Ngày 24/5/2007, với 246 giờ (chính xác là 11 ngày) không ngủ, Tony Wright, 42 tuổi, người Anh, đã phá kỷ lục lập năm 1964 bởi một thanh niên Mỹ 17 tuổi - Randy Gardner. Wright cho biết thực đơn của anh chỉ toàn là “đồ sống” để giúp não bộ luôn tỉnh táo: rau salad, chuối, lê, dứa, quả hạch, các loại hạt, nước cà rốt và trà.
Mặc dù Wright đã phá kỷ lục không ngủ của Randy Gardner, nhưng Sách các kỷ lục Guinness từ chối ghi nhận thành tích này (đề mục này đã bị xóa bỏ hoàn toàn từ năm 1989) vì họ đánh giá là nó quá nguy hiểm đến tính mạng. Một số người cũng tuyên bố rằng kỷ lục của Wright cũng bị vượt qua bởi một người Phần Lan tên là Toimi Soni (276 giờ không ngủ).
Thời gian không ngủ kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Chỉ sau 5 ngày thực hiện thành tích, Wright viết trong blog của anh là anh “nhìn thấy tiên nga và yêu tinh nhảy múa” ngay trên màn hình máy tính. Thêm vào đó, anh cũng khó hiểu được ngôn từ của người khác và phồng dộp da chân do đi lại.
Hậu quả khi giấc ngủ bị tước đoạt
Mặc dù sau 264 giờ không ngủ Tony Wright không gặp vấn đề gì trầm trọng về sức khỏe, song các bác sĩ cảnh báo mọi người không nên thử làm chuyện này. Sự tước đoạt giấc ngủ kéo dài có thể gây ra một số vấn đề về thị giác, tạo ảo giác, hoang tưởng, choáng váng đầu óc, khó giao tiếp hay không hiểu được người khác, trầm uất và hại cho hệ miễn dịch.
Một số nhà khoa học đã phê phán dữ dội hành động điên rồ của Tony Wright. Tiến sĩ Chris Idzikowski, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ Edinburg tuyên bố, những thí nghiệm kiểu này chỉ có thể được tiến hành với sự trợ giúp của máy móc giám sát hoạt động của não. 24 giờ bị tước đoạt giấc ngủ có thể làm sinh ra trạng thái tựa như say rượu. Hậu quả là tai nạn giao thông xảy ra và dẫn đến những thảm họa ghê gớm. Giấc ngủ bị tước đoạt cũng là nguyên nhân của huyết áp cao, stress và mức oxy thấp trong máu.
Hiện nay có một nhóm thuốc giúp loại bỏ các hậu quả bên lề do giấc ngủ bị tước đoạt trong thời gian ngắn. Gọi là eugeroic, những chất kích thích này hứa hẹn khởi động lại năng lực nhận thức sau 36 giờ (hoặc hơn thế) không ngủ. Một số thuốc này còn được dùng để chữa chứng ngủ rũ (narcolepsy).
Các hãng dược phẩm hy vọng loại thuốc này có thể thích hợp cho một số mục đích khác, như là giúp con người tỉnh táo làm việc khi chỉ được phép ngủ vài giờ trong đêm. Tuy nhiên, chúng không thể thay thế giấc ngủ tự nhiên của con người và hiệu quả của chúng khi sử dụng kéo dài cần được nghiên cứu sâu hơn.
Giấc ngủ vô cùng quan trọng vì khi ngủ cơ bắp và tế bào chúng ta nghỉ ngơi và đổi mới giúp não bộ “lưu trữ” ký ức, cải thiện chức năng nhận thức trong suốt những giờ thức.
Con người thường cần ngủ từ 7 đến 8 giờ (em bé cần ngủ khoảng 20 giờ/ngày), song cũng có vài trường hợp ngoại lệ như Margaret Thatcher và Wilston Churchill chỉ ngủ có 4 giờ trong đêm hay ít hơn. Thú vật cũng phải ngủ: hươu cao cổ ngủ ít hơn 2 giờ mỗi ngày, trong khi con trăn ngủ suốt 3/4 một ngày.
Đến thử nghiệm thuốc chống ngủ trong quân đội
Năm 2003, nhà văn David Plotz không ngủ triền miên và cảm thấy kiệt sức. Không thể ngủ nhiều được, Plotz đi tìm giải pháp chống ngủ mà đầu óc vẫn sáng suốt để làm việc. Và Plotz bắt đầu sử dụng modafinil - dược phẩm được phát triển ở Pháp và Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép năm 1998 để điều trị chứng ngủ rũ.
Modafinil là dược chất kích thích thần kinh, cải thiện trí nhớ và làm tăng thêm sự tỉnh táo, song không giống như cocaine hay amphe -tamine. Những người bị tước đoạt giấc ngủ, từ tài xế lái xe tải đường dài cho đến binh lính, đã thử nghiệm modafinil do Cephalon tung ra thị trường với tên gọi Provinil.
Quân đội Mỹ đánh giá Provinil có hiệu quả cao đến mức đã gọi nó là “siêu dược phẩm”. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này vẫn còn đang trong vòng tranh cãi rất nhiều. Năm 2006, doanh số bán modafinil là gần 600 triệu USD. Quân đội Pháp đã sử dụng modafinil trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất, và Không quân Mỹ thử nghiệm thuốc cho phi công thực hiện nhiệm vụ xuất kích suốt 40 giờ trong chiến dịch Tự do lâu dài ở Afghanistan. Các báo cáo không chính thức cho biết binh lính Mỹ đã sử dụng modafinil khi hành quân đến Baghdad năm 2003.
Từ trước đến nay, giới quân sự sử dụng amphetamine cho phi công, nhưng loại chất này có thể gây ra nhiều vấn đề. Ví dụ năm 2002 amphetamine đã khiến cho phi công Mỹ rơi vào trạng thái lơ mơ và đã sơ suất giết chết 4 binh sĩ Canada ở chiến trường Afghanistan.
Trong khi đó, theo các nghiên cứu của Cơ quan nghiên cứu khoa học của Không lực Mỹ và Hãng dược Cephalon, chất modafinil tỏ ra hiệu quả hơn - một số người có thể thức trắng suốt hơn 90 giờ vẫn tỉnh táo.
Quân đội Mỹ rất nhạy cảm với đường ranh giới mỏng manh giữa dược phẩm “tăng cường” mà vận động viên thể thao sử dụng bất hợp pháp và “siêu dược phẩm” dùng cho binh lính - họ gọi modafinil là “dược phẩm biến đổi năng lực”.
Tom Erhard, cựu Đại tá Không quân Mỹ và người ủng hộ nghiên cứu các loại thuốc tăng cường sinh lực của quân đội Mỹ, nói: “Chúng ta quan tâm đến những gì mà các quốc gia khác làm. Ở Fallujah (Iraq), chúng ta phải đương đầu với quân nổi loạn và bọn khủng bố biết sử dụng nhiều loại chất tăng cường sinh lực khác nhau”.
Tuy nhiên, Moreno và nhiều nhà khoa học khác đang lo ngại hậu quả về lâu về dài của loại thuốc chống ngủ này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét