Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Kinh Hoa Nghiêm Giảng Giải (14)

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Kinh Hoa Nghiêm Giảng Giải (14) HT. Tuyên Hóa Lại nữa, Tri Túc Thiên Vương, được môn giải thoát, tất cả chư Phật xuất hiện ra đời, đều chuyển bánh xe pháp giáo lý viên mãn. Vị Tri Túc Thiên Vương này thuộc về từng trời thứ tư (trời Ðâu Xuất) của dục giới, vị này biết tri túc cho nên thường an lạc. Không tri túc thì luôn luôn khổ. Như Bồ Tát Di Lặc, Ngài thường tri túc cho nên Ngài luôn luôn hoan hỷ, mở miệng liền cười chẳng có sầu lo. Do đó :‘’ tâm rộng thể mập‘’, tôn dung của Ngài đầu to tai lớn, mặt đầy sự hoan hỷ vui cười, bụng to lớn, chịu đựng được những việc thiên hạ không thể chịu đựng được. Bất cứ ai biết tri túc thì dù nghèo cũng an vui. Nay có bài thơ tả về sự không biết đủ : ‘’ Suốt ngày bận rộn chỉ vì đói Vừa mới ăn no nghĩ áo quần Cơm áo hai thứ đều đầy đủ Lại mơ dung nhan người vợ đẹp Hỏi được vợ đẹp sinh con cái Hận không ruộng vườn ít đất đai Tậu được nhiều ruộng lắm đất đai Ra vào không kiệu chẳng ngựa cưỡi Mua được một số lừa và ngựa Lại than chẳng được làm quan bị người khinh Ðược làm quan huyện hiềm còn nhỏ Lại muốn làm vua trong thiên hạ.’’ Ðó là hình dung của người tham lam không biết chán. Không bao giờ biết đủ. Vị Thiên Vương này đắc được môn giải thoát : tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, xuất hiện ra đời chuyển pháp luân giáo lý viên mãn. Giáo lý viên mãn là gì ? Căn cứ theo Hiền Thủ Giáo thì phân làm : Tiểu giáo, thủy giáo, chung giáo, đốn giáo, viên giáo. Tiểu, thủy, chung ba giáo này là bán tự giáo. Ðốn, viên hai giáo này là viên mãn giáo. Căn cứ theo Thiên Thai Giáo thì phân làm tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo. Tạng, thông hai giáo này là bán tự giáo, biệt giáo là đối với bán tự giáo nói rõ mãn tự giáo, viên giáo là mãn tự giáo. Thiên Thai Giáo còn có đốn, tiệm, bí mật, bất định bốn giáo, đây là thuộc về bất viên giáo. Những gì nói bây giờ là giáo lý viên mãn tức là viên giáo. Chuyển bánh xe pháp giáo lý viên mãn, tức là pháp đại thừa. Kinh điển đại thừa là gì ? Như : Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Niết Bàn, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Lăng Già, Kinh Kim Cang, Kinh Di Ðà .v.v., đều là pháp đại thừa. Vị Thiên Vương này đắc được môn giải thoát chuyển bánh xe pháp giáo lý viên mãn. Hỷ Lạc Hải Kế Thiên Vương, được môn giải thoát, thân thanh tịnh quang minh tận cõi hư không. Vị Hỷ Lạc Hải Kế Thiên Vương này hoan hỷ và khoái lạc phi thường. Vị này đắc được cảnh giới, trí huệ thân thanh tịnh quang minh, tận cõi hư không, và còn hiểu được pháp thân của Phật, tận hư không khắp pháp giới, quang minh chiếu sáng khắp tất cả. Tối Thắng Công Ðức Tràng Thiên Vương, được môn giải thoát, biển nguyện thanh tịnh, tiêu diệt khổ của thế gian. Vị Tối Thắng Công Ðức Tràng Thiên Vương này đầy đủ công đức thù thắng nhất, giống như tràng báu cho nên được tên này. Khổ thế gian có ba sự khổ, tám sự khổ, vô lượng sự khổ, những sự khổ này không dễ gì tiêu diệt được. Nhưng vị Thiên Vương này tiêu diệt được những sự khổ này, còn phát nguyện thanh tịnh nhiều như nước trong biển, đó là môn giải thoát vị này đắc được. Nay giải thích ba sự khổ, tám sự khổ và vô lượng sự khổ. Ba sự khổ tức là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. 1. Khổ khổ : Là khổ của người nghèo. Tuy nhiên ăn không được no, mặc không đủ ấm, nhưng vẫn có nhà để ở, một ngày nọ chẳng may bị cháy, không nhà để ở, đó là sự khổ trong sự khổ. 2. Hoại khổ : Là khổ của người giàu. Buôn bán chẳng may bị thua lỗ, hoặc nhà cửa bị cháy, tài sản bị cháy sạch, hoặc bị trộm cướp, tất cả đều mất hết, đó là khổ về sự hủy hoại. 3. Hành khổ : Chẳng phải khổ khổ của người nghèo, cũng chẳng phải hoại khổ của kẻ giàu, mà là khổ về sinh già bệnh chết của con người. Là con người đến lúc thì sinh già bệnh chết đều đến để tìm phiền não, chính mình chẳng làm chủ được, đó là hành khổ. Tám sự khổ là sinh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. 1. Khổ về sinh : Sinh khổ như thế nào ? Khi sinh ra thì giống như rùa bị lột mu, sự khổ không thể nói được. 2. Khổ về già : Về già thì tai điếc, mắt mù, tay chân yếu ớt, bạn nói khổ chăng ? 3. Khổ về bệnh : Bệnh thì toàn thân đau khổ, không tự tại, cũng rất khổ. 4. Khổ về chết : Chết thì giống như bò bị lột da, khó mà tả được. Lúc này dù muốn niệm Phật, cũng niệm không ra. Cho nên lúc bình thường phải niệm Phật cho nhiều, huấn luyện thành tự nhiên, thành tập quán, đến khi lâm chung thì tâm miệng nhớ niệm Phật, không bị hoảng hốt. 5. Khổ về ái biệt ly : Khi người thân sinh ly tử biệt là việc đau khổ nhất của con người. 6. Khổ về ghét mà gặp nhau : Người mà bạn không thích, ghét mà thường gặp, đó cũng là một nỗi khổ. 7. Khổ về cầu không được : Cầu tài không được tài, cầu danh không được danh, cầu con cái không được cũng khổ. 8. Khổ về năm ấm xí thạnh : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm ấm này giống như lửa lớn thiêu đốt, khiến cho bạn không được tự tại mát mẻ cũng là khổ. Vô lượng khổ tức là khổ không nói hết được. Thế giới Ta Bà này đầy dẫy sự thống khổ, nhưng chúng sinh thế giới này lấy khổ làm vui, còn không muốn ra khỏi tam giới, thật đáng thương xót ! Tịch Tĩnh Quang Thiên Vương, được môn giải thoát, khắp hiện thân để thuyết pháp. Vị Tịch Tĩnh Quang Thiên Vương này ở trong định phóng ra trí huệ quang minh, thấy Phật hiện thân khắp các nơi, vì chúng sinh mà thuyết pháp, đó là môn giải thoát của vị này đắc được. Thiện Mục Thiên Vương, được môn giải thoát, tịnh khắp tất cả cõi chúng sinh. Vị Thiện Mục Thiên Vương này, dùng mắt từ bi xem chúng sinh, rất có thiện duyên với chúng sinh. Vị này minh bạch đức Phật, khiến cho chúng sinh từ nhiễm ô chuyển thành thanh tịnh, từ ngu si chuyển thành trí huệ, từ kiêu ngạo chuyển thành khiêm nhường, từ tham sân chuyển thành từ bi, đó là môn giải thoát của vị này đắc được. Bảo Phong Nguyệt Thiên Vương, được môn giải thoát, vô tận tạng thường hiện tiền giáo hóa khắp thế gian. Vị Bảo Phong Nguyệt Thiên Vương hiểu đức Phật giáo hóa khắp tất cả chúng sinh thế gian, thường hiện ở trước mặt chúng sinh, dùng pháp môn vô tận tạng để giáo hóa chúng sinh vô tận, đó là môn giải thoát của vị này đắc được. Dũng Kiện Lực Thiên Vương, được môn giải thoát, khai thị tất cả cảnh giới thành Chánh Giác của chư Phật. Vị Dũng Kiện Lực Thiên Vương này rất dũng mãnh và cường kiện, sức lực của vị này hàng phục được tất cả thiên ma ngoại đạo, đắc được môn giải thoát cảnh giới tất cả Phật thành chánh giác. Phật tu thành chánh giác như thế nào ? Khi vị Phật này thành chánh giác, có cảnh giới gì ? Vị Phật kia thành chánh giác, có cảnh giới gì ? Vị Thiên Vương này đều hiểu rõ. Kim Cang Diệu Quang Thiên Vương, được môn giải thoát, khiến tâm bồ đề của tất cả chúng sinh, kiên cố không thể hoại. Vị Kim Cang Diệu Quang Thiên Vương phát bồ đề tâm kiên cố như kim cang, vĩnh viễn không thối bồ đề tâm. Và có diệu quang kim cang trí huệ, vị này đắc được chư Phật kiên cố tất cả bồ đề tâm chúng sinh, khiến cho không thối chuyển, bồ đề tâm này kiên cố như kim cang, chẳng có cách chi có thể phá hoại, đó là môn giải thoát của vị này đắc được. Tinh Tú Tràng Thiên Vương, được môn giải thoát, tất cả chư Phật xuất hiện ra đời, đều gần gũi quán sát phương tiện điều phục chúng sinh. Vị Tinh Tú Tràng Thiên Vương này, đắc được cảnh giới tất cả chư Phật xuất hiện ra đời, thì đều gần gũi chư Phật, để nghe pháp và quán sát pháp của chư Phật tu hành. Chúng sinh khó điều khó phục, nhưng tất cả chư Phật điều phục được tất cả chúng sinh cang cường, dùng đủ thứ phương tiện pháp môn để điều phục, khiến cho chúng sinh cải ác hướng thiện, chí công vô tư, đó là môn giải thoát của vị Thiên Vương này đắc được. Diệu Trang Nghiêm Thiên Vương, được môn giải thoát, tùy cơ ứng hiện, một niệm biết được tâm chúng sinh. Vị Diệu Trang Nghiêm Thiên Vương vừa trang nghiêm vừa vi diệu, vị này minh bạch được chư Phật trong khoảng một niệm, biết được tâm chúng sinh, tùy sở thích của chúng sinh mà hiện thân, vì chúng sinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh, toại tâm mãn nguyện, đó là môn giải thoát của vị này đắc được. Bấy giờ, Tri Túc Thiên Vương nương oai lực của Ðức Phật, quán sát khắp tất cả Thiên chúng trời Tri Túc mà nói kệ rằng. Lúc đó, vị Tri Túc Thiên Vương, nương đại oai đức thần thông lực của chư Phật, quán sát khắp tất cả Thiên chúng trời Tri Túc (trời Ðâu Xuất) mà nói kệ rằng : Như Lai rộng lớn khắp pháp giới Nơi các chúng sinh đều bình đẳng Ứng khắp quần sinh xiển diệu môn Khiến vào pháp thanh tịnh khó lường. ‘’ Như Lai rộng lớn khắp pháp giới.’’ Pháp thân của Phật rộng lớn cho nên đến khắp pháp giới. ‘’ Nơi các chúng sinh đều bình đẳng.’’ Tuy nhiên pháp thân của Phật đến khắp pháp giới, nhưng đều bình đẳng với tất cả chúng sinh, do đó :‘’ Tâm, Phật, chúng sinh, cả ba không khác biệt.’’ ‘’ Ứng khắp quần sinh xiển diệu môn.’’ Ứng khắp căn cơ của chúng sinh, để nói rõ tất cả pháp môn vi diệu không thể nghĩ bàn. ‘’ Khiến vào pháp thanh tịnh khó lường.’’ Khiến cho tất cả chúng sinh, nhập vào trong pháp môn thanh tịnh không thể nghĩ bàn, đắc được khoái lạc vô thượng, đắc được đại giác viên mãn, đó là bản hoài của tất cả chư Phật. Thân Phật hiện khắp trong mười phương Vô trước vô ngại không thể lấy Ðủ thứ sắc tướng thảy đều thấy Hỷ Kế Thiên Vương được môn này. ‘’ Thân Phật hiện khắp trong mười phương.’’ Pháp thân của Phật, hiện khắp cõi nước chư Phật trong mười phương, để giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh, phát vô thượng bồ đề tâm, thành vô thượng bồ đề quả. Ðức Phật chẳng phải cố ý biểu hiện thần thông, mà là vì giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến cho họ sớm thành Phật đạo, cho nên mới thị hiện đủ loại thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn. ‘’ Vô trước vô ngại không thể lấy.’’ Tuy nhiên Phật thị hiện thần thông diệu dụng, nhưng chẳng chấp trước về thần thông diệu dụng, cũng chẳng chấp trước về chân không và cũng không ngại diệu hữu, do đó : ‘’ Vô trước nơi chân không, cho nên có diệu dụng ; Vô ngại nơi diệu dụng, cho nên có chân không.’’ Chân không diệu hữu là không thể lấy không thể bỏ, tức là giữ lấy chẳng đặng mà xả cũng chẳng đặng, đó là cảnh giới chân không diệu hữu. ‘’ Ðủ thứ sắc tướng thảy đều thấy.’’ Vì quan hệ diệu hữu, cho nên Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, chúng sinh thế gian đều có thể nhìn thấy được. ‘’ Hỷ Kế Thiên Vương được môn này.’’ Cảnh giới môn giải thoát này, vị Hỷ Lạc Hải Kế Thiên Vương đắc được. Quá khứ Như Lai tu các hạnh Thanh tịnh đại nguyện sâu như biển Tất cả Phật pháp đều đầy đủ Thắng Ðức Thiên Vương ngộ môn này. ‘’ Quá khứ Như Lai tu các hạnh.’’ Phật tại nhân địa tu lục độ vạn hạnh, tu tất cả các pháp môn. Vì hành Bồ tát đạo, đã từng bố thí sinh mạng của mình, chỉ cần tất cả chúng sinh, cần tất cả mọi sự thì Phật đều bố thí, tuyệt đối không xan tham. ‘’ Thanh tịnh đại nguyện sâu như biển.’’ Phật tại nhân địa tu đủ thứ hạnh môn, để lợi ích chúng sinh và còn phát đại nguyện thanh tịnh để hóa độ chúng sinh. Ðại nguyện thanh tịnh tức là, chẳng còn một chút tâm dục niệm, tức cũng là đoạn dục khử ái. Nguyện đời đời kiếp kiếp xuất gia tu hành, tu giới tu định tu huệ, xa rời tất cả pháp nhiễm ô. Nguyện lực của Phật sâu rộng như biển, cao như núi Tu Di. ‘’ Tất cả Phật pháp đều đầy đủ.’’ Vì đại nguyện sâu hơn biển cả, cao hơn núi, cho nên tất cả Phật pháp, đều đầy khắp thế gian, để giáo hóa tất cả chúng sinh. Phật đắc được Phật pháp viên mãn, cũng dạy chúng sinh đắc được Phật pháp viên mãn, đó là biểu hiện đại từ đại bi của Phật. ‘’ Thắng Ðức Thiên Vương ngộ môn này.’’ Vị Tối Thắng Công Ðức Tràng Thiên Vương biết được pháp môn phương tiện này, đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Pháp thân Như Lai không nghĩ bàn Như bóng phân hình đồng pháp giới Nơi nơi xiển minh tất cả pháp Tịch Tĩnh Quang Thiên chứng môn này. ‘’ Pháp thân Như Lai không nghĩ bàn.’’ Pháp thân của Phật không thể suy nghĩ, không thể luận bàn. Tại sao ? Vì pháp thân khắp tất cả mọi nơi. ‘’ Như bóng phân hình đồng pháp giới.’’ Giống như bóng với hình, đầy khắp pháp giới, khắp nơi đều có pháp thân của Phật. Do đó, pháp thân của Phật vô tại vô bất tại. Cảnh giới này, phàm phu chúng ta không thể hiểu biết được. ‘’ Nơi nơi xiển minh tất cả pháp.’’ Pháp thân của Phật đến khắp mọi nơi, để xiển minh tất cả các pháp, khiến cho chúng sinh minh bạch tất cả các pháp. ‘’ Tịch Tĩnh Quang Thiên chứng môn này.’’ Môn giải thoát này vị Tịch Tĩnh Quang Thiên Vương đắc được. Chúng sinh bị nghiệp hoặc ràng buộc Kiêu mạn phóng dật tâm buông lung Như Lai vì nói pháp tịch tĩnh Thiện Mục thấu rõ pháp môn này. ‘’ Chúng sinh bị nghiệp hoặc ràng buộc.’’ Chúng sinh : khởi hoặc, tạo nghiệp, cho nên phải chịu quả báo. Giống như bị dây thừng trói buộc, không thể động đậy và giống như ở trong lu, bị đậy nắp lại không thể động đậy được. ‘’ Kiêu mạn phóng dật tâm buông lung.’’ Kiêu là kiêu mạn, mạn là ngã mạn. Kiêu ngạo là khinh khi người, chẳng coi ai ra gì, ngã mạn là chẳng có lễ phép. Phóng dật là không giữ quy cụ. Ba hành vi không chánh đáng này, khiến cho tâm thần lêu lổng. Phật dạy chúng sinh phải thu tâm lại, tâm đừng chạy bên ngoài, đừng lêu lổng, phải xa rời ba tư tưởng không chánh đáng này. ‘’ Như Lai vì nói pháp tịch tĩnh.’’ Làm thế nào để từ bỏ tư tưởng kiêu ngạo, ngã mạn và phóng dật ? Phật vì chúng sinh nói pháp tịch tĩnh, đó là thuốc rất hiệu nghiệm, tiêu diệt ba thứ tư tưởng không tốt này. ‘’ Thiện Mục thấu rõ pháp môn này.’’ Ðó là cảnh giới môn giải thoát vị này đắc được. Tất cả chân đạo sư thế gian Vì cứu chúng sinh mà xuất hiện Khiến khắp chúng sinh được an lạc Phong Nguyệt thâm nhập pháp môn này. ‘’ Tất cả chân đạo sư thế gian.’’ Thế gian chẳng phải là một, mà là có vô lượng vô biên thế gian, cho nên nói tất cả thế gian. Trong tất cả thế gian phân làm ba thế gian : 1. Chánh giác thế gian : Tức là lúc Phật còn tại thế. 2. Khí thế gian : Tức là sơn hà đại địa, tức cũng là y báo. 3. Chúng sinh thế gian : Tức là thế giới chúng sinh ở, tức là chánh báo. Còn có lối nói khác, phân ra thế gian này, thế gian kia và vô lượng các thế gian. Thế giới này, thế giới kia và vô lượng thế giới. Quốc độ này, quốc độ kia và vô lượng các quốc độ, đó cũng gọi là tất cả thế gian. Chân đạo sư tức là đạo sư chỉ dẫn chân chánh, cũng là đạo sư chân chánh hiểu biết tất cả chân lý, chẳng có tâm ích kỷ tự lợi, là đại công vô tư, đại từ bình đẳng, giáo hóa hết thảy tất cả chúng sinh, bất cứ là thiện hay ác đều chẳng có tâm phân biệt, đều giáo hóa bình đẳng. Chúng sinh thiện thì khiến cho họ thiện căn tăng trưởng, chúng sinh ác thì khiến cho họ cải ác hướng thiện. Ðức Phật chẳng bỏ một chúng sinh nào, cho nên mới là đạo sư chân chánh. Phật là Ðạo sư xuất thế gian, hướng dẫn bạn từ con đường đen tối chỉ dẫn đến con đường ánh sáng, khiến cho vô minh phiền não của bạn thành bồ đề trí huệ, khiến cho bạn bỏ mê về giác, bỏ tà theo chánh, cho nên là chân chánh đại đạo sư. ‘’ Vì cứu chúng sinh mà xuất hiện.’’ Phật xuất hiện ra đời, là vì cứu độ tất cả chúng sinh lìa khổ được vui, liễu sinh thoát tử, khiến cho tất cả chúng sinh, đắc được chánh giác, đạt được Niết Bàn. Trong Kinh Pháp Hoa có nói : ‘’ Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời.’’ Ðại sự nhân duyên đó là : sinh tử của chúng sinh. Phật vì sinh tử của chúng sinh mà đến thế giới này. ‘’ Khiến khắp chúng sinh được an lạc.’’ Phật độ tất cả chúng sinh, không riêng gì chúng sinh thiện mới độ, mà chúng sinh ác cũng đều độ họ, khiến cho tất cả đều bỏ mê về giác, bỏ tà về chánh. An lạc tức là chẳng có tham sân si tất cả phiền não. Khi đắc được an lạc chân chánh thì sinh ra giới tâm, định tâm và huệ tâm. ‘’ Phong Nguyệt thâm nhập pháp môn này.’’ Bảo Phong Nguyệt Thiên Vương minh bạch môn giải thoát này. Cảnh giới chư Phật không nghĩ bàn Ðều bao khắp tất cả pháp giới Vào nơi các pháp đến bờ kia Dũng Huệ chứng ngộ sinh vui mừng. ‘’ Cảnh giới chư Phật không nghĩ bàn.’’ Cảnh giới của mười phương chư Phật diệu không thể tả, chẳng phải phàm phu hiểu biết được. Cảnh giới này tuy nhiên không thể nghĩ bàn, nhưng không ra ngoài một niệm tâm hiện tiền. ‘’ Ðều bao khắp tất cả pháp giới.’’ Pháp giới rộng lớn phi thường, lớn mà không ở ngoài. Pháp giới cực nhỏ phi thường, nhỏ mà không ở trong. Tất cả pháp giới tức là tất cả chúng sinh, tất cả chúng sinh tức là tất cả pháp giới. Quang minh của Phật chiếu khắp tất cả pháp giới, mỗi chúng sinh đều tiếp thọ được quang minh của Phật chiếu sáng, khiến cho chúng sinh hiểu được nghĩa lý các pháp, y theo pháp mà tu hành. ‘’ Vào nơi các pháp đến bờ kia.’’ Nếu y theo pháp tu hành, thì sẽ đạt đến bờ bên kia không sinh không diệt. Từ tâm tham biến thành bố thí, bèn đạt đến bờ bên kia bố thí. Từ không giữ giới mà giữ giới được, bèn đạt đến bờ bên kia giới luật. Nguồn gốc tâm nóng giận quá lớn, vì tâm sân hận quá nặng, khi hiểu Phật pháp rồi thì tu pháp môn nhẫn nhục ; nhẫn nhục thì đối trị tâm sân hận. Tâm sân hận chẳng còn, thì đạt được bờ bên kia nhẫn nhục. Nguồn gốc rất lười biếng, việc gì cũng chẳng muốn làm, khi hiểu Phật pháp rồi, thì tinh tấn không giải đãi, tức là đạt được bờ bên kia tinh tấn. Nguồn gốc chẳng muốn ngồi thiền vì lưng ê chân đau phát chán nản, khi hiểu Phật pháp rồi thì tự động muốn tu thiền định, tức là đạt được bờ bên kia thiền định. Nguồn gốc rất ngu si, không rõ lý sự, khi hiểu Phật pháp rồi thì siêng tụng Kinh điển, nghiên cứu tạng luận, đắc được trí huệ, đó là bờ bên kia trí huệ. ‘’ Dũng Huệ chứng ngộ sinh vui mừng.’’ Vị Dũng Huệ Kiến Thiên Vương minh bạch được cảnh giới này, cho nên trong tâm sinh ra đại hoan hỷ. Nếu có chúng sinh đáng được độ Nghe công đức Phật phát bồ đề Trụ ở biển phước thường thanh tịnh Diệu Quang quán thấy pháp môn này. ‘’ Nếu có chúng sinh đáng được độ.’’ Nếu như có chúng sinh, đáng được sự giáo hóa của Phật, thì khiến cho họ, tiếp thọ được sự giáo hóa của Phật. Những chúng sinh không đáng được độ, tức là chúng sinh phạm ngũ nghịch mười điều ác. Ngũ nghịch tức là : Giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Mười điều ác tức là : Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, chưởi mắng, tham dục, sân hận, ngu si. Những loại chúng sinh này không kham thọ được sự giáo hóa. ‘’ Nghe công đức Phật phát bồ đề.’’ Những chúng sinh kham thọ sự giáo hóa, khi nghe công đức của Phật, thì đều phát tâm bồ đề, trên cầu Phật đạo, dưới độ muôn loài. Phật khiến cho những chúng sinh phát bồ đề tâm, vĩnh viễn không sinh tâm thối chuyển. ‘’ Trụ ở biển phước thường thanh tịnh.’’ Phật khiến cho họ trụ ở trong biển phước, luôn luôn đắc được thanh tịnh, chẳng có tư tưởng nhiễm ô. ‘’ Diệu Quang quán thấy pháp môn này.’’ Vị Kim Cang Diệu Quang Thiên Vương quán sát và minh bạch được cảnh giới môn giải thoát này. Mười phương cõi nước số hạt bụi Hết thảy đều tụ nơi chư Phật Cung kính cúng dường nghe Phật pháp Trang Nghiêm Tràng thấy rõ môn này. ‘’ Mười phương cõi nước số hạt bụi.’’ Mười phương tức là : Ðông, tây, nam, bắc, tứ duy, thượng, hạ. Mười phương cõi nước chư Phật nhiều như số hạt bụi, cho nên gọi là cõi nước số hạt bụi. Thế giới mà chúng ta đang ở, chỉ là một hạt bụi trong thế giới mà thôi. Ngoài ra các thế giới khác, số lượng không cách chi mà tính đếm được. Trong một số Kinh điển đều dùng Hằng hà sa số (số cát sông Hằng) để đại biểu, bổn Kinh này dùng số hạt bụi để đại biểu. Tên gọi tuy chẳng giống, nhưng ý nghĩa đều giống nhau. ‘’ Tất cả đều tụ nơi chư Phật.’’ Những bậc Bồ Tát đều tụ tập nơi chỗ Ðức Phật. ‘’ Cung kính cúng dường nghe Phật pháp.’’ Mười phương chư Phật trong mười phương thế giới, nói pháp không điên đảo, tất cả chúng sinh nghe Phật nói pháp không điên đảo rồi, liền minh bạch pháp không điên đảo. Pháp không điên đảo là gì ? Tức là pháp phá vô minh. Nếu phá được vô minh thì dứt được tập khí phiền não, chẳng còn điên đảo nữa. Vì có vô minh mà sinh hoặc, sinh hoặc thì đi tạo đủ thứ nghiệp, sau đó thì thọ đủ thứ quả báo, đó là khởi hoặc tạo nghiệp thọ quả báo. ‘’ Trang Nghiêm Tràng thấy rõ môn này.’’ Tất cả chúng sinh đến chỗ chư Phật để nghe pháp, cung kính Phật, cúng dường Phật, cảnh giới này vị Trang Nghiêm Tràng Thiên Vương thấy rõ. Biển tâm chúng sinh không nghĩ bàn Không trụ không động không chỗ nương Phật trong một niệm đều thấy rõ Diệu Trang Nghiêm Thiên ngộ môn này. ‘’ Biển tâm chúng sinh không nghĩ bàn.’’ Chúng sinh tức là chúng duyên giả hợp mà sinh. Có rất nhiều giống loài, mỗi loài có nhân duyên của mỗi loài mà sinh. Thông thường có bốn thứ sinh : 1. Sinh bằng thai, như loài thú đi bằng bốn chân. 2. Sinh bằng trứng, như phi cầm hai chân. 3. Sinh bằng ẩm thấp như loại côn trùng. 4. Sinh bằng biến hóa như bươm bướm. Con người thì sinh bằng thai. Người trời thì hóa sinh, chúng sinh cõi Cực Lạc Thế Giới là hóa sinh trên hoa sen, chúng sinh địa ngục là nghiệp cảm hóa sinh. Nói rộng hơn, chúng sinh có chín loài : 1. Thai sinh. 2. Noãn sinh. 3. Thấp sinh. 4. Hóa sinh. 5. Có sắc. 6. Không sắc. 7. Có tưởng. 8. Không tưởng. 9. Chẳng có tưởng chẳng không tưởng. Trong Kinh Lăng Nghiêm, tám loài đồng như ở trên, riêng còn vài loài nữa là : Chẳng có sắc, chẳng không sắc, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng, cộng thành mười hai loài. Thật ra đại đồng tiểu dị, nội dung chẳng khác mấy. Tâm chúng sinh như biển cả, không thể nghĩ bàn. Pháp giới tuy lớn nhưng không ra ngoài tâm của chúng sinh. Tâm chúng sinh tuy nhỏ, nhưng bao khắp pháp giới. Vì quan hệ như vậy cho nên nói : Tâm pháp, Phật pháp, chúng sinh pháp chẳng có sự khác nhau. Pháp giới lớn, tâm lượng chúng sinh cũng lớn, Phật tánh cũng lớn, cho nên biển tâm của chúng sinh, chẳng có cách chi dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Vì nó không thể suy nghĩ, không thể luận bàn. ‘’ Không trụ không động không chỗ nương.’’ Tâm chúng sinh chẳng chấp trước trụ vào chỗ nào. Trong Kinh Kim Cang nói : ‘’ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,’’ tâm là như như bất động, liễu liễu thường minh. Bát nhã trí huệ vốn hiện tiền, tâm chẳng có một xứ sở nào. Vì tâm là vô trụ vô bất trụ. ‘’ Trong một niệm Phật đều thấy rõ.’’ Phật ở trong một niệm đều biết và thấy rõ tất cả mọi tâm niệm, mọi tư tưởng của chúng sinh. ‘’ Diệu Trang Nghiêm Thiên ngộ môn này.’’ Cảnh giới này vị Diệu Trang Nghiêm Thiên Vương minh bạch được. Lại nữa, Thời Phần Thiên Vương, được môn giải thoát, phát khởi căn lành của tất cả chúng sinh, khiến cho họ vĩnh viễn lìa khỏi ưu bi khổ não. Nay giảng tiếp theo. Vị Thời Phần Thiên Vương thuộc về dục giới, từng trời thứ ba (trời Dạ Ma). Vị này khiến cho chúng sinh, sinh khởi căn lành, và làm cho chúng sinh thoát khỏi ưu sầu phiền não, cải tà quy chánh, bỏ ác hướng thiện, bỏ mê về giác, thì vĩnh viễn lìa khỏi ưu bi khổ não, đó là môn giải thoát của vị Thiên Vương này đắc được. Diệu Quang Thiên Vương, được môn giải thoát, vào khắp tất cả cảnh giới. Vị Diệu Quang Thiên Vương đắc được tất cả phương tiện pháp môn, vào khắp tất cả cảnh giới trong mười phương cõi nước. Vị này không những thấy rõ cảnh giới của chư Phật và cảnh giới của chúng sinh, mà còn nhập vào cảnh giới này, nhưng không bị cảnh giới chuyển, cũng chẳng tùy thuận cảnh giới, có định lực mà chẳng động tâm, đó là môn giải thoát của vị này đắc được. Vô Tận Huệ Công Ðức Tràng Thiên Vương, được môn giải thoát, đại bi luân diệt trừ tất cả hoạn nạn. Vị Vô Tận Huệ Công Ðức Tràng Thiên Vương này, trí huệ không cùng tận và công đức như tràng báu. Vị này diệt trừ tất cả hoạn nạn như bệnh hoạn, tai hoạn, họa hoạn, hỏa hoạn, thủy hoạn, phong hoạn .v.v. Và còn có một thứ hoạn nữa đó là tâm hoạn, tức là hoạn được hoạn mất. Nếu không được vật mong muốn thì, nghĩ hết biện pháp để chiếm cho được đó là hoạn được. Ðã được rồi thì lại sợ mất đó là hoạn mất. Vị Thiên Vương này dùng đại bi luân, đến khắp tất cả chỗ hoạn nạn. Nơi nào mà có hoạn nạn thì, có vị này dùng đại bi luân đi diệt trừ. Ðại bi luân tức là tâm đại bi. Vị này dùng tâm đại bi đi cứu tất cả khổ hoạn nạn của chúng sinh, đó là môn giải thoát của vị này đắc được. Thiện Hóa Ðoan Nghiêm Thiên Vương được môn giải thoát, biết rõ tất cả tâm của chúng sinh trong ba đời. Vị Thiện Hóa Ðoan Nghiêm Thiên Vương, khéo về sự giáo hóa và rất đoan chánh trang nghiêm, mắt chẳng nhìn xiên, tai chẳng nghe lệch, khi ngồi thì ngay ngắn, đi thì uy nghiêm. Dùng phương pháp quyền xảo phương tiện, để giáo hóa tất cả chúng sinh, và còn biết rõ tất cả tâm chúng sinh trong ba đời nào là thiện, là ác, tham, sân, si, bất cứ tâm gì, vị này đều biết rõ, không những biết một đời mà còn biết ba đời, đó là môn giải thoát mà vị này đắc được. tuvienhuequang.com/phap-thoai-giang-luc/...m-giang-giai-14.html

Không có nhận xét nào: