Mang nghiệp vãng sinh có phải là trốn nợ?
Mang nghiệp vãng sinh là quan điểm của người tu pháp môn Tịnh độ, nhưng không thấy có danh từ này trong các kinh điển về Tịnh độ. Vì vậy, cách đây vài năm, có một cuộc bút chiến về chủ đề "Tiêu nghiệp vãng sinh và mang nghiệp vãng sinh", của tu sĩ Du già Mật giáo và người tu Tịnh độ. Nhưng, theo kinh "Quán vô lượng thọ" và kinh "Vô lượng thọ" thì người phàm phu, tuy tạo nghiệp ác lớn, nếu niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hướng về Phật A-di-đà phát lời nguyện lớn thì cũng được vãng sinh. Vì vậy mà giới Tịnh độ ở Trung Quốc đề xướng thuyết "Mang nghiệp vãng sinh".
Bình thường mà nói, thì các vị Bồ Tát, do sức mạnh lời nguyện của mình mà xuất hiện ở thế gian để cứu độ chúng sinh, còn phàm phu thì do nghiệp lực mà phải xuất hiện ở thế gian để chịu quả báo. Trong khi chịu quả báo lại liên tục tạo nghiệp, dù là tạo nghiệp thiện hay ác đều không thể ra khỏi ba cõi. Tạo nghiệp ác lớn thì bị đọa vào đường ác. Tạo nghiệp thiện lớn thì sẽ sinh lên cõi trời hưởng phúc ở đấy. Nếu vừa tạo nghiệp thiện vừa tạo nghiệp ác thì vừa có thể sinh làm người hay làm quỷ thần, vừa được phúc báo, vừa chịu khổ báo. Chỉ có những người tu hạnh giải thoát thanh tịnh ngoài việc giữ 5 giới, tu mười điều thiện ra, còn tu định, tu huệ, đoạn trừ hết phiền não mới có thể ra khỏi sinh tử, mãi mãi vượt qua ba cõi.
Phép tu Tịnh độ là một phương tiện thuận tiện có thể dựa vào sức mạnh thệ nguyện của Phật A-di-đà mà giải thoát khỏi 3 cõi. Những người có niềm tin sâu sắc mà phát nguyện vãng sinh về cõi Tịnh độ thì dù có phạm trọng tội, làm vô số các nghiệp ác cũng có thể vãng sinh về cõi Cực lạc, sau đó nhờ nghe pháp lâu dài, nhờ có hoàn cảnh thuận tiện chẳng những không còn tạo nghiệp ác nữa, mà qua một thời gian dài làm cho các hạt giống ác nghiệp dần dần bị khô héo, cằn cõi đi. Đó là lý luận "Đeo nghiệp ác".
Tất nhiên ở cõi Tịnh độ Tây phương, tu chứng được quả Thánh rồi sẽ trở lại cõi Sa-bà này, hiện nay nhiều nhân tướng khác nhau, để độ chúng sinh. Bậc Thánh ấy có thể thác vào thai mà sinh, cũng có thể biến hóa mà sinh. Nếu là khai sinh, thì mang thân thế và chịu hoàn cảnh như các chúng sinh khác, cũng chịu mọi sự đau khổ bức bách. Đối với chúng sinh mà nói đó là thuộc về nghiệp báo. Nhưng các bậc Thánh đó tuy vẫn chịu thọ báo, nhưng không lấy đó làm khổ. Cho nên tuy mang nghiệp vãng sinh, nhưng không phải là trốn nghiệp, tuy chịu quả báo nhưng rất khác với chúng sinh phàm phu. Như vậy có thể thấy, nếu không vãng sinh Tịnh độ thì sẽ bị lưu chuyển mãi trong bể khổ sinh tử luân hồi, tạo nghiệp báo rồi chịu báo, tạo nghiệp báo rồi chịu báo, tạo nghiệp tuần hoàn mãi mãi. Còn được vãng sinh Tịnh độ thì mang nghiệp mà đi tiêu nghiệp trở về, rồi lại trở lại thế gian mà chịu báo. Nhưng chịu ở đây chỉ là hiện tượng không phải là thực chất. Cho nên, dù có tin thuyết "Đeo nghiệp vãng sinh, thọ báo để tiêu nghiệp" cũng không hại gì. Nhưng không thể so sánh việc phàm phu tạo nghiệp thọ báo, với việc chủ động, phát nguyện tái sinh, chịu báo để độ chúng sinh. Một bên là chủ động, một bên là bị động.
Có một loại lý luận Mật giáo, cho rằng nhờ thực hành phép tu bí mật, hay nhờ sự gia hộ của bậc đại tu hành nên có thể lập tức tiêu mọi nghiệp chướng, đạt tới chỗ thân tâm thanh tịnh, vãng sinh sang nước Phật. Thuyết này tương tự như phép chuộc tội, miễn tội, thế tội của tôn giáo thần quyền, không phù hợp với thuyết nhân quả nhà Phật.
25. Thế nào gọi là "niệm Phật nhất tâm bất loạn"? [^]
Câu "Nhất tâm bất loạn" có ở trong kinh A-di-đà. Trong kinh "Di giáo" cũng có nói tới "Chế ngự tâm tại một nơi thì không có việc gì là không làm được". "Nhất tâm bất loạn" là thuộc về một pháp môn của tu định, lại gọi là "Niệm Phật tam muội" hoặc gọi là bát châu tam muội hoặc là nhất hạnh tam muội. Trong kinh "Hoa Nghiêm" quyển 6, phẩm "Nhập pháp giới" có nói đến 21 loại niệm Phật tam muội. Kinh A-di-đà thì nói nếu một ngày hoặc trong bảy ngày liên tục mà chuyên trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà đến mức "Nhất tâm bất loạn" thì lúc lâm chung có thể vãng sinh đến nước Cực-lạc Tây phương.
"Nhất tâm" là đối với tâm tán loạn mà nói. Nếu một mặt miệng thì niệm danh hiệu Phật, mặt khác trong lòng có nhiều vọng tưởng thì đó là niệm Phật tâm tán loạn. Nếu niệm Phật mà niệm đến mức tâm với miệng khớp với nhau không có rối loạn, danh hiệu của Phật được niệm liên tục kế tiếp nhau, đến mức không niệm mà tự niệm ! Đó là như kinh "Lăng Nghiêm" đã nói "Tịnh niệm tương kế" (ý niệm liên tục không gián đoạn).
Căn cứ vào đại sư Liên Trì cuối đời nhà Minh thì "Nhất tâm" có thể chia thành : "Sự nhất tâm", "Sự nhất tâm và lý nhất tâm" là tâm không có tạp niệm, tâm và miệng tương ứng với nhau, chỉ có niệm danh hiệu Phật. Tự mình biết rằng mình đang niệm Phật, biết rằng có danh hiệu Phật đang niệm, đó là nhất tâm niệm Phật, hoặc là toàn thân niệm Phật. Do chuyên tâm niệm Phật nên có thể đạt tới điều mà Thiền tông gọi là "công phu thành phiến". Cái gọi là "lý nhất tâm" tức là tâm tương ứng với lý, tự thấy được pháp thân của A-di-đà tức là tự tánh, Tây phương không tách rời mình một tấc. Đó là cảnh giới hiện ra trước mặt "tự tánh Di-đà duy tâm Tịnh độ". "Sự nhất tâm" thuộc về mức độ thiền quán thiền định. "Lý nhất tâm" thuộc về trình độ thiền ngộ. Đó là kết quả của việc tu hành song đôi cả tịnh độ và thiền định. Lấy việc niệm Phật của tịnh độ để nhập môn đạt đến mục đích tam muội rồi giác ngộ, giải thoát.
"Nhất tâm bất loạn" là muốn chỉ chuyên tâm nhất ý. Khi niệm Phật, phải trói buộc cái tâm mình vào danh hiệu Phật, miệng niệm danh hiệu Phật, tai nghe tiếng niệm Phật, "tâm chẳng dùng hai", đó gọi là nhất tâm. Và như vậy thì khi lâm chung có thể vãng sinh lên cõi Tịnh độ.
26. Người niệm Phật thấy tướng tốt thì làm thế nào?[^]
Pháp môn niệm Phật thuộc pháp môn tự tướng. Sự xuất hiện của kinh "Quán vô lượng thọ" là do khi Đức Phật còn tại thế, Thái tử A-xà-thế chiếm ngôi Vua, bắt giam Vua cha là Tần-bà-sa-la cùng với mẹ là Bà Vi-đề-hi. Bà Vi-đề-hi ở trong tù cầu mong được Phật Thích Ca đến thuyết pháp. Cảm thông được điều đó, Đức Phật với phép thần thông làm cho Bà Vi-đề-hi thấy được các cõi Tịnh độ của chư Phật 10 phương. Bà Vi-đề-hi chọn cõi Cực-lạc của Phật A-di-đà. Phật bèn giảng cho bà 16 pháp môn tu trì để được vãng sinh sang cõi Cực-lạc. Bà Vi-đề-hi cùng với 500 thị nữ theo hầu bà đều được chứng Vô sinh pháp nhẫn và đều được vãng sinh qua cõi Cực-lạc.
Cuốn kinh ấy giới thiệu Tịnh độ của Phật A-di-đà có 9 cấp vãng sinh. Khi mệnh chung, không kể là vãng sinh theo đẳng cấp nào đều được thấy Phật cũng tướng tốt hiện ra trước mặt mình như Phật, Bồ Tát, đài sen v.v… Cho nên trong quá trình niệm Phật mà thấy được các tướng tốt lành như các cảnh đẹp cõi Tịnh độ là chuyện bình thường.
Kinh "Địa Tạng" có kể chuyện Bồ Tát Địa Tạng ở một kiếp trước là một thiếu nữ tên là Quang Mục, nhờ niệm danh hiệu Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục (Mắt hoa sen thanh tịnh) và lập bàn thờ cúng dường mà nằm mộng thấy Phật, phóng hào quang rực rỡ, và nghe lời Phật giảng. Lại ở kiếp trước Bồ Tát Địa Tạng là một phụ nữ Bà-la-môn, muốn độ thoát cho mẫu thân mà cúng dường tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, được nghe Phật từ hư không giảng pháp khuyến cáo về nhà ngồi thẳng người nghĩ tới danh hiệu Phật, qua một ngày đêm, thì sẽ xuống được địa ngục để gặp mẫu thân. Câu chuyện này chứng tỏ có thể nhờ sám hối mà thấy được Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai, đó là điềm lành của sự giảm tội.
Nếu ngày thường niệm Phật, không nhằm mục đích thấy điều lành mà điều lành tự hiện có thể là tốt, cũng có thể không phải là tốt lắm. Thấy điềm lành có thể làm tăng thêm lòng tin, vì tự mình có thể nghiệm và cảm thọ. Nhưng nếu vì cầu được điềm lành mà niệm Phật thì cái tâm niệm Phật đó chưa phải thật là trong sáng và điềm lành xuất hiện có thể là do tâm trạng hoảng hốt mà sinh ra.
Khi tâm lý bị kích thích, đầu óc quá bị mệt nhọc và mong chờ nên rất dễ sinh ra ảo tưởng, nhẹ thì mắc bệnh tâm thần, nặng thì có thể bị điên loạn, cho nên phải cẩn thận.
Lại có lòng thành cầu mong mà sinh ra cảm ứng, nên sinh ra huyễn cảnh điềm lành, và có thể do phát tâm không chân chính, tâm ý không thanh tịng mà bị ma quấy nhiễu.
Do vậy, đối với người Phật tử có chính tín, thì mục đích niệm Phật không phải để cầu được thấy điều lành, như hào quang, hoa đẹp, mùi hương thơm, thấy cảnh giới ở Cực-lạc, thấy Phật và Bồ-tát. Người Phật tử chỉ giữ cho lòng không có ham trước, tâm không điên đảo và nhất tâm niệm Phật. Đó chính là cách niệm Phật an toàn nhất.
Còn nếu khi lâm chung mà thấy điềm lành thì đó là do cảm ứng mà được, chứ không phải là do tưởng tượng, ở chương sau sẽ nói rõ vấn đề này.
Nếu khi niệm Phật mà điềm lành cứ xuất hiện luôn thì đó không phải là chuyện hay, bởi vì sẽ không thể chuyên tâm niệm Phật được, khiến người ta tách rời Phật pháp rồi biến thành công cụ của người ngoại đạo, công của quỷ thần muốn dùng làm phương tiện để thi thố quyền năng. Nếu bản thân mình không có khả năng phân rõ chính tà thì có thể gác bỏ vấn đề sang một bên và tập trung toàn bộ sự chú ý vào việc niệm Phật, điềm lành tự nhiên sẽ biến đi. Còn nếu điềm lành cứ bám mãi không tha, thì nên mời các vị cao tăng, đại đức, cư sĩ đến chỉ giáo giúp đỡ.
27 - Khi mệnh chung, thấy điềm lành có phải là triệu chứng giải thoát không ? [^]
Có thể là giải thoát, nhưng đa số trường hợp là không phải. Nói điềm lành hiện ra lúc mệnh chung là chỉ mùi hương lạ, có thiên nhạc, có ánh hào quang, có hình ảnh Phật, Bồ Tát hiện ra, có chim thú kêu, hoa bỗng nhiên nở rộ, cây cỏ biến sắc, mây gió biến đổi, có tiếng chớp, thân thể người mệnh chung mềm mại, sau hỏa táng còn lại ngọc xá v.v… Tất cả những tướng phúc đức đó do tu thiện tích đức mà thành. Khi còn sống, làm người chính trực hay bố thí, khi chết hay xuất hiện điềm lành, sau khi chết có thể trở thành thần linh có phúc lớn.
Nếu vừa có tội, vừa có phúc, nhưng phúc nhiều hơn tội thì có thể làm quỷ với uy lực lớn. Nếu ít tham, sân có nhiều phúc đức, thì tái sinh làm loài trời ở dục giới. Nếu tu hành Phật pháp, coi trọng cả ba môn học Giới, Định, Tuệ thì dù chưa thoát khỏi được ba cõi cũng được sinh lên cõi trời Đao-lợi của Dục giới hay là 5 cõi trời Tịnh-cư-thiên của sắc giới. Sau khi lên cõi trời rồi có thể gặp Phật, nghe pháp, cúng dường chư Phật 10 phương, cùng tụ hội một nơi với các bậc Đại Bồ Tát, dần dần sẽ thoát khỏi 3 cõi, giải thoát sống chết. Nếu là người thọ trì 5 giới, tinh tiến niệm Phật, một lòng hướng về cõi Cực-lạc thì khi mệnh chung, sẽ được vãng sinh về cõi Cực-lạc. Tất nhiên, mười phương thế giới có vô lượng cõi Phật, cầu vãng sinh ở đâu cũng được toại nguyện.
Như chúng ta thấy, chỉ cần khi làm người tu phúc làm lành là có thể không đọa vào ba cõi ác, được tái sinh làm người hay lên cõi trời, khi mệnh chung, thường xuất hiện ít nhiều điềm lành. Có những điềm lành chỉ người đương sự thấy mà thôi, nhưng cũng có điềm lành mà nhiều người thấy được, thậm chí có thể chụp ảnh được, ghi âm được, khiến cho người chứng kiến tăng thêm lòng tin.
Còn thân thể người chết mềm mại, sắc mặt như khi còn sống, tất nhiên đó là điềm lành sẽ tái sinh lên các cõi trời. Nhưng cũng có khi do sức mạnh thần linh biểu hiện ra chứ không phải do công đức người chết. Sức mạnh đó có thể hiện thành uy quyền to lớn khiến nhiều người tin theo và sùng bái. Về các loại điềm lành khác thì có thể suy ra mà hiểu.
Về nguyên tắc thì điềm lành không phải là chuyện xấu, vì có thể khuyên mọi người bỏ ác làm lành. Nhưng không nên hiểu điềm lành xuất hiện là triệu chứng của giải thoát. Giải thoát là thuộc về tướng của tâm, chứ không phải tướng của vật. Vật tướng thuộc về tướng của tâm, chứ khi đạt tới trong tâm không còn tướng, không còn vật mới là giải thoát. Kinh Kim Cương có câu "Phàm là tướng, đều là hư vọng". Giải thoát là ly tướng, không chấp tướng. Trong lòng đã không có tướng, thì ở bên ngoài có hay không có điềm lành không quan trọng.
Nhưng cũng không thể nói rằng khi mệnh chung xuất hiện điềm lành là có thể chưa được giải thoát. Như Phật Thích Ca khi nhập Niết-bàn cũng có điềm lành xuất hiện, các bậc Cao-tăng, Đại-đức qua các đời, khi viên tịch cũng hiện ra nhiều điềm lành. Đó không phải là do tự họ hiện ra điềm lành, mà là do các vị thần linh, hộ pháp bày tỏ lòng hoan hỉ thương tiếc có người giải thoát, thương tiếc người được giải thoát sắp đi xa. Điềm lành phần lớn là do sức mạnh của các thần linh hiển hiện, tuy có quan hệ với người sắp chết, nhưng không phải trọng yếu. Điềm lành xuất hiện tuy có tác dụng làm tăng thêm lòng tin đối với người khác, nhưng không thể khẳng định đó là triệu chứng của giải thoát. Ngược lại, khi lâm chung, xuất hiện điềm xấu, thì không nhất định là không được giải thoát. Thí dụ các bậc đại A-la-hán như Mục-Kiền-Liên, Ưu-Đà-Di, Liên-Hoa-Sắc v.v…. bị người ta đánh chết, thậm chí bị vứt bỏ vào hố phân. Đó là do nghiệp báo của đời trước, chứ không có liên quan gì đến cảnh giới giải thoát thuộc đời hiện tại của họ.
www.thuvienhoasen.org/u-hocphatquannghi-04.htm#24
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét