Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Thư Chân Hành Giả 5

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. ọng Tưởng Gây Ðau Ðớn Sáng nay (ngày 7 tháng 6), khi lạy dọc theo Pacific Coast Highway, con bắt đầu vọng tưởng về một lá thư mà con cần phải viết. Ðột nhiên con thấy nhức đầu dữ dội--tưởng chừng như có một cái đinh điện đang xoáy vào đầu vậy. Lập tức, con niệm Phật và cơn đau biến mất trong vòng 30 giây. Tại Kim-Sơn tự, trước kia cũng xảy ra tương tự như vậy ngay trước bàn thờ Quán-Âm. Cơn đau như một lằn sét đánh và hầu như đã hạ gục con. Sự buốt nhói dần dần lắng dịu xuống khi con bắt đầu niệm Phật. Dường như lúc bên ngoài tĩnh lặng nhất, thì bên trong lại ồn ào đến điếc tai. Lạy dọc theo công viên ven biển lặng yên, sương mù mờ mịt này tưởng chừng như dễ tập trung tư tưởng lắm. Nhưng bởi một vài nguyên do nào ngờ đó, cái tâm điên cuồng của con lại chạy quay tán loạn, tốc độ thật mau: cố nhớ tên những người bạn cũ, những thức ăn thú vị, những chuyến du lịch thuở xưa, gia đình con. Một số vọng tưởng là "thiện," một số vọng tưởng là "ác". Có vẻ chẳng thành vấn đề gì cả. Ðiểm chính là chúng đến và đến mãi như những làn sóng nhấp nhô vỗ về bãi biển dưới kia. Chuyển động liên tục: biển cả và tâm trí con. Con không thể tưởng tượng nổi là con có thể thực sự ngăn chặn được "cái tâm điên cuồng". "Kiên nhẫn, kiên nhẫn, phải kiên nhẫn!" Ngay tại điểm này, con cảm thấy được là nó muốn vụt trào ra. Khí lực và sự căng thẳng chồng chất, và nếu con không chú ý kỹ thì sự giận dữ sẽ bùng nổ, hoặc mắt con sẽ bắt đầu đắm vào ngoại cảnh, tai con sẽ để ý và bám theo âm thanh, con cảm thấy bực bội và mất kiên nhẫn--"lửa nổi lên", và nếu con cẩu thả, vụng về thì nhiều nghiệp xấu sẽ chuyển vận thêm. Lắm khi lạy ngang qua những băng đảng phá phách hay những nhóm thợ xây cất hằn học mà còn dễ chịu hơn là lạy qua một công viên yên tĩnh! Nguy biến bên ngoài bắt buộc bên trong phải hoàn toàn chú tâm: bên ngoài êm dịu dễ chịu thì bên trong lại tự do giải đãi, tán loạn. Ðệ tử Quả-Ðình kính lạy. * * * * * * Có vẻ "ngu đần" trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường Thứ bảy, ngày 11 tháng 6 năm 1977. Sư-Phụ từ giám, Lạy ngang qua lề đường đầy dẫy những dầu, mỡ, mảnh chai lọ bể và ghét bẩn của nhựa đường làm lem luốc cả áo tràng lẫn y cà-sa...tăng y đầy dầu. Tại bãi biển. Từ đàng sau vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ: "Này, bộ các ông không tự thấy mắc cở sao?" Chúng con vẫn cứ lạy. Lại nữa: "Này, các ông đang làm gì thế?" Con trả lời: "Chúng tôi là những tu-sĩ Phật-giáo. Chúng tôi đang cầu nguyện. Ông đang làm gì?" Ông ta đáp lại không chút do dự: "Ngóng đợi các ông thành những kẻ ngu đần." Nhìn sang bên tay trái, con thấy có hàng loạt người mặc đồ tắm đang chơi bóng chuyền, tắm nắng, bơi lội, lướt sóng, chèo thuyền, ăn uống--hưởng thú vui chiều thứ bảy trên bãi biển. Ðôi khi con có vẻ rất "ngu đần" đối với chính mình. Nướng mình dưới cái nắng cháy người này trong chiếc áo tràng đời nhà Ðường, phủi miểng chai cùng cát sạn dính ở tay và trán..., ngay lúc này, con thấy mặt nước kia trông thật quyến rủ. Dầu sao, con cũng đã hưởng qua những thú vui tắm biển và phơi nắng đó rồi, cho nên con sẽ tiếp tục công việc tu hành này nhiều hơn. Song le, mặt biển vẫn có vẻ như mời mọc và chúng con trông vẫn "ngu đần". Ngay đó, con sực nhớ lại lời nguyện của mình và tâm trí con đã sáng suốt, an lạc như thế nào khi phát nguyện; và đột nhiên việc lễ lạy và sạn sỏi và miểng chai đều cảm thấy như đang ở tại nhà. Chưa bao giờ vui sướng hơn, không bao giờ có vẻ "ngu đần" nữa. Kinh Hoa-Nghiêm dạy: "Tất cả niềm vui trên thế gian này đều là đau khổ." Chúng con tìm được phản đề cũng xác thực như vậy: "Tất cả nỗi đau khổ trong khi tu hành đều là nguồn vui." Ðệ tử Hằng Triều kính cẩn đảnh lễ ******* Một bài thực tập khác về hạnh "quên mình vì người" Ngày Lễ Lao-động cuối tuần. Kính bạch Sư Phụ, "Bồ tát, thiên, long đến không vui, Tà ma, ngoại đạo tới chẳng buồn." Lắm khi thật khó mà kiềm chế được cảm giác vui mừng tột độ. Hôm nay tâm con tràn đầy niềm vui--con khó thể dằn lòng được. Cảm giác ấy tựa như tất cả các dịp lễ Phật-đản, Sinh-nhật Sư-Phụ và Vu-lan đều được gộp chung lại thành một món quà bất ngờ--một chuyến viếng thăm từ hư không của Sư-Phụ cùng với mười bốn hành giả và đạo hữu từ Chùa Kim-Sơn. Nhân dịp gì? Chỉ là một bài thực tập khác về hạnh "quên mình vì người" của hàng Bồ-tát. Có nơi nào khác trên thế giới này có những người như những người này, thức dậy lúc bốn giờ sáng, rồi từ San Francisco lái xe suốt 350 dặm về hướng nam để tới Santa Barbara, chỉ để mang thức ăn trưa và động viên, khuyến khích hai thành viên của gia đình đang trên một cuộc hành trình làm việc dài dằng dặc? Không thể diễn tả được! Làm thế nào mà họ tìm ra chúng con-- phân nữa bị che trong bóng mát tách khỏi xa lộ độc nhất bên ngoài thành phố Santa Barbara? Vì sao mà cả Thầy Hằng-Triều và con đều linh cảm là hôm ấy sẽ có chuyện đặc biệt xảy ra? Sáng nay Thầy Hằng-Triều nói: "Hôm nay chúng ta hãy lạy ở phía ngoài và để cho dễ thấy." Tại sao vài tiếng đồng hồ trước khi mọi người tới, con lại đi quét dọn chỗ ngồi dưới một tàng cây khuynh diệp--chính là gốc cây mà chúng ta đang ngồi này? Tại sao cả ba chiếc xe theo nhau chạy hết tốc độ, không bị giấy phạt, đều phải hỏi khách qua đường mới biết đường đi, mà lại có thể đến đây cùng một lúc--ngay trước giờ thọ trai--được chứ? Chỉ duy nhất là do thiện-lực mới có thể khiến cho điều kỳ diệu nhỏ nhoi mà chúng con nhìn thấy hôm nay xảy ra được mà thôi. Tất cả chúng con đều được chứng kiến tận mắt một kỳ công của kỹ thuật thần-thông, điều thường hay xảy ra tại Chùa Kim-Sơn. Như thường lệ, hôm ấy, chúng con đang ngồi trong xe van vào giờ thọ trai, vừa tụng xong bài kệ cúng ngọ và mới bới cơm ra chén. Trước khi kịp đút muỗng cơm đầu tiên vào miệng, con thấy đôi mắt Thầy Hằng Triều mở lớn rồi reo lên: "Sư-Phụ!" Con tự nghĩ: "Vô lý! Làm gì có chuyện đó. Nhưng, khoan đã! Mình từng biết cảm kích những chuyện không thể có!" Thầy Hằng-Triều lại reo: "Sư-Phụ!" Con quay nhìn và trông thấy Sư-Phụ, thân đắp tấm y vàng rực rỡ, đang băng qua những vệt nắng và tiến đến chỗ xe chúng con. Kìa, tất cả đang bước đến--ba chiếc xe đầy những khuôn mặt rạng rỡ với ánh sáng từ nội tâm--Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni và các cư-sĩ--đối với con thì những bậc anh hùng, anh thư của Ðạo vốn chăm chỉ và có phẩm cách tốt này còn thân thiết hơn cả bà con ruột thịt: Thật là một chúng hội kỳ diệu và hiếm có! Tất cả đồng ngồi xuống thọ trai và lắng nghe những mẫu chuyện cùng những lời thuyết giáo. Mọi người cười vui vẻ và chia xẻ thức ăn cùng các thức cúng dường với chư Pháp-hữu; sau đó, đại chúng lại đứng lên và ra đi tiếp tục cuộc hành trình diệu vợi trở về thành phố. Họ xuống đây chỉ để mang ánh sáng lại cho chúng con. Kỳ diệu trong kỳ diệu. Con tưởng như mình là người gỗ--sững sờ, bất động. Con muốn cảm ơn và đáp lại lòng tử tế cũng như việc làm của mọi người--nhưng chỉ biết dùng đôi mắt và một tấm lòng nói thay cho mình. Ngồi cạnh Sư Phụ giống như ngồi cạnh dòng suối ánh sáng trong mát. Mọi ý niệm trong đầu (đầu của ai?) đều dứt bặt. Chú Ðại Bi dường như tự niệm--đều đặn và bình thường như nhịp đập của trái tim. Những cảm nhận đều trong sáng, sắc nét và thanh thản. Không còn âu lo, không còn áp lực. Ngay cả nếu con được giáo-huấn hay bị la mắng đều cảm thấy như nước cam-lồ. Con chắc chắn rằng ngồi trong Pháp-hội của Ðức Thế-Tôn cũng rất giống như thế này. Sau đó, thật là bất khả tư nghị, Sư-Phụ đưa tay xoa đảnh đầu con và Thầy Hằng-Triều. Con cảm thấy khí lực như một luồng điện chạy xuyên qua tim xuống tới đầu ngón chân, và ngược trở lại. Khi búng đầu ngón tay vào trán chúng con, Sư-Phụ cười hỏi: "Chín chưa? Có chín không? Qủa dưa này chín tới chưa?" Buổi chiều hôm đó, chúng con lễ lạy mà cứ như ở trên không. Chúng con ngước nhìn thấy một đám mây trắng lớn bằng cỡ vùng Sierra Madres bên dưới. Ðám mây độc nhất trên nền trời xanh thẳm này đang bay về hướng tây bắc và có hình dáng tương tự như một con rồng đang uốn lượn với đầy đủ các chi tiết như đuôi, tai, móng... Và khi trời chiều chuyển dần sang đêm tối, con rồng ấy bay xa dần về phương bắc. Chúng con có cảm giác là con rồng này đang bay lượn ở phía trên đoàn xe của các hành giả đang trên đường trở về Chùa Kim-Sơn. Do đó có những ngày đặc biệt, khó lòng mà đè nén được nỗi vui mừng khôn xiết; và Ngày Lao-động 1977, cây khuynh-diệp cao thon, tàng cây "Bạch-hoa thọ" che mát bữa thọ trai doc bên xa-lộ Hoa Nghiêm, tất cả sẽ sống mãi trong ký ức chúng con. Có chia sẽ nhân duyên với những hành giả nguyện dành trọn cuộc đời để làm cho người khác được vui sướng mà không hề có mảy may ý nghĩ về bản thân của chính họ, quả thật sự là một cuộc sống đáng sống. Ðệ-tử Quả Chân (Hằng Thật) kính cẩn đảnh lễ.

Không có nhận xét nào: