LO – LÀM SAO CHO HẾT LO.
Ngạn ngữ có câu: “Lo mau già”. Mà thật vậy, con người mảng lo mà già sớm, chớ nào phải tại làm việc nhiều mà chóng già đâu. Làm việc chẳng những không hại mà còn rèn luyện trí não cho mạnh thêm, miễn là đừng làm việc gì quá sức. Kẻ nào cứ mãi lo nghĩ thì thật là tai hại, về sau người ấy có tính hay gắt gỏng, thần kinh yếu đuối, không thể suy nghĩ lâu được.
Thế nào gọi rằng “lo”?
Ðó là bận tâm lập đi lập lại một ý nghĩ, rồi e ngại, áy náy, bâng khuâng, so hơn tính thiệt, nhiều khi mất ăn mất ngủ mà không đi đến kết quả nào ngoài sự sửa đổi chút đỉnh, nên đâm ra u sầu phiền muộn. Vì vậy, trí não bị ám ảnh, nó tái tạo liên tục những hình tư tưởng, cưỡng ép tâm thức cảm nhiễm, chớ không phải do tâm thức tạo tác. Khi các bắp thịt của chúng ta quá mệt mỏi thì tự nhiên nó cử động và co giãn mãi, mặc dù chúng ta muốn nó nằm yên. Cũng như vậy, khi trí óc chúng ta mệt mỏi thái quá thì sự rung động của trí óc mệt mỏi lập lại và không ngớt rung động, đến đỗi chúng ta không tài nào bắt buộc nó dừng lại và yên lặng cho được.
Như chúng ta đã thấy, khi có một tác động nào hướng về tác động cũ thì tự nó tác động lấy nó như máy móc tự động. Thí dụ có người lo nghĩ về một việc gì, họ rán sức tính toán hơn thiệt để làm sao cho có lợi, nhưng công việc không thành, họ bất mãn và ngừng suy nghĩ, song cứ mong mỏi tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu, nhưng họ lại lo sợ thảm bại nữa. Sự lo sợ thất bại đặt để họ trong tình trạng tấn thối lưỡng nan, làm cho họ lo lắng quá đổi, năng lực kiệt quệ, mất thăng bằng, rồi thể trí và cân não bị dục vọng thúc đẩy mãnh liệt, làm lung lạc tinh thần. Họ mất định hướng, đầu óc bứt rứt xao xuyến. Những hình ảnh do trí óc của họ tạo ra rồi họ lại gạt bỏ đi vẫn cứ lập đi lập lại, ám ảnh họ, bắt họ phải nghĩ ngợi nhớ tới mãi. Sự mệt mỏi gia tăng, càng làm cho họ gắt gỏng thêm, và càng gắt gỏng thì càng mệt mỏi thêm nhiều hơn nữa. Theo định luật chung, hễ có động thì có phản động, phản động rồi thì động, và cứ tiếp tục như vậy mãi trong vòng lẩn quẩn. Như thế, kẻ nào suy nghĩ mà lo âu phiền muộn, thì kẻ ấy trở thành nô lệ cho các thể của họ và tinh thần sẽ bị khủng bố điên đảo luôn.
Trí óc ví như bộ máy tự động, có khuynh hướng lập lại sự rung động đã tạo ra trước, vì thế mà chúng ta có thể lợi dụng việc này để điều chỉnh sự rung động lập lại vô ích của tư tưởng u buồn. Khi có một dòng tư tưởng tạo thành đường vận hà – là hình dạng tư tưởng – thì những dòng tư tưởng mới sau này có khuynh hướng đi theo đường lối cũ. Như một ý nghĩ nào làm chúng ta đau buồn, thì sự đau buồn đó ám ảnh làm cho chúng ta đau buồn trở lại. Cũng như một ý nghĩ tốt làm chúng ta vui vẻ, thì ý nghĩ hấp dẫn tốt đẹp đó cũng trở lại làm chúng ta vui vẻ nữa.
Cảnh lo sợ tiêu biểu cho sự gì sẽ xảy ra khi sự ức đoán trở thành sự thật, như thế nó tạo trong trí một đường vận hà làm thành một cái khuôn cho tư tưởng và vạch một đường lằn trong cân não. Khi trí óc vừa rảnh rang thì chúng có khuynh hướng lập lại hình thức cũ và dồn những năng lực chưa dùng xuôi theo chiều con đường đã vạch sẵn.
Có lẽ, phương pháp hiệu nghiệm nhất để diệt trừ mối “lo” là chôn vùi nó thật sâu cho mất tích, rồi quên hẳn nó đi, đồng thời thay thế cái gì khác có tính cách đối lập (như chú tâm làm một việc gì hữu ích mà mình ưa thích). Do thế, chúng ta rèn luyện tư tưởng chín chắn, bền bỉ và có chừng mực. Những người lo lắng ưu sầu, mỗi buổi sáng, nhớ cố gắng dành riêng ba hay bốn phút để suy gẫm một vài tư tưởng cao thượng và khích lệ như sau: “Chơn ngã thì An lạc và tôi An lạc, Chơn ngã thì Dũng cảm và tôi là Chơn ngã”. Hãy tưởng nghĩ sâu xa tận đáy lòng rằng Ðấng Cha lành cao cả và tôi là một, là cái duy nhất trường tồn không thay đổi, không sợ hãi, không vướng víu chướng ngại, thân tâm thanh tịnh. Vả lại, tôi không phải là xác thân hữu hoại, thường bị ưu phiền dày vò, cắn rứt, rúc rỉa hao mòn, yếu lần rồi tan rã. Thật ra, tôi là Chơn ngã trường tồn, còn xác thân là y phục của Chơn ngã, mặc vào cổi ra. Suy tư nghiền ngẫm như thế, người lo rầu tự nhiên sẽ vui lên, đời tràn đầy nhựa sống và cảm thấy thân tâm yên tịnh trong bầu không khí mát mẻ êm đềm.
Ngày qua ngày, cứ suy tư mãi như thế, tư tưởng sẽ ăn sâu vào trí não, rồi đến lúc tâm trì không bận rộn, thì tư tưởng “Tôi An lạc và Dũng cảm” tự nhiên phát hiện ra giữa cuộc đời huyên náo, năng lực của thể trí cuồn cuộn chảy tràn như nước lũ, nhận chìm gánh “lo” trong dĩ vãng.
Một phương pháp khác nữa, là tập thành thói quen tham thiền về Diệu Luật - luật huyền diệu có công năng sửa đổi con người theo nếp sống an phận vừa lòng. Hành giả tham thiền về Diệu Luật sẽ thấy tất cả mọi hoàn cảnh phát sinh đều do Ðịnh luật chớ không có cái gì ngẩu nhiên cả. Bất cứ việc chi xảy đến cho chúng ta đều do Luật Trời chỉ định, mặc dù bề ngoài chúng ta thấy như có bàn tay xa lạ đưa đến việc này việc nọ cho chúng ta. Không một tai họa nào bỗng nhiên giáng xuống đầu chúng ta mà không do chúng ta tự triệu nó đến hoặc do hành vi tiền kiếp của chúng ta. Không một kẻ nào hãm hại chúng ta được, nếu không phải Thiên Luật mượn tay kẻ ấy để thanh toán món nợ chúng ta thiếu.
Dù trong trường hợp mà chúng ta biết trước sẽ có buồn bực âu lo sắp sửa dày vò tâm hồn chúng ta, thì chúng ta cũng phải bình tĩnh suy xét và thản nhiên chấp nhận. Tất cả mọi đau khổ xảy đến cho chúng ta đều do Luật Trời, nếu ta hiểu biết và cam tâm nhận lãnh, dù vết thương lòng có trầm trọng thế mấy cũng chóng lành. Vả lại chúng ta có thể chịu đựng sự đau khổ ấy dễ dàng hơn nếu chúng ta nhớ rằng sở dĩ Luật Trời thúc giục chúng ta trả cho dứt nghiệp quả là vì muốn phóng thích chúng ta sớm. Cũng như người thiếu nợ bị giam thân, nếu muốn sớm được tự do thì phải mau mau trả cho dứt nợ. Hơn nữa, dù có điều gì làm chúng ta đau khổ, thì sự đau khổ ấy là con đường đưa chúng ta đến hạnh phúc. Mọi nỗi thống khổ, bất cứ từ đâu tới, đều đưa chúng ta đến hạnh phúc viên mãn và phá tan xiềng xích trói buộc chúng ta vào bánh xe sinh tử luân hồi, luôn luôn chuyển động không ngừng.
Khi những tư tưởng thanh tao ấy trở nên quen thuộc thì tự nhiên ta hết lo âu vì chiếc áo giáp vững chắc của sự an lạc đã chấm dứt móng vuốt lo lắng rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét