Chư vị đồng học!
Chúng ta hãy xem tiếp, trên đây là một đoạn văn kỳ đảo, chúng ta hãy đọc qua một lượt:
“Thử nhất biện hương, căn bàn kiếp ngoại, chi bá trần hoàn, bất kinh thiên địa dĩ sanh thành, khởi thuộc âm dương nhi tạo hóa, nhiệt hướng lô trung, chuyên thân cúng dường thường trụ Tam Bảo, sát hải vạn linh”.
Mấy câu này thật hết sức trọng yếu, nhất định chẳng được nói niệm xuông đoạn văn này là đủ, tâm ta nhất định phải hoàn toàn ứng theo văn, đấy là cái nhân chân thật để cảm ứng. Vì sao được cảm ứng? Cái nhân chân thật là đây, chúng ta chẳng thể không biết điều này. Do vậy ta biết: Người chân chánh giác ngộ, thật sự minh bạch, họ cũng thật sự đồng một thể với pháp giới, hư không giới, niệm niệm chẳng lìa, niệm niệm chẳng có cách ngăn, chướng ngại. Họ cảm ứng cùng pháp giới, hư không giới; trên là chư Phật Như Lai, dưới là chúng sanh trong địa ngục, tình và vô tình (vô tình là sơn hà đại địa, hoa cỏ, cây cối, bao gồm hết thảy tất cả hiện tượng tự nhiên, nói theo khoa học hiện tại là hiện tượng vật chất trong vũ trụ), thảy đều bao gồm trong ấy.
Thành ý! Chúng tôi nói tâm chân thành trọn khắp, tâm thanh tịnh trọn khắp, tâm bình đẳng trọn khắp, tâm chánh giác trọn khắp, tâm từ bi trọn khắp vừa cảm thì ba thứ thế gian trong pháp giới: Trí Chánh Giác thế gian là chư Phật, Bồ Tát, hữu tình thế gian là hữu tình chúng sanh, khí thế gian là vô tình, ba thứ thế gian (là toàn thể vũ trụ) đều có ứng. Chúng ta một niệm cảm, mọi thứ trong toàn thể vũ trụ thảy đều ứng, chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta dùng đó hồi hướng, hồi hướng như trong đoạn văn sau đây:
“Cực Lạc đạo sư A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Hải Chúng”.
Đây là chuyên chỉ, bởi lẽ công khóa ta tu đây là nhằm cầu sanh Tịnh Độ, là cầu được thân cận Di Đà, thân cận Quán Âm, Thế Chí, thân cận hết thảy đại chúng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, nếu tâm hạnh chúng ta chẳng thuần tịnh thuần thiện sẽ chẳng thể cảm ứng. Bởi thế, trong tâm chẳng được xen tạp mảy may, nếu không là sai. Trong tâm ắt chẳng có kẻ oán hận nào, chẳng có việc oán hận gì; hễ có việc nào bèn là xen tạp, tâm thuần tịnh thuần thiện bị phá hoại. Nhất định phải biết buông xuống, chẳng buông xuống được là hại mình, hại tự tánh, hại chân tâm. Tự tánh mê thì chân tâm thành hư vọng, đã bị xen tạp một vọng niệm. Ngàn vạn phần chẳng được xem thường vọng niệm, vọng niệm đó gây hại; không pháp thế gian, xuất thế gian nào gây hại bằng nó đâu! Có thế mới thấy tánh chất nghiêm trọng của vọng niệm. Sau cùng là hai câu tổng kết:
“Tất trượng chân hương, phổ đồng cúng dường”
(Cậy vào chân hương, bình đẳng cúng dường khắp cả).
Chân hương này là quang hương tánh đức, “phổ đồng cúng dường” là tu đức, tương ứng với tánh đức. Đức Phật nói trong hết thảy thứ cúng dường, pháp cúng dường bậc nhất. Sự cúng dường ở đây thuộc về pháp cúng dường, nay chúng ta đang tu hành pháp cúng dường; như trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện dạy chúng ta “cúng dường bằng cách tu hành theo đúng lời dạy”. Phật dạy chúng ta như thế nào, chúng ta học làm theo như thế ấy, mọi sự Phật chỉ dạy chúng ta đều thực hành, đó là cúng dường. Chúng ta thấy những lời trần thuật trong đoạn văn kỳ đảo này đều là những lời Phật thường răn dạy trong kinh luận, chúng ta phải học tập, niệm niệm chẳng quên, niệm niệm thực hiện, khế nhập cảnh giới, đó là “phổ đồng cúng dường”. Tiếp đó, đọc ba lần:
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát.
Ý nghĩa giống như ở phần trên, niệm danh hiệu này phải hiểu được ý nghĩa của danh tự. “Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát” là tiếng gọi chung hết thảy Bồ Tát, chứ chẳng phải chuyên chỉ một vị nào, hoặc chuyên chỉ một quần thể nào! Nay ta gọi “quần thể” là đoàn thể. Tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát trong khắp giới, hư không giới đều gộp trong ấy, đều là Hương Vân Cái. Pháp sự này giống như đã nói trong đoạn văn kỳ đảo ở phần trên, cũng là Tự Phần của pháp sự.
Dưới đây chánh thức bước vào pháp sự Tam Thời Hệ Niệm. Tam Thời Hệ Niệm có ba thời: thời thứ nhất, thời thứ hai và thời thứ ba. Quý vị phải biết ba thời này lấy “trì danh niệm Phật” làm chủ, nhưng với mỗi thời pháp sự mở đầu bằng niệm kinh, đại sư chọn Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Trước hết niệm kinh, rồi mới niệm chú, niệm chú Vãng Sanh. Tiếp đó là nghe kinh, tức là nghe giảng khai thị, mỗi chữ, mỗi câu trong phần khai thị đều là kinh văn, nay chúng ta gọi là “tập hội”, tức là tom góp những khai thị trọng yếu nhất, tinh túy nhất trong kinh luận nhà Phật hòng cảnh tỉnh chúng ta, khiến chúng ta thời thời khắc khắc chẳng quên, cùng học tập. Trước khi niệm kinh, trước hết phải niệm ba câu:
Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét