Chuyện Voi hiếu dưỡng mẹ
(455. Tiền thân Màti-Posaka)
"Cho dù voi chúa phải đi xa"
Chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một Tỷ kheo còn mẹ phải cấp dưỡng.
Hoàn cảnh của chuyện này cũng giống như chuyện Sàma (số 540 tập VI). Trong dịp này, bậc Đạo Sư nói chuyện với chúng Tăng. Ngài bảo:
- Này các Tỷ kheo, chớ giận Tỷ kheo này. Ngày xưa, bậc hiền nhân, ngay cả lúc sinh ra từ bụng của loài vật, và cách xa mẹ mình, cũng không chịu ăn uống gì trong bảy ngày, cứ gầy héo mỏi mòn. Dù được cung cấp đồ ăn vương giả, vị ấy cũng chỉ đáp: "Không có mẹ ta thì ta không muốn ăn". Tuy thế, lúc gặp lại mẹ, vị ấy mới chịu ăn như trước.
Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.
Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, Bồ tát được sinh làm Đại tượng vương ở vùng Tuyết Sơn. Toàn thân voi màu trắng rất hùng vĩ, là chúa đàn gồm tám mươi ngàn con voi vây quanh ngài, song mẹ ngài bị mù. Ngài thường đưa cho bầy voi những quả rừng thật ngon để đem về dâng mẹ, tuy thế chúng chẳng đem gì về dâng voi mẹ, mà chúng ăn hết. Khi ngài hỏi thăm và biết được việc ấy, ngài bảo:
- Ta muốn rời đàn để nuôi mẹ ta.
Thế là một đêm thuận lợi, bầy voi không hay biết, ngài đưa mẹ đi đến đỉnh núi Candorana (Chiên Đồ Gia), tại đó ngài để mẹ ở trong một hang dưới đồi, gần một hồ nước và nuôi nấng mẹ rất chu đáo.
Bấy giờ, một người thợ rừng ở Ba La Nại đi lạc đường và không thể nào tìm lối ra được nên bắt đầu than khóc ầm ĩ. Nghe tiếng này, Bồ tát thầm nghĩ: "Đó là một người đang cơn hoạn nạn, khi ta đang ở đây mà gã gặp tai họa thật chẳng phải lẽ". Vì vậy ngài đến gần gã, song gã bỏ chạy vì quá sợ hãi; thấy thế, chúa voi bảo gã:
- Này người kia, anh không cần phải sợ ta, đừng chạy trốn, hãy nói tại sao anh vừa đi vừa khóc thế?
- Tâu chúa tể, kẻ hèn này bị lạc đường đã bảy ngày qua.
Chúa voi đáp:
- Anh đừng sợ nữa, và ta sẽ đưa anh ra đường đi của dân chúng.
Sau đó ngài bảo người ấy leo lên ngồi trên lưng ngài và đưa gã ra khỏi rừng, xong ngài quay về.
Còn con người độc ác kia quyết vào thành phố báo tin cho vua biết. Vì thế gã đánh dấu các cây cối, các ngọn đồi, rồi tiến về Ba La Nại. Lúc ấy vương tượng của hoàng đế vừa từ trần. Ngài cho truyền lệnh bằng một hồi trống.
- Nếu kẻ nào thấy ở đâu có con voi xứng đứng để hoàng thượng ngự du thì hãy báo ngay.
Sau đó gã kia đến triều kiến vua và tâu:
- Tâu Chúa thượng, tiểu thần đã thấy một con voi tuyệt mỹ, toàn thân màu trắng, một vật tối thắng xứng đáng để Chúa thượng ngự lên. Tiểu thần xin chỉ đường. Song xin đưa các người quản tượng đi theo để bắt voi.
Vua chấp thuận, bảo một người thợ rừng cùng đi với gã ấy và một đoàn tùy tùng lên đường.
Người thợ cùng đi với gã và trông thấy Bồ tát đang ăn uống trong một hồ nước. Khi Bồ tát thấy gã thợ rừng, ngài nghĩ: "Hiểm họa này chắc chắn không phát xuất từ ai khác, ngoài kẻ kia. Song ta rất mạnh, ta có thể đánh tan tành cả ngàn voi trong lúc thịnh nộ, ta lại đủ sức tiêu diệt cả đàn voi ra trận của một vương quốc. Tuy nhiên, nếu ta bị lòng phẫn nộ chi phối thì công đức của ta sẽ bị tổn hại. Vì vậy hôm nay ta sẽ không nổi giận, cho dù có bị gươm giáo đâm vào da thịt". Với quyết định này, ngài cúi đầu đứng bất động.
Người thợ rừng bước xuống hồ sen, khi thấy vẻ tuyệt mỹ của cái chóp ngà voi, gã bảo:
- Này con hãy đến đây.
Rồi nắm lấy cái vòi giống như sợi dây thừng bằng bạc, gã dẫn voi về thành Ba Na Nại trong vòng bảy ngày.
Khi mẹ Bồ tát thấy con mình không trở về, bà đoán chắc hẳn ngài bị quan quân nhà vua bắt rồi, bà than khóc:
- Giờ đây cây cối vẫn mọc, song con ta đã đi xa rồi.
Và bà đã ngâm hai vần kệ sau:
1. Dù cho voi chúa phải đi xa,
Dược thảo nhũ hương vẫn mọc ra,
Lúa cỏ, trúc đào, cùng súng trắng,
Kèn xanh chỗ khuất vẫn đơm hoa.
2. Tượng vương hẳn đến tận phương nao
Sung túc nhờ bao kẻ tước cao,
Trang điểm ngọc vàng vua chúa cỡi,
Oai hùng thắng địch thủ mang bào.
Bấy giờ người luyện voi kia, đang lúc còn đang đi đường đã gửi về triều một tờ sớ dâng vua. Nhà vua liền ra lệnh cả kinh thành trang hoàng thật lộng lẫy. Người luyện voi dẫn Bồ tát vào một cái chuồng được tô điểm bằng các dây tua, tràng hoa và vây quanh mỗi bức màn đủ màu rực rỡ, xong đến trình nhà vua. Vua mang các món cao lương mỹ vị ra bảo đưa cho Bồ tát, nhưng ngài không ăn chút gì cả: "Nếu không có mẹ ta, ta không muốn ăn gì đâu".
Vua van nài ngài ăn và ngâm vần kệ thứ ba:
3. Nào ăn đi một miếng, voi này,
Đừng có buồn chi, chớ héo gầy,
Để phụng sự vua, còn lắm việc
Mà voi sẽ đảm trách sau này.
Nghe vậy Bồ tát ngâm vần kệ thứ tư:
4. Không, trên đỉnh núi Chiên Đồ Gia
Khốn khổ bà kia, mắt lại lòa,
Dậm một chân vào gốc cổ thụ
Vì không voi chúa, ấy con bà.
Vua ngâm vần kệ thứ năm để hỏi ý nghĩa lời ngài:
5. Ai ở trên đồi Chiên Đồ Gia
Nào ai khốn khổ, lại mù lòa?
Dậm chân vào một gốc cây nọ,
Vì chẳng chúa voi, con của bà?
Voi đáp lời qua vần kệ thứ sáu:
6. Mẹ ta trên núi Chiên Đồ Gia
Khốn khổ, mù lòa thật xót xa,
Dậm một chân vào gốc cổ thụ,
Bởi vì voi chúa ấy là ta.
Khi nghe nói vậy, vua liền cho ngài được tự do, và ngâm vần kệ thứ bảy:
7. Voi hùng phụng dưỡng mẫu thân mình,
Nên thả tự do, cứ mặc tình,
Thôi để voi đi về với mẹ
Và cùng sum họp với gia đình.
Vần kệ thứ tám và thứ chín là xuất phát từ Trí tuệ Tối thắng của Đức Phật:
8. Khỏi cảnh giam cầm được thoát thân,
Hết dây ràng buộc, chúa voi rừng,
Vài lời khuyên nhủ cùng vua ấy (*),
Voi trở về nơi chốn núi ngàn.
9. Rồi xuống hồ kia mát lạnh trong,
Nơi này voi vẫn tới bao lần,
Dùng vòi hút nước từ hồ ấy
Tung vẩy khắp mình của mẫu thân.
Song mẹ của Bồ tát tưởng là trời bắt đầu mưa, nên ngâm vần kệ thứ mười để trách cơn mưa:
10. Ai đó đem mưa thật trái thời
Thần nào độc ác quá, trời ơi!
Vì nay con trẻ đà đi vắng,
Con trẻ xưa thường phụng dưỡng tôi.
Lúc ấy Bồ tát ngâm vần kệ thứ mười một để trấn an mẹ:
11. Sao mãi nằm kia vậy, mẹ ơi!
Này đây con mẹ đã về rồi,
Ca Thi Đại đế, ngài Thông Tuệ
Cho trẻ bình an được tái hồi.
Bà mẹ liền đáp lời, cảm tạ vua qua vần kệ cuối cùng:
12. Vạn tuế trường tồn, đấng Đại vương!
Cầu ngài đem lại nước hùng cường,
Tự do ngài trả cho con đó,
Với mẹ, con tròn vẹn kính thương!
Vua rất hoan hỷ vì đức độ của Bồ tát nên ra lệnh xây một thị trấn không xa hồ ấy và nhà vua thường đến phụng sự Bồ tát cùng mẹ ngài. Sau đó, khi mẹ ngài từ trần, ngài đi thật xa đến một tinh xá tên là Karandaka. Tại đây có năm trăm bậc trí giả an trú và vua thường đến cúng dường các vị ấy. Vua lại truyền tạc một tượng bằng đá có hình Bồ tát và thường đến chiêm bái để tỏ lòng ngưỡng mộ ngài. Dần dần dân chúng khắp cõi Diêm phù đề (Ấn Độ) tụ tập lại đó cùng nhau cử hành ngày hội gọi là Hội Voi.
Khi bậc Đạo Sư chấm dứt pháp thoại, Ngài tuyên thuyết các Sự thật và nhận diện Tiền thân. (Bấy giờ lúc kết thúc các Sự thật, vị Tỷ kheo phụng dưỡng mẹ đã an trú vào Sơ quả (Dự lưu):
- Vào thời ấy Ànanda là nhà vua, mẫu hậu là Mahà Màyà là mẹ voi và chính Ta là chúa voi đã nuôi dưỡng mẹ mình.
Nhận xét:
Hiếu hạnh là một trong những đức tính được Đức Phật đề cao ngay trong đời hiện tại cũng như trong các Tiền thân của Ngài.
Mỗi khi nghe nói có một Tỷ kheo nào phải cấp dưỡng cha mẹ già dù đã xuất gia theo đạo giải thoát, Ngài đều tán thán vị ấy và kể một chuyện Tiền thân để chứng minh lòng hiếu thảo là một trong những đức tính mà Bồ tát, tiền thân của Ngài đã thể hiện của nhiều hình thức tái sinh: chim muông, thú vật, hay loài người: Bồ tát đã từng làm chim anh vũ hiếu thảo trong Tiền thân Cánh đồng lúa (số 484), là nai hiếu thảo trong Tiền thân Lộc vương hoan hỷ (số 385), là con trai hiếu thảo trong Tiền thân Sàma (số 540), và voi hiếu thảo trong Tiền thân này.
Qua các Tiền thân trên, Bồ tát đã thể hiện lòng hiếu thảo cao độ ngay khi bị bắt vào thòng lọng hay khi sắp bị bắn hoặc đã bị trọng thương, ngài không hề nghĩ đến nỗi đau khổ của chính bản thân, mà chỉ nghĩ đến nỗi đau khổ của cha mẹ già yếu hoặc mù lòa không thể tự kiếm sống nếu ngài phải chết trước.
Chính lòng hiếu thảo đặc biệt ấy đã cảm hóa được những vị chủ nhân hoặc vị vua bắt ngài, khiến cho lòng họ tràn đầy xuỏc động liền thả ngài được tự do, rồi từ đó về sau họ chuyên tâm thực hành Ngũ giới và Thập thiện để được tái sinh cõi trời.
Nhân dịp lễ Vu Lan, tượng trưng ngày Báo hiếu của người con Phật và của truyền thống dân tộc, tôi xin gởi đến các đạo hữu gần xa câu chuyện Tiền thân đầy đạo vị này, là một trong những chuyện cổ tích khích lệ mọi người thực hành một đức tính mà Bồ tát, tiền thân Đức Phật, đã thể hiện qua biết bao đời sống trước khi thành Phật./.
Ghi chú:
(*) Bồ tát khuyên nhủ vua hành trì Ngũ giới và Thập thiện trước khi từ giã.
(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 77, 08-2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét