Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Thành Công, Nguyện lực và Sự Trì Chí

SỨC MẠNH CỦA MỘT HẠT GIỐNG

(Thành Công, Nguyện lực và Sự Trì Chí)

· Sống ở đời thì hệt như đi trên sợi dây căng giữa trời. Bạn phải chuyên tâm, một lòng hướng về phía trước mà bước. Không nên cứ quay đầu, áo não chuyện đâu đâu.

· Ðoạn đường đời thật chẳng dài lắm. Nhưng chắc chắn chẳng dễ đi. Bởi vậy, mình phải cẩn thận từng bước, đừng nên rối loạn lầm lẩn rồi đi trật phương hướng.

· Trẻ tuổi cường tráng thì huyết khí sung mãn vô cùng. Song nếu quá xung động thì chẳng sao tránh khỏi sức mòn lực kiệt. Do đó đi một chặp lại phải nghỉ mệt, khốn đốn lao nhọc hết sức mà mục tiêu thì vẫn còn xa lắc.

· Thành công thì dựa vào 1/ sức mạnh của lòng kiên nhẫn; 2/ nó cũng là kết quả của sự phấn đấu lâu dài trãi qua biết bao sự tích lũy, hàm dưỡng và hun đúc. Thành công không phải dựa vào một tí sức lực huyết khí, hay xung lực nhất thời.

· Người khéo dùng sức lực thì chẳng gấp, chẳng chậm. Người khéo giữ lý tưởng thì chẳng hung mãnh, cũng chẳng yếu hèn. Nhất chí nhắm về phiá trước, kiên định không thay lòng đổi dạ thì kết cuộc thế nào bạn cũng sẽ đạt tới mục tiêu.

· Nói về người có tài hoa đầy mình: một mặt, khi làm gì y rất dễ dàng đạt tới mục đích, rất mau chóng thành đạt ham muốn của trần thế. Mặt khác, bởi vì lòng truy cầu chẳng có giới hạn nên y vĩnh viễn không sao dễ dàng làm cho nội tâm được viên mãn. Tài hoa bấy giờ biến thành căn nguyên làm mình đau khổ.

· Mạng thì không phải đã sẵn định đoạt (như trong tử vi, tướng số). Mạng là chuyện không thể lý giải. Nhưng chắc chắn là mạng thì do nguyện lực của mỗi người định đoạt nó.

· Chuyện gì cũng từ nơi lòng quyết tâm: từ một hạt giống nhỏ mà bắt đầu.

· Là người nghèo: bạn hãy làm người chẳng nghèo chí hướng. Là người giàu: bạn hãy làm người giàu chí hướng hơn.

· Làm người: mình phải có chí hướng, tâm nguyện và niềm vui (thú vị nơi việc mình làm). Sống trên đời mà chẳng có chí hướng thì cũng như người lấy bút vẽ hình, chẳng biết vẽ gì: bên này một quẹt, bên kia một nét, rốt cuộc chẳng thành ra hình dạng gì cả.

· Không nên xem thường chính mình: bởi vì một người đều có vô hạn khả năng.

· Không nên xem thường sức lực của mình. Trên đời chẳng có chuyện gì gọi là chẳng thể làm được, mà cũng chẳng có ai được gọi là người không có năng lực. Nếu có thì cũng chỉ là người chẳng chịu làm mà thôi. Bạn như là một giọt nước nhỏ vào lu: trong khi cả lu nước là mọi người. Khi giọt nước vào lu thì nó kết hợp với nước trong lu làm thành một thể: lúc ấy không thể phân biệt được giọt nước ấy (bạn) với những giọt khác nữa.

· Bánh vẽ thì không làm bụng no. Bọt nổi trên nước thì không sao kết thành vòng đeo.

· Ðường nào hẳn cũng có người đã đi qua. Ði con đường ngàn dặm xa xăm ắt phải bắt đầu từ bước thứ nhất. Cảnh giới của Thánh nhân cũng phải bắt đầu từ phàm phu.

· Muốn giở lên thì phải hoàn toàn giở lên. Muốn vất xuống thì phải hết lòng vất xuống.

· Nhân cách của Bồ-tát thì cần chúng ta (người phàm) hoàn thành nó.

· Tâm của Phật thì chẳng có xa gần. Nguyện vọng của chúng sinh thì cũng chẳng có lớn bé. Chỉ cần mình tâm thành, ý chính thì mình có thể thành đạt được nguyện vọng.

· Mình phải làm đồng bạn của đức Phật, học làm vị đại nông phu. Nghĩa là mình canh tác làm ruộng phước cho chúng sinh khắp thiên hạ, biến miếng đất hoang dại thành mãnh ruộng đại phước.

· Sự nghiệp tế độ lợi ích chúng sinh cần dựa vào ba sức mạnh: một là tự lực, hai là Phật lực, ba là chúng duyên bình đẳng lực.

Tự lực: tức là nhân duyên phước huệ của mình. Muốn có phước thì phải gieo nhân, phải làm chuyện phước đức. Hạt giống này mình phải tự gieo lấy.

Phật lực: sau khi có tự lực, mình cần dựa vào sự gia trì của Phật lực. Mình ngưỡng xin chư Phật dùng ánh từ quang chiếu diệu, nguyện sao cho tâm mình và tâm Phật dung hợp làm một.

Chúng duyên bình đẳng lực: Phật và chúng sinh thì bình đẳng. Do đó mình phải cung kính cúng dường tất cả chúng sinh với tâm bình đẳng giống hệt như cung kính cúng dường chư Phật vậy.

· Nhiệt tâm thì dễ phát khởi. Hằng tâm (tâm kiên trì không đổi) thì khó giữ gìn. Nói suông mà không làm thì không sao thể nghiệm được chân lý. Phải thật sự bước đi trên đường đạo. Nếu bạn giữ được sự hành trì giống như khi bạn mới bắt đầu tu thì họạ may bạn có thể chứng ngộ thành Phật. (Tâm lúc mới phát, mới bắt đầu tu thì khi nào cũng dũng mãnh, hứng thú, tinh tấn, ưa thích. Nếu giữ được thái độ này hoài thì mới gọi là có hằng tâm).

· Kiên tâm trì chí thức dậy thật sớm để tu hành là một cách huấn luyện công phu tinh tấn siêng năng, không lười biếng rồi đó.

(còn tiếp)

chuavanphat.org

Không có nhận xét nào: