Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

gặp duyên bất đồng

Làm thế nào nhập được cảnh giới ấy? Theo kinh Hoa Nghiêm chúng ta đã từng đọc trước đây, Phổ Hiền Bồ Tát nhập được. Trên thực tế, Phổ Hiền Bồ Tát nói Đẳng Giác có thể nhập được, nhưng Phổ Hiền là Đẳng Giác, có vị Đẳng Giác Bồ Tát nào chẳng tu hạnh Phổ Hiền? Bởi thế, Phổ Hiền chẳng phải là một người, Văn Thù cũng chẳng phải là một vị. Quán Âm, Thế Chí, chỉ cần là một vị Đẳng Giác Bồ Tát, chúng ta đều có thể coi như là một người. Danh hiệu bất đồng biểu thị trí huệ, năng lực bất đồng, chứ trên thực tế, trí huệ năng lực của họ đều viên mãn, danh hiệu tượng trưng cho sự viên mãn của một bộ phận nào đó. Ý nghĩa là như vậy đó. Đẳng Giác Bồ Tát có thể nhập vô lượng vô biên thế giới. Thế giới trùng trùng vô tận, chẳng thể nghĩ bàn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho chúng ta biết: Hoa sen trong ao sen “to như bánh xe”, chẳng phải như hạt cải, chẳng phải là vi trần. Do đây chúng ta hiểu rõ: Một hoa sen là một thế giới, kẻ ấy tu hành trong đó, hoạt động trong đó, trong hoa sen hằng ngày cúng dường mười phương vạn ức chư Phật chẳng chướng ngại. Tây Phương Cực Lạc thế giới và Hoa Tạng giống nhau. Chẳng những giống nhau mà Cực Lạc là cốt lõi của Hoa Tạng, là phần tinh túy của Hoa Tạng, là bộ phận tinh hoa nhất, được bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia trì, tác dụng chẳng thể nghĩ bàn. Đến khi hoa nở thấy Phật, sau khi hoa nở là cảnh giới nào? Là cảnh giới Thật Báo Trang Nghiêm Độ của Phật A Di Đà! Quý vị phải hiểu Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ đều là lúc hoa chưa nở, hoa nở là Thật Báo Trang Nghiêm Độ.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói rất rõ ràng, vãng sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ, ở trong hoa sen bao lâu mới nở? Mười hai kiếp. Chúng ta nghe thời gian mười hai kiếp lâu quá! Trên thực tế, hãy nghĩ xem, trong Đại Kinh đức Phật nói, kể từ ngày quý vị chứng được quả Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân, tính từ ngày đó trở đi, tu hành trong thế giới Hoa Tạng, tu trọn bốn mươi mốt địa vị, tối hậu chứng được địa vị Diệu Giác, phải mất bao nhiêu thời gian? Trong kinh thường nói là ba đại A-tăng-kỳ kiếp!

Ba đại A-tăng-kỳ kiếp! Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là mười hai kiếp, quý vị mới thấy trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tu hành nhanh hơn nhiều lắm. Trong các cõi Phật khác phải tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ tu mười hai kiếp, Phàm Thánh Đồng Cư Độ là Hạ Hạ Phẩm vãng sanh. Bởi thế, mười phương Bồ Tát há có ai chẳng muốn biết pháp môn này? Há có ai chẳng muốn học pháp môn này? Đúng thực là nhân duyên mỗi người bất đồng, thật sự có rất nhiều Bồ Tát chẳng biết. Thiện Đạo đại sư bảo: “Nói chung là gặp duyên bất đồng”. Chúng ta nay gặp được pháp duyên thù thắng này, chẳng phải là việc đơn giản. Tây Phương Cực Lạc là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, nhất quyết chớ hoài nghi. Quý vị hoài nghi là bỏ lỡ cơ hội một đời vậy!

Trong ba kinh, đức Phật giới thiệu cho chúng ta biết Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi Tịnh Độ nào vậy? Ngài toàn giới thiệu cho chúng ta Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Những điều nói trong kinh A Di Đà là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng đều là giới thiệu cõi ấy. Phàm Thánh Đồng Cư Độ thù thắng như thế, vãng sanh về đó còn phải nói chi nữa? Người học Phật bỏ Tịnh Độ Di Đà, tu các pháp môn khác, chẳng những là khó, mà thật ra còn như thầy Lý Bỉnh Nam viết trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, đó là những kẻ ngu si mê hoặc – “phi ngu tức mê” (không ngu thì cũng là mê). Vứt bỏ pháp chúng ta hết sức có khả năng thành tựu ngay trong một đời, vứt bỏ pháp như vậy quả là đáng tiếc!

Ao sen, nước tám công đức do tự tánh biến hiện, duy tâm sở hiện, hải hội đại chúng chẳng ngoại lệ. Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. A Di Đà Phật là tự tánh Di Đà, bởi thế trong khai thị ở phần sau, Trung Phong thiền sư nói: “Tâm ta chính là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật chính là tâm ta”, “phương này tức Cực Lạc, Cực Lạc tức phương này”. Những lời ấy hết sức sâu xa, nhưng là chân tướng của sự thật, chẳng giả chút nào. Mọi người học Phật, đem mình và Phật chia thành hai, Phật chẳng phải là ta, ta chẳng phải là Phật; đem hoàn cảnh sống hiện tại của chúng ta và thế giới Cực Lạc chia thành hai, Cực Lạc chẳng phải là Sa Bà, Sa Bà chẳng phải là Cực Lạc. Quý vị thấy Trung Phong Thiền Sư hợp hai thứ ấy thành một.

Vì sao tướng khác nhau? Tướng khác nhau là do tâm tưởng sanh. Bởi quý vị nghĩ chẳng phải là một nên tướng chẳng giống nhau. Nếu cách nghĩ, cách nhìn của quý vị là một, thì tướng bèn thành một. Hiện tại, chúng ta khởi tâm, động niệm, nói năng, tạo tác thật sự chẳng giống với người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tâm họ thuần tịnh thuần thiện, tâm chúng ta bất tịnh bất thiện. Dù có nói là tịnh thì trong tịnh vẫn xen tạp bất tịnh, nói là thiện vẫn xen bất thiện, nên chẳng giống nhau được! Do vậy, đương nhiên đối với quý vị cảnh giới chẳng thể giống nhau.

Trong sách, tiến sĩ Giang Bổn Thắng cho biết đã nhiều năm, ông ngày ngày quan sát nước kết tinh giống như hoa tuyết, chưa bao giờ thấy hai mẫu kết tinh tương đồng. Mùa Đông hoa tuyết kết tinh cũng giống như thế. Nhìn dưới kính hiển vi, chắc chắn chẳng giống nhau, chúng ta hiểu rõ đạo lý này. Ai thấy tất cả hết thảy kết tinh đều tương đồng? Kinh Đại Thừa nói Phật Phật đạo đồng. Chúng ta nghĩ xem: Thành Phật rồi, một phẩm sanh tướng vô minh tối hậu đã đoạn sạch rồi; nói cách khác, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chẳng còn mảy may gì xen tạp, Phật thấy hết thảy hiện tượng trong vũ trụ nhất định tương đồng. Thập Địa Bồ Tát, Đẳng Giác thấy hết thảy cảnh giới hết sức giống nhau, hết sức gần gũi, nhưng xem kỹ vẫn chẳng tương đồng, huống chi lục đạo phàm phu! Đương nhiên chẳng tương đồng! Mỗi một người chúng ta thấy nước kết tinh chẳng tương đồng, vì sao? Tiền niệm khác với hậu niệm. Đức Phật này giống hệt đức Phật kia, đều chẳng có ý niệm, cách thấy của các Ngài hoàn toàn tương đồng, niệm niệm các Ngài thấy tương đồng.

Quý vị nhất định phải biết tất cả hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều sanh diệt trong từng sát-na. Đấy là Thật Tướng! Bất sanh bất diệt chỉ là Tánh, tự tánh bất sanh bất diệt. Tánh là gì? Ở đây, Trung Phong đại sư giảng là “linh tri”, Ngài nói đến tâm. Theo Ngài tâm có ba thứ:

1) Một là “nhục đoàn tâm” (trái tim thịt), tất cả hết thảy chúng sanh đều có.

2) Hai là “duyên lự tâm” là tâm vọng tưởng phân biệt, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là vọng tâm. Ai nấy đều có, chẳng giống nhau.

3) “Linh tri tâm” giống nhau. Linh tri tâm là chân tâm, chân tâm bất sanh bất diệt.

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

Không có nhận xét nào: