TĂNG CƯỜNG QUYỀN NĂNG TƯ TƯỞNG
Bây giờ chúng ta có thể nghiên cứu về giá trị thực tập của quyền năng tư tưởng, vì có học mà không hành thì cũng như không học. Châm ngôn có câu: “Cứu cánh của Minh triết là chấm dứt đau khổ”. Chúng ta phải học hỏi để phát triển quyền năng tư tưởng, và khi quyền năng khai mở, chúng ta sẽ dùng quyền năng ấy giúp đỡ những người xung quanh, những kẻ đang sống và những kẻ mà người đời gọi là chết, ngõ hầu thúc giục nhân loại cùng chúng ta đồng tiến.
Nhờ chuyên cần luyện tập thường xuyên, không gián đoạn, mà quyền năng tư tưởng được tăng trưởng, như do thường tập thể dục, các bắp thịt được nở nang, và cũng nhờ năng rèn luyện tinh thần mà trí thức mở mang vậy.
Theo định luật của đời sống, thì sự tăng trưởng do luyện tập đều đặn và bền bỉ mà ra. Sự sống là Bản ngã của chúng ta, luôn luôn tìm cách biểu hiện đầy đủ ở ngoại cảnh bằng hình thể chứa đựng nó. Sự sống khêu gợi sự luyện tập và ảnh hưởng đến hình thể làm cho hình thể chóng phát triển và tiêm nhiễm vào hình thể nhiều chất liệu mới để được luôn luôn bành trướng từng phần. Nhờ tập luyện, các sớ thịt giãn ra, nhựa sống tràn vào, các tế bào sinh sản thêm nhiều lần cho bắp thịt nở nang. Khi chúng ta tưởng nghĩ thì cái trí rung động, những chất liệu mới thâm nhập vào thể trí, chất mới này kiến tạo bên trong thể của chúng ta làm cho nó càng ngày càng trưởng thành do cách cấu tạo rất phức tạp và cực kỳ tinh diệu. Thể trí càng được trau giồi thì càng chóng tăng trưởng dù cho tư tưởng được thu nhận tốt đẹp hay xấu xa. Tổng số tư tưởng nhiều hay ít gọi là lượng, xác định sự tăng trưởng của thể trí, còn tính chất tư tưởng tốt hay xấu gọi là phẩm, xác định loại chất liệu dùng cho sự tăng trưởng ấy.
Ngoài ra, người hay suy nghĩ thì những tế bào trong khối óc tăng thêm nhiều chất xám. Do nhiều cuộc xét nghiệm tử thi, các nhà giải phẩu tìm thấy khối óc của các đại tư tưởng gia chẳng những lớn mà còn nặng hơn khối óc của người nông phu rất nhiều, vả lại, óc của những nhà tư tưởng ấy có rất nhiều nếp gấp ( gọi là não hồi). Ðiều này làm phát triển diện tích chất xám và cũng là khí cụ của tư tưởng ở hồng trần, nhờ đó mà tư tưởng hoạt động trực tiếp không cần trung gian.
Nhờ năng luyện tập, thể trí và khối óc đều tăng trưởng. Kẻ nào muốn trau giồi trí thức, mở mang tinh thần, phải nhắm đến việc tham thiền mỗi ngày và chăm lo cải thiện năng lực trí tuệ. Không cần phải nói thêm rằng quyền năng cố hữu của Người hiểu biết phát triển được nhanh chóng là nhờ sự luyện tập thường xuyên và trên các khí thể năng lực cũng tăng cường. Phải tập luyện đúng theo phương pháp thì mới có kết quả mỹ mãn. Người mới rèn luyện tinh thần nên chọn một quyển sách hay, hợp với vấn đề của chính mình, sách ấy phải do một người tài đức trước tác, nội dung chứa đựng những tư tưởng lành mạnh và mới mẻ. Hành giả hãy đọc chậm rãi một câu văn hay một đoạn trong sách ấy, rồi ngừng lại, suy nghĩ, nghiền ngẫm điều mình đã đọc. Hãy cố tập cho được tánh tốt này, là suy nghĩ phải gấp đôi thời gian đọc, nghĩa là đọc năm phút, phải suy nghĩ mười phút. Mục đích của việc học hỏi này là cốt yếu làm tăng cường khả năng tư tưởng, chớ không phải chỉ thu thập các ý tưởng phong phú. Nếu có thể được, hành giả nên dành riêng mỗi ngày nửa giờ trong việc luyện tập. Tuy nhiên, hãy khởi đầu bằng cách tập mỗi lần mười lăm phút, vì lúc ban sơ nếu hành giả chủ ý lâu dài thì cảm thấy mệt mỏi.
Người nào theo phương pháp trên đây luyện tập hằng ngày cho đều, chỉ trong vài tháng sẽ thấy sức mạnh tinh thần phát triển rõ rệt và cảm thấy có thể điều khiển các vấn đề sinh hoạt hằng ngày một cách đặc biệt dễ dàng và kết quả khả quan hơn. Tạo hóa trả công mỗi người rất sòng phẳng và vô tư, không sơ suất một tơ hào. Kẻ nào muốn khai mở trí tuệ thì phải nổ lực luyện tập tư tưởng cho tương xứng với sự thọ hưởng đặc ân ấy.
Như chúng tôi trình bày có hai tác động:
1- Năng lực của Tâm thức bị quyến rủ ra ngoại cảnh.
2- Nhờ hình tướng năng lực của Tâm thức mới biểu thị, và đừng khi nào quên điểm thứ nhất.
Nhiều người nhìn nhận giá trị của tư tưởng xác định cảm nhiễm đến khối óc, nhưng lại quên rằng nguồn gốc của mọi tư tưởng vô sinh, là Chơn ngã trường tồn bất diệt, vì vậy, con người chỉ có thể sử dụng những gì mà họ có. Tất cả những quyền năng đều có bên trong con người, song chúng ta cần phải khai thác quyền năng tiềm tàng ấy thì mới có thể dùng được, vì Chơn ngã thiêng liêng là nguồn gốc của chúng sinh và trạng thái của Chơn ngã vốn ở trong mỗi người, luôn luôn tìm cơ hội thuận tiện để biểu lộ đầy đủ hơn. Quyền năng trong mỗi chúng ta bất sinh, bất diệt, trường tồn, chỉ hình tướng do tâm tạo mới biến đổi và hư hoại, nhưng mà sự sống vốn là của Chơn ngã và quyền năng của nó vô bờ bến. Quyền năng ấy trong mỗi chúng ta cũng mạnh bằng quyền năng sáng tạo vũ trụ. Quyền năng này là thiên lực chớ không phải nhân lực, nó là một phần sự sống của Thượng Ðế và không khi nào lìa khỏi Ngài.
Nếu hành giả nhận thức được điều này và nhớ rằng sự khó khăn không do năng lực khiếm khuyết, mà do nơi khí cụ không thích ứng thì hành giả phải cố gắng công phu và phải hi vọng để tiến tới sự thành công.
Hành giả cảm thấy cái tinh túy của bản tính là sự hiểu biết, tùy nghiệp quả mà hiển lộ hoặc nhiều hoặc ít trong kiếp luân hồi. Dĩ nhiên, cái “nhân” (tư tưởng) của chúng ta tạo ra từ kiếp trước đã hạn chế sự hiển lộ này, nhưng ngay bây giờ chúng ta có thể dùng năng lực đã có trong tiền kiếp, để sửa đổi cái “quả” cho tốt lành hơn, hầu nó trở thành hữu dụng trong kiếp này. Thật ra, ảnh hưởng sâu sắc của cuộc sống có thể từ từ uốn nắn và sửa đổi các hình tướng trở nên mềm dẽo theo khuôn mẫu mới.
Trước hết hành giả nên ghi nhớ rằng: muốn tiến vững chắc thì yếu tố cần thiết là phải thực tập đều đặn mỗi ngày, nếu quên sót một ngày – ít ra trong giai đoạn phát triển đầu tiên – hành giả phải cố gắng ba hay bốn ngày liên tiếp mới lấy lại được sự thăng bằng. Chừng nào sự tham thiền trở thành thói quen thì việc luyện tập đều đặn mới không cần thiết cho lắm, nhưng khi chưa thành thói quen xác định thì sự tham thiền đều đặn là việc rất quan trọng, vì nếu tham thiền không đều thì những thói quen cũ đã để tư tưởng thả rong sẽ trở lại, chất thể trí sẽ tái lập hình thức cũ, rồi chúng ta phải tập luyện nữa để lấy lại thói quen đã gián đoạn. Như vậy, mỗi ngày chúng ta rán dành riêng năm phút để tham thiền cho đều còn hơn là mỗi lần tham thiền nửa giờ mà ngày tập ngày nghỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét