Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

Nuôi Hoa Sen Trong Ao Thất Bảo

Nam mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát.

Nam-mô nghĩa là quy mạng, quy y, lễ kính, chí thành cung kính. “Liên Trì Hải Hội” là Tây Phương Cực Lạc thế giới, hội này vĩnh hằng chẳng tan, nếu nói bằng thuật ngữ Phật pháp là pháp hội bất sanh bất diệt. “Liên Trì” là thật, trong kinh đức Phật đã nhắc đến ao báu, nước tám công đức, ao ấy do các báu hợp thành, đáy ao chẳng phải là cát bùn mà là cát bằng vàng. Phật nói như vậy. Trong ao ấy nở đầy hoa sen, hoa sen do đâu mà có? Hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ao sen trước giảng đường của Phật A Di Đà bèn mọc một đóa hoa sen. Trên hoa ghi tên họ kẻ ấy, chẳng nhầm lẫn! Hoa sen do đó mà có, cực diệu vậy!

Nếu tâm quý vị lui sụt, không còn ý nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoa sen ấy bèn chết khô, chẳng còn hoa sen đó nữa. Có thể nói trong thế giới Cực Lạc, tất cả hết thảy hoa cỏ, cây cối, tình và vô tình đều là bất sanh bất diệt, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ thấy có mỗi tướng sanh diệt là hoa sen trong ao sen nói trên, hoa sen thật sự có sanh có diệt. Cá nhân đó nhất niệm muốn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì trong ao đó mọc lên một đóa sen, tâm thoái thất hoa sen chẳng còn nữa. Trong thế giới Cực Lạc, chỉ có mỗi chuyện này là thấy có tướng sanh diệt. Nếu quý vị phát tâm, phát tâm thật chân thành, thiết tha, tu hành thật dũng mãnh, hoa của quý vị tăng trưởng càng nhanh, ánh sáng, màu sắc càng xinh đẹp. Nếu quý vị tu hành xen tạp quá nhiều, hoa kém tươi đẹp, tựa hồ có quá nhiều màu sắc hỗn tạp, hoa sen cũng chẳng to.

Nói tóm lại, người tu Tịnh nghiệp, hết thảy chẳng xen tạp thì hoa sen của người ấy mọc lớn vừa nhanh, vừa đẹp, vừa lớn. Tương lai khi vãng sanh, A Di Đà Phật cầm hoa sen đó đến tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hóa sanh trong hoa sen đó! Có phải là sanh về thế giới Cực Lạc là sẽ biến thành một đứa bé ở trong hoa sen ấy hay không? Thưa cùng quý vị, không phải vậy! Nếu biến thành giống một đứa bé dần dần lớn lên thì Tây Phương Cực Lạc thế giới có tướng sanh - lão - bệnh - tử. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có những chuyện như thế, một phen sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hình dạng vĩnh viễn cố định như thế, hóa sanh mà! Tướng hảo quang minh chẳng khác Phật chi lắm!

Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã giới thiệu bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà rất rõ ràng, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thể chất đều là thân kim cang tử ma chân kim sắc, thân kim cang bất hoại, tướng mạo chẳng chỉ có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đâu nhé, chẳng phải chỉ vậy đâu! Ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình chỉ là Ứng Liệt Thân trong thế gian chúng ta mà thôi. Phật A Di Đà trong Tây Phương Cực Lạc thế giới “có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng vẻ đẹp”, đến đâu mang thân đó. Trong kinh đức Phật dạy rất rõ ràng: A Di Đà Phật tiếp dẫn quý vị vãng sanh, liên hoa hóa sanh, quý vị ở trong hoa sen ấy, do vì quý vị mang nghiệp theo nên hoa sen chẳng nở, đó là đới nghiệp.

Trong bài kệ Hồi Hướng chúng ta thường đọc cũng là lời cầu nguyện nơi tâm: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”. Do đây ta biết: Câu ấy nào phải là nói tùy tiện, lúc nào hoa nở? Lúc chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn, hoa sẽ nở! Vô Sanh Pháp Nhẫn là pháp chứng đắc của Bồ Tát Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa. Thất Địa Bồ Tát chứng được hạ phẩm Vô Sanh Pháp Nhẫn, Bát Địa chứng trung phẩm, Cửu Địa chứng thượng phẩm. Do đây ta biết rằng: Trên hoa sen, quý vị chứng đắc quả vị rồi hoa sen mới nở. “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Do đây biết rằng: Nếu chẳng phải thật sự chứng đắc Thất Địa thì hoa chưa nở. Khi hoa chưa nở, có phải là rất cô độc chăng? Chẳng phải, trong hoa có thế giới, thế giới gì vậy? Thế giới Cực Lạc.

Trong hoa là thế giới Cực Lạc, ngoài hoa là thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc trong hoa chẳng nhỏ, thế giới Cực Lạc ngoài hoa chẳng lớn, trong ngoài là một chẳng phải hai. A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí giáo hóa quý vị ở trong hoa, hải hội đại chúng cũng ở trong hoa. Quý vị thấy kỳ quá ư? Không có gì kỳ quái hết. Vì sao vậy? Quý vị thấy trong kinh Hoa Nghiêm còn có những việc càng kỳ quái hơn nữa kia! Kinh Hoa Nghiêm nói sao? Trong vi trần có thế giới. Mỗi một vi trần – nơi thân chúng ta chẳng biết có bao nhiêu là vi trần – nhà Phật lại nói vi trần là cơ bản của vật chất. Khoa học hiện tại nói cơ bản của vật chất là gì? Là nguyên tử, điện tử (electron), lạp tử (leptons). Hiện thời họ còn phát hiện những hạt nhỏ hơn lạp tử, hình như được đặt tên là khoa-khắc (quark), nhỏ hơn lạp tử nhiều, trong kinh Phật gọi là vi trần. Trong vi trần có thế giới, thế giới lớn cỡ nào? Hoàn toàn giống với thế giới chúng ta hiện đang cảm nhận đây!

Bởi thế, đức Phật thường nói trong một lỗ chân lông, nơi đầu một sợi lông Phật chuyển đại pháp luân, chuyển đại pháp luân là khai đại pháp hội, vạn ức Bồ Tát cùng ở một chỗ nghe đức Phật giảng kinh thuyết pháp. Ở đâu vậy? Trên đầu một sợi lông. Đầu lông chẳng phóng to, pháp hội chẳng rút nhỏ. Trong tự tánh chẳng có lớn - nhỏ, chẳng có dài - ngắn, chẳng có trước -sau, chẳng có xa - gần. Mấy năm gần đây hằng ngày chúng ta đọc Hoa Nghiêm, những điều đức Phật nói như thế, chúng ta nghe quen tai rồi, chẳng còn cảm thấy kỳ quái nữa. Có những người nghe như thế tiếp nhận được, chứng tỏ tâm lượng họ dần dần mở rộng. Sự việc này quả thật rất khó hiểu, thật sự khó hiểu; chúng tôi sẽ nêu thí dụ để quý vị hiểu được. Trong kinh Phật, tỷ dụ được dùng nhiều nhất là “mộng, huyễn, bọt, bóng”. Bốn thứ mộng, huyễn, bọt, bóng ấy lấy mộng làm chủ, huyễn, bọt, bóng là nói thêm.

Mỗi cá nhân chúng ta đều có kinh nghiệm nằm mộng, cảnh giới trong mộng quý vị nói là lớn hay nhỏ? Cảnh giới trong mộng là gì? Trong nhà Phật bảo mộng là một chủng tử trong A Lại Da Thức hiện hành, nhớ kỹ: một chủng tử! Chủng tử ấy lớn cỡ nào? Nay khoa học nêu cái thuyết tôi nghe bèn gật đầu, cũng có lý đôi chút chớ, các nhà khoa học nói khởi nguyên của vũ trụ là từ một điểm bất thình lình “bùng vỡ” biến hiện ra vũ trụ. Tôi nghe vậy, không đồng ý “bùng vỡ” là chân tướng sự thật, nhưng từ trong một điểm đột nhiên biến hiện ra thì đúng. Một điểm lớn cỡ nào? Các nhà khoa học tính toán, cho rằng lấy một sợi tóc trên đầu chúng ta đem cắt ngang, nhìn vào thiết diện của sợi tóc thấy rất nhỏ. Họ nói một điểm lớn cỡ nào? Đem thiết diện (mặt cắt ngang) của một sợi tóc đó chia thành một trăm ức phần, những phần chia nhỏ như vậy có thể xếp bày thành một trăm ức phần, cảnh giới được hiện đó gọi là “nhất thời đốn hiện”. Điều này có thể giải thích mộng cảnh của chúng ta. Mỗi ngày từ sáng đến tối chúng ta đều nằm mộng. Mộng cảnh hiện tướng là hiện những gì? Hiện khởi những chủng tử trong A Lại Da Thức. Những chủng tử ấy tợ hồ không có hình tướng, chẳng những mắt thịt không thấy được mà kính hiển vi cũng chẳng thể thấy. Các nhà khoa học do đâu mà biết? Họ suy diễn từ lý luận số học. Về căn bản, khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn chưa làm được, vẫn chưa có biện pháp phát hiện điều này. Nhưng cách giải thích ấy khiến chúng tôi nghĩ đến trong kinh dạy: Trong A Lại Da Thức tàng trữ chủng tử, những chủng tử ấy không có hình tướng. Nếu chúng có hình tướng, Phật nói trọn hư không cũng chẳng chứa hết được nổi, nhưng chúng thật sự tồn tại. Mỗi một chủng tử đều có thể nhất thời đốn hiện, hiện ra cảnh giới, cảnh giới chẳng có lớn nhỏ.

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

Không có nhận xét nào: