Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Thủy Kính Hồi Thiên Lục (2)

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. A DỤC VƯƠNG (268-226 trước CN)

VỊ ĐẠI HỘ PHÁP CỦA PHẬT GIÁO

A Dục, dịch là “Vô Ưu”, người nước Đông Thiên Trúc, sinh vào khoảng hơn hai trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, là vua đời thứ ba của vương triều Khổng Tước (năm 268 trước Công Nguyên). Dung mạo xấu xí, tánh tình cang cường, ông không được vua cha tín nhiệm tuy rất có tài thao lược, có công dẹp loạn. Sau khi vua cha băng hà, quần thần suy tôn ông lên làm vua. Vua A Dục tạo địa ngục ở nhân gian, khống chế nhân dân. Về sau, được Hải Tỳ kheo cảm hóa, vua hết lòng kính tin Phật giáo, cấm sát sanh, thực hành hạnh bố thí, xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp ở khắp thế giới để cúng dường xá lợi Phật. Lại lập trụ đá khắc bia ở các nơi, khuyến cáo dân chúng “không được can thiệp tín ngưỡng của kẻ khác.” Vua còn phái cao tăng đến các nước lân bang hoằng pháp, xây chùa, cúng tăng. Lúc đó ngoại đạo trà trộn, làm tặc trú Tỳ kheo, sửa đổi Tam Tạng, không trọng giới luật, cho nên vua cử hành cuộc kết tập lần thứ ba, viết bằng văn tự Pali trên lá bối, làm kinh tạng của Nam Truyền Tiểu Thừa.

Người em là Tỳ Kheo Đế Tu cũng đến nước Sư Tử để hoằng dương Chánh Pháp.

Vua A Dục có xu hướng thiên về Đại chúng Bộ, bài xích Thượng Tọa Bộ, do đó, Phật Giáo nguyên thủy bị phân chia thành các tông phái.

Khen rằng:

Phật dạy người ác,

Ăn năn sửa đổi ,

Vua tên A Dục,

Giết hết lục thân.

Gặp Tỳ kheo Hải,

Hiểu thấu nhân quả ,

Sám hối tội xưa,

Cúng dường Từ Tôn.

Lại nói kệ rằng:

Ác vương hối lỗi, giúp thánh tăng,

Cung kính Tam Bảo, dứt tham tranh ,

Khắp cõi Diêm Phù xây tháp báu ,

Thành Hoa Tử kết tập kinh tạng .

Xiển dương Chánh Pháp, độ lân bang,

Dựng đại bảo tràng độ oán thân,

Xá-lợi Như Lai truyền hậu thế,

Tăng phước bồi huệ --lên bờ giác.

PHẦN GIẢI THÍCH

A Dục Vương dịch sang tiếng Trung Hoa là vua Vô Ưu, bởi vì ông ta không có tâm sợ hãi, cho nên lòng cũng không có ưu sầu phiền muộn. Ông sinh vào sau thời Đức Phật nhập diệt khoảng hơn 200 năm, là người miền Đông của Ấn Độ (đương thời, nước Ấn Độ được chia thành năm vùng - Đông Thiên Trúc, Tây Thiên Trúc, Nam Thiên Trúc, Bắc Thiên Trúc, và Trung Thiên Trúc); và là vị vua đời thứ ba của vương triều Khổng Tước. Vua A Dục có tướng mạo rất kỳ dị, ví dụ như mũi thì ngửa lên trời, miệng lại chỉ xuống đất... cho nên ai nhìn thấy cũng không có cảm tình; đã vậy, tính tình lại ngang ngạnh và cố chấp, do đó không được vua cha tín nhiệm cho lắm.

Tuy nhiên, mặc dù tướng mạo xấu xí nhưng ông lại là một người đầy mưu sâu kế diệu, ý chí cao ngất trời xanh, muốn đem tài thao lược hùng binh của mình ra thống nhất nước Ấn Độ. Trong những trận chiến đương thời, ông đều tỏ ra vô địch, chưa bao giờ thất trận. Bởi thắng trận thì có công với quốc gia, ông trở nên có tiếng tăm và thế lực. Do đó, sau khi vua cha băng hà, bá quan văn võ đã ủng hộ và suy tôn ông lên kế thừa vương vị.

Thế nhưng, một khi đã lên làm vua, nắm được quyền lực trong tay rồi, thì ông lại thi hành một chính sách tàn nhẫn, hà khắc. Vua A Dục đã làm gì? Ông đã thực hiện chính sách cai trị vô cùng tàn bạo, biến cõi trần gian thành chốn địa ngục để khống chế người dân. Việc làm này cũng không khác gì cách thống trị tàn bạo, dã man của bạo chúa Tần Thủy Hoàng (của Trung Hoa)—kẻ nào chê bai thì bị xử tử, có người dám nói chuyện riêng, đàm luận về Kinh Thi, Kinh Thư với nhau thì cả hai đều bị đem giết giữa chợ để răn dân chúng. Bá tánh không thể phản kháng; nếu có người nào phản kháng thì chắc chắn sẽ bị giết ngay

Tuy vậy, sau khi gặp Tỳ Kheo Hải và được vị Tỳ Kheo này cảm hoá, (1) nhà vua đã hết lòng tin tưởng đạo Phật. Sau khi tin Phật, vua liền sửa đổi hành vi--trước kia đã từng tạo ra cảnh địa ngục ở chốn nhân gian, giết người vô số, thì nay vua lại bảo mọi người chớ nên sát hại sanh mạng; vì sao lại như vậy? Đó là vì vua đã hiểu được luật nhân quả! Vua lại thường làm bố thí, giúp đỡ tha nhân; và còn kiến tạo tám vạn bốn ngàn ngôi tháp thờ xá-lợi Phật ở khắp nơi trên thế giới để cúng dường xá lợi của Đức Phật. (Làm thế nào có được xá-lợi? Nếu một người trong tâm hoàn toàn không còn ý dâm dục, không có hành vi dâm dục, chân chính tu hành, thì sẽ có xá lợi.)

Vua A Dục lại cho dựng rất nhiều trụ đá ở khắp các nơi, trên mỗi trụ đá đều có khắc mệnh lệnh của hoàng đế, thông báo với toàn dân rằng ai nấy không được can thiệp vào tín ngưỡng của những người lân cận, mọi người đều có quyền tự do về tín ngưỡng tôn giáo, không ai được phép can thiệp hoặc phản đối về việc tin theo tôn giáo nào của kẻ khác.

Vua A Dục còn phái những bậc cao tăng đến các nước lân bang để hoằng dương Phật Pháp; lại cho xây cất rất nhiều tự viện để cúng dường chư tăng. Lúc này, lợi dụng việc vua A Dục xây chùa, cúng tăng, khuyến khích mọi người xuất gia tu hành, bọn ngoại đạo đã len lỏi vào trong Phật Giáo, làm “tặc trú Tỳ Kheo”--họ muốn vào trong Phật Giáo để huỷ báng Phật Giáo. Hiện nay có rất nhiều “tặc trú Tỳ Kheo”-- những kẻ mặc pháp phục của người xuất gia, giả làm Tỳ Kheo, ăn cơm của Phật Giáo, trà trộn vào trong Tăng Đoàn để làm bại hoại giới luật của Phật Giáo, đều gọi là “tặc trú Tỳ Kheo.” Họ sửa đổi kinh điển của Tam Tạng, cũng không tuân thủ giới luật, không vâng theo lời dạy của Đức Phật. Chính vì những hành động đó của bọn ngoại đạo nên mới dẫn đến việc vua A Dục đứng ra khởi xướng việc kết tập kinh tạng lần thứ ba—chép bằng văn tự Pali (Pali là tên một hòn đảo thuộc Ấn Độ) trên lá bối, và đây chính là kinh tạng của Phật Giáo Nam Truyền Tiểu Thừa.

Về sau, em trai của vua A Dục là Tỳ Kheo Đế Tu đến nước Sư Tử để hoằng dương Chánh Pháp. Bởi vua A Dục có khuynh hướng thiên về Đại Chúng Bộ, nên đã bài xích Thượng Tọa Bộ; và Phật Giáo nguyên thuỷ vì thế mà phân chia thành Đại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ, mỗi bên đều lập môn phái riêng, đều cho rằng mình là đúng.

 

Khen rằng:

Phật dạy người ác,

Ăn năn sửa đổi

Vua tên A Dục,

Giết hết lục thân

Gặp Tỳ kheo Hải,

Hiểu thấu nhân quả

Sám hối tội xưa,

Cúng dường Từ Tôn.

Phật dạy người ác, Ăn năn sửa đổi (Phật giáo ác nhân, cải quá tự tân): Đức Phật khi giáo hoá kẻ ác thì đều dạy họ tự sửa đổi những hành vi sai lầm của mình để thành con người mới lương thiện. “Ác nhân” ở đây không phải chỉ nói riêng một mình vua A Dục, mà là bao gồm toàn bộ những người độc ác--tất cả đều nên sửa đổi hành vi từ ác thành thiện.

Vua tên A Dục, giết hết lục thân (Danh A Dục Vương, sát tận lục thân): Trước đây, có một vị hoàng đế tên là A Dục; ông ta đã giết chết hết chín mươi chín (99) trong số một trăm người em của mình, chỉ còn sót lại một người duy nhất, và sau đó đã ép buộc người này xuất gia.

Gặp Tỳ kheo Hải, hiểu thấu nhân quả (Ngộ Hải Tỳ kheo, thức quả đạt nhân): Về sau, ông ta gặp được Tỳ Kheo Hải, nên hiểu rõ luật nhân quả là giết người thì phải đền mạng, thiếu nợ thì phải hoàn trả--nhân quả rõ ràng, không hề sai lệch.

Sám hối tội xưa, cúng dường Từ Tôn (Sám hối tiền khiên, cúng dường Từ Tôn): Cho nên ông ta sám hối những lỗi lầm trót đã tạo từ trước, và luôn cúng dường Tam Bảo--Phật, Pháp, Tăng.

 

Lại nói kệ rằng:

Ác vương hối lỗi, giúp thánh tăng,

Cung kính Tam Bảo, dứt tham tranh ,

Khắp cõi Diêm Phù xây tháp báu,

Thành Hoa Tử kết tập kinh tạng.

Xiển dương Chánh Pháp, độ lân bang,

Dựng đại bảo tràng độ oán thân,

Xá-lợi Như Lai lruyền hậu thế,

Tăng phước bồi huệ --lên bờ giác.

Ác vương hối lỗi, giúp thánh tăng (Ác vương hối quá hộ thánh tăng): Vua A Dục ban đầu là một người rất hung ác, thậm chí còn tạo ra cảnh địa ngục ở trần gian; khiến mọi người cứ ngỡ ông ta là vua Diêm La chuyển kiếp. Thế nhưng về sau, ông ta đã ăn năn hối hận về những lỗi lầm mình đã lỡ phạm, và trở thành vị hộ pháp đắc lực trong Phật Giáo.

Cung kính Tam Bảo, dứt tham tranh (Cung kính Tam Bảo, tức tham tranh): Ông ta không những đã hết lòng cung kính Tam Bảo mà còn diệt trừ được tâm tham lam, tranh đoạt của mình.

Khắp cõi Diêm Phù xây tháp báu (Hưng kiến bảo tháp Diêm Phù Đề): “Diêm Phù Đề” ngụ ý là “kham nhẫn,” tức là chỉ cho thế giới Ta Bà mà chúng ta đang sống vậy. Cõi Ta Bà được gọi là cõi “kham nhẫn”, là vì chúng sanh trong cõi này phải nhẫn chịu biết bao sự thống khổ của cảnh đời ngũ trược ác thế.

Thành Hoa Tử kết tập kinh tạng (Trùng kết kinh tạng Hoa Tử Thành): Tại thành Hoa Tử, vua A Dục tổ chức cuộc kết tập kinh điển lại lần nữa.

Xiển dương Chánh Pháp, độ lân bang (Xiển dương Chánh Pháp, hóa lân quốc): Nhà vua hoằng dương Chánh Pháp, giáo hoá dân chúng của các nước láng giềng

Dựng đại bảo tràng độ oán thân (Thụ đại bảo tràng độ oán thân): Cho dù kẻ oán hận, kẻ thù nghịch hay người thân thích, ông ta đều hóa độ, cứu giúp như nhau, không hề phân biệt.

Xá-lợi Như Lai truyền hậu thế (Như Lai xá lợi truyền hậu thế): Ông có công xây tháp để bảo tồn xá lợi của Đức Phật hầu lưu truyền lại cho đời sau, cho nên chúng ta hiện nay mới biết được là có xá lợi của Phật.

Tăng phước bồi huệ --lên bờ giác (Tăng phước bồi huệ bỉ ngạn đăng): Chúng ta nên lễ bái xá lợi của Đức Phật nhiều hơn để có thể tăng trưởng phước lành và vun bồi trí huệ; khi phước huệ viên mãn thì sẽ được “đáo bỉ ngạn”--qua khỏi bể khổ, lên bờ giải thoát.

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng vào ngày 16-01-1987

 


Chú thích (1): Ban đầu, vua A Dục cai trị nhân dân vô cùng tàn nhẫn, dù sống trên dương gian nhưng chẳng khác nào dưới địa ngục, cho nên nói rằng vua đã tạo ra “địa ngục trần gian” là vì vậy. Phàm đã vào địa ngục này rồi thì không một ai sống sót trở về, thậm chí người đi ngang qua địa ngục cũng bị lôi vào sát hại. Vào thời ấy, có vị Tỳ Kheo xuất gia tu hành chưa được bao lâu, một hôm mang bình bát đi khất thực lại đến nhầm trước cửa địa ngục, liền bị ngục tốt lôi vào hành hình. Vị Tỳ Kheo ấy vô cùng sợ hãi, xin ngục tốt cho mình trước khi chết được hành nghi thức lễ sám của chốn thiền môn. Tỳ kheo ấy vừa quay qua thì thấy có người bị trói đưa vào hành hình, trong phút chốc mà xương tan thịt nát. Vị Tỳ Kheo thấy thế thì trong lòng hết sức đau buồn, và nhân đây mà tỏ ngộ được lý vô thường, chứng đắc quả vị Vô Học (Tứ quả A La Hán). Bấy giờ ngục tốt nói với Tỳ Kheo: “Đến lượt ngươi phải chết rồi đấy!” Do vì Tỳ Kheo lúc này đã chứng thánh quả nên xem sanh tử như nhau, tâm rất bình thản, tuy bị ném vào chảo nước sôi sùng sục nhưng lại như đang ở trong hồ nước mát; trong nước lại hiện lên một đóa hoa sen lớn làm toà ngồi cho vị Tỳ Kheo. Chủ ngục thấy thế thì vô cùng kinh sợ, lập tức sai người đến tâu với vua A Dục. Vua A Dục vừa nhìn thấy việc thần kỳ này thì cảm thấy xúc động sâu xa, lòng từ khơi dậy, bèn quy y Tam Bảo, phụng trì chánh pháp. Vị Tỳ Kheo cảm hóa vua A Dục lúc ấy chính là Tỳ Kheo Hải vậy.

 


 

HÔN QUÂN CUỐI ĐỜI NHÀ HẠ

HẠ KIỆT VƯƠNG (1818-1766 trước Công Nguyên)

Vua Kiệt họ Tự tên Quý, là một đại hôn quân cuối đời nhà Hạ, vóc người cao lớn, giỏi võ khỏe mạnh, nhưng lại đam mê tửu sắc, sủng ái Muội Hỷ, bỏ phế việc triều chính. Vì làm vui lòng Muội Hỷ, Kiệt đã cho xây Dao Đài bằng bảy báu, vàng ngọc lấp lánh, trên cây treo thịt khô, dưới đất đào ao rượu, mỹ nữ chơi đùa trong đó, ngưỡng lên có thể ăn thịt, cúi xuống có thể uống rượu, ngày đêm đắm chìm trong tửu sắc. Trung thần khuyên can rằng: “Háo sắc là gốc mất nước”. Vua Kiệt nói :“Trẫm nghe trong hàng thứ dân, người nam thì có bổn phận, người nữ có chỗ trở về, ăn no mặc ấm, ra vào cùng xe, phu phụ theo nhau. Trẫm làm vua của một nước, cùng với Muội Hỷ vui chơi, có gì là háo sắc?” Rồi tự cho mình giống như vầng mặt trời. Cho nên dân gian có câu : “Thời nhật hạt tang, dư cập nhữ hài vong” (Mặt trời kia lúc nào mất, ta sẽ chết theo ngươi). Về sau bị Thành Thang tiêu diệt lưu đày về Nam Sào, tự thiêu mà chết.

 

Lời bình:

Quốc gia sắp thịnh,

Ắt có điềm lành.

Vận nước sắp hết,

Yêu nghiệt tung hoành.

Kiệt sủng Muội Hỷ,

Bỏ việc triều Đình,

Hoang dâm vô độ,

Dẫn đến diệt vong.

Lại nói kệ rằng:

Hôn quân mất nước Hạ Kiệt Vương,

Lưu luyến quên về say cảnh mộng,

Tuy có sức mạnh khó thi thố,

Lại không trí huệ trị triều cương,

Rừng thịt rượu ao mãi vui chơi,

Đài ngọc múa ca quên ngày tháng,

Làm con nối nghiệp nhà họ Vũ,

Đến đây giang sơn chốc tiêu vong.

Giảng theo văn Bạch Thoại:

Hôm nay nói về vị hôn quân đầu tiên ở Trung Hoa. Sao gọi là hôn quân? Vua Kiệt được ở địa vị thiên tử cao quí, lẽ ra có giang san rộng lớn, có tông miếu để cúng tế, có con cháu để nối nghiệp. Thế nhưng hôn quân này tuy có giang san nhưng không làm cho giang san giàu mạnh; tuy ở địa vị thiên tử tôn quí cũng không xứng là một thiên tử, tông miếu thì không được cúng tế, con cháu cũng không có để nối nghiệp. Vì sao? Bởi rằng vua Kiệt ngu muội, không hiểu được về thiên hạ là "Người có đức mới giữ được, người thiếu đức khó mà giữ được" - Kẻ có đức thì được trời phò trợ, được người thuận theo; kẻ thiếu đức thì trời không phò trợ, người chẳng thuận theo, chỉ để giang san mất đi.

Hạ Kiệt Vương, họ Tự, tên Quý. Chữ quý này là chữ Quý trong “Nhâm Quý Thủy” (壬癸水), lấy đi chữ “thiên” (天) phía dưới của chữ quý, thay thế chữ “thị” (示) vào, chính là chữ “tế” (祭). Với cái tên này không tốt lắm, nếu theo Nhâm Quý Thủy mà bàn, Nhâm Thủy là dương thủy, Quý Thủy là âm thủy. Cho nên Kiệt tuy giỏi võ mạnh khỏe, nhưng không có học vấn gì, thân thể rất cao to, giống con trâu đần độn; trâu thì hung hăng mạnh khỏe, thân thể cũng rất to, nhưng mà rất đần độn.

Lúc Kiệt làm hoàng đế, lơ là quốc gia đại sự, chỉ biết ăn chơi hoan lạc, ra sức hưởng thụ mà chẳng quan tâm đến việc triều chính, hoang dâm vô độ, lại còn chiều chuộng Muội Hỷ quá mức. Cho nên nói người nữ là đầu mối gây ra tai họa, làm nghiêng thành mất nước. Không chỉ người nữ là đầu mối gây ra tai họa, người nam cũng là đầu mối gây ra tai họa; nếu chỉ nói người nữ là đầu mối gây ra tai họa thì trong xã hội trọng nữ quyền thời nay người ta sẽ nói là không công bằng rồi, cho nên tôi nói người nam cũng là đầu mối gây ra tai họa. Mối họa này ở hai phương diện, người nữ ở phương diện lộn xộn, giả như người nam không lộn xộn cũng không thể trở thành đầu mối gây ra tai họa, cũng đều là cả hai hợp lại, mới biết có những vấn đề này phát sanh. Người ta nói rằng Muội Hỷ tuy rất đẹp, nhưng suốt từ sáng đến tối trên gương mặt không hề có nụ cười, chỉ khi nghe tiếng xé lụa, mới lộ vẻ tươi cười; xé lụa chính là đem tơ lụa ra dùng tay xé, Muội Hỷ vừa nghe tiếng xé lụa thì liền vui vẻ; cho nên vua Hạ Kiệt liền hạ lệnh mỗi ngày chở vô số vải lụa đến để xé cho Muội Hỷ nghe, để có được một nụ cười của Muội Hỷ.

Giảng đến đây, tôi lại nhớ đến một câu chuyện ở vùng Đông Bắc của tôi. Đây là một chuyện có thật, là một câu chuyện về hại người. Vùng Đông Bắc có trạm Đa Hoan, trạm Đa Hoan cách chỗ của tôi ở khoảng chừng mười tám dặm đường; ở đó có một người tên là Minh Ngũ. Tiền của Minh Ngũ có không biết là bao nhiêu, từ Bắc Kinh đến nhà Minh Ngũ hơn một ngàn năm trăm dặm đường, trước kia ông đi xe ngựa, không như bây giờ có xe hơi, xe buýt, xe lửa, máy bay, thì chẳng có gì đáng để nói. Từ Bắc Kinh đến nhà Minh Ngũ một ngàn năm trăm dặm đường, trên suốt quang đường đi Minh Ngũ không uống nước giếng của người khác, khắp nơi trên đường đều uống nước giếng của mình, dọc đường đều là đất của Minh Ngũ. Quí vị thử nghĩ như thế có bao nhiêu thôn trang, có bao nhiêu cái giếng? Số tiên ông có là bao nhiêu!

Ông ta nhờ vào đâu mà phát tài thế? Đông Bắc là vùng sản xuất nhân sâm, nhân sâm nặng bảy lượng gọi là sâm, tám lượng gọi là bảo, trên tám lượng chính là bảo rồi. Minh Ngũ cùng người anh em kết nghĩa cùng lên núi đi phóng sơn. Phóng sơn ở đây có nghĩa là cầm cây gậy tỏa long, đầu trên cây gậy tỏa long không biết có để phía trên bao nhiêu đồng tiền xanh, vừa nhìn thấy nhân sâm liền la to “Gậy đập!”. Nhân sâm liền kêu gậy đập, nếu như quí vị không la lên như thế, nhân sâm liền ẩn đi; quí vị la lên như vầy giống như niệm thần chú, khống chế thần thông biến hóa của nó, nó biến không được. Cho nên người đi phóng sơn đều hiểu, tay cầm cây gậy tỏa long, vừa thấy nhân sâm, liền lấy gậy dộng mạnh xuống đất phát ra tiếng rồi la to “gậy đập”, mọi người đều hướng mắt nhìn đến chỗ đó, thì nhân sâm chạy không thoát. Người ta bảo rằng nếu quí vị không la lên như thế, thì nó sẽ bỏ chạy, quí vị sẽ không bắt được nó, đặt biệt là nhân sâm loại bảo (quý).

Minh Ngũ và người anh em kết nghĩa hai người đi phóng sơn, đi như thế đã được mấy năm. Có một lần, họ cùng đi phóng sơn, và lần này thì đào được đúng là nhân sâm loại bảo; bảy lượng gọi là sâm , tám lượng gọi là bảo, nhân sâm lần này e nặng hơn mười sáu lượng (một cân). Minh Ngũ vừa thấy được, liền nghĩ đây là loại rất đáng giá, nếu như ta chia cho người anh em kết nghĩa một phần, thế thì ta được không phải là ít đi sao? Thế rồi hai người cùng đi bộ về nhà, đi đến khe núi hiểm trở, Minh Ngũ liền đẩy tay xô người anh em kết nghĩa xuống khe núi làm thân xác nát tan. Do đó mà Minh Ngũ được của báu này, là dùng một mạng người đổi lấy, nhưng mạng người này không phải do tự nguyện, cho nên từ đó nãy sinh ra một luồng khí oán hận.

Cầm củ nhân sâm trong tay, Minh Ngũ muốn đi qua cửa thành Sơn Hải để dâng báu vật ấy cho vua; nhưng sợ nếu như đến cửa thành Sơn Hải, bị người ta đóng cửa kiểm tra, e rằng sẽ bị tịch thu, không thể đưa đến nơi Hoàng Đế được. Vì thế ông ta liền nghĩ ra một cách. Ông ta nghĩ ra cách gì đây? Minh Ngũ đã mua một cổ quan tài, đem củ nhân sâm để trong quan tài, nói là đưa linh cửu xác cha của mình đi về. Lúc Đến cửa thành Sơn Hải, nơi đó kiểm tra cũng rất nghiêm ngặt, nên đã yêu cầu : “Dù là xác người chúng tôi cũng phải xem thử.” Minh Ngũ bấy giờ vô cùng kinh sợ, toàn thân run rẫy. Lính gác bật nắp quan tài ra, quí vị thử đoán xem sự tình sẽ như thế nào? Củ nhân sâm này quả nhiên đã biến thành một ông già râu bạc, nằm trong quan tài. Điều kỳ diệu chính là ở chỗ này! Bởi vì nó là báu vật mà, Minh Ngũ muốn nó thế nào, nó sẽ thành ra thế ấy. Nhờ vậy mà Minh Ngũ lẫn được vào trong thành.

Đến được hoàng cung, Minh Ngũ vào cung dâng báu vật lên hoàng đế, hoàng đế mới hỏi ông ta: “Vật quý báu này của ngươi muốn đổi lại bao nhiêu tiền?” Đây là vật quý vô giá, lúc đó Minh Ngũ cũng không biết phải nói giá tiền là bao nhiêu mới phải; thế là ông ta chẳng biết làm sao, liền nằm xuống đất, hoàng đế bèn nói: “Ồ, ý ngươi là muốn một thảng à!” Vì thế vua cho mở kho, bạc trong kho liền tràn ra ngoài, số bạc tràn ra ngoài thuộc về Minh Ngũ, số còn lại bên trong kho là của vua. Cứ thảng một lần thế này thì biết bao nhiêu là tiền. Thế là Minh Ngũ liền đem số bạc này đi dọc đường mua đất hết; cho nên từ Bắc Kinh đến nhà ông ta, đất dọc đường đều là của Minh Ngũ, không có đất của người khác, mắc rẻ gì ông ta đều mua. Vì có nhiều tiền rồi nên được mọi người tôn xưng là Ông Minh Ngũ

Ông Minh Ngũ xây nhà, nhà của ông xây vào bên trong phải đi qua có đến năm dãy nhà; cách xây nhà của vùng Đông Bắc thời xưa đều có móng cột bằng đá để nâng các cột nhà. Quí vị thử đoán xem ông ta lấy gì làm móng cột? Chính là dùng bạc đấy, bạc Ông ta dùng tiền có giác ( cẩn ) ngọc, dùng từng miếng bạc, để làm tảng đá kê chân trụ nhà. Lại nói đến chuyện đúc gạch, bên dưới mỗi viên gạch đều có bốn đồng tiền lớn, trước thời nhà Thanh tiền đồng rất có giá trị, nhưng gạch dùng để xây nhà cho Minh Ngũ thì được làm như thế. Điều này cho thấy ông ta là người rất mực giàu có. Đợi đến lúc nhà cửa sắp xây xong , thì vợ ông ta cũng có thai sắp sanh, Minh Ngũ chợt nhìn thấy người anh em kết nghĩa bị mình xô xuống khe núi từ cửa cổng bước vào. Tay đang cầm điếu xì gà lớn, vừa nhìn thấy người anh em kết nghĩa đến, lần nầy Minh Ngũ biết là chuyện xấu rồi, liền bước ra đón, nhưng vừa đi đến sân nhìn, thì không thấy nữa!

Kết quả như thế nào đây? Trong nhà vợ ông liền sanh con trai, người trong nhà đến báo: “Ông ơi đại hỷ rồi! Phu nhân đã sanh được một thiếu gia.” Minh Ngũ liền biết rằng: “Ồ ! Là đến đòi nợ đây rồi !” Minh Ngũ biết đây là người anh em kết nghĩa đã đến đầu thai, nhưng cũng không có cách gì, cũng không thể đem nó giết chết, liền nuôi dưỡng nó. Đứa bé này vừa sinh ra thì đã khóc, khóc không nín, chỉ thích nghe gì quí vị biết không? Nó chỉ muốn nghe tiếng đồ đạc bị đập vỡ, ví như cái chén vừa rớt xuống một tiếng lảng rảng vở tan, nó liền ha hả cười, không khóc nữa. Bất cứ món đồ nào vỡ thì nó cười, không vỡ thì nó khóc, từ lúc chào đời cho đến mãi về sau này đều là như vậy, giống như Muội Hỷ thích nghe tiếng xé vải. Đây đều là có nhân quả nghiệp oán ở bên trong, cho nên mới như vậy! Muội Hỷ cũng là đến báo thù Hạ Kiệt Vương, Hạ Kiệt Vương cũng chấp nhận, và ngoan ngoãn trả nợ, cho nên mới như vậy.

Con trai của Minh Ngũ tên là gì quí vị biết không? Nó tên là Tam Thành, có ý là nói nó chỉ cần lấy lại ba phần trăm món nợ cũ là được rồi, về sau Tam Thành lớn lên thì đánh bạc, hút thuốc phiện. Đánh bạc phải có vật thế chấp, chỉ một lúc mà Tam Thành đã đặt hết mấy cái giếng; một giếng xem như là một thôn, mấy cái giếng chính là mấy thôn, đánh bạc kiểu như thế. Khi đánh hắn cứ đứng đó lo hút thuốc phiện, cũng chẳng thèm nhìn; người ta mà nói: “Cậu Tam ơi! Thua rồi” hắn trả lời: “Tốt quá ! Tốt quá!" Người ta mà bảo: "Tam gia ơi, lần này thì cậu thắng rồi nhé." thì hắn liền quát ngay "Mẹ nó, thắng rồi sao chứ!". Cứ như thế này thì quí vị xem đây không phải là con phá nhà thì là gì nữa?

Do đây mà thấy được nhân quả báo ứng dù nhỏ như lông tơ cũng không sai sót, ai giúp ai, ai phá hoại ai, thì có nhất định. Cũng giống như một người chẳng nên trò trống gì như tôi đây, quí vị cùng đều đến giúp đỡ người chẳng nên trò trống này; lại có người còn thích nghe tôi nói chuyện. Thực ra, những gì tôi nói đều là nước lạnh hầm cải trắng, nhạt nhẽo không mùi vị, quí vị nào mà muốn nghe tôi nói chuyện, đều đã bị lừa rồi đó. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, quí vị có thể nói đều là đến trả nợ tôi, đại khái trước đây tôi từng cho quí vị ăn đồ ngon, và từng nói:“Các bạn đừng kén ăn nhé.” Cho nên tôi nói pháp, dù cho nói hay nói dở, các bạn vẫn ngồi đây kiên nhẫn nghe. Hạ Kiệt Vương cũng vì thiếu nợ Muội Hỷ, cho nên vừa rồi cư sĩ Môn Lão chẳng phải nói: “Muội Hỷ là âm kim, Hạ Kiệt Vương là âm mộc, kim khắc mộc.” Quí vị xem, đã lâu như thế, sự tình đã mấy ngàn năm trước, Muội Hỷ vẫn còn như thấy gan phổi của mình vậy, còn biết vua Kiệt là “kim nên khắc mộc, không thể giàu được”, cho nên làm đến thiên tử cũng nghèo. Đây chính vì Kiệt quá chiều chuộng Muội Hỷ, không lo triều chính. Để được Muội Hỷ vui lòng, đã xây Dao Đài bảy báu lấp lánh; rồi trên cây treo thịt khô, dưới đất đào ao rượu, để mỹ nữ vui đùa trong đó, như vậy thì đầu vừa ngẩng lên thì ăn thịt được, thân vừa cuối xuống lại uống rượu được, Hạ Kiệt sớm tối đắm chìm vào tửu sắc, ngày ngày hoang dâm không biết tự chế, ở nơi đó mãi vui chơi như vậy.

Lúc bấy giờ cũng có trung thần can gián vua Kiệt rằng ham mê nơi tửu sắc là hành vi hại thân mất nước; vua cũng rất thông minh, nói: “Ta nghe nói thường trong trăm họ, người nam thì có bổn phận của mình, người nữ có chỗ trở về của mình, mặc ấm ăn no, ra vào trên cùng cổ xe, chồng vợ bên nhau. Ta chỉ là cùng Muội Hỷ âu yếm, cũng không phải là quá nhiều người nữ, đây có gì là hoang dâm? Uống tí rượu tính làm gì?” Hạ Kiệt ngụy biện như thế. Còn tự cho mình như vầng mặt trời, cho nên lúc đó mới có ca dao: “Lúc nào mặt trời này mới suy vong nhỉ? Bọn ta đều mong ngươi cùng đến chỗ chết.

Kết quả nước mất về Thương Thang.

Thương Thang tên là Lý, ông đem việc thiên hạ làm trọng trách, nên giành lấy chủ quyền thay nhà Hạ. Thương Thang đày Vua Hạ Kiệt đi Nam Sào, kết quả là vua Kiệt đã tự thiêu chết ở đó. Cho nên đầu tiên nói Hạ Kiệt Vương và vị hòa thượng Việt Nam gần giống nhau, vị hòa thượng Việt Nam cũng là tự thiêu mà chết; nhưng kia là hòa thượng, còn vua Hạ Kiệt là hoàng đế, đem ra so sánh lẽ ra thân phận một hoàng đế phải quan trọng một chút. Vị hòa thượng Việt Nam đã chết, về sau đã phải khiến nhiều hòa thượng khác cũng theo đó tự thiêu mà chết, đây đại khái đều là cộng nghiệp chăng? Do cọng nghiệp nên chiêu cảm ra vậy!

Lời bình

Quốc gia sắp thịnh, ắt có điềm lành: Lúc quốc gia sắp hưng thịnh, sẽ có các tướng điềm lành. Điềm lành chính là may mắn thuận lợi, thí như cổ tú song hợp, phụng hoàng lai triều.

Vận nước sắp hết, yêu nghiệt tung hành: Khi vận nước sắp mất, yêu nghiệt đều hiện ra, không yêu nghiệt này đến, thì cũng có yêu nghiệt kia hiện ra.

Kiệt sủng Muội Hỷ, không lo triều cương: Vua Hạ Kiệt sủng ái Muội Hỷ không lo đại sự quốc gia.

Hoang dâm vô đạo, dẫn đến diệt vong: Bởi vì hoang dâm không biết dừng, cho nên dẫn đến diệt vong, tự thiêu chết.

 

 

Lại nói kệ rằng

 

Hôn quân mất nước Hạ Kiệt hoàng, lưu luyến quên về say mê cảnh mộng: Dưới dòng không quay lại gọi là lưu, trên dòng không chảy gọi là liên; từ hưởng thụ không nhàm gọi là hoang, vui lâu không chán gọi là vong. Quên về chính là không biết đường trở về, mỗi ngày đều uống say sưa.

Tuy có sức mạnh khó thi thố, lại không trí huệ trị triều cương: Hạ Kiệt tuy cao to và có sức lực, cũng không có chỗ dùng cho sức lực ấy, lại không có trí huệ để xử lý kỷ cương triều đình, đại sự quốc gia.

Rừng thịt rượu ao mãi vui chơi, đài ngọc múa ca quên ngày tháng: Hạ Kiệt cho treo thịt khô trên cây, dưới đất thì cho đào ao rượu, dùng thất bảo xây đài ngọc, vàng ngọc rực rỡ, ở đó chỉ biết vui chơi, đã đến ngày nào, lúc nào, Hạ Kiệt đều quên.

Làm con nối nghiệp nhà họ Vũ, Đến đây giang sơn chốc bỗng tiêu vong: Vua Vũ nhà Hạ truyền ngôi cho con tên Khải, vua Vũ là một minh quân, nhưng truyền đến đời vua Kiệt đến đây thì hết, đến đây Kiệt đã làm hỏng hết cả sự nghiệp đế vương. Đây phải nói là đứa con phá nhà, đem cả giang sơn mà hủy hoại hết.

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng ngày 18 tháng 9, năm 1987.

 


ĐƯỜNG THÁI TÔNG

Thời thịnh trị của niên đại Trinh Quán

(LÝ THẾ DÂN 236-249)

Vua họ Lý tên Thế Dân, con thứ của Đường Cao Tổ, là người thông minh tuấn tú, văn võ kiêm thông. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông đã thành công trong cả hai lĩnh lực giáo dục và quân sự, biết chọn người hiền và dùng người có tài năng, giỏi dụng binh.Về phía Quan văn thì có: Phòng Huyền Linh, Ngụy Trưng v.v…; phía quan võ thì có, Lý Tịnh, Lý Tịch v.v…Nhân tài quy tụ, khiến cho niên đại Trinh Quán cực thịnh một thời, đất nước được thống nhất, muôn dân đồng lòng tôn phò một vua. Khi Ngụy Trưng qua đời, Thái Tông đau lòng than rằng: “Như dùng đồng làm gương, để chỉnh sửa áo mão; lấy việc xưa làm gương, để thấy được sự thịnh suy của cuộc đời; nhìn người làm gương để biết cái đúng cái sai của chính mình. Nay Ngụy Trưng mất đi, trẫm như mất một tấm gương vậy”.

Khi Đại Sư Huyền Trang thỉnh kinh trở về, vua ban chiếu thỉnh ngài dịch Đạo Đức Kinh của Lão Tử sang tiếng Phạn, mở đầu cho việc truyền bá văn hoá Trung Hoa ra nước ngoài. Đại sư còn vâng chỉ dịch bộ kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển (từ tiếng Phạn ra tiếng Trung Hoa). Lúc nhà Đường hưng thịnh, Nhật Bản có phái các vị tăng như ngài Không Hải v.v... đến Trung Hoa lưu học, còn phái sứ giả mang lễ vật cống tặng, tất cả có đến mười tám lần.

 

Khen rằng:

Đường đại thánh quân

Trinh Quán chi thời

Thiên hạ quy tâm

Tứ hải cống chí

Văn lược võ công

Tướng tướng hiền sĩ

Thiện ư dụng nhơn

Quốc gia đại trị.

Lại nói kệ rằng:

Uy chấn trung ngoại phục tứ di.

Đức bị hà nhĩ vọng lai lai tề

Ngụy Trưng trung liệt tá đế tòa.

Tần Quỳnh anh dũng bảo sơn hà

Huyền Linh văn công an xã tắc

Nhân Quý võ huận hoá can qua

Đại Đường thạnh thế lưu phương viễn

Truyền biến Nam Bắc dữ Đông Tây.

Giảng giải bằng văn Bạch Thoại :

Đường Thái Tông là một vị hoàng đế anh minh nhất kể từ sau Triều Đại nhà Chu . Thái Tông có những đặc biệt gì để gọi là vua anh minh? Đường Thái Tông là người thông minh tài trí, biết mang lại hạnh phúc cho nhân dân, biết xây dựng những nền tảng vững chắc cho đất nước, chính vì vậy mà triều đại nhà Đường được xem là thời kì hưng thịnh nhất trong lịch sử Trung Hoa. Sở dĩ Đường Thái Tông có thể thống nhất được đất nước, lại làm cho đất nước thêm vững mạnh như thế, là do vua biết nghe lời can gián một cách chân thành, biết sai liền sữa, dám nhìn nhận sai sót của mình, mạnh dạn sửa đổi những gì chưa đúng, chính vì vậy Thái Tông được xem là một vị vua có đạo đức

Triều đại nhà Đường được thành lập sau nhà Tùy, do Dạng Đế nhà Tùy hoang dâm vô đạo, làm cho người dân Trung Hoa thời ấy rơi vào cảnh đói rách lầm than, không biết nương tựa vào ai, nên Lý Uyên đã đứng lên khởi nghĩa, nhằm đem lại thanh bình cho đất nước. Lúc bấy giờ còn nhiều phe nhóm khác nổi lên tranh giành quyền lực, thế nhưng chỉ có người tài đức mới làm chủ được thiên hạ, Đường Cao Tổ Lý Uyên đã xử trí tốt việc quốc gia, lại còn dẹp được các nhóm xưng hùng xưng bá khác

Đường Thái Tông họ Lý tên Thế Dân, là người con thứ của Đường Cao Tổ, từ nhỏ Thế Dân đã tỏ ra rất thông minh, tuấn tú khỏe mạnh, ứng văn, đấu võ đều rất thông thạo, văn chương cũng rất uyên thâm. Sau khi lên ngôi, Thái Tông khéo biết dùng người, tùy theo sở trường của từng người mà giao trọng trách, tuyển chọn người hiền tài phục vụ việc nước; đối với các nước lân bang Thái Tông luôn dùng chính sách giao hòa. Phía quan văn có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối (1) và Ngụy Trưng; tướng võ có Lý Tịnh (2), Lý Tích (3)v.v..; chính nhờ Thái Tông biết dùng người tài đức, biết nghe lời can gián chân thành, quí trọng và đối đãi hết lòng với kẻ sĩ, do đó mà nhân tài qui tụ chính sách rõ ràng, thế lực đất nước thêm hùng mạnh. Sử sách gọi giai đoạn này là "Trinh Quán chi Trị" (Thời vàng son của niên đại Trinh Quán, hay sự thịnh trị của niên đại Trinh Quán).

Đặc biệt Ngụy Trưng, trông có vẻ rất bình thường, chẳng có gì hơn người, nhưng lòng ông vững như sắt, ý chí cứng như thép, không sợ đầu rơi, chỉ biết một lòng trung trinh với vua, vì dân vì nước, chẳng màng đến những vấn đề khác, cũng chính nhờ đức tính ấy mà Ngụy Trưng thường giúp vua làm công việc "phi lân". "Phi lân" nghĩa là sao? Tức là nhổ vãy rồng, có ý nói là lúc hoàng đế có những sai sót gì thì ông ta liền dùng lời ngay mà can gián, chỉ rõ những sai lầm của vua mà không hề sợ phải đắc tội, không hề sợ chết, đây mới đáng gọi là trung thần. Trung thần thì không sợ chết, nếu sợ chết thì không được gọi là trung thần. Nhờ có được cận thần trung trinh như vậy mà Đường Thái Tông mới có thể thành tựu được đại nghiệp, thành công ở hai mặt văn hóa và chính trị, cũng như thành công trong đường lối trị quốc an dân, nên vào triều đại nhà Đường, các nước lân bang đều biết đến nước Đại Đường, gọi Trung Hoa là "Thiên Triều", gọi hoàng đế Trung Hoa là "Thiên Khả Hãn".

Phòng Huyền Linh, Ngụy Trưng, Lý Tịnh và Lý Tích đều là những trung thần không hề sợ chết, một lòng trung trinh, nhờ đó mà họ đã cùng nhau xử lý tốt việc quốc gia; họ đều là những người vô tư, không tham ô, chỉ biết để tâm lo việc quốc gia đại sự. Nhạc Phi, một võ tướng của triều Tống từng nói:"Quan văn không tham tài, Tướng võ không sợ chết, những con người như thế chắc chắn sẽ xử lý thành công việc quốc gia đại sự". Liên quan đến Ngụy Trưng, có một câu chuyện về "Rồng trắng" (Tiểu Bạch Long) như thế này.

Mọi việc trong cuộc sống ở nhân gian chúng ta là do chính phủ quản lý, nhưng chính phủ ở nhân gian không thể quản lý được những chuyện cho mưa, làm gió, triều cường, hạn hán, lũ lụt; những việc này cũng đã có người cai quản cả, là do thần trên trời quản lý; đạo Cơ Đốc và đạo Thiên Chúa cho là do Chúa Trời quản lý, Chúa Trời ở đây cũng như Ngọc Hoàng Thượng Đế mà người Trung Hoa nói. Đúng như thế, lượng mưa xuống bao nhiêu, gió thổi nhiều hay ít đều có sự nhất định, và đều do Ngọc Hoàng Thượng Đế quyết định.

Có một lần, Ngọc Hoàng sai một thần rồng cho mưa xuống trần gian vừa đủ ba tấc ba nước thôi, thế nhưng có lẽ vì nghe nhầm mà thần rồng kia đã cho mưa xuống đến ba thước ba nước; (một thước Tàu tương đương 23,1cm). Một lần mưa mà nhiều nước đến như thế làm cho rất nhiều nhà cửa, cây trái bị ngập chết cả, rất nhiều người lâm vào cảnh đói khát, một số đã chết vì đói, trận mưa đó đã gián tiếp hại không biết bao nhiêu sinh mạng.

Vì rồng đã làm trái lệnh của Ngọc Hoàng đã cho mưa ngập lụt ở trần gian, nên đã bị Ngọc Hoàng xử tội chết. Nhưng để giết rồng trắng này không cần phải nhờ đến tay vị thần nào cả, cũng không cần quỉ hay loài rồng khác đi giết, thế thì sai ai đi giết đây? Ngọc Hoàng liền chọn ngay ông quan giám trảm, chính là quan Ngụy Trưng. Vì sao tướng mạo của Ngụy Trưng lại thô kệch xấu xí thế? Có thể là do Ngụy Trưng đã chuyển kiếp từ loài rồng, nên trông rất xấu, nhưng ông lại có cái uy thần của loài rồng, có sức mạnh của loài rồng. Trong triều, Ngụy Trưng làm giám sát ngự sử, trên trời ông cũng làm quan; tuy ông ta là một con người nhưng linh hồn ông vẫn có công việc trên thiên đình. Công việc ở thiên đình chỉ là nghĩa vụ chứ không vì bổng lộc nào, chúng ta tin rằng lúc bấy giờ ông làm quan cho triều đình cũng không vì mong cầu bổng lộc, bởi vì con người ông vốn như thế nên không hề mưu cầu làm quan để phát tài; sống đó, chết đó cũng là chuyện bình thường đối với ông.

Ở trên thiên đình Ngụy Trưng cũng có nhiệm vụ, cũng có chức vị; lần này thì Ngọc Hoàng sai Ngụy Trưng đi giết rồng trắng, vì tội làm mưa lũ trái ý trời. Nhưng rồng trắng cũng có chút pháp thuật, biết Ngọc Hoàng sai Ngụy Trưng đi chém đầu mình. Chừng như Ngụy Trưng cũng có kiếm chém rồng, một nhát có thể giết được loài rồng. Thế là rồng trắng đã đến cầu cứu Đường Thái Tông, bằng cách dùng thần thông báo mộng cầu xin vua cứu mạng. Thái Tông hỏi nó: “Tại sao ngươi bị người ta giết?”. Nó liền thuật lại đầu đuôi sự việc là Ngọc Hoàng sai nó chỉ làm mưa ba tấc ba nhưng nó đã mưa đến ba thước ba, nhiều hơn gấp mười lần, nên đã phạm phải luật trời, phải bị chém đầu. Thế thì người chém đầu rồng trắng là ai? Chính là ông quan giám sát ngự sử Ngụy Trưng, một đại thần trong triều của Đường Thái Tông. Rồng trắng nói: “Vào giờ đó, ngày đó, tháng đó ngài cứ ngồi đánh cờ với Ngụy Trưng, hai người ở bên nhau, ngài đừng để ông ấy đi đâu cả, như thế ông ấy sẽ không có thời gian đến xử tội, qua thời gian đó tôi sẽ không bị giết nữa”. Rồng trắng khẩn cầu Thái Tông dù thế nào cũng phải nhất định giữ lời. Thái Tông nói: “Việc này dễ thôi! Ta có thể vào ngày đó, giờ đó không rời xa Ngụy Trưng, ông ấy sẽ không thể giết ngươi được.”

Vào ngày hôm ấy, Thái Tông cho gọi Ngụy Trưng đến đánh cờ, vua nghĩ: “Đánh xong ván cờ này dù thắng hay thua thì ông cũng không còn thời gian đi giết rồng rồi!” Nhưng không ngờ đang lúc đánh cờ thì Ngụy Trưng ngủ thiếp từ lúc nào không hay, ông ngủ rất say sưa. Thái Tông nghĩ bụng: “Ô! Bây giờ thì ngươi đã ngủ say rồi, dù thế nào thì cũng không rời xa ta được, ta cũng sẽ không đánh thức ngươi dậy làm gì, ngươi cứ ở đây mà ngủ!” Ngủ được một lúc, khoảng một khắc hay nửa giờ sau thì Ngụy Trưng tỉnh lại, rồi tiếp tục đánh cờ với vua. Thái Tông không ngờ rằng, chính lúc Ngụy Trưng đang ngủ say đó là lúc thần hồn của ông ta đã đi chém đầu rồng trắng rồi.

Rồng trắng kia cũng có linh hồn, oan hồn của rồng chưa tan được nên tối hôm ấy đã đến tìm Thái Tông, rồng bảo: “Ông vua kia, ông hãy trả lại mạng sống cho tôi!” Thái Tông bèn nói: “Tại sao lại đòi ta trả mạng sống cho ngươi? Hôm ấy ta đã giữ Ngụy Trưng cùng ở một chỗ với ta rồi, ta cũng chẳng rời ông ấy, ông ấy cũng chẳng rời ta, làm sao có thể đi giết ngươi được?” “Ây da!” Rồng lại than: “Chính là lúc Ngụy Trưng đang ngủ, thần hồn của ông ấy đã đến giết tôi. Cũng vào những lúc như thế ông ta có thể lên thiên đình để làm việc.” “Thế thì làm sao ta biết được? Ngươi không thể đòi mạng ta! Cái này chẳng thể trách ta, ta chẳng hề biết ông ấy có tài cán đó.” “Không được! Dù thế nào ông cũng phải trả lại mạng sống cho tôi!” Cứ như vậy, rồng trắng đêm đêm vào hoàng cung phá phách, đòi Thái Tông đền mạng.

Thái Tông rất rầu rĩ về chuyện này, chẳng biết tính sao, bèn chọn các đại thần trong triều thay nhau đến hộ giá, hết đại thần này đến đại thần kia, song vẫn không làm cho rồng trắng sợ hãi, nó vẫn cứ thường xuất hiện. Sau đó đến lượt Tần Quỳnh và Úy Trì Kính Đức đến hộ giá, hai vị đại tướng này vừa đến đã làm cho rồng trắng khiếp đảm bỏ chạy, bởi vì hai vị này là khắc tinh của rồng trắng. Từ đó về sau, mỗi tối hai vị tướng này đều đến hộ giá cho hoàng đế. Qua một thời gian lâu, Thái Tông thấy hai vị tướng này quá mệt nhọc, cũng thấy không đành lòng nên đã cho vẽ hình của hai vị tướng này lên cửa. Tối đến rồng trắng đến trước cửa, thấy hình dạng của hai vị đại tướng quân này oai vệ như thiên tướng nên đã không dám đến gần nữa. Do đây mà có việc dán hình thần giữ cửa trên cửa, nhà người dân đều có dán hình của Úy Trì và Tần Thúc Bảo (Tần Quỳnh), thỉnh hai vị này làm thần giữ cửa, cứ như thế lâu dần trở thành tập tục dân gian của người Trung Hoa. Đây rõ ràng là một truyền thuyết dân gian, nhưng trong đó đều có liên quan đến những sự kiện trên.

Lòng trung trinh đối với quốc gia của Ngụy Trưng bao la như trời đất, nên ông không những chỉ làm quan ở nhân gian mà còn làm quan ở thiên đình. Lúc Đường Thái Tông còn tại vị, ngay cả thiên tướng cũng đến hộ giá, do vậy trong thời gian làm vua của Đường Thái Tông cả hai mặt văn hóa và chính trị đều được phát triển tốt đẹp như thế. Khi Ngụy Trưng qua đời, Đường Thái Tông đã phải tiếc thương mà cảm than rằng:

“Như người ta lấy đồng làm gương soi, để chỉnh sửa áo mão; lấy việc xưa làm gương soi, mà biết được việc thịnh suy ở đời; lấy người làm gương soi để thấy cái đúng cái sai của chính mình. Ta thường giữ ba thứ gương soi này để phòng cái lỗi của chính mình. Nay Ngụy Trưng mất đi, một tấm gương theo đó mà vỡ tan rồi”.

Chính là nói: Nếu như dùng đồng làm gương soi, soi vào đó thì có thể thấy được áo quần mình đang mặc có ngay thẳng hay không. Lấy chuyện của lịch sử xưa nay, lấy người xưa làm tấm gương soi, thì có thể thấy được cái lý của chuyện hưng thịnh suy vong, thái bình loạn lạc, điều gì nên phát triển, điều gì nên thay đổi, đều có thể biết. Nếu như lấy một con người nào đó làm tấm gương soi, thì có thể thấy rõ những việc đúng sai của con người, điều gì nên làm, điều gì không nên làm; thấy những cái hay của người khác thì học hỏi từ họ, thấy những cái xấu của người khác thì trở lại nhắc nhở mình, tránh những sai sót tương tự. Ta thường giữ ba tấm gương soi này để phòng ngừa những sai sót của chính mình; giờ Ngụy Trưng đã mất, ta đã mất đi một tấm gương soi.

Vừa rồi vì sao tôi nhờ thầy giáo họ Châu giảng lại cho mọi người nghe chuyện “Đường Thái Tông đã nghe lời khuyên của hoàng hậu như thế nào”, quý vị nghe rồi cảm thấy rất thú vị, thực ra đây là sự thật. Đường Thái Tông vốn dĩ có được niên đại Trinh Quán thái bình, chính là vì vua biết chân thành lắng nghe lời can gián, sửa sai theo đúng, biết sai liền sửa, mà không hề nghĩ đến sự tôn nghiêm của một vị hoàng đế. Quý vị xem qua bao triều đại, những hoàng đế biết nghe lời can gián đều là những vị vua sáng suốt; những hoàng đế không biết nghe lời can gián, không chịu nghe lời trung của quần thần đều là những ông vua tàn bạo. Nếu đất nước có những vị trung thần không sợ chết, đó cũng là một điều may mắn. Những bậc trung thần đều là những con người hiên ngang không sợ chết, cái chết đối với họ không là gì cả; còn kẻ gian thần thì rất sợ chết, họ chỉ muốn giữ lấy mạng sống của mình, còn việc quốc gia thế nào cũng chẳng màng.

Năm thứ 19 niên hiệu Trinh Quán, Đại sư Huyền Trang thỉnh kinh từ Ấn Độ trở về, Thái Tông truyền lệnh cho ngài dịch “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử ra tiếng nước ngoài. Vì sao vua muốn ngài dịch “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử? Bởi Thái Tông nghĩ rằng “Đạo Đức Kinh” rất có tính triết lý, là một bảo bối của Trung Hoa, là một bộ sách có giá trị nhất, do đó nên cho người dịch bộ sách đó ra Phạn ngữ. Đây được xem là sự khởi đầu cho việc phiên dịch kinh điển Trung Hoa ra tiếng nước ngoài.

Đại sư Huyền Trang còn vâng chiếu chỉ của Đường Thái Tông, phiên dịch bộ Kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm cuốn. Trong thời gian dịch Kinh Đại Bát Nhã, hoa đào đã sáu lần trổ hoa – cây hoa đào trong đạo tràng dịch kinh trong vòng một năm, hoa rụng rồi lại nở, nở rồi lại rụng, cứ như thế hoa nở đến sáu lần, đây là hiện tượng từ xưa đến nay chưa từng thấy. Vì sao có hiện tượng ấy? Đó chính là một điềm lành, điều cảm ứng, cho thấy Kinh Đại Bát Nhã là một bộ kinh rất quan trọng trong Phật giáo, rất có sức mạnh cảm hóa con người. Lúc Đức Phật còn tại thế cũng đã từng nói, vào thời mạt pháp, Kinh Đại Bát Nhã đặc biệt quan trọng đối với việc hoằng dương Phật pháp trên đất nước Chấn Đản (tên nước Trung Hoa theo cách gọi xưa của người Ấn Độ). Thế nên mấy năm gần đây chúng tôi đã cho in lại bộ Kinh Đại Bát Nhã, việc này là một phần trong công tác hoằng dương Phật pháp.

Vào thời đại nhà Đường, Phật pháp rất thịnh hành. Trong thời kỳ Phật pháp hưng thịnh nhất, ảnh hưởng cả người Nhật Bản không ngại ngàn dặm xa xôi, đã phái chư tăng vượt biển đến Trung Hoa lưu học. Trước sau, Nhật Bản từng có đến mười tám lần phái sứ thần đến cống tặng phẩm vật và phái chư tăng đến Trung Hoa lưu học. Trong số ấy có vị tăng tên là Pháp sư Không Hải, sau khi trở về Nhật đã sáng lập ra tông Chân Ngôn, đồng thời phỏng theo chữ thảo của người Trung Hoa để phát minh ra một kiểu chữ của Nhật Bản gọi là “Bình Giả Danh”.

Lúc bấy giờ, các nước lân cận đều có cống nạp cho Trung Hoa, cho rằng nước Trung Hoa là “thiên triều”, là Đại Đường. Cho nên, đến nay người nước ngoài đều biết đến “người nhà Đường” (Đường nhân), bây giờ đến đâu cũng thấy có “phố Đường Nhân” (Lấy chữ “Đường nhân” đặt tên đường, tên phố). Quý vị xem, uy danh của triều đại nhà Đường ghê gớm đến như thế, nên khắp nơi đều có “phố Đường Nhân,” chứ không thấy nói “phố Trung Hoa”. Người nước ngoài đều biết nước Trung Hoa được gọi là “nhà Đường” (Đường triều), do đây có thể biết rằng triều đại nhà Đường đã từng có một thời kỳ cực thịnh, vững mạnh và thịnh trị so với mọi thời đại, cho đến các triều đại như Tống, Minh, Thanh so với triều đại nhà Đường đều thua kém rất nhiều.

Khen rằng:

Đường đại thánh quân, Trinh Quán chi thời (Vị vua anh minh Đại Đường, Thời kỳ vàng son Trinh Quán): Đời Đường có vị vua đức độ sáng suốt, niên hiệu là Trinh Quán, đó chính là Đường Thái Tông. Thế nào là minh quân? Đó là vị vua có cái tâm vô tư tiếp nhận lời phê bình, sửa cái sai theo cái đúng, chân thành nghe lời can gián.

Thiên hạ quy tâm, tứ hải cống chí (Thiên hạ một lòng quy về, khắp nơi đều đến triều cống): Lúc bấy giờ khắp nơi đều rất kính phục Thái Tông, nước ngoài đều đến cống nạp phẩm vật.

Văn lược võ công, tướng tướng hiền sĩ (Văn hóa cùng võ trang, quan tướng đều là người hiền): Tình hình văn hóa và quân sự trong thời kỳ tại vị của Thái Tông đều đáng cho người ta nể phục, những quan văn tướng võ thời ấy đều là bậc tài đức sáng suốt. Chữ “” (tướng) là nguyên soái, quan võ; chữ “” (tướng) là quan văn.

Thiện ư dụng nhân, quốc gia đại trị (Khéo léo dùng người, đất nước thanh bình): Đường Thái Tông rất khéo dùng người, biết rõ cái hay của từng người mà giao đúng nhiệm vụ. Bởi vua có khả năng khéo dùng đúng người, nên đất nước mới được hưng thịnh.

 

Lại nói lời kệ rằng:

Uy chấn trung ngoại phục tứ di (Uy danh vang lừng trong ngoài, quy phục cả bốn tộc): Uy đức của Đường Thái Tông đã khiến cho trong nước Trung Hoa và nước ngoài đều rất nể phục. Tứ Di là Đông Di (tộc Di phía Đông), Tây Nhung (tộc Nhung phía Tây), Nam Man (tộc Man phía Nam ), Bắc Địch (tộc Địch phía Bắc), tất cả đều quy phục thiên triều Đại Đường

Đức bị hà nhĩ vọng lai tề (Đức độ được khắp nơi cùng ngưỡng mộ): Trong nước ngoài nước đều ngưỡng mộ đức hạnh của Thái Tông, nếu cho rằng triều nhà Đường trị vì đất nước rất tốt, nên đều mong được đón nhận ân đức của Thái Tông đến với đất nước của họ, triều Đường cũng mong người nước ngoài đên cống nạp phẩm vật. Chữ “vọng lai tề” có hai nghĩa như thế.

Ngụy Trưng trung liệt tá Đế tòa (Quan Ngụy Trưng trung thành phò tá bên vua): Ngụy Trưng là người biết pháp thần thông, ông ta cũng đến để phò tá Đường Thái Tông trị vì đất nước.

Tần Quỳnh anh dũng bảo sơn hà (Tướng Tần Quỳnh anh dũng giữ gìn giang san): Tần Thúc Bảo cũng là vị tướng rất anh dũng, sức mạnh hơn người, là người có thể giữ gìn giang san nhà Đường được yên ổn.

Huyền Linh văn công an xã tắc (Tướng Huyền Linh giúp xã tắc an bình bằng sự thông thái của mình): “Xã” là thần đất, “Tắc” là thần mùa màng (thần Nông), đây là tên của hai vị thần trong các lễ cúng tế mang tính quốc gia. Các vị hoàng đế xưa nay đều làm lễ tế thần Xã Tắc trong hai mùa Xuân và Thu, an định xong thần Xã, Tắc thì đất nước cũng nhờ đó mà được mưa thuận gió hòa, quốc gia thái bình nhân dân an lạc, đây cũng là sức mạnh của quan văn, mà sự thông thái của Phòng Huyền Linh đủ để giúp cho quốc gia được an lạc, ổn định.

Nhân Quý võ huân hoá can qua (Nhân Quí tài ba dẹp hết những mối họa đao binh): Tiết Nhân Quý võ nghệ phi phàm, nên nói “hóa can qua”, là dẹp được các cuộc đao binh, biến dao gươm thành ngọc lụa, có nghĩa là vốn có những nơi chưa phục tùng, và đều nhờ Nhân Quý mà đã thuận phục được họ.

Đại Đường thạnh thế lưu phương viễn (Tiếng thơm đời thịnh của Đại Đường vang xa): Thế lực đời Đại Đường rất hùng mạnh, uy danh truyền khắp, người nước ngoài đều biết đến nước Đại Đường

Truyền biến Nam Bắc dữ Đông Tây (Truyền khắp Nam Bắc và Đông Tây): Danh tiếng của nhà Đường vang lừng khắp thế giới, khắp nơi trên thế giới đều biết nước Đại Đường; nên chúng ta là người Đại Đường, đây đều là núp bóng của hoàng đế Đường Thái Tông cả.

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng vào ngày 11 tháng 09 năm 1987

 

Chú thích :

Chú thích 1: Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối là hiền tướng của thời kỳ khai quốc nước Đại Đường, sau khi Thái Tông lên ngôi, hai ông giữ chức tả hữu Thượng Thư, cùng chung sức lo việc triều chính, một thời được ca tụng là “Phòng Đỗ”. Phòng Huyền Linh trong coi việc chỉnh sửa quốc sử, sửa đổi hoặc bỏ đi những điều luật không hợp lý, nên luật pháp Đại Đường rất công chính nghiêm minh.

Chú thích 2: Lý Tịnh, một đại tướng thời khai quốc nước Đại Đường, một nhà quân sự, đối với kỷ luật quân đội rất nghiêm túc rõ ràng, dùng binh nhanh chóng như thần, ông có công bình định được Giang Nam và các vùng biên cương

Chú thích 3: Lý Tích, một đại tướng thời khai quốc nước Đại Đường, ông vốn là họ Dư, sau khi quy phục vua Đường được vua cho đổi thành họ Lý. Vào thời Đường Thái Tông, ông cùng Lý Tịnh đối với triều đình rất có công lao.

Chú thích 4: Tần Quỳnh, tự là Thúc Bảo, một đại tướng của thời khai quốc nước Đại Đường, rất có khí tiết, oai dũng thiện chiến, thường làm tướng tiên phong, tham gia rất nhiều trận chiến.

Chú thích 5: Úy Trì Kính Đức, một đại tướng thời kỳ khai quốc nước Đại Đường, ông vốn là một viên tướng của một trong những nhóm hào hùng khác trong thời cuối đời Tùy, sau đó đầu hàng nhà Đường, Thái Tông thấy ông biết là người tài, về sau lập được nhiều chiến công.

Chú thích 6: Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, lập người họ Trưởng Tôn làm hoàng hậu. Hoàng hậu Trưởng Tôn là người hiền đức và thông minh, giản dị tiết kiệm, hoàng hậu chỉ chọn dùng những thứ thực sự cần thiết. Hoàng hậu thường khuyên Thái Tông không nên cho anh em bà con bên nhà mình làm quan trong triều, cũng để trừ cái họa ngoại tộc; bà còn đề nghị ban thưởng các vị trung thần, dùng lời khéo khuyên Thái Tông nên biết chân thành nghe lời khuyên gián. Do đó, Thái Tông rất kính trọng, thường cùng bà bàn bạc chuyện thưởng phạt trong triều. Hoàng hậu mất năm 36 tuổi, từng góp nhặt gương sáng của những phụ nữ ngày xưa, trước tác cuốnNữ Tắc(Phép Tắc Người Phụ Nữ). Có lần, sau khi bãi triều, Đường Thái Tông sắc mặt giận dữ mắng: “Ta không giết tên này là không được!”, hoàng hậu Trường Tôn vội vàng hỏi: “Bệ hạ đang nói ai?” Thái Tông trả lời: “Là nói Ngụy Trưng chứ ai, hắn suốt ngày ở điện Kim Loan làm nhục ta trước mặt bá quan”. Hoàng hậu Trường Tôn im lặng lui ra, thay y phục hoàng hậu, đứng ở giữa sân, chuẩn bị triều bái. Thái Tông vô cùng kinh ngạc, hỏi có chuyện gì, hoàng hậu đáp: “Thiếp nghe rằng nếu vua là người hiền minh, thì thần mới dám dùng lời thẳng thắn để can gián; Ngụy Trưng đã ngay thẳng như thế, đều là do bệ hạ là người hiền minh, nên mới nói với bệ hạ những lời ấy!” Thái Tông thay đổi sắc mặt mỉm cười. Để bảo vệ sự tôn nghiêm của hoàng đế Thái Tông, hoàng hậu Trường Tôn đã khéo léo hóa giải được nguy cơ mất mạng của Ngụy Trưng, đồng thời cổ vũ cho Đường Thái Tông sự chân thành lắng nghe lời can gián.

Chú thích 7: Tiết Nhân Quí, võ nghệ vượt trội hơn người, ông đi đến đâu là quân địch tan tành đến đó, tham gia nhiều trận chiến, đánh đâu thắng đó. Khi ông dẫn binh chinh phạt Đột Quyết, Đột Quyết vừa nghe nói tới tướng nhà Đường là ông ta sợ hãi thất sắc, bỏ đi không dám giao chiến.

◎Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng vào ngày 11 tháng 09 năm 1987

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

[b]Sao lại có chiện kinh dị như vậy ? tại sao lại ép người ta ăn khoai mì như vậy ?
Ôi mẹ BT khổ quá , BT ơi đừng bùn nữa vì sao bít ko ?
Vì Mẹ BT có tấm lòng quá cao cả vị tha ( tâm lượng như vậy thì đi cảnh giới tốt lắm)
Mẹ BT trả hết nghiệp rùi nhẹ nhàng đi đó
nhìn bằng con mắt thế tục thì mẹ BT wa khổ
Nhưng dưới con mắt trí huệ thì bà đã giải thoát ...
BT ăn quýt đi vì mẹ BT sẽ vui lắm nếu con trai mình ăn ngon lành sống hạnh phúc
BT sống cho ngoan cho hạnh phúc thì là báo hiếu mẹ đó
Hãy sống đúng chánh pháp sống vì chúng sinh noi gương Phật ...thì mới là đạo hiếu chân chính [/b]