Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Thư Chân Hành Giả 3

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ? Tám giờ sáng, ngày 18 tháng 5 năm 1977. Sư Phụ từ giám, Chúng con rất tri ơn thời tiết tuyệt diệu mà các vị rồng mang lại cho thành phố Los Angeles. Thời tiết không quá nóng mà cũng không quá lạnh. Tuy thân rất mệt nhưng tâm chúng con lại an lạc. Mỗi khớp xương, bắp thịt và tứ chi đều nói lên cái "pháp đau nhức (pain-dharma)" của riêng nó, nhưng sự đau đớn này sẽ từ từ biến mất khi việc lễ bái tiến triển và thân thể quen dần với công việc. Mỗi tối, chúng con cảm thấy buồn ngủ ngay sau khi tụng chú Lăng-Nghiêm, hoàn toàn mệt đừ; nhưng sáng hôm sau, thức dậy lúc 4 giờ sáng, chúng con lại cảm thấy năng-lực hồi phục và sẵn sàng tiếp tục lễ bái. Mỗi ngày, chúng con tăng thời gian lễ bái lên dần dần: hôm qua chúng con lễ bái suốt sáu tiếng bốn mươi lăm phút. Vấn đề nan giải khi ở trong thành phố là việc tìm một chỗ đậu cho cái đạo-tràng Bồ-đề mạn-đà-la của chúng con, tức là chiếc xe van này, rồi đi bộ trở lại chỗ lễ bái. Công việc này thật đã làm mất hết khoảng thì giờ nghỉ ngơi. Dầu thân mệt mỏi, nhưng nhờ vậy mà tâm lại được chuyên nhất. Ðó chỉ là chuyện nhỏ nhặt và chúng con cảm thấy thích thú khi được lễ lạy. Hôm qua, chúng con thọ nhận thức ăn cúng dường của các Phật-tử vùng Los Angeles, và mỗi lần thọ nhận là một kinh nghiệm khiêm nhường. Riêng bản thân chúng con thì không có công đức gì cả. Chúng con nhờ vay mượn phước đức của Sư Phụ mà nhận được sự đối đãi tử tế này. Thực sự, nếu không có lòng tín ngưỡng Sư-Phụ của những người cư sĩ ấy, thì cuộc hành trình này sẽ không thể nào thực hiện được. Rất có thể chúng con đã bị đói khát, hoặc bị cướp bóc và đánh đập mỗi tối những khi ngừng lại để nghỉ ngơi. Hồi quang phản chiếu như thế này mới thấy rõ trách nhiệm của người xuất gia trong mọi thời khắc--học làm cách nào để cư xử với người cư-sĩ, với những người xuất gia khác, với người Mỹ và với tất cả mọi người cho đúng đắn. Ðây là thời điểm dành cho chúng con tự học làm thế nào để đại diện cho Phật-giáo, nhận lãnh trách nhiệm đối với giáo-pháp mà chúng con đã thọ học và thực hành cho đúng. Chánh hạnh là việc rất khó, cũng khó như lễ bái; và chúng con sung sướng được có dịp học hỏi. ****** Sáu giờ sáng. Sư-Phụ từ giám, Vì có một nam cư sĩ sắp trở về Kim-Sơn Tự nên đây là thư viết vội. Tiến trình của chúng con rất chậm chạp--khoảng mười dãy phố mỗi ngày. Hiện giờ chúng con đang ở tại trung tâm thành phố Los Angeles; và mặc dầu nơi này có những tòa nhà to lớn với các lề đường rộng rãi, nhưng chúng con nhận thấy nó còn đáng gờm hơn cả khu Lincoln Heights hay phố Tàu nữa. Những cư dân giàu có ở đây (1) không muốn chúng con trên các vỉa hè của họ, và trên mặt đều phảng phất vẻ ghét bỏ không tình người khi trông thấy hai người xuất gia sám hối dưới chân họ. Một bà khoảng bốn mươi ngoài, ăn mặc lịch sự, đứng cách đầu chúng con mấy inches, dậm chân chỉ chỏ và nghiến răng nói: "Các người nghĩ các người đang ở đâu, ở Thánh địa Mecca chăng ? Hành động ấy thật đáng ghê tởm tại xứ Hợp Chủng Quốc này!" Thầy Hằng-Triều thường không nói chuyện với những người không thành tâm hỏi han, nhưng câu trả lời mà Thầy dành cho bà này hẳn sẽ là: "Vâng, bà nói đúng. Và đó chính là vấn đề. Ðất nước này vẫn còn rắc rối cho đến khi nào việc lễ lạy này không đáng ghê tởm nữa!" Ngủ đêm ở thành phố này thật rất hồi hộp. Chúng con cố tìm một chỗ gần nơi lễ bái để đậu xe van, nhưng tối qua một tên trộm khác thò tay qua cánh cửa bỏ ngõ. Hắn lẳng lặng bỏ đi khi chúng con đóng cửa xe lại. Chúng con thức giấc đúng giờ và chuẩn bị buổi công-phu khuya, nhưng vẫn còn cảm giác bất an. Thầy Hằng-Triều kể là tối qua con có thức dậy và bắt đầu nói sảng trong cơn mê về việc "đợi vị hộ-pháp ngay bên góc phố cạnh nhà băng." Thầy ấy nói rằng con nói bằng tiếng Hoa khoảng ba phút trước khi ngủ thiếp đi. Con nói huyên thuyên trong khi vẫn say ngủ. Khẩu vị của chúng con giảm dần. Chúng con ăn ít lại và lạy nhiều hơn. Nhịp độ của chúng con vẫn còn chậm chạp--như tốc độ thỉnh Pháp tại Kim-Sơn Tự. Phương pháp tu hành này thật rất tuyệt diệu. Ðệ tử Hằng Thật và Hằng Triều kính cẩn đảnh lễ. ******* Chú thích: (1) Ða số là người Mỹ da trắng. ****** Những kẻ theo phái Moonies ở Beverly Hills Thứ ba, ngày 24 tháng 5 năm 1977. Sư-Phụ từ giám, Chúng con sắp sửa đi qua Beverly Hills--tiến triển tuy chậm nhưng đều đặn. Khi sự giao thông mau chóng và khách bộ hành đông đúc thì dễ gia tăng tốc độ lễ lạy mà lại không hay biết. Thế nên chúng con phải ý thức dụng công giảm tốc độ lễ lạy theo một nhịp điệu dễ nhớ và kết quả là chúng con trở thành vô hình đối với nhiều người. Los Angeles di chuyển quá nhanh đến nỗi chúng con giống như cây cối, đá sỏi hay các cột sắt đồng hồ đậu xe đối với phần lớn những người ngồi trên xe hơi phóng vụt qua; những người khi trông thấy chúng con liền quay kính xuống mà mắng nhiếc, chửi thề, bóp kèn inh ỏi, la hét, cười cợt, thậm chí có nhiều người còn chạy xe chậm lại để khuyên lơn ("đứng dậy," "đi về đi," "cút khỏi đường lộ"). Thỉnh thoảng cũng có người khen ngợi chúng con. Miột số nghĩ rằng chúng con là người theo Hồi-giáo, theo phái Hare Krishnas, hay Moonies, nhưng thường thì người ta nhận ra chúng con là tu sĩ Phật-giáo. Trẻ con tỏ ra cởi mở, hăng say, trong trắng, thánh thiện. Mặc dầu chúng con không thể ở cạnh Sư-Phụ vào ngày lễ Phật-Ðản, Thầy Hằng-Triều và con ước muốn lạy Sư-Phụ chín lạy trong dịp này. Chúng con bao giờ cũng nghĩ tới sự may mắn gặp được Chánh Pháp ở phương Tây này của mình. Nhờ lòng đại từ bi cùng nguyện lực của Sư-Phụ mà việc mang lại lương dược cho chúng sanh đã xảy ra; cuộc đời chúng con có được một mục đích hữu ích và một chiều hướng tích cực để noi theo. Tu Ðạo là một kho tàng vô giá! Khi chúng con thành tâm thì kết quả lập tức hiển hiện--vẻ giận dữ trên mặt biến mất--sự căng thẳng từ các nhóm người đứng ở góc đường tụ tập lại để nhìn chòng chọc vào chúng con cũng tan biến, và ngay cả khí nóng trong không gian dường như cũng dịu đi chút ít. Nếu chúng con vọng tưởng hoặc trong lòng có nóng giận hay sợ hãi, thì không có sự cảm ứng nào xảy ra khi chúng con lạy vào một khu vực đông đúc cả; hoặc tệ hơn nữa, là sự căng thẳng phát sanh và người ta trở nên nóng nảy hay bực dọc khi chúng con lạy ngang qua mà kết quả là chúng con nhận lãnh thêm nhiều lời nguyền rủa, giận dữ và lo sợ từ đám đông. Sự gay go là một cơ hội hiếm có cho việc tu hành. Cuộc hành trình được suông sẻ là nhờ các vị Hộ pháp và sự cam go trên đường phố làm cho cuộc hành trình trở thành một công việc gian nan, thực tế và tốt đẹp. Nhiều sự mầu nhiệm trong chuyến đi này và sự hiện diện của Sư-Phụ luôn luôn kề cận. ***** Quán niệm của Hành giả Thứ tư, ngày 25 tháng 5 năm 1977. Kinh nghiệm này thật phong phú cho việc học hỏi, thử thách, và thấy rõ được đủ hạng người và hoàn cảnh. Thầy Hằng Triều và con có nói về những cảnh giới chúng con gặp và việc áp dụng những đạo lý đã được học để giải quyết các vấn đề của chúng con. Lần nào chúng con cũng đều tìm ra vấn đề là do khiếm khuyết trong nhận thức về thực tế của chúng con, do sự vướng mắc, do phiền não, hoặc do một sự bám chấp; chúng con biết rằng chúng con đã tìm thấy căn nguyên của vấn đề và sau đó cảnh giới gần như ngay lập tức được tự giải quyết. Không phải là điều dễ dàng để hành giả luôn luôn duy trì quán niệm - đặc biệt là ba điều: kiên nhẫn với mọi cảnh giới, từ bi đối với tất cả chúng sanh - thậm chí ngay cả khi các ma quỷ đến khiêu khích chúng con, và lòng xấu hổ - mọi lúc mọi nơi đều luôn nhớ tới những lỗi lầm và khuyết điểm của mình. Khi ba pháp này luôn ở trong tâm con, một loại quyết tâm cứng chắc như kim cang luôn hiện hữu, người khác nhìn xuyên qua con và thay vì thấy con họ lại thấy Kinh Hoa Nghiêm. Đây là điều mà con đang dụng công, con phải làm cho hành vi của mình luôn thanh tịnh. Công việc bây giờ là học hỏi làm thế nào để hành xử đúng đắn như một Tỳ Kheo. Công việc này sẽ không uổng phí! ****** Quá nhiều sân hận trên thế giới Chủ nhật, ngày 29 tháng 5 năm 1977. Sư-Phụ từ giám, Xin Sư Phụ đừng lo lắng cho chúng con--Thầy Hằng Triều và con đều mạnh khỏe cả--chúng con đạt được một nhịp độ đều đặn--và mỗi ngày lạy khoảng năm tiếng rưỡi tới sáu tiếng đồng hồ. Chúng con bắt đầu lạy lúc bảy giờ sáng, đến mười giờ rưỡi thì nghỉ một tiếng để viết thư và sửa chữa đồ đạc mang theo hay ngồi thiền--rồi lại khởi hành lúc một giờ trưa và lạy cho đến sáu giờ chiều, cứ sau mỗi tiếng đồng hồ thì có hai mươi phút nghỉ ngơi tịch tĩnh. Ðến sáu giờ chiều chúng con tìm chỗ đậu xe qua đêm, tắm rửa, ngồi thiền và chuẩn bị tụng kinh tối. Chúng con nghe Kinh Hoa Nghiêm mỗi đêm--con đọc và dịch từ Chương Một--vì chưa có máy thâu băng nên chúng con chưa thể nghe băng của Sư-Phụ giảng được--và sau đó chúng con tụng Chú Lăng Nghiêm bốn mươi chín biến (phần ngắn), rồi nghỉ ngơi, mệt nhừ như những đứa bé nô đùa ngoài sân cả ngày. Con quên nói thêm là chúng con dậy lúc bốn giờ sáng, làm lễ công-phu khuya, tập thể dục, và chuẩn bị khởi hành vào khoảng bảy giờ sáng. Khi để thành phố lại đằng sau, chúng con có thể tăng thêm giờ lễ lạy mỗi ngày. Thể xác chúng con đã từ từ thích nghi với công việc. Mỗi tối đều mệt nhừ và mỗi sáng đều sẵn sàng để đi nữa. Chúng con đã tháo găng tay từ tuần trước vì cảm thấy mang như thế là không thành tâm lắm. Các vỉa hè này khá nhẵn nên chúng con sẽ không cần găng tay cho tới khi nào gặp phải những mảnh thủy tinh và đá sỏi trên lề xa lộ. Chúng con cũng gỡ kính râm ra vì người ta cứ ngỡ chúng con là bọn cướp phi-cơ. Do lạy quá nhiều nên đầu gối bên trái của con bị bầm sâu, nhức nhối, thế nên con bắt đầu dùng miếng độn bảo vệ đầu gối cho đỡ đau mấy bữa nay. Nhờ có miếng độn con mới có thể lạy được nguyên ngày--hôm qua chúng con lạy được sáu tiếng hai mươi phút. Khi vết bầm lành thì con sẽ lấy miếng vải độn ra. Thầy Hằng-Triều vẫn đội mũ để che những vết đốt xuất gia trên đầu, chúng sẽ lành nội trong một tuần. Chúng con dứt tuyệt mọi lời nói vô ích--phải bít kín lỗ thủng ấy. Cả hai chúng con thật trông mong chuyến viếng thăm Los Angeles của Sư-Phụ vào tuần tới. Chúng con khao khát được nghe chuyển Chánh Pháp Luân như trẻ con mong chờ cha mẹ. Tâm trí chúng con luôn hướng về Sư-Phụ cùng Hội Hoa-Nghiêm như đàn ong hướng về mật. Chúng con đã lạy qua khu Beverly Hills và nay đang ở gần trường Ðại-học U.C.L.A. tại Westwood. Cuối tuần tới có lẽ chúng con sẽ ra khỏi Santa Monica và đến Xa-lộ số 1, sẵn sàng để đổi xe van lấy xe đẩy và bắt đầu lộ trình dài về hướng bắc đến Vạn-Phật-Thành. Mỗi lần nghĩ tới Vạn-Phật-Thành, con lại mường tượng đến một ngọn đuốc sáng rực trong đêm tối. Viễn ảnh của Sư-Phụ về một thành phố Phật-giáo đặt trên nền tảng của đạo-lý chân và thiện, là thứ lương-dược tốt nhất cho tất cả chúng sanh. Ðôi khi, trong lúc lạy ngang qua Los Angeles, con thấy xúc cảm đến rơi lệ--những giọt lệ sung sướng về triển vọng và thiện hảo dành cho phương Tây. Chúng ta có thể thay đổi đời mình và quay đầu hướng thiện; và giờ đây, chúng ta có được một con đường để đi lên, và con đường ấy sẽ mang chúng ta cùng cha mẹ, bạn bè già trẻ của chúng ta trở về một nơi thanh tịnh, quang minh, quân bình, hòa hợp. Con không quan tâm cho dù đoạn đường từ Los Angeles đến Vạn Phật Thành là 70.000 dặm thay vì 700 dặm. Con vẫn cảm thấy đi và lạy từng bước trên đường Ðạo là niềm tin thiêng liêng của mình. Xem đầy đủ tại đây www.dharmasite.net/thuhanhgia.htm Ðệ tử Hằng Thật kính cẩn đảnh lễ.

Không có nhận xét nào: