Niệm Phật hàng ngày trong thất niệm Phật là chúng ta gieo trồng chủng tử thành Phật. Mỗi tiếng niệm Phật là gieo trồng một chủng tử, mười tiếng niệm Phật là gieo trồng mười chủng tử. Nếu mỗi ngày quý vị niệm một triệu lần, quý vị dã gieo trồng một triệu chủng tử. Cứ niệm, đừng lo tâm tán loạn. - HT Tuyên Hóa
Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009
Thư Chân Hành Giả 4
Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.
Sư-Phụ từ giám,
Phạm quy-củ, làm bể kiếng.
Thầy Hằng-Thật và con nhận thức được chân lý: nếu chúng con giữ giới luật và quy-củ thì mọi việc đều êm xuôi, tốt đẹp. Ngày nọ, vì nghỉ ngơi quá lâu sau khi thọ trai nên chúng con đến chỗ bái lạy trễ cả nửa tiếng. Trong khi chúng con đang kề cà nơi tiệm xăng thì bỗng có một chiếc xe van màu đen chạy lướt tới và đụng bể kiếng chiếu hậu của xe chúng con. Quả báo này phản ảnh lỗi lầm: phạm quy củ, làm bể kiếng chiếu hậu. Bây giờ, mỗi lần con phải ngóng cổ ra để xem chừng xe cộ những khi muốn quẹo vì không có kiếng chiếu hậu, con lại nhớ tới lỗi lầm ấy và ý thức rằng lần sau có thể sẽ đến phiên cái đầu của con!
Lạy, lạy, lạy--hãy lạy mãi. Con có quá nhiều kiêu ngạo mà lại không tự thấy được; con chỉ nhận ra nó từ khi bắt đầu lễ lạy. Giống như hơi thở--quá vô ý thức, quá tự động và máy móc. Chỉ đến khi ngưng thở rồi thì người ta mới nhận ra hơi thở quan trọng đến thế nào. Cũng vậy, chỉ khi bắt đầu lễ lạy con mới thấy tánh kiêu ngạo của con lớn cỡ nào. Bái lạy nâng bổng sức nặng ấy khỏi thân thể của con. Cảm giác an lạc nhẹ nhàng luôn theo sau lễ lạy -- lạy trong vòng ảo thuật (magic circle).
Vài mẫu đối thoại:
Hai bà lão vây lấy chúng con. Họ có vẻ thân thiện với nhau, nhưng dường như laị không phải thế.
Bà lão thứ nhất: Trông thật tức cười!
Bà lão thứ hai: Cầu xin phước lành đến cho các ngài!
Bà lão thứ nhất: Tức cười!
Bà lão thứ hai: Cầu xin phước lành đến cho các ngài!
*******
Ba cô gái ồn ào như say thuốc (hyped-up) đi ngang qua, nhanh nhẩu hỏi: "Các ông làm gì vậy? Các ông định đi đâu thế?"
Tăng: Như chỗ mà các cô sẽ đi đến--không nơi nào cả.
Các cô: Tại sao các ông phải lạy sụp xuống đất như thế?
Tăng: Ðể chúng tôi khỏi bị lạc đường--vì nếu cao quá thì sẽ dễ bị lạc.
Các cô: Các ông ngủ ở đâu? Nhà trọ ư?
Tăng: Trong túi ngủ (sleeping bags).
Các cô: Tại sao các ông không lái xe thẳng đến Phật-Thành này, như thế có phải nhanh hơn không?
Tăng: Thế thì quá dễ. Mọi người đều có thể làm được.
Các cô: Các ông có thuộc phái Hare Krishnas không?
Tăng: Không!
Các cô: Họ cũng cạo đầu vậy?
Tăng: Chỉ giống đến đó thôi.
Các cô: Chúng tôi không hiểu. Tôi muốn hỏi là tại sao các ông phải lạy như vậy?
Tăng: Ðể tẩy rửa hành vi tạo tác của chúng tôi, và hy vọng dẹp trừ được tất cả sự thù hằn, làn sóng xấu xa trên hành tinh này.
Các cô: Chúc các ông may mắn!
Thêm nhiều mẫu đối thoại:
Một cô gái nhỏ đẩy chiếc xe đồ chơi hotwheels lướt tới, từ từ dừng lại cách thầy Hằng Thật vài tấc, và mở to cặp mắt, hỏi: "Ông đang làm gì vậy?" Con giải thích cho cô bé ấy nghe. Lát sau, khi chúng con ngừng lại để nghỉ mệt thì cô ta lại mon men tìm đến: "Tại sao các ông lại dừng?"
Tăng: Chúng tôi không dừng.
Cô bé: Nhưng các ông không lạy nữa.
Tăng: Chúng tôi vẫn lạy bên trong.
Cô bé (im lặng và ra chiều suy nghĩ): Ồ!
Một cô gái lớn tuổi hơn có vẻ bực dọc hỏi: "Thế thì đây là cái gì ?"... Nói chuyện với cô ta không đi đến đâu cả. Cuối cùng cô ta nói: "Vậy ông cứ tin những gì ông đang tin tưởng; tôi cũng vẫn giữ niềm tin của mình. Ông không thuyết phục tôi và sẽ không thay đổi ông!"
Tăng: Cô tin tưởng ở ai?
Cô gái: Tôi tin tưởng ở Chúa.
Tăng: Tôi cũng vậy. Tôi tin tưởng tất cả.
Cô gái (nhấn mạnh, chán chường): Nhưng tôi chỉ tin ở một mình Ðức Chúa mà thôi!
Tăng: Thế Ðức Chúa duy nhất ấy của cô có chỉ tin ở cô mà thôi không?
Cô gái: À, à, ...tự bảo trọng (lẩm bẩm đi khỏi.)
Tăng: Cô cũng thế!
Một chiếc xe hơi bóng loáng chạy rít đến: "Ô hô, ô hô, này - này, các người đang làm gì vậy? Các người có phải là Krishnas không?"
Tăng: Không! Chúng tôi là tu-sĩ Phật-giáo.
Cô gái: Cái gì?
Tăng: Phật tử. Tu-sĩ Phật-giáo.
Cô gái: Ồ, tu-sĩ Phật-giáo! Hay lắm! Tôi thích lắm. Tôi thích lắm
Một người đàn ông lớn tuổi: "Họ ở trong giáo-đoàn đấy. Ðây chỉ là một phần thử thách mà họ phải trải qua để được gia nhập vào giáo-đoàn."
Một bà lão nhìn với ánh mắt nghi ngờ và suy xét trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Cuối cùng bà nói: "Ðược, cầu Trời ban phước lành cho các ông!" rồi liền rời khỏi.
Thầy Hằng Thật thêm vào: Tôi nghĩ là chúng ta thoát (passed) rồi!
Một thanh niên nhiếp-ảnh thành tâm đến xin chụp hình làm tài liệu: "Quý vị có biết không, có cái gì đó thật đẹp, thật tuyệt vời quanh quý vị. Tôi có thể thấy và cảm nhận rõ ràng."
Hai bà lão cùng đi bộ, đi dựa vào nhau, họ ngừng lại kiên nhẫn quan sát, đợi dịp nói chuyện. Một bà lão rụt rè xin phép được quấy rầy chúng con trong chốc lát.
Bà lão: Tôi không cần biết tôn giáo của các ông là gì. Tôi nghĩ rằng cầu nguyện như thế này thật là kỳ diệu, phi thường. Chúng tôi thật rất khâm phục các ông.
Tăng: Thế giới này đầy dẫy thù hận, nếu chúng ta có thể chuyển thù hận thành hoà bình...
Bà lão: Vâng. Tôi tin chắc rằng những ai quấy rầy các ông sẽ tìm được đôi chút an lạc cho chính họ!
Hôm nay là ngày "gió lớn"!
Ðệ tử Quả Ðình kính lạy
****** *
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà!"
Ngày 8 tháng 6 năm 1977.
Sư-Phụ từ giám,
Chúng con lái xe đến trước để xem xét đường sá: bên này là những dốc đá thẳng đứng, còn bên kia là những ngôi nhà tư nhân nằm dọc theo bờ biển--được bảo vệ bởi những hàng rào kẽm gai và các bảng hiệu ngăn cấm đe dọa để bảo vệ. Từ đây cho tới Malibu, hay có thể xa hơn nữa, cũng đều như thế cả. Chúng con bất đắc dĩ phải quyết định giữ chiếc xe van thêm ít lâu. "Ðừng bó buộc...hãy thuận theo nhân duyên."
Có quá nhiều điều phải học để làm tăng-sĩ: oai nghi, giới luật, cách hành lễ, lúc nào thì nên nói và lúc nào thì nên im lặng, nên nói với ai và nên tránh những ai. Mọi việc sẽ đến từ từ và khó làm. Thường thì con học được một cách lẹ làng, nhưng ở đây không phải là vấn đề bắt chước hay mô phỏng theo một cách đơn thuần, mà là sự chuyển đổi từ trong ra ngoài. Nói một cách khác, sự nhận thức phải phát xuất từ bên trong. Không thể gian dối, giả tạo. Cả tâm lẫn trí đều phải chuyển đổi; và công việc ấy đòi hỏi phải có thời gian, một vị thầy giỏi, đức tánh siêng năng, cần mẫn, và lòng kiên nhẫn. Trong khi đó, con cứ phạm lỗi từ những sai sót, cẩu thả nhỏ nhặt cho đến những lỗi lầm nghiêm trọng, to tát. Một tăng-sĩ giả dối chắc sẽ bị mọi người nhìn thấy rõ ràng, đặc biệt là chính bản thân vị tăng-sĩ ấy.
Thầy Hằng-Thật khổ não vì phải chiến đấu với bệnh tiêu chảy suốt cả buổi chiều. Không than van--chỉ chịu đựng. Nay thầy ấy đang ngủ li bì như chết, người dựa vào chiếc bánh xe xơ-cua (spare tire). Sau bữa cơm trưa thì những tiếng còi xe và tiếng la hét bắt đầu trở lại. Một chiếc xe chạy đến: "Ê! Tụi bay có muốn một điếu ma-túy không?" kèm theo đó là những lời chửi rủa tục tĩu về Chúa Giê-su. Cảnh sát (đó là cảnh sát của quận Los Angeles) ngừng lại để xem xét nhưng không tra hỏi gì chúng con cả. Khi thấy chúng con lạy ngang qua, mấy con chó nhỏ chạy đến bên hàng rào sủa lên vài tiếng, thi hành phận sự canh gác của chúng trong những sợi dây màu hồng. Và mọi người chạy bộ chầm chậm ở đây. Từ lúc chúng con thức giấc cho đến khi đi ngủ, tiếng giày quần vợt (tennis shoes) dậm rầm rầm và tiếng người thở hồng hộc không ngừng bao quanh chúng con. Người ta cũng khá ôn hoà và dễ chấp nhận. Chúng con lạy ngang qua như một giọt nước chảy xuôi theo rãnh nước sau cơn mưa lất phất: không bị chú ý, không gặp trở ngại.
Con hy vọng tất cả mọi người tại Chùa Kim-Sơn đều được mạnh khỏe. Chúng con rất nhớ những buổi giảng kinh. Mỗi buổi tối chúng con đều có xem Kinh Hoa-Nghiêm vào cùng một giờ giấc như mọi người.
Hôm nay chúng con rất mệt nhọc và lại bị rám nắng. Chúng con lạy sát bên đường lộ (vì không có vỉa hè dành cho khách bộ hành mà chỉ có lề xa lộ nhỏ hẹp) theo kiểu luân phiên nhau để được dễ nhận thấy hơn. Tấm áo tràng dài phủ chùng xuống của chúng con quả là những bửu bối bảo đảm an toàn giao thông thực sự: rất dễ nhận diện cùng với những cái đầu cạo nhẵn thín! Từ bãi biển, có vài người la ó: "Về nhà đi, mấy gã trọc đầu!" Con tự nghĩ: "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để về tới nhà--thực sự trở về nhà!"
Vào năm phút cuối trong ngày, trên con đường tấp nập, dơ bẩn này, bỗng có một người đàn ông và một người đàn bà tiến đến. Người đàn ông lạy một lạy đảnh lễ, xong dúi vào tay con một vật gì đó, và nói "chúc bình an" hay là "xin vui lòng" gì gì đó (tiếng xe vận tải chạy bằng dầu cặn quá ồn ào đến át cả tiếng nói, nên nghe không rõ), rồi vội vàng bỏ đi. Ðó là một tờ giấy bạc 50 dollars--nửa bức tượng Phật cho Vạn-Phật-Thành.
Ðệ tử Hằng Triều kính lạy
*******
Nói thì dễ mà làm thì khó
Ngày 10 tháng 6, năm 1977.
Sư-Phụ từ giám,
Chúng con đậu xe taị bờ biển Will Rogers; với bên trái là sóng biển Thái-bình-dương, và bên phải là Xa lộ 1 như một con sông bằng kim-loại đang lưu chuyển. Khi lễ lạy, chúng con đã tự tạo ra những làn sóng nhịp nhàng riêng biệt, và núi non dường như đang cúi mình xuống bờ biển trong một dáng điệu thật uyển chuyển, sống động, tưởng chừng như chúng cũng đang lễ lạy trong Pháp-thân của Ðức Phật Tỳ-Lô-Xá-Na.
Cơ hội tu hành theo con đường Trung-đạo của Ðức Phật dưới hình thức một cuộc hành trình như kiểu "Ba Bước, Một Lạy" thì thật là kỳ diệu. Có người mong mỏi một cơ hội như thế, nhưng lại không thể nào tìm được. Con ghi chép về việc tận dụng cơ hội này vào sổ tay và con sẽ gởi nó (một bài luận văn dài) về Vạn-Phật-Thành khi cuốn tập đã đầy chi chít. Nói tóm tắt, thì bài luận văn ấy nói rằng tu Ðạo muốn thành tựu thì không thể cẩu thả, giải đãi, hay chỉ tu bán thời gian, hoặc bất cứ hình thức tu tập nào mà không luôn hoàn toàn thành tâm trong mọi thời khắc. Không thể gian dối, ham nghỉ ngơi. Chúng ta phải thực tâm muốn hành đạo Bồ-tát, và muốn làm cho toàn bộ công việc khống-chế thân, khẩu, ý trở thành một nề nếp tự nhiên và chân thật của đời sống phát xuất từ cốt tủy/tự tánh. Không có gì khác hơn. Nếu cố gắng hành động có đạo đức được một lần rồi lần sau lại quên bẵng đi, thì đó không phải là Ðạo (con đường) của Ðức Phật! Ðể thực sự xứng đáng với sự giáo-huấn của Sư-Phụ, để trở thành con thuyền có giá trị đối với Ðạo Pháp, thì sự tu hành của chúng con cần phải luôn luôn đúng đắn và chân chánh trong mọi thời khắc. Ðối với con, điều này có nghĩa là lúc lễ lạy con nên lễ lạy mà không có bất cứ một vọng tưởng, một dục niệm, một sự trông chờ, hay một điều mong cầu, ao ước nào cả. Và rồi, khi công việc lễ lạy hoàn tất, thì phải hành động một cách vô tư, không ích kỷ, không mong cầu, không có những ý nghĩ ích kỷ, và chỉ hành động thuận theo lẽ phải; cho nên, mỗi tình huống đều phản ảnh quá trình tu tập và sự nhận thức của một tu-sĩ ở Chùa Kim-Sơn. Thái độ của chúng con khi ở ngoài đường phố chính là thái độ khi ở tại Chùa Kim-Sơn, chẳng có gì khác biệt.
Ðó là lý tưởng và nói thì dễ mà làm thì khó; và muốn cho lý tưởng ấy trở thành sự thật thì cần phải chuyển hóa toàn bộ tự tánh của con. Ngoài ra, không có gì khác có thể đáp ứng được lý tưởng này. Và nếu cứ chậm chạp như chúng con hiện nay, thì có lẽ chỉ vưà đủ thì giờ để đập bể cái "thùng sơn đen." Không lâu quá một phút, và sự kiện này khiến con thật lấy làm xấu hổ. Việc lễ lạy hằng ngày cho thấy là con có đủ lượng tham, sân, si bằng bất kỳ ba người nào. Và như thế có nghiã là con phải siêng năng, tích cực gấp ba lần để sửa đổi; và nếu con được trở nên hữu dụng cho Tam-Bảo, thì đó chính là mục tiêu mà công việc sửa đổi này đang nhắm tới.
Ðệ tử Hằng Thật kính lạy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét