Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Chuyện phẩm vật cúng tiền người chết

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

CHUYỆN PHẨM VẬT CÚNG TIẾN NGƯỜI CHẾT

(Tiền thân Matakabhatta)

Sanh ra cõi đời là khổ đau…

Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về việc cúng tiền cho người quá cố. Bấy giờ, dân chúng thường đem dê, cừu v.v.. dâng cúng cho cho người thân đã quá cố. Nhìn thấy dân chúng làm việc ấy, các Tỳ-kheo bạch hỏi đức Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, nay dân chúng giết hại sinh vật để dâng cúng cho người thân đã quá vãng của họ, viêc làm như vậy có được ích lợi gì không?


Đức Thế Tôn trả lời:

– Này các Tỳ-kheo, không có ích lợi gì cả khi tước đi mạng sống của sinh vật để dâng cúng cho người quá vãng. Vào đời trước, bậc Hiền trí từ trên không trung đã thuyết pháp và chỉ ra những ác quả của việc làm ấy, khiến cho toàn thể dân chúng từ bỏ sát sanh. Nhưng giờ đây do vì tái sanh làm mờ mịt tâm trí, nên hành động ấy lại khởi lên.

Nói vậy xong, đức Thế Tôn kể câu chuyện Tiền thân này.

* * *

Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì vương quốc Ba-la-nại, có một vị Bà-la-môn thông suốt ba bộ Vệ-đà và là một bậc thầy danh tiếng trong đời. Ông muốn cúng tiến cho người thân đã quá vãng nên cho giết một con dê và nói với những học trò của mình:

– Này các con, hãy mang con dê này xuống sông và tắm rửa nó sạch sẽ, sau đó treo một vòng hoa quanh cổ nó, cho nó ăn một hủ gạo, chải lông cho nó và mang nó trở lại đây.

Những học trò vâng lời và mang con dê xuống sông. Ở đấy, họ tắm và chải lông cho nó rồi sau đó đưa nó lên bờ. Con dê biết được những hành nghiệp của mình trong những kiếp sống quá khứ nên vui mừng khốn xiết vì nghĩ rằng chính ngày hôm nay nó sẽ được giải thoát khỏi tất cả những khổ đau của mình. Nó cười lớn giống như tiếng đập vỡ một cái chậu. Nhưng rồi nó lại nghĩ rằng, Bà-la-môn này với việc giết nó sẽ phải mang lấy khổ đau do ác nghiệp mang lại. Vô cùng thương xót cho Bà-la-môn này, con dê đã lớn tiếng khóc. Những thanh niên Bà-la-môn thấy thế thì hỏi:

– Này bạn dê, bạn vừa cười lớn tiếng rồi lại khóc lớn tiếng. Điều gì khiến bạn cười và điều gì khiến bạn khóc?

– Xin hãy hỏi điều này trước thầy của các bạn.

Thế rồi họ cùng với con dê đi đến thầy của họ. Sau khi nghe họ kể câu chuyện, vị thầy hỏi con dê tại sao nó cười và tại sao nó khóc. Ngay khi ấy, con dê nhờ khả năng nhớ được những kiếp sống quá khứ nên nhớ lại được những hành nghiệp của mình. Nó nói với vị Bà-la-môn thế này:

– Thưa Ba-la-môn, vào kiếp trước, cũng giống như ngài, tôi cũng là một vị Bà-la-môn thông suốt các kinh Vệ-đà. Nhưng vì muốn cúng tiến cho người thân đã quá cố, tôi đã giết hại một con dê để dâng cúng. Cả đời chỉ giết một con dê thôi, nhưng tôi đã bốn trắm chín mươi chín lần bị chặt đầu. Đây là lần thứ năm trăm và cũng là lần cuối cùng tôi bị chặt đầu. Tôi cười lớn khi nghĩ rằng chính ngày hôm nay tôi sẽ được thoát khỏi tất cả khổ đau của mình. Ngược lại, tôi khóc khi nghĩ, trong khi tôi chỉ vì giết hại một con dê đã phải chịu mất đầu năm trăm lần, mãi đến hôm nay mới được giải thoát khỏi khổ đau, còn ngài, do ác nghiệp sát hại tôi, sẽ bị mất đầu năm trăm lần giống như tôi vậy. Chính vì xót thương cho ngài phải chịu cảnh đó nên tôi đã khóc.

Bà-la-môn nói:

– Này dê, đừng sợ. Tôi sẽ không giết bạn đâu.

– Thưa Bà-la-môn, ngài nói gì? Dù ngài có giết tôi hay không thì ngày hôm nay tôi cũng không thể thoát được cái chết. Dê nói.

– Này dê, đừng sợ. Tôi sẽ đi cùng với bạn để bảo vệ bạn.

– Thưa Bà-la-môn, sự bảo vệ của ngài thì yếu, còn ác nghiệp của tôi thì mạnh vô cùng.

Để cho con dê được sống yên ổn, Bà-la-môn nói với các đệ tử của mình:

– Chúng ta không để cho bất cứ người nào giết hại con dê này.

Thế rồi cùng với những thanh niên, Bà-la-môn đi sát theo sau con vật. Khi con dê được tự do, nó vươn cổ ra để gặm lá bụi cây mọc gần chóp một tảng đá. Chính lúc đó, sét đánh vào tảng đá và chẻ ra một mảng đá. Mảng đá đó đã đánh vào cổ con dê đang vươn ra và cắt đứt đầu của nó. Thấy thế, dân chúng tập trung lại xem.

Bấy giờ, Bồ-tát thọ sinh làm Thần cây ở tại nơi đó. Bằng thần lực của mình, Bồ-tát ngồi kiết già trên không trung trong khi đám đông đang đứng nhìn. Bồ-tát nghĩ: “Nếu những người này biết được kết quả của ác nghiệp, họ sẽ tử bỏ sát sanh”. Thế rồi bằng một giọng nói nhu hòa, Bồ-tát thuyết pháp cho họ qua bài kệ:

Sanh ra cõi đời là khổ đau

Thế nhân nếu biết vậy thâm sâu

Hữu tình không giết hữu tình nữa

Giết hại chúng sinh chịu khổ sầu.

Bậc Đại sĩ đã thuyết pháp như vậy, làm cho thính chúng sợ hãi chốn địa ngục. Còn dân chúng khi nghe ngài nói như thế, quá sợ hãi cõi địa ngục nên từ bỏ sát sanh. Rồi sau khi thuyết pháp khiến cho dân chúng thọ trì giới pháp xong, Bồ-tát đã thọ sanh theo hành nghiệp của mình. Dân chúng cũng tinh chuyên thọ trì lời dạy của Bồ-tát, trọn đời làm việc bố thí và thực hành thiện nghiệp, đến khi mạng chung đã sanh về làm đông đảo kinh đô chư thiên.

* * *

Kết thúc pháp thoại, đức Thế Tôn nêu lên mối liên hệ của hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:

– Vào thuở đó, Ta chính là vị Thần cây.

phatviet.com

Không có nhận xét nào: