Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Thủy Kính Hồi Thiên Lục

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Giải thích lý do viết “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” bằng văn Bạch Thoại

LỜI TỰ SỰ

CẢM NHẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Phần Tựa

Chúng ta hãy lắng lòng nhìn kỹ mà xem, khắp tam thiên đại thiên thế giới ngày nay, ác nghiệp dẫy đầy, các quốc gia tàn sát nhau dẫn đến chiến tranh thế giới; nhà nhà giết hại lẫn nhau dẫn đến chiến tranh làng xóm, người người giết hại lẫn nhau tạo nên chiến tranh giữa mình và người; tự mình giết hại bản thân mình tạo thành chiến tranh trong tâm tánh; cho đến hư không cùng hư không giết hại nhau, nước cùng nước giết hại nhau, tạo thành các loại chiến tranh hữu hình và vô hình… Ôi! Thật là khổ đau và buồn thương vô hạn!

Vô lượng tai ương nạn ách đều do nghiệp sát tạo thành. Chúng ta nếu không kịp thời tỉnh thức ngăn chặn nguyên nhân sát sanh, duyên do sát sanh, phương pháp sát sanh, cùng nghiệp sát sanh, thì khó mà chuyển đổi được tai ách để được an lạc.

Tai ương ách nạn là do sát nghiệp sanh ra, sát nghiệp là do tâm sanh ra; nếu tâm không sanh lòng giết hại, lòng trộm cướp, lòng tà dâm, lòng nói dối, lòng uống rượu mà lại nghiêm trì năm giới, siêng tu tam vô lậu học (giới, định, huệ), thì tất cả ác nghiệp liền được tiêu trừ. Khi đó thì “bổn lai diện mục” không khó nhận thức, “bổn hữu trí huệ” tất tự nhiên hiện tiền. Cảnh vật ở nơi này kỳ diệu biết bao không nơi nào có được. “Bổn địa phong quang” có lý thú kỳ diệu riêng mà ý vị thật vô cùng tận! Chúng ta nếu muốn được thưởng thức cái ý vị đó thì phải phát khởi lòng hướng thiện, gạn lọc tâm tính, phát tâm đại tinh tấn dõng mãnh, lập chí tiến tu nguyện thành đạo quả, để cứu độ nhân sinh cùng tới được bờ bên kia, cùng các bậc thiện nhân cao thượng vui vầy một chỗ, mãi mãi được bầu bạn cùng các bậc Bồ Tát bất thối. Cho nên, tôi viết quyển “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” là vì mục đích này!

Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng làm lại rất khó, nguyên nhân là do đâu ? Là bởi, chúng sinh trên bước đường tu tập điều thiện, dù được ân cần chỉ dạy năm lần bảy luợt, họ vẫn không thực hành theo; nếu gặp ác duyên, thì niệm niệm tăng trưởng, không ai dạy cho cũng tự biết làm! Kẻ lầm đường lạc lối mà biết quay lại thật ít lắm thay! Thế thì, có khác nào “ánh trăng đáy nước, bóng hoa trong gương,” tuy có ảnh mà không hình. Đây chính gọi là sự hy vọng vào việc không thể hy vọng, sự thành tựu việc không thể thành tựu, cho nên nói rằng: “Thủy Kính Hồi Thiên” là thế đấy !

Ngày 17 tháng 11, năm Nhâm Thìn (1952), ngày Di Đà Đản Sanh

An Từ cẩn chí

Chú thích:

An Từ là pháp danh của Hòa thượng Tuyên Hóa.

Giải thích lý do viết “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” bằng văn Bạch Thoại

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng vào ngày 1 tháng 10 năm 1988 tại Kim Sơn Thánh Tự.

“Thủy và kính” (nước và gương) trong bộ “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” nầy đều là những vật có bóng dáng nhưng không có hình tướng cụ thể; trăng trong nước và hoa trong gương đều không có tự thể. Hai ví dụ trên là động cơ để tôi viết nên bộ “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” nầy, với mong ước cứu vãn phần nào tai kiếp trên thế giới hiện nay. Tai kiếp là số trời đã định; quý vị làm nhiều điều ác sẽ tự chuốc lấy quả báo, cho nên nói tự mình làm tự mình chịu. Tự làm tự chịu vốn là đạo lý rất công bằng, không có sức mạnh nào có thể cứu vãn, xoay chuyển được thiên số này. Cứu vãn là hy vọng tội đã tạo vốn phải chịu quả báo có thể được giảm nhẹ, trở lại làm một người không gây tạo tội ác nữa. Thọ quả báo vốn là nghiệp đã tạo từ trước, hôm nay phải nhận lấy hậu quả; sự việc đã như vậy, khó có thể vãn hồi. Bây giờ chúng ta muốn cứu vãn tội nghiệp của mình, việc nầy cũng giống như trăng trong nước, hoa trong gương, thật là mờ mịt, thật không thể nắm bắt. Tuy nói không thể nắm bắt, và cũng rất là mờ mịt, nhưng tôi vẫn muốn làm, biết là nó không thể nhưng vẫn cứ muốn làm, biết rõ là không dễ vãn hồi, nhưng vẫn muốn xoay chuyển ý trời.

Chữ “Hồi thiên” nầy không phải là đi lên trời, mà là muốn vãn hồi lại ý trời, muốn cứu vãn tai kiếp lớn; muốn cứu con người ra khỏi vô số những tai kiếp vốn phải chịu trên thế gian như nạn đao binh, nạn nước, lửa, bệnh dịch tràn lan v.v.. trong tam tai bát nạn. Người phải chết trong nạn đao binh cũng chính là người phải chết trong nạn chiến tranh, chúng ta đến chiến trường cứu sống những người nầy lại; nước lớn nhận chìm người, lửa dữ thiêu chết người, chúng ta cứu người từ trong nạn nước lửa nầy; trước khi con người mắc phải hay chưa mắc phải vô số những bệnh dịch tràn lan như: bệnh ôn dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh Aids (sida) và bệnh ung thư không trị được… chúng ta dạy họ cách phòng ngừa, giúp họ thoát khỏi tay tử thần, cứu người sắp chết sống lại, đây gọi là “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” và đây cũng là động cơ giúp tôi viết nên bộ sách này. Nói chung tuy trăng trong nước, hoa trong gương không có thật thể, nhưng trong cái hư vọng mờ mịt đó, tôi phải cố gắng hết sức mình để cứu vãn tai kiếp lớn nầy, khiến cho tai nạn không phát sanh trên thế giới của chúng ta.

Cho nên mới nói “Tĩnh quán tam thiên đại thiên thế giới” (lắng lòng nhìn kỹ khắp tam thiên đại thiên thế giới), “tĩnh” chính là bình tâm tĩnh chí, “quán” chính là xem xét, chúng ta bình tâm tĩnh chí để xem xét cái gì? Xem xét trong ba ngàn đại thiên thế giới, ác nghiệp dẫy đầy. Một núi Tu di, một mặt trời mặt trăng, một tứ đại bộ châu hợp lại thì gọi là một thế giới. Thế thì một ngàn ngọn núi tu di, một ngàn mặt trời mặt trăng, một ngàn tứ đại bộ châu hợp lại thì gọi là một tiểu thiên thế giới; hợp một ngàn tiểu thiên thế giới lại, gọi là một trung thiên thế giới; hợp một ngàn trung thiên thế giới lại, gọi là một đại thiên thế giới. Hiện tại nói ba ngàn đại thiên thế giới, chính là tập hợp của ba cái “thiên”, tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới và đại thiên thế giới, nên gọi là ba ngàn đại thiên thế giới. Rốt cuộc ở đây có bao nhiêu thế giới? E rằng dùng máy tính cũng không thể tính đếm hết được số thế giới nầy.

Thế thì trong nhiều thế giới như vậy, thiện nghiệp trong mỗi thế giới rất ít, đa số đều là ác nghiệp, ác nghiệp lan tràn khắp nơi, đầy cả hư không pháp giới. Làm sao có thể chứng minh được nó đầy cả hư không pháp giới? Qúy vị nhìn xem, người của đất nước nầy muốn giết người của đất nước kia, người của đất nước kia lại muốn giết người của đất nước nầy. Vì sao như thế? Vì họ nhất định muốn tiêu diệt đối phương để mở rộng lãnh thổ, quyền lợi và địa vị của mình cho nên mới tạo thành chiến tranh thế giới. Ồ! Anh phát minh ra bom nguyên tử, tôi cũng phát minh ra bom khinh khí! Anh có phát minh ra cái gì, phát hiện ra một; tôi cũng phát minh ra cái khác, phát hiện ra hai, cứ thế không bao giờ chấm dứt. Những thứ được tạo ra đều là những vũ khí dùng để giết người, cho nên mới tạo thành chiến tranh thế giới.

Chiến tranh thế giới bắt nguồn từ đâu? Chính là bắt nguồn từ việc nhà với nhà giết hại lẫn nhau, có nhân sát, duyên sát, pháp sát và nghiệp sát. Giữa các nhà với nhau, anh muốn hủy diệt gia đình của tôi, tôi cũng muốn hủy diệt gia đình anh, đôi bên không chấp nhận lẫn nhau, cho nên mới tạo thành sự đối nghịch giữa các thôn làng, thậm chí đến gà chó cũng không được an toàn. Thế vì sao ngay trong gia đình cũng có chiến tranh? Vì những người trong cùng một nhà muốn giết hại lẫn nhau. Giáp muốn giết Ất (1), muốn tích chứa tất cả lương thực trên thế gian để riêng mình dùng; còn Ất thì sao? Ất cũng muốn giết Giáp, gom tất cả châu báu trên thế gian vào trong tay mình; cho nên mới tạo thành chiến tranh giữa con người với nhau, vì họ không thể dung hợp lẫn nhau. Chiến tranh giữa người và người là chuyện nhỏ, thậm chí đến bản thân mình cũng có sự xung đột, tự mình đối với chính mình cũng có loại nhân sát, duyên sát, pháp sát và nghiệp sát. Nhân sát là trong tâm khởi lên niệm giết hại; nhân sát là gặp được việc phù hợp với tâm niệm sát, dẫn đến ra tay hành động; pháp sát là có được dịp thuận lợi rồi, nhưng người ra tay cần có một phương pháp, thế là tìm đủ mọi cách để giếp người; giết người rồi, sẽ tạo thành nghiệp sát nhân. Đây chính là ngay nơi bản thân mình đã có sự tương sát! Ngay cả trong tâm cũng khởi lên chiến tranh, đây chính là lúc thế giới không có sự an ninh.

Chiến tranh trong tâm, dẫn đến chiến tranh giữa các gia đình, giữa các quốc gia. Vì có nghiệp sát như thế, nên thân làm nguyên thủ lãnh đạo quốc gia, ví dụ như làm quốc vương, tổng thống, hoàng đế sẽ đi gây chiến với nước khác. Vì giành đất mà gây chiến, sẽ giết người đầy đồng; vì tranh thành mà gây chiến, sẽ giết người ngập thành. Muốn giết thì phải có cách giết, thế là phóng ra một số khí độc, bom nguyên tử cũng có độc, bom khinh khí cũng có độc, cho đến hiện tại chế tạo ra hỏa tiễn, đạn đạo tầm xa cũng đều có một luồng khí độc, luồng khí độc nầy đầy cả hư không, khiến cho giữa hư không và hư không có sự hủy diệt lẫn nhau. Hư không kia của anh muốn chiếm hữu hư không này của tôi, hư không này của tôi cũng muốn nuốt chửng hư không kia của anh. Giữa nước với nhau cũng có sự tương sát, nước tương sát như thế nào? Anh nhả khí độc vào trong biển, muốn giết hại người bên phía chúng tôi, người khác cũng thả độc vào nước, đôi bên đều thải ra chất độc hóa học, khiến cơ thể con người hít phải độc tố, mắc phải bệnh kỳ lạ không thể trị được. những chất độc mang tính cảm nhiễm ngấm ngầm nầy đều rất đáng sợ, làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm trái đất, nước cũng bị ô nhiễm, trên đất liền, dưới biển cả, trong hư không không nơi nào an toàn cả. Tai kiếp nầy vô cùng thảm khốc, cho nên nói “thảm thay, đau thay!” Thật là đáng sợ thay!

Nếu muốn vãn hồi tai kiếp nầy, muốn xoay chuyển lại ý trời, cứu vãn tất cả tai nạn, bệnh tật, vô hình trung khiến những điều trên không sanh khởi thì con người chúng ta nên giữ giới không giết hại và thực hành hạnh phóng sanh. Vì tất cả chiến tranh đều từ giết hại sanh mạng mà ra. Tại sao nẩy sanh ra hành động giết hại sanh mạng ? Vì khởi lên niệm giết hại, nếu không có niệm giết hại thì duyên giết hại, phương pháp giết hại và nghiệp giết hại cũng tự nhiên không có, dẫn đến không có tất cả những tai kiếp.

Vì vậy mà con người phải giữ gìn năm giới:

1. Không giết hại, ngay cả ý niệm giết hại cũng không có.

2. Không trộm cắp, ý niệm trộm cắp cũng không khởi.

3. Không tà dâm, không khởi lên ý niệm tà dâm. “Vạn điều ác dâm đứng đầu, trăm điều lành hiếu trước tiên” lại nói “vạn điều ác dâm đứng đầu, con đường chết không thể đi”. Qúy vị mượn người ta bao nhiêu, sẽ phải trả lại bấy nhiêu, quả báo một mảy may chẳng sót.

4. Không nói dối, quý vị không thể luôn nói dối để dối gạt người, ngay cả ý niệm nói dối cũng không nên có.

5. Không uống rượu, cũng không nên khởi ý niệm uống rượu; uống rượu nhiều sẽ cuồng loạn tâm tánh, cuồng loạn tâm tánh sẽ gây ra rất nhiều việc trái với bổn phận, vượt ra ngoài đạo lý, không hợp phép tắc; cho nên phải kiêng bỏ uống rượu.

Quý vị có thể nghiêm trì năm giới, lại có thể thực hành mười điều thiện, đây chính là việc làm có thể tiêu diệt tai kiếp ác nạn trên thế gian; cho nên đang trong thời gian phòng ngừa tai họa, chúng ta nên hành trì năm giới; nếu ai cũng giữ gìn năm giới thì thế giới sẽ thái bình, con người không còn gặp phải tai nạn nữa.

Kiếp nạn lớn vốn là ý trời, muốn cứu vãn tai kiếp lớn chính là hồi thiên, quý vị có cách có thể xoay chuyển lại ý trời, mọi người đều sẽ được an lạc; mọi người an lạc, thế giới sẽ không còn chiến tranh. Kiếp nạn lớn là do sát sanh quá nhiều mà có; quý vị thấy con người chúng ta mỗi ngày giết bao nhiêu bò, dê, heo? Cho nên ngay cả tâm giết hại đều phải không có, phải thọ trì năm giới, chuyên cần tu tập ba môn học Giới, Định, Huệ. Cái gì gọi là Giới? Giới chính là không làm các điều ác, chuyên hành các điều thiện; Định là không làm việc không chánh đáng; Huệ chính là có trí huệ. Vì sao làm ác? Vì không giữ giới luật; nếu có thể giữ giới luật “không làm các điều ác, chuyên hành các việc lành”, tự nhiên sẽ thành tựu được thiện nghiệp. Cho nên muốn tiêu diệt tất cả các tai kiếp, tất phải trừ bỏ niệm giết hại, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ và uống rượu, thì mới có thể nhận thức được mặt mũi xưa nay của quý vị.

Mặt mũi xưa nay của quý vị là cái gì? Chính là “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể làm Phật”. Quý vị có thể nhận thức được Phật tánh của mình, tương lai nhất định sẽ thành Phật; trí tuệ thông minh vốn có của mình sẽ tự hiển bày, thấy được bổn địa phong quang. Bổn địa phong quang chính là nơi quý vị đã từng đến, cũng chính là đến được với Phật tánh của quý vị, Phật tánh vô cùng kỳ diệu, ý vị vô cùng. Chúng ta muốn thử làm thì đầu tiên phải như thế nào? Phải thanh tịnh ý chí, tâm tánh, hồi tâm hướng thiện, cải ác làm lành; lại còn phải tinh tiến dũng mãnh, phát tâm bồ đề, lập chí tu hành, thành tựu đạo quả, đây chính là một cách thức tốt.

Chúng ta còn phải rộng độ chúng sanh, độ mình độ người, giác mình giác người, lợi mình lợi người, nếu có ai chưa lìa khổ được vui thì là chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình; mọi người cùng nhau liễu thoát sanh tử, lìa khổ được vui, đồng đến bờ giác, cùng chư thượng thiện nhân vui hợp một chỗ, Bồ tát bất thoái luôn làm bạn của chúng ta. Sở dĩ tôi viết ra “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” chính là vì muốn làm được việc nầy; cho nên ai có thể nghiêm trì năm giới, người đó chính là chiến sĩ của “Thủy Kính Hồi Thiên Lục”.

Nhưng mà việc nầy nói ra thì dễ, làm lại rất khó. Vì sao vậy? Vì tánh thức của chúng sanh ở thế giới Ta bà vô định, khó điều phục, muốn họ làm lành, cho dù đã nhiều lần ân cần dạy dỗ, tận tâm chỉ bảo, vẫn rất khó làm cho họ tuân thủ làm theo. Nhưng vừa gặp phải ác duyên, ví dụ như đánh bạc, hút thuốc phiện, hoặc khiêu vũ, xem phim thì họ luôn khởi tâm muốn làm theo; những việc nầy không cần phải dạy, họ cũng tự biết rõ, cũng có thể nói là không thầy dạy nhưng tự biết. Trong biển nghiệp mênh mông, thực ra biết quay đầu trở lại rất ít! Cho nên việc muốn vãn hồi lại ý trời cũng giống như trăng trong nước, có bóng nhưng không hình; giống như hoa trong gương, cũng có bóng mà không có hình, không có cơ sở.

Tuy nhiên, cái hy vọng chúng ta muốn vãn hồi lại ý trời, không phải là trăng trong nước, hoa trong gương; nhưng muốn vãn hồi lại ý trời cũng giống như trăng trong nước, hoa trong gương, không có căn cứ, không có thành tựu, căn bản là có bóng nhưng không có hình, chỉ có thể thấy mà không thể với tới, chỉ có thể xem mà không thể lấy được; nhưng cho dù là việc không thể làm được, tôi cũng muốn làm, đây chính là cái được gọi là “hy vọng trong cái không thể hy vọng, thành tựu trong cái không thể thành tựu”, cho nên tôi mới đặt tên bộ sách nầy là “Thủy Kính Hồi Thiên”, có nghĩa là việc tôi muốn làm thật không dễ thực hiện.

Chú thích:

(1) Người Trung Hoa dùng tên Giáp và Ất để ví dụ chỉ hai người nào đó như người A và B.

LỜI TỰ SỰ

Ban Biên Tập Thủy Kính Hồi Thiên Lục

Vào năm 1968, có 20 mươi thanh niên người Tây phương đến căn nhà nhỏ đơn sơ ở lầu bốn là Chùa Thiên Hậu thuộc khu người Hoa ở thành phố San Francisco, họ ngồi xung quanh chiếc bàn cũ kỹ. Căn phòng tuy chật hẹp, nhưng tâm của họ chẳng hẹp tí nào, một vị pháp sư người Trung Hoa đang chỉ vào những chữ Hán trên tấm bảng đen, hướng dẫn cho họ đọc từng chữ từng câu: “Nhân sinh ngũ thập, nhi năng giác tứ thập cửu tuế chi phi giả, tức bất thất vi cải quá thiên thiện chi quân tử dã…” (Người tuổi 50, như có thể biết những sai lầm của mình lúc 49 tuổi , tức không đánh mất đi bản chất sửa ác làm lành của người quân tử …) Vị pháp sư hướng dẫn họ đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần lập lại là một lần gột sạch tâm tánh, làm cho tâm linh của họ được mở mang sung mãn.

Sau khi lập lại vài lần, Pháp sư bắt đầu dùng tiếng Bạch Thoại giảng giải những câu văn viết theo lối nửa kim nửa cổ, những thanh niên Tây phương nầy tuy không hoàn toàn hiểu hết, nhưng do trong lời giảng của pháp sư đã thể hiện được lực từ bi và trí tuệ đã thu hút họ chăm chú lắng nghe một cách sâu sắc. Sau đó thì có người phiên dịch lại những lời giảng giải của pháp sư…

Phần trước Hòa thượng Tuyên Hóa đã nói sơ lược về nội dung của “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” trong thời kỳ đầu tại Giảng Đường Phật Học thuộc thành phố San Francisco, lúc đó người đến nghe đa số là những đệ tử người Tây phương, họ không hiểu tiếng Trung Hoa nhiều cho nên tất cả đều nhờ Hòa Thượng dạy cho. Sau nầy giảng đường Phật giáo dời đến chùa Kim Sơn cũ, trãi qua mấy năm được Hòa Thượng khổ công đào luyện, các đệ tử dần dần đi vào nề nếp, khả năng tiếng Hoa cũng tiến bộ hơn, và Hòa Thượng cũng có thêm không ít những đệ tử người Đông phương. Lớp học nầy vẫn tiếp tục duy trì, nhưng về phương cách thì có đổi khác—tuy vẫn do Hòa Thượng đích thân giảng về phần chánh văn, viết lên bảng, nhưng đầu tiên ngài cho các đệ tử thực tập diễn giảng, cuối cùng Hòa Thượng mới hướng dẫn mọi người đọc lại phần chánh văn và giải thích cho mọi người hiểu, đồng thời sửa lại những chỗ các đệ tử giảng chưa thấu đạt. Cùng một bản văn, trãi qua nhiều lần giảng giải thì những đạo lý về Phật pháp, nhân quả, những luân lý đạo đức, lịch sử văn hóa, văn từ ngôn ngữ tự nhiên thấm sâu vào tâm các đệ tử, thậm chí bồi dưỡng được những nhân phẩm đạo đức như tánh kiên nhẫn, lòng bao dung lẫn nhau, tiếp nhận được những cái tốt xấu hay khiếm khuyết của người khác v.v.. ; đây là phương pháp thù thắng nhiệm mầu mà Hòa Thượng đã khổ công đào luyện từng chút một cho hàng hậu học, bồi dưỡng nên những nhân tài hoằng pháp.

Tinh thần của Hòa Thượng là nắm vững tay chèo không cho nghiêng ngả, ngay cả bút pháp Xuân Thu cũng đều mượn sự hay dở của người xưa để làm gương soi cho hàng hậu học, Hòa Thượng vì muốn cứu vãn cơn sóng lớn đã lan xa, nên mới giảng nói Thủy Kính Hồi Thiên Lục, tổng cộng qua hơn 20 năm, có gần khoãng 280 bài. Mấy năm gần đây, do trở ngại về nhân lực nên chỉ mới xuất bản được phần chánh văn, còn phần giảng giải bằng tiếng Bạch Thoại giống như ngọc ẩn lâu ngày, để không cô phụ bao tâm huyết Hòa Thượng đã bỏ ra nên chúng tôi phân Thủy Kính Hồi Thiên Lục ra làm mấy chương dưới đây, theo thứ tự sẽ sao chép những phần đã được chỉnh lý ra băng, phối hợp thêm tranh vẽ minh họa, lần lượt cho xuất bản. Trong đó nếu có những công án liên quan đến lịch sử đương thời do các đệ tử luyện tập giảng, vì trở ngại về mặt thời gian nên Hòa Thượng chưa giảng lại được, chúng tôi sẽ dùng phương cách chú thích thêm vào phía sau bản văn để độc giả có thể gần gủi được nguyên tác của Hòa Thượng và có thể hiểu rõ được bối cảnh lịch sử, số chương được phân như dưới đây:

1. Chương Hạo Nhiên

2. Chương Thánh Chúng

3. Chương Pháp Sư

4. Chương Cư Sĩ

5. Chương Hiền Thánh

6. Chương Đế Vương

7. Chương Văn Sĩ

8. Chương Cổ Nhân

9. Chương Kim Nhân

Nay do biên tập “Chương Đế Vương” xong trước, nên sẽ xuất bản trước, đồng thời cầu nguyện hôm nay xuất bản quyển sách nầy có thể làm cho lòng người không xu phụ theo thói đời, đạo đức không theo văn tự sách vở ngày nát dần đi, ngõ hầu mang lại một phần chánh khí rộng lớn, mọi người đều hiểu rõ được nhân quả, đổi ác làm lành, hình thành nên một thế giới đại đồng.

CẢM NHẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Triều Sơn

Thế giới ngày nay là một thế giới như thế nào? Hòa thượng Tuyên Hóa đã từng hình dung như thế nầy:

Toàn thế giới đều vì tiền mà không cần đến mạng sống, anh lừa gạt tôi, tôi lừa gạt anh. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều thiếu vắng người thanh liêm, làm việc phục vụ cho nhân dân.

Trong tình trạng tâm tánh con người bị tiền tài, vật chất làm thiên lệch đến cao độ, Hòa thượng Tuyên Hóa đến khắp nơi hoằng pháp, đặt chân đến khắp Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Có người so sánh sức hoằng pháp của Hòa Thượng với bom nguyên tử; nhưng Hòa Thượng lại cho rằng, dùng bom nguyên tử không thể khiến cho người ta tin phục, chỉ có dùng tám đức: hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ vốn là luân lý đạo đức truyền thống của Trung Quốc để giáo hóa con người, mới có thể cứu vãn được đạo đức ở đời và tâm tánh của con người. Vì trong xã hội kỳ dị muôn màu hiện nay có rất nhiều người không chỉ đánh mất Phật tánh của mình, mà ngay cả nhân tánh cũng không còn, biến cái nhân tánh vốn cao quý trở nên rất đỗi thấp hèn.

Vì không nỡ nhìn thấy cảnh đời loạn lạc, vận nước suy vong, lòng người hiểm ác, nên Hòa Thượng mới viết ra bộ Thủy Kính Hồi Thiên Lục, giống như động cơ Khổng Tử trước tác bộ Xuân Thu. Hơn ba ngàn năm trước, Khổng Tử chu du Liệt quốc, muốn dùng chính trị làm chuẩn mực cho đời; nhưng ý chí trung thành kiên trinh kia khó mà thực hiện được, cho nên ông trở về quê hương nước Lỗ, chuyển sang làm công tác giáo dục theo đường hướng mình vạch ra, đào tạo nhân tài lãnh đạo các nước. Khổng Tử được đời sau tôn kính gọi là “Chí thánh tiên sư”, “Vạn thế sư biểu” (Bậc Thầy đầu tiên trong hàng Thánh, bậc Thầy mô phạm cho vạn đời sau). Khổng Tử luôn tự hạ mình rằng chỉ truyền lại đạo lý của người xưa chứ không tự ý làm ra cái mới, nhưng nhìn thấy cảnh đời loạn lạc vận nước suy vong, đau lòng không dứt, nên mới mạo muội cầm lấy bút sử viết ra bộ Xuân Thu, ca ngợi người trung vạch trần kẻ nịnh, thưởng kẻ làm lành phạt người làm ác, khiến cho bọn loạn thần tặc tử sợ hãi, không còn chỗ dung thân trong trời đất.

Khổng Tử viết bộ Xuân Thu, văn phong nghiêm túc đường hoàng giống như các quan trong ban sử, cho dù dạo chơi mùa hè cũng không thêm thắt một lời; thể hiện tinh thần rất mực yêu nước thương dân, đong đầy nguyện lớn cứu đời mà người bình thường không dễ gì nhận ra được. Nên không có gì lạ khi Khổng Tử tự than rằng: “Người hiểu ta, chỉ có đọc qua Xuân Thu; người trách ta, cũng chỉ thông qua Xuân Thu!”

Chí khí và kiến thức của Khổng Tử rộng lớn uyên thâm; Hòa Thượng chúng ta lại càng tâm đồng hư không, lượng cùng pháp giới, không có tâm yêu riêng một thời, một nơi, một nhà, một nước nào, mà là trãi lòng từ bi rộng khắp không phân biệt. Hòa Thượng trước tác Thủy Kính Hồi Thiên Lục, những nhân vật được giới thiệu đánh giá trong đây bao gồm tất cả các loại chúng sanh có trong lịch sử hoặc ngoài lịch sử từ xưa đến nay như bậc thánh thiện kẻ gian ác, bậc thượng lưu trí thức kẻ hạ lưu ngu muội, nam nữ già trẻ, phàm thánh đan xen, rồng rắn hỗn tạp v.v... Từ sự thưởng phạt rõ ràng, thiện ác phân minh, độc giả các nước có thể từ đây suy gẫm học tập theo người hiền, thấy kẻ bất chính liền trở về phản tỉnh lại chính mình. Thủy Kính Hồi Thiên Lục có thể chính là nguồn mạch tâm truyền của sử bút Xuân Thu, ra đời vì liên quan đến sự tồn vong của thế giới. Lời tựa của Thủy Kính Hồi Thiên Lục, vừa mở đầu đã điểm rõ chủ đề chính:

靜觀三千大千世界,惡業瀰漫。國與國殺,造成世界戰爭;家與家殺,造成鄉里戰爭;人與人殺,造成彼此戰爭;自與自殺,造成心性戰爭。乃至空與空殺,水與水殺,造成有形無形等等戰爭。悲乎!痛哉!

Thanh tịnh tâm ý quán sát ba ngàn đại thiên thế giới, ác nghiệp dẫy đầy. các nước giết hại lẫn nhau, tạo thành chiến tranh thế giới; nhà nhà giết hại lẫn nhau, tạo chiến tranh thôn làng; người người giết hại lẫn nhau, tạo thành chiến tranh giữa con người; tự mình xâu sát chính mình, tạo nên chiến tranh nội tâm. Cho đến hư không hủy diệt hư không; nước hủy diệt nước, tạo nên chiến tranh hữu hình và vô hình. Thật thảm thương thay! Thật thống khổ thay!

Trong đời ác năm trược, ác nghiệp dẫy đầy như thế, Hòa Thượng “xây dựng giá trị tính mạng của con người trên quan điểm tôn trọng tất cả mạng sống, lấy việc riêng làm việc chung, giữ gìn tịnh giới, cống hiến bản thân làm lợi ích cho chúng sanh”. Tuy chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng nhưng Hòa Thượng vẫn đối xử bình đẳng, Ngài nói: “Tôi đối với người tốt hay người xấu cũng đều giống nhau, tuyệt đối không có sự phân biệt; mong rằng người xấu nhìn thấy tôi cũng đều sửa đổi, làm mới lại chính mình quay về nẻo thiện. Mục tiêu của chúng ta là chuyển đổi những tập quán xấu, thương yêu bảo vệ con người, kính già yêu trẻ. Khiến cho đạo đức con người ngày một sâu dày, tạo thành một thế giới đại đồng”. Đây chính là xã hội lý tưởng của Hòa thượng Tuyên Hóa.

Lý tưởng như thế không dễ đạt được tí nào, giống như trăng trong nước, hoa trong gương, có thể trông mà không thể với tới. Nhưng từ nhiều năm trở lại đây Hòa Thượng Tuyên Hóa luôn tận tâm làm việc, âm thầm nỗ lực, cố gắng dùng “lòng từ bi rộng lớn phổ độ, đổ ra biết bao tâm huyết, không hề mệt mỏi” để làm nên hy vọng trong cái không có hy vọng, thành tựu cái không thể thành tựu. Tinh thần nầy thể hiện ngay việc Khổng Tử viết ra bộ Xuân Thu và Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng tác Thủy Kính Hồi Thiên Lục. Việc làm nầy hàm chứa cả một tấm lòng trung trinh ái quốc, cứu dân độ thế, làm cho chánh khí tràn đầy trong trời đất, thực hành hạnh nguyện “biết không thể mà vẫn cứ làm”. Hy vọng người học đời sau có thể tiếp nối chí nguyện ghi lại những điều tâm huyết; vì muốn thực hiện một thế giới đại đồng, một tịnh độ an vui mà cúc cung tận tụy, truyền lại mãi muôn đời. Được như vậy thì tuy nói không thể hy vọng mà vẫn có hy vọng; không có khả năng thành tựu mà vẫn có thể thành tựu.

http://www.chuavanphat.org/

Không có nhận xét nào: