Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

àm cho thiên địa vạn vật kết tinh thành dạng đẹp đẽ

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

. Lư Hương Tán

Tiếp theo là phần Lư Hương Tán là bài tán tụng phổ biến nhất trong Phật môn. Trước hết, mở đầu bằng bài Giới Định Chân Hương. Bài này tôi đã thưa cùng quý vị rồi, Trung Phong đại sư có dụng ý đặc biệt. Không có Giới, không có Định, tu pháp môn gì cũng chẳng được lợi ích, bởi thế phải nêu Giới Định trước hết.

Bài Lư Hương Tán thuộc loại tán tụng. Nếu dùng thuật ngữ tôn giáo thông thường để nói thì nó thuộc thể loại kỳ đảo, dùng hình thức thi ca để diễn đạt. Tôi nói như thế này chắc mọi người rất dễ hiểu, rất dễ lãnh hội. Đây là bài cầu nguyện, mong được cảm ứng đạo giao cùng chư Phật, Bồ Tát, đến gia trì pháp hội này. “Gia trì” là danh từ trong Phật giáo, nói bằng ngôn ngữ hiện tại là đến che chở, ban phước, đến giúp sức khiến việc làm này của chúng ta được thành công viên mãn, việc làm ở đây là pháp sự Hệ Niệm. Những đại chúng cùng dự hội, đại chúng gồm chúng sanh trong chín pháp giới đây, ai nấy đều được lợi ích, đắc Pháp Hỷ. Chúng ta hãy xem bài Hương Tán.

“Lư hương sạ nhiệt”

(Lò hương vừa đốt)

“Sạ” là mới vừa. Cái đỉnh báu, cái lò hương vừa mới đốt lên, khói hương xông khắp.

“Pháp giới mông huân”

(Pháp giới khắp xông)

Pháp giới rất lớn! “Xông khắp pháp giới” là sự thật, có phải là khoa trương không? Bài văn tác bạch ở trên có câu “phổ biến thập phương, minh dương mị cách”. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy pháp sanh từ tâm tưởng”. Tâm tưởng ấy là sóng tâm chuyển động, tốc độ nhanh không cách gì tưởng tượng được. Hiện tại, vật lý học nghĩ tốc độ ánh sáng nhanh nhất, nhưng các nhà vật lý cận đại biết chắc trong vũ trụ quả thật còn có những thứ có tốc độ nhanh hơn ánh sáng; nhưng trong Thái Dương Hệ của chúng ta, tốc độ ánh sáng nhanh nhất, một giây đi được ba mươi vạn km. Thưa thật cùng quý vị, nhanh nhất là ý thức, ý niệm. Ý niệm vừa nẩy sanh, tốc độ lan truyền của nó liền trọn khắp hư không pháp giới, ánh sáng chẳng sánh bằng được. Tổ sư đại đức dạy chúng ta: Tâm càng thanh tịnh, càng định thì phạm vi lan truyền của sóng niệm càng lớn. Kinh Lăng Nghiêm nói “tịnh cực quang thông”, tịnh đến mức cùng cực thì quang (quang là tâm quang, quang minh của trí huệ Bát Nhã nơi tự tánh) bèn thông suốt. Thông suốt đây là khắp hư không pháp giới, thật đấy, chẳng giả đâu!

Bây giờ phải hỏi: Chúng ta phàm phu tục tử vọng niệm tơi bời thì có được năng lực lớn lao như thế chăng? Nói như trên là thật đấy, chẳng sai đâu! Nhưng quý vị phải hiểu: Chư Phật Như Lai, Pháp Thân Bồ Tát mỗi vị đều là “tịnh cực quang thông”. Nói cách khác, năng lực tiếp thâu của các Ngài rất lớn, tuy chúng ta phát sóng, tin tức của chúng ta không đến được các Ngài, nhưng các Ngài có năng lực tiếp thâu đến tận chỗ chúng ta, chẳng thể nghĩ bàn! Bởi thế, chúng ta khởi tâm động niệm ở đây, dẫu xen tạp vọng tưởng, xen tạp ác nghiệp, các Ngài vẫn có thể tiếp nhận được, năng lực tiếp nhận của các Ngài trọn khắp hư không pháp giới. Bởi thế “pháp giới mông huân” là thật, chẳng giả đâu!

“Chư Phật hải hội tất dao văn”

(Hải hội chư Phật thảy xa nghe)

Bao gồm Pháp Thân Bồ Tát. “Dao văn” là quan niệm của chúng ta: Ở rất xa các Ngài cũng nghe thấu; nhưng trong cảnh giới các Ngài, chẳng có xa - gần, điều này người học Phật chúng ta chẳng thể không biết! Minh tâm kiến tánh, sau khi kiến tánh, thời gian chẳng còn nữa, đều quy nhất hết. Chúng ta thấy có xa - gần, nhưng với các Ngài hệt như trước mắt, ở ngay trước mắt.

“Tùy xứ kết tường vân”

(Khắp chốn kết mây lành)

Khắp chốn kết mây lành là chuyện dĩ nhiên. Tiếp theo đó:

“Thành ý phương ân”

(Lòng thành ân cần)

“Thành ý phương ân” là chúng sanh năng cảm. Chúng sanh phải có thành ý, thành ý ân cần thì quý vị mới nhờ vào lư hương được. Lư hương tiêu biểu cho pháp, tiêu biểu cho một chút thành ý của chúng ta, vừa đốt bèn ân cần. Quý vị thấy hương được ứng như thế này: “Tùy xứ” là chư Phật ứng, “kết tường vân” là khí thế gian ứng. Đạo vị này quá sức sâu đậm. Chư Phật, Pháp Thân Bồ Tát ở khắp mọi nơi khởi cảm ứng đạo giao cùng chúng ta, “kết tường vân” là khí thế gian, vô tình thế gian [cảm ứng đạo giao]. Điều này đã được khoa học gia Giang Bổn Thắng của Nhật Bản chứng minh: Nước kết tinh tạo thành dạng thức mỹ lệ, đấy chính là “kết tường vân”. Tâm yêu thương, tâm cảm tạ, mỹ ý, thiện hạnh có thể làm cho thiên địa vạn vật kết tinh thành dạng đẹp đẽ nhất, đấy chính là ý nghĩa của chữ “tường vân”.

“Chư Phật hiện toàn thân”

Ở đây, “chư Phật” có hai nghĩa, thứ nhất là rất nhiều các đức Phật Như Lai; thứ hai là gồm cả các Pháp Thân Bồ Tát. Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ trở lên đều là “phần chứng tức Phật” (7). Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ lên đến Đẳng Giác, Diệu Giác gồm bốn mươi hai địa vị thảy đều là “chư Phật”. Cư sĩ Giang Vị Nông chú giải kinh Kim Cang giải thích chữ “chư Phật” như vậy, tức là bốn mươi hai địa vị chư Phật. Ở đây, hai nghĩa này đều hợp lý cả. Nói theo chiều ngang là hết thảy chư Phật, Bồ Tát; nói theo chiều dọc là bốn mươi hai địa vị chư Phật. Phật đến cảm ứng, trí Chánh Giác thế gian. Trong chữ “chư Phật” còn có một ý nghĩa nữa; tam thân chư Phật, Pháp Thân, Báo Thân, Ứng Hóa Thân. Nói như vậy rất hoàn thiện, tất cả đều hiện toàn thân, thật sự hiện thân chứ chẳng phải giả. Quý vị phải hiểu thấu suốt, minh bạch, biết cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn. Nếu quý vị chẳng thể thấu suốt, minh bạch điều này thì quý vị chỉ xướng bài tán này, chỉ niệm theo văn mà thôi, chẳng nhập được cảnh giới, chẳng được thọ dụng chân thật. Tiếp đó là Phật hiệu:

Không có nhận xét nào: