Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Phương Tiện Khai Thị

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

Người xưa nói :’ nếu bàn về vỉệc thành Đạo thì dễ, nhưng muốn trừ vọng tưởng thì rất khó. Đạo có nghĩa là lý, lý có nghĩa là tâm. Tâm, Phật, và chúng sanh ba cái không sai khác. Người người vốn đầy đủ, ai ai cũng có sẵn, ở nơi Thánh chẳng thêm, ở nơi phàm chẳng bớt. Nếu người biết tâm mình thì đại địa chẳng tồn tại một tấc đất. Hết thảy thế gian, xuất thế gian như phàm phu như bậc Thánh vốn nó là không. Làm gì có sanh tử ư ? Cho nên nói thành đạo vốn nó dễ. Thể của tâm này tuy diệu minh ( mầu nhiệm, sáng trong ), nhưng bị bao nhiêu thứ vọng tưởng che lấp đi nên quang minh không thể hiển hiện ; song muốn trừ bỏ cái vọng tưởng này thì chẳng dễ vậy. Trên hình thức vọng tưởng có hai thứ : Một là vọng tưởng nhẹ (khinh ), hai là vọng tưởng thô. Vọng tưởng còn chia ra hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu nghĩa là cảm được quả báo khổ hay vui ở nơi cõi trời, cõi người. Vô lậu có nghĩa là thành Phật, làm Tổ, liễu sanh thoát tử, vượt xuất ra khỏi tam giới. Vọng tưởng thô thì cảm cái quả trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vọng tưởng nhẹ là mưu tính bao nhiêu thứ việc lành, như niệm Phật, tham thiền, tụng Kinh, trì chú, lễ bái, giới sát, phóng sanh. Vọng tưởng thô cùng với 10 ác nghiệp ứng với nhau. Ý thì nổi dậy tham, sân, si ; miệng thì nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt ; thân thì làm sát, đạo, dâm. Đây là chỗ thân, khẩu, ý tạo nên 10 ác nghiệp ; trong chỗ này nặng nhẹ còn phân ra ; 10 cái ác nặng nhất thì phải rơi vào đường địa ngục. Mười cái ác trung bình thì phải đọa vào đường quỷ đói. Mười cái ác nhẹ hơn hết thì phải rơi vào đường súc sanh. Nói tóm lại không kể là vọng tưởng nhẹ hay vọng tưởng thô đều là một niệm ngay hiện tại ; mười pháp giới hiện hữu đều do một niệm này tạo nên, cho nên nói rằng : ‘ hết thảy là do tâm tạo vậy.’

Đứng trên phương diện tuyệt đối, thì bổn địa phong quang của mình không vướng mắc một sợi tơ, không ô nhiễm một chút bụi nào. Đừng nói tới vọng tưởng thô nếu chỉ có chút ít vọng tưởng nhẹ thì gốc rễ sanh tử chẳng thể dứt đặng. Bây giờ một khi mình nói trừ vọng tưởng, tức là mình mượn một câu thoại đầu hoặc một danh hiệu Phật làm cục ngói để gõ cửa : dùng vọng tưởng nhẹ để chế phục vọng tưởng thô, cũng như dùng thuốc độc công độc. Trước đem vọng tưởng thô hàng phục, chỉ còn vọng tưởng nhẹ, thì mới hợp vói đạo. Mài dũa rèn luyện lâu ngày, công phu thuần thục, tu hành tới nơi thì vọng tưởng nhẹ sau rốt cũng không còn. Chúng ta người nào cũng biết vọng tưởng là chẳng tốt, đều muốn dứt trừ nó ; tuy biết rõ vậy nhưng vẫn cố ý khởi vọng tưởng, chạy theo thói quen tập quán. Nếu gặp cảnh nghịch thì vẫn nổi dậy vô minh phiền não, ngu si, đến nỗi tham ăn lười biếng, cầu danh, tham lợi, nghĩ ngợi dâm dục v.v…bao nhiêu thứ vọng tưởng nầy đều nổi dậy. Đã biết rõ vọng tưởng là chẳng tốt mà chẳng vất bỏ nó được.Vì sao ? Vì rằng từ vô thủy kiếp đến nay, thói quen hun nhuộm rất nặng nề sâu đậm thành ra tập quán, giống như chó ưa ăn phân vậy. Dù các vị cho chó thức ăn ngon, khi chúng ngửi mùi phẩn thì vẫn muốn ăn phẩn. Đây là tập quán đã thành ra tánh của nó. Có câu chuyện kể rõ người xưa làm sao cắt đứt vọng tưởng.

Thiền Sư Pháp Đường ở chùa Đại Mai ban đầu viếng Mã Tổ, hỏi Tổ : ‘ Thế nào là Phật ?’ Tổ đáp : ‘ Tức tâm tức Phật.’ Sư liền đại ngộ, bèn đi tới đất Tứ Minh, nơi Mai Tử Chân ở khi trước, cất một cái cốc ở đó tĩnh tu. Tổ nghe được Sư trụ trên núi này, bèn sai một vị Tăng đến hỏi : ‘ Hòa Thượng yết kiến Mã Đại Sư được cái gì mà trụ ở núi này ?’ Sư đáp : ‘ Mã Đại Sư nói tức tâm là Phật, tôi bèn về chỗ này trụ.’ Vị Tăng nói :’ Mã Đại Sư gần đây Phật Pháp của Ngài lại khác.’ Sư hỏi :’ khác làm sao ? ‘ Vị Tăng đáp :’ Mã Đại Sư lại nói chẳng phải tâm chẳng phải Phật.’ Sư nói :’ Ông già này hoặc loạn người ta biết ngày nào xong. Mặc ổng nói chẳng phải tâm chẳng phải Phật, tôi thì chỉ tâm tức là Phật.’ Vị Tăng kia trở về thuật lại việc này cho Mã Tổ nghe, Tổ nói :’ Trái mai đã chín rồi vậy.’ Hồi xưa hành động của các Tổ trực triệt liễu đương biết bao nhiêu. Những cái này đều dạy người ta dứt trừ vọng tưởng. Hiện nay tôi và các vị xuất gia hành cước tham Thiền học Đạo chỉ vì vấn đề sanh tử chưa được liễu thoát. Do đó mình nên phải sanh tâm vô cùng hổ thẹn. Rằng :

‘Giả sử vòng lửa nóng

Cháy phừng trên đầu tôi

Quyết không vì khổ ấy

Thối lui Bồ Đề tâm. ‘

Bồ Đề tức là Giác, giác tức là Đạo, Đạo tức là Diệu Tâm. Phải biết tâm này vốn tròn đầy không có thiếu khuyết thứ gì. Do vậy mình phải nhìn tự tánh mà tìm cầu. Phải tự mình phát tâm thì ngay đến Đức Thích Ca Như Lai hiện thế sợ rằng Ngài cũng chẳng biết làm sao độ được các vị..Ở trong sáu thời ngày đêm, đừng phân biệt đi, đứng, nằm, ngồi, động, tĩnh ; xem chúng là một vì nó gốc vốn là như như. Vọng tưởng chẳng sanh thì lo gì chẳng liễu sanh thoát tử. Nếu chẳng làm như thế thì là bận rộn vất vả từ sáng tới tối, từ sống đến chết, lãng phí thì giờ. Tuy một đời tu hành mà rốt cuộc cực khổ, không có thành quả. Đến tháng chạp ngày 30 tới, (tức khi chết – thiền ngữ ) khi khát mới đào giếng thì trở tay chẳng kịp, ăn năn thì đã muộn. Lời tôi nói đây tuy là cổ hủ, những hy vọng mọi người tự mình dụng tâm hiểu một cách rõ rang lời cổ hủ này.

Lão Hòa Thượng Hư Vân

Không có nhận xét nào: