Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

TRÁCH DỤC

Nói trách dục tức là trách ngũ dục. Phàm muốn tọa thiền tu tập Chỉ, Quán quyết phải quở trách ngũ dục. Ngũ dục : Sắc, thanh, hương, vị, xúc ở thế gian. Nó hay làm mê hoặc tất cả phàm phu khiến phải say đắm. Nếu người biết tội lỗi của nó liền xa lìa, ấy gọi là trách dục.

1.Trách sắc dục : Những hình dáng kiều diễm của nam nữ, như mắt trong, mày dài, môi son, răng trắng... và bao nhiêu màu sắc mỹ lệ xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, lam, lục của các vật báu ở thế gian. Nó hay khiến kẻ phàm phu trông thấy sanh lòng yếu mến, tạo các ác nghiệp. Như vua Tần-bà-ta-la vì sắc dục đem thân vào nước địch, cam ở trong phòng nàng A-phạm-ba-la. Lại vua Ưu Ðiền cũng vì sắc dục chặt tay chân năm trăm vị tiên. Sắc dục còn gây biết bao tội lỗi như vậy.
2.Trách thanh dục : Là tiếng đàn tranh, đàn cầm, ống tiêu, ống sáo, tiếng ty, tiếng trúc, kim, thạch tấu thành âm nhạc và giọng ca ngâm, tán tụng của nam nữ. Nó hay cám dỗ kẻ phàm phu vừa nghe liền sanh tâm đắm nhiễm, tạo các ác nghiệp. Như năm trăm vị tiên ở núi Tuyết nghe giọng ca của nàng Chân-đà-la liền mất thiền định, tâm say mê cuồng loạn. Mê âm thanh tạo nên tội lỗi, còn biết bao việc như thế.
3.Trách hương dục : Mùi hương của nam nữ, của các thức ăn uống và các thứ hương xông ướp, kẻ ngu không biết xét tướng trạng của nó, vừa ngửi liền sanh mê đắm, mở cửa cho kiết sử. Như vị Tỳ-kheo ở bên hồ sen, ngửi mùi hương của hoa sanh tâm ưa thích, bị vị thần giữ ao quở trách : "Tại sao dám trộm mùi hương của ta". Vì thích mùi hương khiến các kiết sử đang nằm liền đứng dậy. Còn biết bao nhân duyên do hương dục gây tai hại như thế.

4.Trách vị dục : Là những mùi vị đắng, cay, chua, ngọt, mặn, lạt... những thứ cao lương mỹ vị hay khiến phàm phu sanh tâm nhiễm trước, tạo các nghiệp ác. Như ông Sa-di vì thích vị tô lạc nên sau khi chết làm con giòi ở trong tô lạc. Vị dục còn lắm việc hại tương tợ như thế.

5.Trách xúc dục : Da thịt mềm mại mịn màng của nam nữ; khi lạnh chạm ấm, khi nóng xúc mát và các cái xúc chạm hợp với nhu cầu, kẻ ngu không trí vì đó chìm đắm, khiến ngăn ngại đạo nghiệp. Như vị tiên một sừng vì xúc dục mà mất thần thông, bị dâm nữ cỡi cổ. Xúc dục có lắm việc tai hại như thế.

Phương pháp trách dục như trên đều rút trong luận Ma-ha-diễn.

Lại than rằng : "Than ôi ! Chúng sanh thường bị ngũ dục não loạn, mà mải tìm cầu không thôi. Ngũ dục này, nếu cầu được càng hăng; như lửa thêm củi, ngọn lửa càng mạnh. Ngũ dục không vui, như chó gặm xương khô. Ngũ dục gây tranh đấu, như bầy quạ giành thịt thúi. Ngũ dục thiêu người, như cầm đuốc đưa ngược gió. Ngũ dục hại người, như đạp rắn độc. Ngũ dục không thật, như mộng được của báu. Ngũ dục tạm bợ không lâu bền, như chọi đá nháng lửa. Trí giả suy xét coi nó như giặc thù; thế nhân lầm mê tham đắm ngũ dục đến chết không bỏ, đời sau phải chịu vô lượng khổ não".

Ðến các loại súc sanh vẫn có ngũ dục này, nên tất cả chúng sanh thường bị ngũ dục sai sử, đều làm tôi mọi cho ngũ dục; lao mình trong tệ dục, chìm đắm trong tam đồ. Ta nay tu thiền định lại bị chúng ngăn che, chúng là giặc dữ phải chóng gấp xa lìa. Như bài kệ trong kinh Thiền chép :

Chết sống không đoạn dứt,

ưa dục, thích vị,

Nuôi thù vào gò nổng,

Luống chịu các đắng cay.

Thân thúi như tử thi,

Chín lỗ chảy bất tịnh,

Như trùng phân ưa phân,

Kẻ ngu thân không khác.

Người trí nên xét thân,

Không tham nhiễm thế lạc,

Không mắc, không ham muốn,

Ấy gọi chân Niết-bàn.

Như chư Phật đã nói,

Nhất tâm, nhất ý hành,

Sổ tức tu Thiền định,

Ấy gọi hành đầu-đà.

Hòa Thượng Thanh Từ

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

Không có nhận xét nào: