Thường thường Đạo Phật được xem là đạo Sắc Sắc Không Không, nhất là đối với Việt Nam ta, chữ Sắc-Không trở thành chữ đầu môi chót lưỡi để diễn tả đạo Phật. Không những vậy các câu ca dao tục ngữ, các bài thơ của các vị thiền sư, các văn nhân thi sĩ cũng dùng danh từ "sắc sắc không không" để nói đến Đạo Phật. Do vậy để tránh những hiểu lầm về định nghĩa Đạo Phật, để hiểu rõ hơn danh từ Không -- tức là Sunnata -- được Đức Phật giải thích và quan niệm như thế nào chúng tôi xin trình bày sau đây "Nghĩa Chữ Không Theo Đạo Phật Nguyên Thủy", dựa trên hai Kinh Pàli Cùlasunnatasuttam (Tiểu Không kinh, Trung bộ 3, số 121, trang 252) và Kinh Mahàsunnatasuttam (Đại Không kinh, Trung bộ III, số 122, trang 260), được hai kinh chữ Hán tương đương -- Tiểu Không Kinh, Trung A Hàm, số 190, Đại I, 736c; và Đại Không Kinh, Trung A Hàm, số 191, Đại I, 738a -- xác chứng.
Trong kinh Tiểu Không (Pàli), Đức Phật xác nhận nhờ an trú "Không" nên đã an trú rất nhiều, và ngài giảng kinh này để khích lệ vị Tỷ kheo nên hành trì "không tánh" một cách chơn thực không điên đảo.
Vị tỷ kheo tại trú xứ nào, những gì tại trú xứ ấy không có, thời phải quán là không có. Nhưng những gì tại trú xứ ấy thực có, thời phải quán là thực có.
Tại thiền chứng nào chứng được, những gì thiền chứng ấy không có, thời phải quán là không có, nhưng những gì Thiền chứng ấy có, thời phải quán là thực có.
Như vị Tỷ kheo đến trụ tại một tịnh xá ở làng tại đấy "không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn ông đàn bà tụ hội", thời phải quán những sự vật ấy là không. Nhưng có cái không phải không, là sự hiện diện của chúng Tăng ở trong tịnh xá, thời phải quán chúng Tăng là có, nói cho rõ hơn, thôn tưởng không có nhưng nhơn tưởng thì có.
Nay vị ấy từ bỏ tịnh xá trong làng, vào ngôi rừng tu hành một mình. Tại ngôi rừng không có làng, không có Tỷ kheo chúng, nên vị Tỷ kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, nhưng vị đó ở trong rừng, rừng là thực có, nếu tác ý lâm tưởng, vị ấy tuệ trí, các ưu phiền do duyên thôn tưởng, do duyên nhơn tưởng không có hiện hữu, nhưng các ưu phiền do duyên lâm tưởng thật sự có mặt ở đây. Cái gì không có mặt, vị ấy xem là không có mặt. Cái gì có mặt, vị ấy xem như vậy là thật có. Hành trì như vậy được gọi là hành trì "không tánh".
Vượt qua các thiền chứng về Vô sắc giới, vị ấy không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không có tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chỉ tác ý sự nhất trí do vô tướng tâm định. Nghĩa là vị này chứng được tâm định nhờ dùng một đối tượng không có tướng nên gọi là "vô tướng tâm định".
Vị Tỷ kheo quán vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên chịu như vậy là vô thường, chịu sự đoạn diệt. Do quán như vậy, vị ấy được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Như vậy vị ấy tuệ tri: "Các ưu phiền do duyên dục lậu ... do duyên hữu lậu ... do duyên minh lậu không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này tức là sáu nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) duyên mạng, duyên với thân này".
Nói một cách khác, khi vị Tỷ kheo chứng quả giải thoát, vị ấy tuệ tri các dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu không có mặt, đã được đoạn tận. Nhưng vị ấy vẫn còn cái thân, sáu nhập duyên với mạng sống. Do vậy, đối với vị ấy, "chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại ở đây, vị ấy biết cái kia có, cái này có. Cái này đối với vị ấy là như vậy, là thật có, không điên đảo, sự thực hiện là "không tánh" hoàn toàn thanh tịnh".
Như vậy với đoạn kinh trên, đối với vị Tỷ kheo tu hành, tùy theo trú xứ, hoặc ở làng, hoặc ở rừng, hoặc tu đông người, hoặc tu một mình, những gì tại trú xứ ấy không có, vị Tỷ kheo quán là không. Còn những gì tại trú xứ ấy có, thời quán là thực có. Còn tại thiền chứng nào, như khi chứng quả Niết Bàn giải thoát, thời vị ấy tuệ tri được các lậu hoặc là không có, vì đã được đoạn trừ, nhưng vì còn cái thân hữu dư y, cái thân sáu nhập duyên mạng, thời thân ấy vẫn thật có. Thân đã có, thời có những ưu phiền do thân ấy gây nên, nên đã có thân, thời có già, có bệnh, có chết. Nhưng vì vị này đã giải thoát, nên không có sầu bi khổ ưu não, dầu thân có bệnh, có già, có chết.
Như vậy kinh này định nghĩa chữ Không, tùy thuộc trú xứ, tùy thuộc Thiền chứng, những gì thật không có thời quán là không có. Còn những gì thực sự là có, thời quán thật sự là có.
Kinh Đại Không đề cập đến nghĩa chữ Không một cách rộng rãi hơn. Đức Phật xác nhận một Tỷ Kheo thích thú hân hoan trong hội chúng của mình, trong hội chúng của người, thích thú hội họp, thời vị ấy không chói sáng trong Pháp và luật này, không có chứng đắc tùy theo ý muốn viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, không có chứng đắc bốn thiền sắc giới và bốn thiền vô sắc giới, không có chứng đắc bốn đạo, bốn quả. Rồi Đức Phật kể lại kinh nghiệm bản thân của mình, nhờ an trú "nội không", nên dầu phải tiếp xúc với Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần ngoại đạo, đệ tử ngoại đạo, tâm ngài hướng về viễn ly, độc cư, ly dục, đoạn tận các Pháp khiến cho các lậu hoặc khởi lên, chỉ dùng những lời khích lệ thuần túy, đối với mọi người Ngài tiếp xúc. Như vậy, Đức Phật an trú nội không, không bị thế sự uể nhiễm.
Rồi Đức Phật khuyên các Tỷ kheo nên an trú "nội không", "ngoại không" và "bất động", và trước khi an trú như vậy cần phải an tịnh nội tâm, tức là tu chứng sơ thiền cho đến thiền thứ tư.
Sau khi chứng bốn thiền, vị Tỷ kheo tu tập an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, an trú bất động. Nếu khi an trú, tâm chưa được hân hoan, thích thú, thời tu tập cho tâm thật hân hoan, thích thú trong khi an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động. Vị Tỷ kheo trong khi an trú như vậy, nếu có đi đứng ngồi nằm phải chú ý đừng cho các tham ưu, bất thiện pháp khởi lên. Nếu có nói, không nói đến các vấn đề hạ liệt, đê tiện, phàm phu, chỉ nói đến những lời nhàm chán, ly tham đoạn diệt, an tịnh thắng trí, giác ngộ Niết Bàn. Nếu có suy tầm, suy tư điều gì, thì không suy tầm, suy tư đến dục tầm, sân tầm, hại tầm, những tâm tư hạ liệt đê tiện; mà chỉ suy tầm, suy tư đến ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, những tâm tư đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh thắng trí, giác ngộ Niết Bàn.
Đối với năm dục trưởng dưỡng, tức là sắc đẹp, tiếng hay hương thơm, vị ngọt, xúc êm dịu, vị Tỷ kheo phải ý thức mình có ái dục đối với năm dục trưởng dưỡng ấy hay không, nếu có thời phải lo đoạn diệt ái dục ấy, làm cho năm ái dục ấy không có hiện hữu.
Đối với năm thủ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, khi vị ấy tùy quán năm thủ uẩn ấy, sự tập khởi và sự đoạn diệt của chúng, vị Tỷ kheo phải tìm hiểu mình có ngã mạn (asminmàno) gì đối với năm uẩn hay không, nếu có, thời phải lo đoạn trừ ngã mạn ấy. Như vậy gọi là vị Tỷ kheo tác ý nội không, ngoại không, nội ngoại không, tác ý bất động, và nhờ vậy vị Tỷ kheo tiến dần đến giác ngộ, giải thoát nhờ an trú nội không.
Tóm lại, Đại Không Kinh xem an trú nội không, ngoại không, nội ngoại không, bất động là pháp môn vị Tỷ kheo tu tập để trong khi đi đứng ngồi nằm, không cho tham ưu, bất thiện pháp chạy vào trong tâm, chỉ nói, chỉ suy tư những gì đi đến giác ngộ Niết Bàn. Còn đối với năm dục trưởng dưỡng, tuyệt đối đoạn trừ ái dục, và đối với năm thủ uẩn, nhổ tận gốc ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên.
Với hai kinh trên, nghĩa chữ Không theo Đạo Phật nguyên thủy được trình bày cũng đã khá rõ ràng và cặn kẽ. Để kết thúc, chúng tôi xin nói thêm, trong Kinh điển nguyên thủy, khi nói ba pháp ấn, chỉ nói có ba vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta), không xem Không (sunnatà) như là pháp ấn thứ tư.
HT.Thích Minh Châu
Source: BuddhaSasana
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét