Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Nhẫn Nhục Tiên Nhân

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

Một hôm trên núi Linh-Thứu thuộc thành Vương-Xá trong pháp hội Pháp-Hoa, đức Phật đã tuyên bố thọ ký cho những đồ đệ có căn trí cao sâu vào thời tương lai sẽ chứng đạo quả Vô-thượng Bồ-đề.


Trong số tăng đồ được thọ ký ấy gồm có: A-Nhã Kiều-Trần-Như đời sau sẽ thành Phật hiệu là Phổ-Minh Như-Lai; Ma-Ha Ca-Diếp sẽ thành Phật hiệu là Quang-Minh Như-Lai; Xá-Lợi-Phất sẽ thành Phật hiệu là Hoa-Quang Như-Lai; Mục-Kiền-Liên sẽ thành Phật hiệu là Đa-Ma La-Bạt Chiên-Đàn-Hương Như-Lai; A-Nan sẽ thành Phật hiệu là Sơn-Hải-Huệ Tự-Tại Thông-Vương Như-Lai; Ma-Ha Ba-Xà Ba-Đề pháp danh là Đại-Ái-Nhạo Tỳ-kheo ni đạo hiệu là Ma-Ha Kiều-Đàm-Di sẽ thành Phật hiệu là Nhất-Thiết Chúng-Sanh Hỷ-Kiến Như-Lai; Da-Du Đà-La sẽ thành Phật hiệu là Cụ-Túc Thiên-Vạn Như-Lai; Đề-Bà Đạt-Đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên-Vương Như-Lai v.v... Những người đủ duyên đức đáng được thọ ký, đức Phật đều đã thọ ký cho cả. Nhưng trong số những người được Phật thọ ký thì A-Nhã Kiều-Trần-Như là người có những đặc thù khác biệt khiến cho đại chúng chú ý muốn biết duyên do sâu xa.

Lúc bấy giờ tôn giả Xá-Lợi-Phất quán biết lòng của đại chúng muốn thấu rõ về phước duyên đặc thù của A-Nhã Kiều-Trần-Như, nhưng không dám thưa hỏi Phật. Thấy vậy, tôn giả Xá-Lợi-Phất đến trước Phật cung kính chấp tay đảnh lễ rồi quỳ thưa với Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Con nay quán thấy tâm của đại chúng đây hàng xuất gia cũng như tại gia đều muốn biết về đời trước của tôn giả A-Nhã Kiều-Trần-Như có nhân duyên đặc thù gì mà được đức Thế-Tôn sau khi thành đạo liền hóa độ ông ấy làm đệ tử trước nhất trong hàng trưởng-tử Như-Lai? Cúi mong xin đức Thế-Tôn rủ lòng thương xót giảng nói để cho tứ chúng khởi lòng kinh ngưỡng thâm sâu!"

Đức Phật nở nụ cười hiền hòa đáp: "Hay lắm! Hay lắm! Xá-Lợi-Phất! Như-Lai sẽ vì các thầy mà nói rõ việc nầy".

Đức Phật tiếp: "Nầy Xá-Lợi-Phất! Ta nhớ thuở đời quá khứ có một kiếp nọ, ta làm vị tiên nhân tu hạnh nhẫn nhục mà người thời bấy giờ gọi là Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân. Vị tiên nhân nầy ẩn mình trong rừng núi thâm sâu, gác bỏ thế sự, đói ăn hoa trái, khát uống nước suối nguồn, ngày đêm chuyên tâm tu niệm ở chốn sơn lâm thâm sâu u tịch đầy hoa thơm trái lạ, đã bao năm không có bóng người lai vảng. Bạn của Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân là trăng sao mây nước. Nhà cửa của Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân là đất rừng trời núi bao la. Ngày ngày, tiên nhân hết tọa thiền trên tảng đá bên dòng suối, lại đến dưới gốc cây ven rừng quán niệm. Tiên nhân lúc kinh hành niệm Phật dọc theo dòng suối, khi ngồi thiền quán dưới tàng cây cổ thụ um tùm. Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân vui thú với chim hót suốt tháng năm, thưởng ngoạn hoa rừng quanh suốt bốn mùa. Cuộc sống phẳng lặng như thế đã bao năm, tưởng chừng như bồng lai tiên cảnh, không bị ảnh hưởng trần gian thế sự nhiễu phiền.

Nào ngờ, vào một chiều tà, khu rừng êm ả tĩnh mịch như mọi ngày, chim muông hót trên cành cây kẽ lá, Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân đang tĩnh tọa thiền quán trên tảng đá ven thác suối, thì bỗng có tiếng người nói rộn rã xen lẫn tiếng vó ngựa chập chập ngổn ngang như tiếng sắt cành lẫn lộn mỗi lúc mỗi gần. Tiên nhân lấy làm lạ, liền nhập thiền quán sát thì biết vua Ca-Ly?à vị đại quốc vương đang trị vì đất nước đương thời. dẫn đoàn tùy tùng đi săn bắn với cõi lòng thất vọng đầy tức giận. Tiên nhân cảm thấy có triệu chứng chẳng lành sẽ xảy đến cho mình, liền tiếp tục nhập định thiền quán.

Chẳng mấy chốc, nhà vua cùng đoàn tùy tùng tay cung tay kiếm hùng hổ xông tới trước Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân. Như được dịp trút nỗi bực tức thất vọng trong lòng, nhà vua dõng dạc to tiếng hỏi: "Ngươi là ai? Ở đây làm gì?"

- Tâu Bệ-hạ, bần đạo là kẻ tu hành. Ở đây tu tâm dưỡng tánh, tập hạnh nhẫn nhục.

Nhà vua đang cơn bực bội gằn giọng quát to: "Tu là cái quái gì? Chính tại ngươi ở đây mà suốt mấy ngày nay, từ sáng đến giờ ta không săn được con thú nào. Ngươi có biết tội đáng chết không?"

Trước thái độ giận dữ của nhà vua, Nhẫn-Nhục tiên nhân vẫn thái độ bình thản đáp: "Tâu Bệ-hạ! Bần đạo là kẻ tu hành ở chốn rừng núi thâm sâu, thoát ngoài thế sự, đâu dám làm gì xúc phạm đến long thể Bệ-hạ?"

Nhà vua: "Hừ! Không xúc phạm hả? Chính do ngươi ở đây mà làm cho thú rừng sợ hãi xa lánh hết cả!"

Tiên nhân thưa: "Muôn tâu Bệ-hạ! xin Bệ-hạ mở lượng hải hà rộng xét. Bảo vệ mạng sống thì muôn thú mới không sợ. Bằng chứng là ngày ngày thú rừng đến làm bạn với bần đạo. Bần đạo sống nhờ hoa trái của thú rừng đem đến cho".

Vừa nghe tiên nhân nói thế, cơn tức giận bỗng nhiên trở nên sôi sục, nhà vua hét to: "Láo! Vừa rồi ngươi nói tu nhẫn nhục hả? Hừ! Xem thử ngươi có thật nhẫn nhục không? "

Vừa dứt lời, nhà vua rút gươm ra khỏi vỏ, không một chút do dự liền chặt tay tiên nhân. Mỗi nhát gươm sáng lòe phập xuống tức khắc cánh tay của tiên nhân rơi rụng, máu phun lai láng. Nhà vua như trút nỗi hằn học giận tức lên mình Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân. Tuy tay bị chặt đứt, nhưng gương mặt của tiên nhân vẫn bình thản trong thái độ an nhiên tự tại không chút nao núng giận hờn. Chẳng những thế, tiên nhân còn trải tâm từ bi thương xót nhà vua đầy sân si.

Liền ngay khi cánh tay đứt rời thân thể rơi xuống đất, Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân phát lời thệ nguyện: "Nguyện đời đời dưới mọi hình thức, trong mọi hoàn cảnh, ta tìm cách giúp đỡ cho nhà vua si mê nầy sớm có ngày hồi tâm hướng thiện; nguyện khi tu hành thành đạo chứng quả giác ngộ, trước hết ta sẽ hóa độ cho vị vua sân si nầy sớm hiểu được đạo quả giải thoát".

Do lời nguyện chí thành khẩn thiết phát xuất từ lòng đại bi, nên đời đời Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân và vua Ca-Lợi thường gặp nhau và sách tấn giúp đỡ cho nhau trên đường thánh thiện.

Thuật xong câu chuyện, đức Phật hướng về tôn giả Xá-Lợi-Phất nói: "Nầy Xá-Lợi-Phất! và chính ngay trong đời nầy, trong những ngày còn tầm sư học đạo, khi ta đến cầu học với tiên nhân Uất-Đầu Lam-Phất, thì A-Nhã Kiều-Trần-Như trước đó đã sớm thọ giáo với vị tiên nhân nầy rồi. Khi ta rời bỏ Uất-Đầu Lam-Phất, thì A-Nhã Kiều-Trần-Như cũng theo ta về ở rừng tu khổ hạnh. Rồi ta bỏ lối tu khổ hạnh để đến tĩnh tọa dưới cây Bồ-đề bên dòng sông Ni-Liên-Thiền, thực hành trung đạo. Sau bốn mươi chín ngày, liên tục tĩnh tọa bất động, vào một hôm, khi sao mai vừa rạng mọc, thì ta chứng được đạo quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Khi ta trở lại rừng tu khổ hạnh Lộc-Uyển độ cho năm bạn đồng tu khổ hạnh, thì chính A-Nhã Kiều-Trần-Như là người đầu tiên rất lấy làm hoan hỷ tiếp thọ giáo pháp Tứ-diệu-đế và chứng được quả A-la-hán".

Nói đến đây, đức Phật nhìn thẳng vào tôn giả Xá-Lợi-Phất mà bảo rằng: "Nầy Xá-Lợi-Phất! Thầy nên biết, vua Ca-Lợi thời quá khứ kia, chính là tiền thân của A-Nhã Kiều-Trần-Như. Còn vị Đại-Nhẫn-Nhục tiên nhân kia, chính là tiền thân của Như-Lai ta đây vậy.

tangthuphathoc.com

Không có nhận xét nào: