Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Thư Chân Hành Giả 1

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. (Những lá thư hai Thầy Hằng Thật và Hằng Triều viết cho Hòa Thượng Tuyên Hóa trong thời gian đi "Ba Bước Một Lạy" hơn 700 dặm trong 2 năm 9 tháng từ chùa Kim Luân ở Los Angeles đến Chùa Vạn Phật tại Talmage, California)
Xem đầy đủ tại đây http://www.dharmasite.net/thuhanhgia.htm Lời nói đầu Ba bước, một lay - ba bước dọc theo cạnh xa lộ, rồi lạy một lạy xuống đất; đầu gối, cùi chỏ, bàn tay, trán đều chạm đất, rồi đứng lên, chắp tay, bước thêm ba bước, rồi lại lạy thêm một lay. Hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, trong hai năm rưỡi, họ hành hương lễ lạy theo cách đó. Tại Trung Hoa, những Phật tử thành tâm có những lúc thực hành công việc khó khăn có tính cách cầu nguyện là ba bước một lạy trong vài trăm thước cuối cùng trước khi đến một nơi thánh địa. Nhưng đây là California, và hai tăng sĩ hành hương này là người Mỹ trẻ tuổi. Mặc áo tràng và giới y, không mang tiền bac, không trang bị gì ngoài kỷ luật và lòng thành kính, họ đã đi bộ và lạy 800 dặm (1) dọc theo vệ đường nhỏ hẹp của Xa Lộ Ven Biển Thái Bình Dương. Mỗi ngày tiến triển một dặm, họ lạy từ trung tâm thành phố Los Angeles về phía bắc dọc theo bờ biển, xuyên qua Thành phố Santa Barbara và dọc theo vùng Big Sur, xuyên qua thành phố San Francisco và qua cầu Cựu Kim Sơn, rồi lạy xa thêm 100 dặm (2) về phía Bắc để đến Vạn Phật Thánh Thành, một trung tâm giáo dục và tôn giáo vừa được thành lập taị quận hạt Mendocino. Khi lễ lạy, họ cầu nguyện thế giới không còn thiên tai, tai họa và chiến tranh. Vị tăng sĩ tịnh khẩu dẫn đầu là Thầy Hằng Thật. Thầy từ thành phố Toledo , tiểu bang Ohio , vào năm 1974 Thầy đã tự tìm đường đến Tu Viện Kim Sơn Thiền tự tại San Francisco. Tai đó trên một đường phố cạnh khu Mission, có một cao tăng Trung hoa là Hòa Thượng Tuyên Hóa, đang sống thầm lặng trong khi thực hiện công việc tiên phong của ngài là gieo trồng lại truyền thống tăng đoàn Phật Giáo tại phương Tây . Nhờ đức hạnh và trí tuệ của Hòa Thượng làm cảm động, Thầy Hằng Thật đã gia nhập với những người trẻ tuổi Hoa Kỳ khác thọ nhận pháp danh và toàn giới của một tăng sĩ Phật Giáo. Trong thời gian học hỏi tiếp theo, Thầy Hằng Thật được đọc về cuộc hành hương lễ lạy do Hòa Thượng Hư Vân thực hiện vào thập niên 1880, ngài là một tăng sĩ Trung hoa đặc biệt nhất trong thế hệ của ngài. Hòa Thượng Hư Vân đã lạy mỗi ba bước qua suốt bề rộng của nước Trung Hoa; và mất đến năm năm. Thầy Hằng Thật biết rằng Hòa Thượng Hư Vân là Tổ Sư của dòng thiền Quy Ngưỡng của Thiền tông, và Thầy biết Hòa Thượng trụ tr ì và cũng là Thầy của Thầy, tức là Hòa Thượng Tuyên Hóa, là vị tổ sư hiện tại, đã nhận được sự truyền pháp từ Hòa Thượng Hư Vân vào năm 1949. Do sự liên hệ gần gũi này gây hứng khởi, Thầy Hằng Thật đã xin Hòa Thượng Tuyên Hóa để được thực hiện chuyến đi hành hương ba bước một l lạy. Hòa Thượng chấp thuận nhưng lại nói "Hãy chờ đợi!". Thầy Hằng Thật phải chờ đợi một năm. Hòa Thượng Tuyên Hóa cho biết điều mà Thầy Hằng Thật cần là một người đồng hành và là người hộ pháp thích hợp. Đó là Thấy Hằng Triều. Vốn quê quán từ thành phố Appleton, tiểu bang Wisconsin, Thầy Hằng Triều đã đến thành phố Berkeley để học võ thuật, và đã trở nên một người tài giỏi về nhiều môn phái võ thuật. Khi người thầy dạy Thái Cực Quyền cuối cùng có nói với Thầy là "Thiền định cao hơn bất cứ võ thuật nào.", Thầy Hằng Triều đã qua bên kia Vịnh để theo học tại Tu Viện Kim Sơn. Khi vừa nghe lời nguyện của Thầy Hằng Thật, Thầy liền hỏi là Thầy có thể đi theo để cùng lễ lạy được chăng. Và chỉ trong vòng một tuần, Thầy Hằng Triều thọ giới Sa Di và phát nguyện chính thức cùng đi lễ lạy bên cạnh Thầy Hằng Thật, đồng thời phụ trách các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, dựng lều, và tiếp chuyện với những người xa lạ. Như vậy cuộc đi hành hương bắt đầu. Hòa Thượng Tuyên Hóa tiễn đưa họ khi họ rời Tu Viện Kim Luân ở Thành Phố Los Angeles vào ngày 7 Tháng năm 1977. Đối với Thầy Hằng Triệu, là một nhà võ thuật, Hòa Thượng nói "Con không được dùng võ thuật trong chuyến hành hương. Lời nguyện của Thầy Hằng Thật là mong muốn chấm dứt những thiên tai, tai họa và chiến tranh; như thế làm sao con có thể tự mình dùng bạo lực đuợc? Nếu một trong hai con đấu tranh, hay thậm chí đắm chìm trong cơn giận, các con sẽ không còn là những môn đệ của ta." Về việc bảo vệ tránh những nguy hiểm trên đường hành hương, Hòa thượng Tuyên Hóa chỉ dẫn họ hãy thực hành bốn vô lượng tâm của Bồ tát là Từ, Bi, Hỉ và Xả. Đó hẳn nhiên không phải là lần cuối cùng mà hai vị tăng sĩ lễ lạy cần đến lời khuyên của Thầy của họ. Trên đường, hai người hành hương nghiêm ngặt tuân theo kỷ luật tu viện của họ - mỗi ngày chỉ ăn một bữa chay; không vào trong nhà, ngủ ngồi trong chiếc xe băng rộng Plymouth đời 1956 cũ kỹ được dùng làm nơi trú ngụ của họ. Vào những buổi tối sau một ngày lễ lạy, họ học Kinh Hoa Nghiêm qua ánh sáng của ngọn đèn dầu. Họ dịch những đoạn kinh sang tiếng Anh và cố gắng áp dụng đạo lý trong Kinh với những kinh ngiệm ngoài đường hàng ngày của họ, như thầy của họ đã khuyến khích họ làm. Những tăng sĩ này bảo vệ sự tập trung tâm trí của họ bằng cách tránh đọc báo, bằng cách tắt máy radio, và bằng cách giữ thời biểu thiền tập nghiêm ngặt. Thầy Hằng Thật giữ nguyện tịnh khẩu trong suốt chuyến hành trình,vì vậy trả lời những câu hỏi của nhiều người gặp trên đường trở thành công việc của Thầy Hằng Triều. Thỉnh thoảng có những người đến thăm với thái độ thù nghịch, một số người đe dọa dùng bạo lực, nhưng đa số thì hiếu kỳ, và thường những kẻ hiếu kỳ lại trở thành những người hộ pháp cho các tăng sĩ này, mang đến thức ăn và những đồ dùng cho đến khi những tăng sĩ này lễ lạy ra khỏi khu vực. Tất cả những điều quan trọng xảy ra trên xa lộ - những lỗi lầm và trưởng thành, những thử thách và những cuộc gặp gỡ đáng chú ý. những nguy hiểm và những thâm giải , việc nỗ lực dụng công bằng thân thể và tâm trí - những người hành hương đều báo cáo lại trong những bức thư gởi đến Hòa Thượng Tuyên Hóa. Ngài đích thân trả lời bằng cách thỉnh thoảng đến thăm viếng họ, cho họ những hướng dẫn tâm linh vô giá, những khiển trách, những câu chuyện vui, và những khai thị vừa cao siêu vừa bình phàm vào đúng lúc. Những bức thư đó là nội dung của quyển sách này. Những bức thư này viết ra không có ý niệm là để xuất bản, mà chỉ là phương tiện hai vị tăng dùng để cố gắng chân thành cởi mở nói ra những kinh nghiệm trên đường của họ. Như vậy, những bức thư này lưu giữ lại một ký sự không tô vẻ về một cuộc hành trình tâm linh xác thực _____________ Chú thích: (1) khoảng 1300 Km (2) khoảng 160km chuavanphat.org

Không có nhận xét nào: