Thiền thất khai thị | Tải về xem |
H.T Tuyên Hoá giảng tại Kim Sơn Thánh Tự |
Hôm nay chúng ta bắt đầu khóa thiền thất mùa đông. Từ Tâm Kinh tôi đề ra vài câu Kinh để đàm đạo. Quán Thế Âm Bồ Tát chứng đắc nhĩ căn viên thông. Ngài chứng đắc như thế nào ? Ngài tu phản văn văn tự tính. Tính thành vô thượng đạo, cho nên có thể quán tự tại. Tự tại là không ta, không người, không chúng sinh, không thọ mạng, bốn tướng.
Tự tại là tại đâu ? Tại địa vị Thánh nhân thì là tự tại. Tại địa vị phàm phu thì không tự tại, tại sao tại địa vị Thánh nhân được tự tại ? Vì bậc Thánh nhân không có bốn tướng là tướng người, tướng ta, tướng chúng sinh và tướng thọ mạng, cho nên được tự tại. Phàm phu vì có tướng người, tướng ta, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, bốn tướng, nên không được tự tại.
Phần đông người học Phật pháp, lâu thời chấp trước tướng người, tướng ta, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng. Bốn tướng ở trên chẳng thể không thì làm sao được tự tại ? Nếu muốn được tự tại thì phải thấu rõ ba tâm, trừ bốn tướng. Ba tâm tức là : Tâm quá khứ không thể được, vì tâm quá khứ đã qua rồi, hà tất phải tìm cầu ? Tâm hiện tại không thể được, tuy nói là hiện tại nhưng chuyển nháy mắt cũng là hư vọng. Cho nên tâm hiện tại cũng không thể được, tâm vị lai không thể được. Vì vị lai thì chưa đến, hà tất phải nghĩ tưởng, cho nên tâm vị lai cũng không thể được. Nếu thấu rõ được ba tâm, bốn tướng đều không, tức là Quán Tự Tại Bồ Tát.
Chúng ta đả thiền thất tức là quán tự tại. Người người có thể quán tự tại. Không phải là chỉ có Quán Thế Âm Bồ Tát mới quán tự tại. Ai có thể tự tại tức là quán tự tại. Ai không tự tại tức không phải quán tự tại. Trên danh nghiã không có nhứt định. Hết thảy chúng sinh đều có thể quán tự tại.
Chúng ta ngồi thiền cũng là để nhìn xem, chúng ta có thể quán tự tại hay không ? Nếu có thể quán tự tại, tức sẽ nhìn thấy năm uẩn đều không, cũng là đi sâu vào Bát Nhã Ba La Mật. Nếu được như thế mới có thể độ hết thảy khổ ách, hết thảy khổ đều không, cho nên được tự tại. Quán Thế Âm Bồ Tát với chúng ta là hợp mà làm một. Không riêng Quán Thế Âm Bồ Tát như thế mà mười phương chư Phật cũng khế hợp với chúng ta mà làm một. Tuy nhiên Bồ Tát hợp với chúng ta mà làm một nhưng chúng ta không có hợp với Bồ Tát mà làm một. Như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói : Vị "cùng tử", vị cùng tử vốn là con của vị trưởng giả giàu có, bỏ cha giàu có đi lang thang thành kẻ ăn mày, lâu rồi quên luôn cả cha. Tuy gặp lại cha mà không nhận ra, mọi người muốn xa lìa điên đảo mộng tưởng. Còn vị "cùng tử" thì xa lìa cha mẹ, đi ra ngoài làm kẻ ăn mày. Chúng ta xa lìa Phật, tức giống như vị "cùng tử" rời bỏ và quên cha mẹ. Chúng ta vốn với chư Phật đồng một nhà, cho nên :
"Hết thảy chúng sinh,
Ðều có Phật tính,
Ðều có thể thành Phật".
Chúng ta đi lang thang phiêu lạc bên ngoài, quên nhà cửa, cho đến pháp thân cha mẹ, mười phương chư Phật Bồ Tát, chúng ta cũng quên luôn. Hiện tại chúng ta ngồi thiền là muốn :
"Biển khổ không bờ,
Quay đầu là bến".
Tìm lại pháp thân của chúng ta, cho nên mới thành lập 98 ngày thành thất này. Khóa thiền thất này đối với người tây phương mà nói, vốn là nghe chỗ chưa nghe, thấy chỗ chưa thấy. Từ chỗ chưa có người chân chân thực thực tu hành như thế. Nếu bạn có thể trong 98 ngày thiền thất, lão lão thật thật, quán tự tại thì đừng sợ khổ. Từ sáng sớm ba giờ bắt đầu dụng công cho đến mười hai giờ khuya mới đi nghỉ. Mỗi ngày ngồi thiền hai mươi mốt tiếng, nghỉ chỉ có ba tiếng.
Năm nay tôi lấy làm hoan hỉ, có mấy vị Tỳ Kheo và Tỳ Kheo ni người Mỹ phát tâm, thường ngồi không nằm (ngủ ngồi), từ sáng đến tối ở trong thiền đường dụng công ngồi thiền, tối ngủ cũng ở trong thiền đường dụng công. Lúc trước tôi tham gia đả thiền thất thì cũng tranh thủ dụng công từng giây, từng phút, không để thời gian trôi qua lãng phí. Cho nên tại Hương Cảng có vị trưởng lão hòa thượng, râu dài pháp hiệu là Minh Quán nói : "Tôi và ông ta (Hòa Thượng Tuyên Hóa) cùng ngồi bảy bảy bốn mươi chín ngày". Thật ra không phải bốn mươi chín ngày mà là bảy chục ngày. Lão Hòa Thượng đó là người chân chánh tu hành, tôi thì chẳng tu hành. Nhưng Lão Hòa Thượng đó với tôi kẻ chẳng tu hành, ngồi thi với nhau, kỳ cổ tương đương, không phân anh em. Cho nên lão hoà thượng đó đối với quý vị nói, tôi ngồi được bốn mươi chín ngày, tôi vốn đã quên chuyện này. Sau tôi nghĩ lại mới nhớ có thật sự.
Chúng ta đang bắt đầu thiền thất, mọi người đều có thể Quán Tự Tại Bồ Tát, mọi người đều muốn đi sâu vào Bát Nhã Ba La Mật, mọi người cũng muốn nhìn thấu năm uẩn đều không : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm uẩn, đều bị chiếu thấu, chiếu không, chiếu hóa cho đến không. Vô sở không (không chỗ không), sở không (chỗ không) cũng không, trong suốt vắng lặng, độ hết thảy khổ ách, liền được tự tại.
Người tây phương không hiểu nghĩa chữ "tự tại", cho nên không biết chữ "tự tại" là gì. Tự tại là "Vô nhân tướng" (không thấy có tướng người). Vô nhân tướng cũng chẳng phải, khi ăn thì chỉ biết có mình ăn, không nhường cho người khác ăn. Khi làm việc thì sợ khổ nhọc, liền nghĩ tưởng, "Vô ngã tướng" (không thấy có tướng ta), bèn đẩy việc cho người khác. Cũng không phải nói lúc đấu tranh, thì trong tâm bạn tưởng "Vô chúng sinh tướng" (không thấy có tướng chúng sinh). Tức với chúng sinh đấu tranh, lại cũng chẳng phải nói ăn thịt, thì không thấy có tướng chúng sinh. Nếu tôi không ăn thịt chúng sinh, thì chúng sinh sống hoài không chết, đó không phải là không có tướng thọ mạng sao ? Ðây là hoàn toàn sai lầm.
Không tướng người tức là trong tâm bạn phải thấy không có ta, người, không thấy có chúng sinh, không thấy có thọ mạng. Thấy không như thế, mới không có tướng ngã chấp, không có pháp chấp, ngã chấp và pháp chấp đều không. Lúc này bạn muốn không tự tại cũng không đặng, tức không người, không ta, không chúng sinh, không thọ mạng, lại không có chấp ngã, chấp pháp tức được tự tại, được chân chánh khoái lạc, cũng được chân chánh trí huệ.
Chúng ta ngồi thiền trong 98 ngày, mỗi ngày phải có một người thường trực, trách nhiệm "Khai tĩnh", "Chỉ tĩnh". Ðây là trách nhiệm của vị duy na. Mỗi ngày luân phiên làm duy na. Riêng ngoài có một vị, lo chuẩn bị trà nước, vì người dụng công ngồi thiền, hay có hỏa khí cho nên cần uống trà. Trong một ngày có thể uống bốn lần trà. Tùy người cần mà định liệu. Uống trà thì không nên làm đổ bể ly tách, bắt chước lão Hòa Thượng Hư Vân, làm rớt bể ly trà rồi mới khai ngộ. Bạn cũng cố ý làm rớt bể ly trà, phải biết :
"Vô tâm thì cảm ứng,
Khởi tâm thì vọng tưởng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét