Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

Hai Hướng Vận Hành Của Tâm Lý

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. (Thân tặng Tăng Ni sinh khóa IV)

I. Vào đề:

Tâm lý con người có hai hướng vận hành: một là khổ đau hay dẫn đến khổ đau, kia là hạnh phúc hay dẫn đến hạnh phúc. Hướng thứ nhất mở ra một thế giới tâm lý của sinh tử; hướng thứ hai mở ra thế giới tâm lý của giải thoát. Bởi sống là đi tìm hạnh phúc chân thật, nên con người chỉ có một chọn lựa là đi vào hướng vận hành thứ hai. Đi vào hướng vận hành này là đi vào trí tuệ, hay đi từng bước đi trí tuệ. Thực hiện con đường thứ hai này có nghĩa là “xây dựng vương quốc trí tuệ” của Phật giáo mà thuật ngữ gọi là Dhammacakkapavattana – thường được dịch là “Chuyển vận bánh xe Pháp”.

Trong bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu ngắn, gọn về hai hướng vận hành của tâm lý nói trên.

II. Hai hướng vận hành tâm lý:

Có nhiều kinh Nam tạng và Bắc tạng nói đến các hướng tâm lý vận hành. Ở đây, tác giả nêu dẫn một số kinh tiêu biểu.

1. Kinh Chánh Tri Kiến (Kinh 9, Trung bộ I, Pàli tạng)

Theo kinh Chánh Tri Kiến, do vì con người thường tác ý về các ngã tướng của mọi sự vật, xem các ngã tướng là có thật nên tham tâm, sân tâm và si tâm hiện khởi dẫn đến hệ quả : tâm lý dao động, tác động lên các hành động của thân, lời và ý mà biểu hiện ra mười bất thiện nghiệp nuôi dưỡng Vô minh và Khổ đau. Cứ thế, tâm lý vận hành ra một thế giới tâm của Tam Giới (Tibhava) sinh diệt, của các ngã tướng sinh diệt. Nếu, ngược lại, thường tác ý vô thường tướng, hay như lý tác ý – Yonisomanasikàro – thì tâm lý vô tham, vô sân (hay từ), vô si hiện khởi và điều động các hành động của thân, lời và ý biểu hiện ra mười thiện nghiệp, nuôi dưỡng trí tuệ. Cứ thế, trí tuệ ấy vận hành thành thế giới của tâm lý vắng mặt ngã tướng, ngã tưởng, gọi là Vô sinh. Con đường chỉ có thế và gọi là con đường của “trí quán”.

2. Kinh Kim Cang Bát Nhã:

Nếu để tâm đi vào các ngã tưởng thì tham, sân, si dấy khởi và sẽ làm tâm lý dao động, không an trụ. Các ngã tưởng ấy có thể được giới thiệu qua tám phạm trù:

a) Ngã tưởng : Tưởng “Cái này là của tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi”.

b) Nhân tưởng : Tưởng rằng có một ngã thể thường hằng luân hồi, tái sinh từ đời này qua đời khác.

c) Chúng sinh tưởng : Tưởng rằng có một ngã thể biệt lập của các hiện hữu, đồng nhất với chính nó qua các thời điểm khác nhau.

d) Thọ giả tưởng : Tưởng rằng bên trong con người có một ngã thể thường hằng tồn tại từ khi sinh đến khi chết.

e) Pháp tưởng : Tưởng rằng có các pháp thực sự hiện hữu.

f) Phi pháp tưởng : Tưởng rằng có một hiện hữu chân thật ở ngoài các pháp.

g) Tưởng : Tin rằng cái tưởng tạo ra tính chất của các hiện hữu là có thực trong thực tế.

h) Phi tưởng : Tin rằng thế giới chân thật thì ở ngoài tưởng.

Nếu tâm lý không rơi vào tám phạm trù ngã tưởng ấy thì sẽ đi ra khỏi các nhân tố gây ra tâm lý dao động, và sẽ được an trụ. Đấy là những gì mà một Bồ tát hành lục độ Ba-la-mật phải làm, qua kinh Kim Cương. Đấy là công phu “như lý tác ý”, hay tác ý Vô tướng gọi là “thiền quán”.

3. Pháp Thất Giác Chi (Tương Ưng V):

Con đường thực hiện trí tuệ của Thất Giác Chi tựu trung là:

a) Liên tục tác ý Vô tướng, hay “như lý tác ý” thì sẽ đi đến kết quả: Ngũ triền cái được đoạn trừ.

b) Ngũ triền cái là thức ăn của Vô minh nên khi Ngũ triền cái bị đoạn thì Vô minh đi đến bị đoạn trừ, minh khởi.

c) Nếu tiếp tục thực hành như thế thù Niệm giác chi sẽ hiện khởi và lần lượt dẫn đến Trạch pháp, Hỷ, Khinh an, Định và Xả Giác Chi hiện khởi. Xả giác chi hiện khởi sẽ dẫn đến kết quả Minh và Giải thoát hiện khởi, Vô minh diệt và khổ đau diệt.

III. Kết luận :

Con đường thực hiện trí tuệ của Phật giáo là thế, giản dị là thế. Nhưng, bởi con người có các nhận thức, từ tâm, ý chí và dục vọng khác nhau nên lòng trăn trở khác nhau về ngõ đường thực hiện mà có ra các hệ phái, pháp môn tu khác nhau.

Nếu tất cả đều thấy rõ côn phu chính của giải thoát là “như lý tác ý” để hàng phục tâm lý dao động của chính mình, thì sẽ đi ra khỏi các thắc mắc về bộ phái, về Đại, Tiểu pháp, về sự hư, thật của hiện tượng giới. Bấy giờ vai trò của triết lý sẽ chấm dứt cùng lúc với các quan điểm dị biệt, mùa xuân của tâm thức sẽ ở lại mãi với cuộc đời như là sự kiện “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

Không có nhận xét nào: