Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Thư Chân Hành Giả 6

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Sư Phụ từ giám, Sáng chủ-nhật, khi đang lạy, con chợt thấy một cảnh tượng là mọi người ở Chùa Kim-Sơn đều đang có cơ hội tự thực hành hạnh lạy một lạy sau mỗi ba bước. Tại gia cũng như xuất gia, tất cả đều theo cái Pháp đặc biệt "tận hư không" của riêng chúng con. Vẻ mặt cùng sự hiện diện của mỗi người đều rạng rỡ và điềm tĩnh. Những gương mặt hân hoan dường ấy! Không một khuôn mặt nào lộ vẻ băn khoăn, nghi ngờ; mỗi mỗi đều dịu dàng, chân thành, rực sáng niềm vui! Thật là đặc biệt! Tuy mỗi người đều khác biệt nhau, song tất cả đều phản ảnh sự thanh tịnh và chân thật như nhau. Có một sự gắn bó mật thiết; một đại gia đình Pháp-hữu soi chiếu lẫn nhau. Và rồi, thứ hai, ngày mốt, ai sẽ đến nữa? Sư-Phụ cùng tứ chúng! Con muốn ôm chầm lấy mọi người và tặng họ một vài thứ gì đó. Vài giọt lệ rơi vào tô mì sợi khi con mãi nhìn các gương mặt vây quanh; rồi lòng tốt được san sẻ và chói ngời khi mọi người cùng ngồi dưới những tàng cây khuynh diệp, nơi mà vài phút trước đây đối với chúng con chỉ là một trạm dừng chân tạm nghỉ mà thôi. Tỳ-kheo-ni Hằng-Âm nhón chân đẽo khắc và ghi dấu kỷ niệm buổi họp mặt hôm nay bằng con dao Thụy Sỹ trên một thân cây khuynh diệp to lớn, trong khi một du khách tên Malcolm với dĩa thức ăn chưa được đụng đến đặt trên đùi đang ngạc nhiên trố mắt nhìn. Malcolm đã mang một trái dưa đến chia xẻ với hai tăng-sĩ trong một buổi thọ trai tịch lặng, và sau đó mọi người quen nhau. Với lòng từ bi quảng đại và khó cưỡng lại, Sư-Phụ ra hiệu mời anh ta cùng đến tham dự. Con thấy mình giống Malcolm một chút: không thốt nên lời và bị choáng ngợp bởi oai đức trang nghiêm của đại chúng. Mọi người ra về cũng lẹ làng như khi đến. Sư-Phụ nói: "Không có vấn đề gì cả!" Một đám mây trắng lớn có hình dạng như con rồng dài chừng một dặm lơ lửng hàng giờ trên bầu trời đáng lẽ không có mây. Nỗi hân hoan và thư thái mà Sư Phụ mang lại cho nội tâm cùng công việc của chúng con, sẽ sống với chúng con qua nhiều dặm đường lễ bái. Nhưng lại có việc còn kỳ diệu hơn nữa. Sư Phụ biết đích xác đoạn kinh văn trong bộ Kinh Lục-Tổ mà chúng con vừa xem đúng vào buổi sáng hôm ấy. Những lời bình phẩm, ám chỉ của Sư-Phụ về đoạn kinh văn ấy chỉ thẳng ngay trước mũi! Không những thế, Sư-Phụ còn biết được những ý tuởng thầm kín và những vấn đề rắc rối trong tâm con trong mấy ngày qua. Con chưa bao giờ nói với ai, ngay cả với thầy Hằng-Thật. Sư-Phụ cười và hỏi: "Vậy thì làm thế nào mà Sư-Phụ biết được?" Và thầy Hằng-Thật cũng gặp trường hợp tương tự. Sau khi mọi người rời khỏi, chúng con trở lại như những đứa bé mười tuổi, tươi cười và chuẩn bị đối mặt với những thử thách mới trên xa lộ Ngày Lễ Lao Động. "Nguyện cho tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đi đến Toàn Giác. Tôi hy vọng thế. Tôi ước ao như thế."(1). Chúc tất cả được nhiều an lành trên đường Ðạo. Ðệ tử Qủa Ðình (Hằng Triều) kính cẩn đảnh lễ. Chú thích: (1) Lời trong bản nhạc "Study Buddhism": Hoà Thượng viết lời, Sư Cô Hằng Âm phổ nhạc (trong Kinh Nhật Tụng của Vạn Phật Thánh Thành).   ********** Những cư sĩ thường đến chỗ lễ bái, mang theo thực phẩm và sự khích lệ. (Mùa thu, 1977)   ************* Hai "tu sĩ" hành hung một thiếu niên Ngày 16 tháng 6 năm 1977. Sư-Phụ từ giám, Chúng con hiện ở cách Malibu ba dặm và đang lạy dọc theo những rãnh nước và những lối xe chạy của Xa Lộ Ven Biển Thái Bình Dương (Pacific Coast Highway). Qủa-Shih và Woo Quả-Hương sẽ đến đây vào Chủ-nhật này với chiếc xe đẩy nhỏ mà chúng con đã đậu ở Chùa Kim-Luân, và họ sẽ lái chiếc xe van màu xanh lá cây về lại South Pasadena. Vùng ngoại thành Malibu trông giống như chốn thôn quê mở rộng và chúng con có thể sẽ tìm được những địa điểm để dựng lều cắm trại lúc về đêm. Bấy giờ, hương vị của cuộc hành trình sẽ thay đổi--không còn "nhảy cừu (leap-frogging)" băng qua traffic tới một khoảng trống đậu xe, và rồi đi bộ trở về nơi khởi điểm để lại bắt đầu lễ lạy. Nhưng để vượt qua những chặng đông dân cư trong cuộc hành trình, vượt qua Los Angeles, thì xe van là phương tiện duy nhất để di chuyển. Hiện tại, chúng con đang lạy trên con đường thênh thang với xe cộ vù vù lướt qua, chân lý của câu cách-ngôn: "Hễ đến được núi, tất có đường lên," thật là rõ ràng. Cái gì dưới con mắt của các tăng-sĩ và khách bộ hành như là một chặng đường hoàn toàn không vượt qua được, thì dường như nhìn từ đầu gối lại rất khác biệt . Chỗ trống để lạy luôn luôn hiện ra trước mắt chúng con một cách tự nhiên và không tốn công sức. Thật rất đáng ngạc nhiên. Có nhiều người tiến đến và hỏi: "Các ông đã lạy xuyên qua đó thật ư? Ở đâu?" Con hy vọng là khi chúng con gặp các xa lộ cao tốc thì chúng cũng giống như vậy. Phật-tử Chùa Kim-Sơn từng được tiếng tốt với giới chức luật pháp--vì là những công dân biết sống hòa thuận, tôn trọng luật pháp, tuân theo luật lệ. Tuần vừa qua, tại Topanga, không cách xa đây lắm, đã xảy ra một vụ phạm pháp tệ hại: Có hai người đàn ông trẻ tuổi mặc áo tràng, đầu cạo nhẵn, được mô tả là rất giống chúng con, đã hành hung một nam thiếu niên 16 tuổi và dí dao vào người đứa bé ấy cả một tiếng đồng hồ. Hai nhân viên cảnh-sát Los Angeles đã chận chúng con lại, khám xét chúng con, và làm một loạt kiểm tra đối chiếu với các lệnh truy nã, thẻ căn cước (I.D.), vân vân.... Khi họ khẳng định rằng chúng con không phải là những kẻ mà họ đang truy lùng, họ mới dịu đi bớt (họ nói là họ nghĩ rằng hung thủ là người thuộc phái Hare Krishnas) và hỏi thêm đôi chút về cuộc hành trình của chúng con. Các viên chức cảnh sát đều có khả năng và họ ra đi sau khi chúc chúng con may mắn. Ba ngày sau (chiều qua), một đoàn gồm bốn chiếc xe tuần tiễu của cảnh-sát và một chiếc quân-nhu bao vây chúng con một cách bất ngờ. Không biết họ từ đâu hiện ra, mà tụ lại đông đảo như bươm đêm nhung nhúc chung quanh bóng đèn. Nhóm này không biết là đã có nhóm khác đến khám xét trước rồi, nên hầm hừ, thận trọng tiến đến hỏi: "Các ông có mang theo dao gì trong người hay không?" Thầy Hằng-Triều trả lời: "Chúng tôi không được phép mang theo vũ khí, vì như thế là trái với luật lệ." "Ồ! Các ông là Phật-tử hay là người theo phái Krishnas?" "Chúng tôi là Phật-tử!" "Ồ! Vâng, thì ra là các ông. Okay. Không có gì cả. Này, các ông lạy như thế suốt ngày phải không?" Thầy Hằng-Triều đáp: "Phải. Chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, rồi cầu nguyện, ngồi thiền, và đi lạy cho đến 10 giờ tối. Chúng tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm chay mà thôi." Có tiếng huýt gió thán phục, những nụ cười toe toét và những cái lắc đầu nhè nhẹ từ phía các cảnh sát viên: "Ồ! Mỗi ngày chỉ một bữa ăn duy nhất? Thôi được, hẹn gặp lại các ông sau. Hãy coi chừng xe cộ. Chúc các ông được may mắn!" Bạch Sư-Phụ, chuyến viếng thăm Chùa Kim-Luân của Sư-Phụ đã đem lại cho chúng con một nguồn khích lệ vô hạn và đã điều chỉnh công việc của chúng con theo những đường hướng kỳ diệu. Ðược tận mắt nhìn thấy Sư-Phụ với tấm lòng bao dung, không ích kỷ, đầy đạo đức, và từ bi đã mang lại cho chúng con một niềm hoan hỷ lớn lao. Tại Chùa Kim-Sơn, thật dễ dàng để nương tựa vào sự hiện diện thường xuyên và đức hạnh mẫu mực hằng ngày của Sư-Phụ. Xa Chùa Kim-Sơn, trên đường phố này, va chạm với mọi tầng lớp từ khắp mọi nơi, chúng con càng nhớ và càng cảm kích phong cách cao thượng, biện tài vô ngại, khả năng biết rõ bản tánh chúng sanh và thông hiểu được nhân duyên cũng như căn cơ kẻ khác của Sư-Phụ. Ðiều kỳ lạ nhất ở bậc Thánh-nhân là sức mạnh của nước: nó không bao giờ tranh chấp dù ở bất cứ thời điểm nào. Nó nhường nhịn, giữ lấy chỗ dưới chót, chỗ thấp kém nhất, tùy thuận theo mọi nhân duyên mà không hề tranh chấp. Nói thì rất dễ, làm thì lại quá khó, và được chứng kiến là đáng kinh ngạc nhất. Con nhận ra mình đang hỏi chính mình: "Sư-Phụ sẽ đối phó ra sao nếu gặp phải hoàn cảnh như thế này?" Câu trả lời là: "Ðừng sanh vọng tưởng. Không hề chi! Con định làm gì? Con không thể dựa vào Sư-Phụ cả đời được. Hãy tự đứng dậy! Hãy sử dụng trí huệ của riêng con! Hãy tùy duyên mà bất biến! Hãy hồi quang phản chiếu, hãy nhẫn nhục và 'đừng nóng giận, Ta-bà-ha.' Hãy nhu nhuyễn như nước. Tánh mềm dịu thắng được tánh cứng rắn. Con có viết một bài văn cảm ứng và trong đó có đoạn như sau: "Con có đạt cảm ứng gì chưa? Không, không có gì huyền diệu. Con là một kẻ sơ cơ quá mới mẻ với quá nhiều nghiệp chướng nợ nần cần phải trả; nhưng mặt khác, con đã từng đạt được sự cảm ứng ngay trong pháp thế gian. Con thấy rõ nền tảng tu hành cùng mục đích đời mình. Ðây là một sự cảm ứng. Con không biết cách bay ngay cả cách chạy. Con chưa biết cách đi như thế nào, nhưng con đang thực hành lễ bái; và chắc chắn, dần dà, dưới sự dẫn dắt nhẫn nại và từ bi của vị Thiện-tri-thức, sẽ có ngày con biết được cách làm thế nào để tự đứng dậy, cũng như làm thế nào để ủng hộ Phật-giáo (1)." Viết vội trong lúc đợi một case tiêu chảy nữa vào một buổi trưa rất nóng nực: Ba Bước Một Lạy/Tu Hành Tại Kim-Sơn Tự Là: Không nói chuyện, không uống rựợu, chỉ tụng kinh. Không nhìn đó đây, không hút thuốc, chỉ tự xấu hổ. Không đùa giỡn, không đặt lưng nằm xuống, chỉ tự phản tỉnh. Không nhìn ngắm, không giải đãi, chỉ nghĩ đến kẻ khác. Không nghe ngóng, không trốn tránh. Không có tự ngã (no self).   Ðệ tử Hằng Thật kính lạy   Chú thích: (1) Thừa truyền mạch Pháp, vị giáo tăng quang. ******* Suýt chết trên Xa Lộ số 1 Ngày 16 tháng 11 năm 1977. Sư Phụ từ giám, Lắm khi, tu hành Bồ-tát đạo lại rất "có thể nghĩ bàn". Chúng con nghỉ chân nơi bãi cát có cây sồi um tùm và cỏ cháy khô cằn. Trên ngọn đồi, ở về hướng tây là Nhà Tù Liên Bang Lompoc, và nằm về phía bắc là Căn Cứ Không Quân Vandenberg. Khó mà hình dung ra được một phong cảnh của tháng mười một âm u, mây mù ảm đạm. Chúng con vừa hoàn tất việc lễ lạy trong ngày và cơn gió lướt qua đỉnh đồi từ ban trưa bây giờ thổi ngược trở lại. Con thắp đèn dầu để viết những dòng chữ này về những gì xảy đến cho con lúc nãy ngay khi mặt trời lặn, ráng đỏ và có gió thổi mạnh. Công việc của Bồ-tát thì không bao giờ xong cả; việc tu hành không phải là ngày ngày từ chín giờ sáng tới năm giờ chiều. Không phải ngày đi làm là thứ hai đến thứ sáu, cũng không có hưu bổng lúc 65 tuổi. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng chúng-sanh thì vô lượng vô biên, không cùng tận, song bậc Bồ-tát phát nguyện cứu độ hết thảy. Cho nên, công việc của Ngài không hề ngừng dứt. Bồ-tát cũng tự độ lấy chính Ngài; và nhờ y theo Chánh-Pháp tu hành, Ngài chứng đắc được trí huệ, lòng từ bi cùng các năng lực thiện xảo. Trí huệ này giúp Ngài nhập vào giữa chốn thế gian dày dạn, bùn lầy mà làm việc để cứu độ chúng-sanh ngay tại nơi họ đang sinh sống và chịu nhiều đau khổ nhất. Tuy nhiên, bậc Bồ tát đã phá vỡ, xả bỏ hết mọi ngã chấp. Ngài không còn lòng tham dục, cho nên, những việc mà Ngài làm vì người khác đem lại cho Ngài nhiều an lạc và toại ý hơn là một đời sống với các trò tiêu khiển cùng các thú vui hưởng thụ ích kỷ. Bồ-tát nghỉ ngơi ngay trong công việc và làm việc trong lúc nghỉ ngơi. Cuộc sống là công việc và công việc là phúc lạc--một trạng thái kỳ diệu thật sự của nội tâm. Con vừa viết đến đây thì nghe có tiếng ai gõ vào cửa xe và một giọng nói vội vã vang lên trong bóng đêm: "Này, xe chúng tôi bị lún cát, quý ông có thể giúp kéo lên không?" Thầy Hằng-Triều không chút do dự, bước ngay ra ngoài cửa, và thấy hai thanh niên thần thái bất an. Thầy nói: "Ðược, chúng tôi sẽ đến ngay!" Chúng con thu xếp đèn nến và thiền cụ lại, rồi lái xe băng trên cát để lôi một chiếc pickup truck lên đường lộ. Việc trì tụng Chú Ðại-Bi vào những lúc không lạy hay tụng kinh đã thành tự động với chúng con. Chính thần lực của Chú Ðại-Bi đã nhấc bổng chiếc xe vận tải nhỏ ấy lên dễ dàng và chiếc Plymouth của chúng con cũng góp thêm sức mạnh cứng cáp vào đó. Chúng con băng qua ánh đèn pha trở lại xe mình. Người đàn ông đã thấy nhẹ nhõm đi nhiều, nói với chúng con: "Xin cảm ơn các bạn. Các bạn thực là vị cứu tinh của tôi!" Thầy Hằng-Triều đáp: "Không có chi!" Việc nhỏ và thành tựu dễ dàng, nhưng nó đã tiếp thêm niềm vui và ánh sáng cho vùng duyên hải California hiu quạnh này. Vào những lần khác, những sự kiện xảy ra trong khi tu Ðạo thì quả thật không thể nghĩ bàn. Chúng ta nhìn thấy được rất ít của những gì đang thật sự đang xảy ra trên thế gian đằng sau bề mặt của tri giác. Chúng ta chỉ chắp nối, vá víu những mảnh nhỏ và các tiếng dội của hiện thực lại với nhau. Chiều thứ sáu đang lạy đột nhiên con cảm thấy như có sự hiện diện của Sư-Phụ ngay trong tâm mình. Ngài ngồi kiết-già, có vẻ đang niệm chú, và ảnh tượng này làm tâm con lắng dịu sâu xa. Ðột nhiên, con nghe tiếng xe thắng rít và một đám khói đen lớn bốc lên ở khoảng 50 thước về phía trước. Sau này thầy Hằng-Triều mô tả lại bối cảnh: "Rõ ràng là một người lái xe đã ngủ gật ngay trước tay lái nên đã lái chệch khỏi đường lộ. Chiếc xe ấy phóng lên giốc đá cao sáu bộ anh (feet) rồi quẹo, vẫn chạy hết tốc độ, và lao thẳng xuống hai chiếc xe hơi cùng một chiếc vận tải đang chen chúc ở những đường lanes bên dưới. Không hiểu sao chiếc xe ấy lại len vào giữa một chiếc van và một chiếc vận tải, tránh được cả hai xe trong đường tơ kẽ tóc và tiếp tục lao xuống đường lộ, để lại mấy người lái xe mặt mày thất sắc, tay chân bủn rủn, nhưng vui mừng được sống sót. Nếu mấy chiếc xe này đụng nhau thì chúng ta hẳn sẽ ở ngay chính giữa chỗ xảy ra tai nạn--Diêm-Vương sẽ có một ngày bận rộn đón tiếp những linh hồn mới đến từ Xa Lộ 1!". Kỳ diệu hơn nữa, ngay sau khi sự việc này chấm dứt thì hình ảnh của Sư-Phụ trong tâm con cũng từ từ mờ nhạt đi rồi mất hẳn. Cái gì thật sự liên quan? Ai đã cứu những sinh mạng này từ một khoảng cách chừng 400 dặm một cách vô hình và người ấy cũng chẳng trông đợi một lời cảm tạ hay bất cứ một sự ghi nhận về công lao nào cả? Con không hoài nghi gì cả rằng chính sự thị hiện đúng lúc của Sư-Phụ đã ngăn cản vụ đụng xe trên đường. Chứng minh ư? Không có cách nào giải thích được làm thế nào một chiếc xe đang chạy rơi xuống lại chen sít sao vào lại đường lộ. Đã bao nhiêu lần rồi những việc tương tự như thế này đã từng xảy ra trong đời nhiều đệ tử : những lần vừa kịp thoát chết, khi Bồ-tát Quán-Thế-Âm hiện ra trước mặt mọi người trong khoảnh khắc nguy hiểm rồi lại biến mất lúc tất cả đã được an toàn? Khi chúng con nỗ lực làm cho tâm mình thành một nơi thanh tịnh, con thấy mình luôn quay về căn bản. Như điều đầu tiên mà một Phật-tử sơ cơ phải học là chắp tay với lòng thành kính chẳng hạn. Chắp tay biểu hiện sự nhất tâm. Vì việc dụng công tu hành vốn đặt trên đất tâm, cho nên sự nhất tâm là trọng yếu nhất. Con nhận thấy cái ấn chắp tay của mình từ từ cẩu thả, có các khe hở giữa các ngón tay và ngón cái. Tuần trước, lúc đứng cạnh Sư-Phụ trước khi Ngài thuyết pháp ở Kim-Luân tự, con chăm chú ngắm nhìn Sư-Phụ lễ Phật. Con thấy lòng xúc động sâu xa. Khi Sư-Phụ chắp tay lại, Ngài triệt để quy vào sự lễ bái--một sự hoàn hảo chỉ có được khi tâm niệm quy nhất. Con cố gắng áp dụng lối chắp tay mới mẻ, hoàn hảo trong lúc lễ lạy và sự để tâm vào hình thức bên ngoài quả đã khiến cho nội tâm con lắng dịu. Những vọng tưởng cũng dễ trừ khử hơn khi hai bàn tay con chắp lại khít khao, không còn khoảng cách hay có kẽ hở. Hãy quay về căn bản. Ðược mục kích sự lễ lạy của Sư-Phụ là một bài học về tánh khiêm tốn, một thứ lương dược đối trị ngã mạn và cũng là một mẫu mực cho chư thiên cùng nhân loại. Sự lễ lạy của Sư-Phụ là một sự chuyển hóa mầu nhiệm toàn bộ: khi Sư-Phụ lạy, Ngài biến mất. Tình trạng hoàn toàn không có tự ngã của Sư-Phụ thể hiện rõ rệt, chừng như Sư-Phụ đã khế hợp, trở thành một thể với chư Phật mà Ngài đang đảnh lễ vậy. Con không biết được cảnh giới của Sư-Phụ khi Ngài cúi lạy hay trong những trường hợp khác, nhưng có cái gì đó rất thanh tịnh và đặc biệt đã xảy ra lúc Ngài lễ Phật. Chỉ là đảnh lễ. Dường như không có người lễ lạy và cũng chẳng có người để đảnh lễ, đó chẳng qua chỉ là một sự kính cẩn thâm sâu và đơn thuần; kỳ diệu khi được nhìn thấy. Trở về đường lộ, con học lại từ đầu để lạy cho đúng đắn. Hết lòng hạ bản ngã thấp xuống mặt đất với tâm chí luôn tưởng đến Thường-Trụ Tam-Bảo, rồi đứng dậy và chắp hai tay lại với một sự nhất tâm trên suốt quãng đường tìm đến Vạn-Phật-Thành.   Ðệ tử Quả-Chân (Hằng Thật) kính cẩn đảnh lễ.

Không có nhận xét nào: