“Linh, tri”: kinh Lăng Nghiêm nói hơi tỉ mỉ hơn một chút, kinh dùng bốn chữ “kiến, văn, giác, tri” (thấy, nghe, hay, biết), Trung Phong thiền sư gộp “kiến, văn, giác” thành một chữ Linh. Linh Tri là chân tâm, hư không pháp giới do nó biến hiện; bởi thế hư không pháp giới đương nhiên đầy đủ “kiến, văn, giác, tri”. Tâm là năng biến (chủ thể thực hiện hành động biến hiện), vạn pháp là sở biến (cái được biến hiện bởi tâm). Cổ nhân nói: “Dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng là vàng”. Vàng là bản chất, có món vật nào lại chẳng mang đặc tánh của vàng? Đương nhiên là có, món nào cũng có đủ, chắc chắn chẳng khiếm khuyết mảy may. Từ tỷ dụ này, chúng ta suy ra tất cả hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có linh tri.
Hiện tại chúng tôi có liên lạc với tiến sĩ Giang Bổn Thắng, ông ta cũng rất hoan nghênh tôi đến Nhật Bản tham quan phòng thí nghiệm của ông, ông ta cũng muốn hiểu rõ cảnh giới Hoa Nghiêm. Tôi yêu cầu ông ta làm thật nhiều thí nghiệm để tìm hiểu sâu hơn tất cả hết thảy vạn vật trong vũ trụ đều có linh tri. Tất cả hết thảy vạn vật đều là sống, chẳng có thứ nào chết cả, thứ nào cũng có đủ kiến văn giác tri. Chúng ta muốn cuộc sống của mình tốt đẹp, hoàn cảnh tốt đẹp, chẳng phải là không làm được mà thật sự là chẳng dễ thực hiện. Thực hiện bằng cách nào? Thiện ý, thiện tâm thì tất cả cảnh giới đều biến thành tốt, sơn hà đại địa đều sung mãn linh khí. Vì sao có tai nạn? Vì tâm chẳng lành. Trong tâm đầy ắp tự tư tự lợi, đầy ắp tham, sân, si, mạn, khởi tâm động niệm tổn người lợi mình, khiến cho phản ứng của tất cả hết thảy vạn vật thảy đều biến thành xấu. Phản ứng tốt là hình dạng tươi đẹp, dưới kính hiển vi, quý vị sẽ thấy được. Tâm tình bất hảo, ý niệm bất hảo, phản ứng sẽ rất khó coi!
Bởi thế, thế giới Cực Lạc là tâm thanh tịnh của chính mình, do thiện ý, mỹ ý biến hiện ra. Thế giới Sa Bà của chúng ta là do tâm nhiễm ô, do ác ý, ác niệm biến hiện ra. Bản thân hết thảy vạn vật vốn chẳng có ý niệm, chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ là có linh tri, chứ không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bởi thế, cảnh chuyển theo tâm là điều kinh Phật thường nói. Đó là một nguyên lý, nguyên tắc căn bản, phải tin tưởng sâu xa, đừng nghi nguyên tắc, nguyên lý ấy. Hạ thủ từ đâu? Từ thiện ý mà hạ thủ, từ nơi ý niệm của quý vị, sửa đổi toàn bộ hết thảy ý niệm ác, tư tưởng ác, đổi thành thiện ý, đổi thành mỹ ý thì thế giới này trở thành tốt đẹp, thành thiện mỹ, thành “liên trì hải hội”.
Chữ “Phật Bồ Tát” chẳng cần phải giải thích nữa. Bởi thế, quý vị nghĩ xem: Câu này bao gồm những nghĩa lý rộng sâu vô tận, dù chúng tôi ngày ngày giảng nói, giảng suốt cả trăm năm cũng chẳng giảng hết. Hôm nay hết giờ rồi, chúng tôi giảng đến đây thôi.
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Toàn Tập Giảng Ký,
phần 1 hết
(*) Trong nghi quỹ trước khi vào Đệ Nhất Thời, có những phần tụng Tâm Kinh, tụng các chú Khai Yết Hầu, Thí Thực, Thí Thủy… Hòa Thượng lược đi không giảng.
(1) Vô Môn Khai tức là ngài Vô Môn Huệ Khai (1183-1246), tác giả bộ sách Thiền nổi tiếng Vô Môn Quan.
(2) Nguyên văn là “cưỡng bão”, ta gọi cái địu, người Trung Hoa thường dùng vải dày may thành cái địu, có bốn sợi dây, buộc con cõng sau lưng để người mẹ rảnh tay dễ làm lụng. “Vừa mới khỏi phải địu” tức là đứa bé đã tự đi lẫm chẫm được, không còn phải địu sau lưng nữa.
(3) Phạm bái: Các hình thức tán tụng kinh điển trong Phật giáo Trung Hoa.
(4) Tức là chia sách ra thành từng đoạn nhỏ, đặt tựa đề để nêu tóm gọn ý nghĩa cho mỗi phân đoạn, hệ thống những tác phẩm ấy.
(5) Nội ngoại điển tịch: Sách vở trong nhà Phật gọi là nội điển, sách vở thế gian gọi là ngoại tịch.
(6) Tục ấn: lần in thứ hai, thứ ba v.v… sau lần in đầu tiên.
(7) Phần chứng tức Phật: một trong sáu loại Phật theo giáo nghĩa Thiên Thai. Phần chứng tức là giác ngộ một phần, người giác ngộ một phần, tức là bậc Sơ Trụ trở lên được coi như là Phật.
Nguồn:http://www.niemphat.net/
Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét