30-11:15: Tụng chú, lạy chư Tổ. 11:15-12:30: Ðọc nguyệt san Kim-Cang Bồ-Ðề Hải và ngồi thiền. 12:30: Thổi tắt đèn dầu, nghe tiếng chim cú cô độc kêu "ai, ai" (2), và ngủ thiếp. Ðệ tử Quả Ðình đảnh lễ.   Ghi chú: (1): Foodstamps: loại phiếu mua thức ăn do chính phủ phát hành để giúp những người có lợi tức thấp. (2): Tiếng chim cú kêu gần giống tiếng Anh là "who, who", có nghĩa là "ai, ai", là đề mục tham thoại đầu lúc tham thiền (thường tham cứu "ai, ai" - "Ai đang niệm Phật?"). ********

Không có nhận xét nào: