Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

PHQN 5

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.

HỌC PHẬT QUẦN NGHI

(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)

Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

28 - Làm thế nào để phân biệt ma cảnh với sự tiếp dẫn lúc lâm chung ?

Kinh Kim Cương có câu : "Phàm là có tướng, đều là hư vọng". Đó là vì thực tướng là không có tướng, cho nên cõi Tịnh độ thuộc lĩnh vực nội tâm, chứ không phải thuộc về ngoại giới. Đó là cõi Tịnh độ của loài người và loài trời, chứ không phải là các cõi Phật siêu việt ngoài ba cõi.


Vì vậy, từ xưa các bậc đại-đức cho rằng cõi Cực-lạc của Phật A-di-đà là cõi phương tiện, là nơi phàm tính cũng ở, chứ không phải là cõi Phật thực sự. Nhưng vào đời nhà Đường có đại sư Thiện Đạo cho rằng, cõi Cực-lạc phương Tây hình thành trên cơ sở lời nguyện của Phật A-di-đà là cõi nước thực báo trang nghiêm của Phật. Người phàm phu nếu không tu hành chứng được thực tướng vô tướng để vào cõi nước thực báo của Phật thì vẫn có thể dựa vào sức mạnh lời nguyện của Phật A-di-đà, mang theo nghiệp mà vãng sinh đến cõi Cực-lạc, nhưng không thấy được báo thân của Phật và chỉ thấy được hóa thân của Ngài mà thôi. Như vậy tức là ngay trong cõi thực báo vô tướng của Phật vẫn có tướng hóa thân.

Còn về vấn đề Phật và Bồ Tát tiếp dẫn người vãng sinh thì đó là có tướng. Mà đã có tướng thì là hư vọng, và đã là hư vọng thì cầu vãng sinh để làm gì ? Đó là vì nếu không vãng sinh thì sẽ phải ở lại cõi đời ô trọc này, không tránh khỏi tạo nghiệp làm ác. Hoàn cảnh ở cõi Sa-bà rất ác liệt, lành ít dữ nhiều như mẹ Mạnh Tử, phải ba lần dời chỗ con mình mới có hoàn cảnh giáo dục tốt. Đạo lý cầu vãng sinh Tịnh độ cũng là như vậy.

Làm thế nào để phân biệt Phật, Bồ Tát đến tiếp dẫn với cảnh ma quấy rối? Chỉ có thể phân biệt vấn đề này trong cuộc sống bình thường hàng ngày, chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà, nguyện vãng sinh về cõi Cực-lạc, lại kiêm tu phúc, giữ giới, tu định, tu tuệ, thì tự nhiên khi lâm chung sẽ được Phật A-di-đà, Bồ Tát Quan Thế Âm và Thế Chí đến tiếp dẫn. Ngược lại, nếu nhận thức lầm cõi nước Cực-lạc của Phật A-di-đà cũng là cõi nước ô trọc, dơ bẩn, xem Phật A-di-đà cũng là một loại quỷ thần bao che tội ác cho mình, với lòng tham cầu sinh ở Tây phương, với lòng sẵn giận ghét cõi Sa-bà này, với cái tâm ngu si luyến tiếc những vật ngoài thân của mình : vợ con, cha mẹ, quyến thuộc tài sản, sự nghiệp, địa vị, tuy lúc lâm chung muốn cầu được đến nước Cực-lạc thì bản ý đã trái ngược với bản nguyện của Phật A-di-đà rồi nên đến khi đó rất có khả năng là ma quỷ hiện hình Phật, Bồ Tát để lừa dối họ. Trong trường hợp này, biện pháp duy nhất có thể dùng là mời các vị thiện tri thức có duyên với mình đến giúp đỡ, khai ngộ, niệm Phật, tạo trợ duyên lành xua đuổi ma quỷ đến quấy phá.

29. Thân trung ấm là gì ?

Trung ấm cũng gọi là trung uẩn, hay trung hữu. Sách Phật gọi ấm hay uẩn là chỉ sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn). Năm uẩn hay năm ấm là năm nhóm nguyên tố tạo thành chúng sinh trong ba cõi. Ấm là từ dịch cũ, từ đời nhà Đường trở về trước. Uẩn là từ dịch mới sau đời Đường. Chúng sinh trong ba cõi cũng gọi là 25 hữu. Hữu (tồn tại) chính là năm uẩn. Vì bị năm uẩn làm cho nguy khốn, hạn chế nên không vượt khỏi ba cõi. Giải thoát khỏi vòng sinh tử tức là vượt khỏi ba cõi của năm uẩn.

Trong dân gian Trung Quốc có câu "Vượt ra khỏi ba cõi, không còn ở trong năm hành". Câu này đổi khái niệm uẩn của Phật giáo thành năm hành : kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (ngũ hành). Thật ra ngũ hành tương sinh tương khắc thuộc về thế giới vật chất (tương sinh và xung khắc nhau). Sắc uẩn trong năm uẩn của Phật giáo bao quát cả năm hành rồi. Bốn uẩn còn lại thuộc thế giới tinh thần. Sự kết hợp tinh thần với vật chất tạo ra hiện tượng hoạt động của chúng sinh trong ba cõi.

Theo luận "Câu xá", quyển mười thì thân trung ấm chữ Phạn có năm nghĩa: ý sinh thân, cầu sinh, ăn hương liệu, trung hữu, sinh khởi.

Ý sinh thân là do tâm ý cầu có tái sinh thân. Cầu sinh là thường xuyên tìm kiếm nơi có thể tái sinh. Ăn hương liệu là tự duy trì mình nuôi sống mình bằng các món ăn thơm tho mình ưa thích. Trung hữu là ở vào thời gian quá độ giữa chết và tái sinh. Khởi là xuất hiện sau khi thân đời sống trước chết đi.

Thân trung ấm có phúc báo tốt thì được ăn loại hương liệu tốt. Thân trung ấm "vô phúc" thì phải tự nuôi dưỡng bằng thức ăn hôi thối. Nói chung, thân trung ấm thấy được những sự vật mà mắt thịt của người sống không thấy được.

Về thân trung ấm tồn tại bao lâu thì có nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết nói thân trung ấm tồn tại cho tới khi nào tái sinh, dù lâu bao nhiêu cũng gọi là thân trung ấm. Có thuyết nói thân trung ấm chỉ tồn tại có bảy ngày, chết rồi mang một thân trung ấm khác, cho đến khi tái sinh rồi mới thôi.

Thuyết được nhiều người chấp nhận nhất là thuyết của "Đại tỳ bà sa luận", cho rằng thân trung ấm chỉ tồn tại trong 49 ngày. Vì vậy mà có tục lệ làm Phật sự như cúng trai, bố thí, làm công đức để siêu độ vong linh trong thời gian 49 ngày sau tang lễ. Cúng vong linh 49 ngày trở thành một truyền thống tín ngưỡng Phật giáo.

Thực ra, chúng sinh trong ba cõi sau khi chết đều trải qua một thời kỳ của trung ấm, trước khi tái sinh vào một thân khác. Chỉ có chúng sinh ở cõi vô sắc giới thường xuyên ở trong cảnh thiền định, không có sắc uẩn, nên không có thân trung ấm. Theo Kinh "Đại bảo tích" quyển 56 (Hội nhập thai tạng), thì thân trung ấm của chúng sinh từ địa ngục có dung mạo xấu xí như củi khô bị thiêu cháy. Thân trung ấm của chúng sinh chuyển từ loài súc sinh có dung sắc như khói đen. Thân trung ấm của chúng sinh chuyển từ giới quỷ đói có dung sắc như nước, thân trung ấm của chúng sinh cõi người và cõi trời có dung sắc màu vàng, thân trung ấm của chúng sinh chuyển từ cõi sắc giới có màu trắng đẹp. Do vậy, hình trạng của thân trung ấm có thể có hai tay, hai chân bốn chân, nhiều chân hay không có chân đều do hình tướng của chúng sinh ở đời trước mà hình thành. Luận "Câu xá" quyển 9 cho biết, thân trung ấm của người thuộc dục giới có thân như của cậu bé 5, 6 tuổi, thân trung ấm của vị Bồ Tát ở cõi dục giới có thân như thân của người tráng niên với tướng mạo đẹp đẽ, khi nhập thai và sinh ra đều có hào quang chiếu sáng. Thân trung ấm của cõi trời thuộc sắc giới có thân hình tròn đầy như khi còn sống. Theo "Đại thừa Nghĩa Chương" quyển 8, chúng sinh ở hai cõi dục giới và sắc giới nói chung đều có thân trung ấm. Chỉ riêng loại chúng sinh thượng thiện (thiện bậc cao) hay chúng sinh cực ác, sau khi chết hoặc vãng sinh Tịnh độ, hay là chết có thân trung ấm. Chúng sinh phạm tội ngũ nghịch bị đọa ngay cõi ác, không có thân trung ấm.

Lại theo cuốn "Giải thích các mối nghi ngờ về vãng sinh Tịnh độ" quyển 2, cũng có hai cách giải thích : Một là vãng sinh Tịnh độ không có thân trung ấm vì sau khi chết lập tức hóa sinh vào cõi thanh tịnh nên có thân trung ấm. Nhưng thân trung ấm đó vượt mười vạn ức Phật độ, chỉ trong thời gian búng ngón tay, và trung ấm đó được nuôi dưỡng bằng hương thơm cõi Phật.

Như vậy, căn cứ vào kinh luận đã dẫn trên đây, tất cả chúng sinh ở cõi dục giới và sắc giới, ngoài những chúng sinh cực thiện hay cực ác ra, đều có thân trung ấm. Trong giai đoạn thân trung ấm, chúng không thuộc bất cứ một cõi sống nào. Nhưng khi đã có nhân duyên chín muồi thì chúng tái sinh, hoặc theo hình thức thai sinh hay hóa sinh v.v…

Nhưng trước khi tái sinh vẫn có phương pháp giúp cho có thể tái sinh theo hướng tốt. Các phương pháp đó là được nghe Phật pháp, có người thân vì mình mà bố thí, cúng dường, làm công đức v.v… có thể ảnh hưởng tới hướng đầu sinh của thân trung ấm. Ngược lại, nếu gây oán hoặc nghiệp chướng nặng nề, lại do tác động xấu của người thân hay kẻ thù, thân trung ấm có thể vì đó mà đọa vào con đường ác. Vì vậy, mà Phật giáo ở Tây Tạng rất chú ý biện pháp siêu độ thân trung ấm. Hiển giáo cũng chú trọng hộ niệm và siêu độ trong vòng 49 ngày. Còn Phật pháp cứu độ thân trung ấm thì nên mời thân trung ấm nghe Phật pháp, rũ bỏ mọi oan kết trong tâm của thân trung ấm, giảm bớt phiền não, lấy sức mạnh của Phật pháp khiến cho quỷ thần có duyên được hoan hỉ v.v… Nhờ tất cả những công đức ấy mà kết thiện duyên, giúp cho thân trung ấm được siêu độ.

Còn đối với những người thượng thiện hay cực ác không có thân trung ấm thì cũng dễ hiểu. Cũng như người học giỏi, tốt nghiệp xong, có thể cử đi học nước ngoài ngay hoặc là có cơ quan, xí nghiệp mời ra làm việc ngay, không phải chờ đợi thu xếp công tác. Trái lại, có người sống làm nhiều điều ác, lúc chết, tái sinh làm gia súc, làm bò, làm gà, dê rồi nhất định sẽ bị giết thịt. Nếu tích đức làm thiện, có niềm tin sâu sắc, có sức phát nguyện kiên cường thì nhất định không phải lo sợ đọa vào ba cõi mà có thể vãng sinh Tịnh độ. Đối với người tu hạnh Bồ Tát cũng vậy, dù có vãng sinh Tịnh độ hay ở cõi Sa-bà, thì khi lâm chung, không có chuyện bàng hoàng chờ đợi mà lập tức hóa sinh ở các cõi Phật hay là tái sinh vào các cõi lành để tiếp tục tu hạnh Bồ Tát, không cần có thân trung ấm, cũng không cần có ai tổ chức siêu độ cho mình.

30– Thuyết anh linh (trẻ con chết non) gây họa có căn cứ không ?

Mấy chục năm lại đây, ở Đài Bắc cũng như ở các khu vực khác có người Hoa ở đã lưu hành truyền thuyết tín ngưỡng Anh Linh. Anh Linh là linh hồn trẻ con chết do người mẹ bị lưu sản, hoặc chết trong bụng mẹ, hoặc lọt lòng mẹ vài ngày rồi chết. Người ta cho rằng nếu anh linh không được siêu độ, thì nó sẽ dùng nhiều phương thức, hiện tượng để làm hại thân thuộc, báo oán với người nó có oán thù v.v… làm cho gia đình bất an, xã hội khủng hoảng. Tất cả những điều đó đều là những hậu quả, những gánh nặng tinh thần sinh ra từ sự tiết dục, từ việc người phụ nữ có mang trước khi kết hôn hoặc không kết hôn.

Vì vậy mà có một số nhân sĩ liên tục đăng quảng cáo trên báo chí về việc cúng dường anh linh, siêu độ anh linh để trừ bỏ mọi chướng ngại, nguy hiểm do anh linh gây ra và dẫn chứng cuốn sách "Trường thọ kinh". Lại có người tuyên bố có thể dùng phù chú biến anh linh thành lính trẻ con để dùng làm thám tử đi dò la chuyện riêng tư của người khác, cung cấp tin tức thậm chí có thể sai kiếm lính trẻ con giết người ở ngoài ngàn dặm mà không để lại dấu vết gì. Loại truyền thuyết như vậy, tất nhiên không phải là của đạo Phật, cũng không phải là loại tín ngưỡng đã từng lưu truyền ở một thời đại lịch sử nhất định hay một khu vực nhất định.

Từ khi thuyết anh linh được lưu truyền đến nay, ngoài cha mẹ và gia đình của những phụ nữ bị lưu sản gặp khó khăn, cũng có một số người gặp phải một vài hiện tượng kỳ dị về tinh thần hay vật chất, bèn nghi ngờ đó là quỷ thần can thiệp hay là anh linh tác quái, tựa hồ trong không gian sống của chúng ta nơi nào cũng có anh linh chờ cơ hội để ra tay, làm hại người. Thật ra, theo quan điểm Phật giáo, mọi người đều bình đẳng, sinh mạng của người tuy có dài, có ngắn, nhưng chết rồi ai cũng giống nhau, người lớn hay trẻ con sau khi chết đều có thân trung ấm. Sau 49 ngày, họ đều chuyển sinh, hoặc làm người, hoặc lên cõi trời, hoặc làm quỷ thần, làm chúng sinh ở địa ngục, không có chuyện anh linh của trẻ con chết, tác oai tác quái giữa loài người.

Đúng là có một số người loạn tưởng thấy gà hóa quốc cho rằng bản thân đã thấy hiện tượng oan hồn của anh linh nên luôn bị ám ảnh. Nhưng đó chủ yếu là do nhân tố tâm lý tạo nên. Cho dù có thần lực từ bên ngoài quấy phá cũng không thể khẳng định đó là do anh linh tác quái.

Người ta lo sợ đối với thuyết anh linh có thể là do quan điểm tâm trạng thiếu nhi. Trẻ con không hiểu biết thì hài nhi lại càng không biết, khi nó làm ồn thì cha mẹ la. Nếu hài nhi suốt ngày khóc, đêm không ngủ mà lại không phải vì bụng đói thì phải có người bế nó, săn sóc, vỗ về nó. Giả sử có chuyện anh linh quấy nhiễu, thì anh linh đã không biết gì, dù có tụng kinh, thuyết pháp nó cũng không hiểu, không cảm hóa được nó.

Trước tình hình đó, có một số kẻ đầu cơ trục lợi, rêu rao rằng họ có pháp thuật siêu độ đặc biệt có thể giải quyết vấn đề anh linh. Theo kinh Phật thì chúng sinh từ khi chết cho đến lúc tái sinh, trải qua giai đoạn thân trung ấm, hình thù giống như khi còn sống, nhưng có phần nhỏ hơn. Hài nhi vốn đã không biết gì, thân trung ấm của hài nhi làm sao mà trả cừu trả oán được. Thậm chí, kết thúc giai đoạn thân trung ấm, hài nhi có thể tái sinh làm quỷ thần và thường có thần thông, thân thể nhẹ nhõm, rất dễ dàng cảm ứng và cảm hóa. Do vậy, tuyệt đối không được xem hài nhi sau khi chết như những hung thần ác quỷ.

Theo tri thức phổ thông của đạo Phật thì dù người già hay trẻ, tuổi nhiều hay ít, sau khi chết, họ hàng thân thích nên tổ chức cúng dường Tam Bảo, cầu cho vong linh người chết được sinh vào cõi lành hay vãng sinh Tịnh độ. Không có pháp môn riêng biệt nào dành riêng để siêu độ cho vong linh hài nhi và trẻ con chết.

Còn cuốn "Phật thuyết trường thọ kinh" kể chuyện Phật thuyết cho một phụ nữ, do vấn đề gia đình mà giết đứa con mình đã hoài thai 8 tháng. Phật nói với bà ta : "Tội sát thai cũng nặng như tội giết cha, mẹ, giết La hán, làm Phật chảy máu và phá hòa hợp Tăng vậy. Muốn sám hối tội thì phải thọ trì cuốn "Trường thọ kinh" này, hãy chép lại, đọc tụng, hoặc tự mình chép, hoặc nhờ người chép, như vậy sẽ không chịu tội báo mà còn được sinh ở cõi Trời Phạm Thiên". Kinh này cũng không nói đến vấn đề siêu độ anh linh. Cuốn kinh nhấn mạnh phải bảo vệ thai, xem sát thai là tội nặng ngang với 5 tội ngũ nghịch. Nhưng kinh này, vì không thích hợp, nên không lưu hành ở nước ta.

Ngoài ra, có truyền thuyết nói ở Nhật bản, có chuyện anh linh cầu xin Bồ Tát Địa Tạng siêu độ. Chuyện này cũng không phù hợp với lịch sử tín ngưỡng Bồ Tát Địa Tạng. Trong dân gian Nhật bản, chỉ từ thế kỷ 11 trở đi, mới có ghi tập tục thờ ảnh Địa Tạng để cầu trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Dần dần, trong dân gian, người ta biến Địa Tạng thành vị thần bảo hộ hài nhi, nhưng việc này cũng không có quan hệ gì với việc anh linh tác quái cả.

Phong trào cầu siêu độ cho anh linh hiện nay dù là có thiện ý hay là vị trục lợi, đều không quan hệ gì tới truyền thống Phật giáo cả.

31- Quan điểm của Phật giáo đối với linh môi ?

Từ thời cổ đại, linh môi là nam thì gọi là ông đồng (Wizard), là nữ thì gọi là bà cốt (Witchi). Danh từ tôn giáo gọi là thầy phù thủy (sorcier) cũng gọi là pháp sư chữa bệnh (medicine man), gọi là thuật sĩ (magician). Ở Xibêri và Bắc Á, ở Alasca, gọi là Shaman. Các danh từ trên nhằm chỉ một loại người tin là có thần thông, có thể tiếp xúc với quỷ, với thần v.v… Họ có khả năng dùng quỷ thần này để xua đuổi quỷ thần khác hoặc là để nhờ quỷ thần giúp đỡ cho những người nhất định, giúp họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống hằng ngày hay là đáp ứng những ước muốn của họ. Vì vậy, đối với những nhược điểm tâm lý hay sinh lý của con người, họ có những quan hệ hiểu biết nhất định. Từ khi có loài người đến nay đã có sự hoạt động của họ.

Loại linh môi cao cấp được gọi là Tế sư, là Tiên tri, Thiên sứ, hay là Thánh và họ trở thành trung tâm của tín ngưỡng các tín đồ tôn giáo.

Vào thời kỳ đạo Gia-tô chiếm ưu thế ở châu Âu, các linh môi ông đồng bà cốt thuộc các đạo giáo khác đều bị tiêu diệt gần hết. Ở Trung Quốc, bọn phù thủy, bà cốt ông đồng thường hay tác oai tác quái, là nguồn tai họa của nhân dân, cho nên Khổng Tử có chủ trương không bàn tới "quái lực loạn thần". Vì sao gọi linh môi là "quái lực loạn thần" ? Đó là vì sức mạnh linh thiêng của chúng không xuất phát từ một lý do nào hết, thế giới quỷ thần không có một tiêu chuẩn đạo đức hay trật tự nhất định nào hết. Thông thường chúng nó dạy người làm điều thiện nhưng một khi có mâu thuẫn, xung đột quyền lợi với bọn phù thủy và linh môi thì chúng phao đồn, bịa đặc mọi chuyện, làm điên đảo phải trái, mê hoặc nhân tâm. Vì vậy, cho nên từ xưa đến nay tín ngưỡng linh môi của tôn giáo dân gian ở Trung Quốc tuy có lúc chìm lúc nổi, nhưng chưa bao giờ thịnh đạt cả. Theo lập trường Phật giáo làm điều thiện, tích lũy phúc đức là nhờ giữ giới, bố thí mà được phúc báo ở cõi Trời, cõi người. Theo quan điểm nhân quả thì gieo nhân lành được quả lành, gieo nhân ác được quả ác. Nếu gặp tai nạn, mắc bệnh v.v… thì phương pháp tốt nhất là sám hối, tích đức giữ tin lành, nói lời hay làm việc tốt. Đó là nhờ tu phúc, làm lành mà được che chở, phù hộ của chư Phật, Bồ Tát và các thiện thần hộ pháp chứ không cần thông qua linh môi, để nhờ quỷ lành đuổi quỷ dữ, thần lành đuổi thần ác.

Linh môi đúng là có tác dụng nhưng tác dụng của nó chỉ là tạm thời giống như khoét thịt mình đắp vào vết thương của mình vậy, chứ không phải thực sự giải quyết được vấn đề. Cầu sự giúp đỡ của linh môi, nhìn bề ngoài thì hình như vấn đề được giải quyết, nhưng thực chất thì mâu thuẫn, vết thương ngày càng được khoét sâu thêm, cũng như hút thuốc phiện hay chích moócphin, càng say càng đắm. Những người dân bình thường nhiều khi rất khó tỉnh táo trong vấn đề này. Cũng như con cá kình ngoài biển, tìm không ra thức ăn phải gặm cái sừng của mình cho đỡ đói. Đó là biện pháp khi không tìm ra biện pháp. Đó là con đường chết bởi vì làm trái với quy luật nhân quả và quy luật tự nhiên.

Cầu linh môi, đôi khi cũng gặp may nhưng đó chỉ là huyễn giác mà thôi. Người học Phật không những không được làm linh môi, cũng không được gần gũi với linh môi, mà phải dựa vào sự chỉ đạo của Phật pháp, tự mình nỗ lực, tránh ác, hướng thiện, tự mình tạo ra tiền đồ sáng lạn cho mình.

Sức mạnh của linh môi là đến từ quỷ thần, mà quỷ thần đi đến không lường, khi cầu được vị thần này, khi cầu được vị thần kia. Nếu quỷ thần bỏ linh môi mà đi, thì linh môi trở thành bất lực, vô năng hơn cả người bình thường nữa. Linh môi bình thường đã giúp người trị bệnh, tiêu tai, trừ loạn v.v… Nếu bỗng chốc quỷ thần bỏ linh môi mà đi, thì linh môi lập tức chịu ác báo trừng phát. Chính vì sợ quỷ thần bỏ đi nên linh môi thường xuyên bày đặt mọi phương tiện, nghi thức để thỉnh cầu quỷ thần, nhằm mục đích quỷ thần phù hộ.

32 - Quan điểm của Phật giáo đối với thần thông và quyền năng siêu nhân

Phật giáo thừa nhận có phép thần thông. Phàm phu cũng có thể chứng được năm phép thần thông. Bậc Thánh xuất thế chứng được sáu phép thần thông (lục thông). Đức Phật có ba minh, sáu thông.

Năm thần thông là : Túc mạng thông, biết được đời sống quá khứ. Hai là Thiên nhãn thông, biết được đời vị lai, thấy được xa ngoài tầm nhìn của mắt thịt. Ba là Tha tâm thông, biết được hoạt động tâm niệm của người khác. Bốn là Thiên nhĩ thông, nghe được những âm thanh ngoài tầm nghe bình thường. Năm là Thần túc thông, tức là có thể bay nhanh, bay xa, đi lại trong nháy mắt. Năm phép thần thông nói trên đều là phép hữu vị, hữu lậu, do trình độ dụng công mà phạm vi hoạt động có thể rộng hẹp, thời gian duy trì có thể dài hay ngắn khác nhau. Năm thần thông không có quan hệ với đạo giải thoát, tất nhiên đó cũng không phải là đạo Bồ Tát. Vì vậy, bậc Thánh phải cầu cho được Lậu tận thông.

Lậu tận thông là phá được ngã chấp chứng được Niết-bàn. Tiểu thừa là A-la-hán, đại thừa là Bồ tát sơ địa, và từ Thất địa, trở lên. Chỉ có Phật là chứng được ba minh tức là Thiên nhãn minh, Túc mạng minh và Lậu tận minh.

Đó là vì chỉ duy nhất có sức mạnh thần thông của Phật là triệt để, cứu cánh, viên mãn, vô ngại, là phương tiện để độ chúng sinh chứ không phải để thi thố phép lạ. Một số người tu ngoại đạo, nhờ cảm ứng với quỷ thần mà sai khiến được quỷ thần hay là bị quỷ thần sai khiến, cho rằng chứng được ba minh sáu thông. Đó là điều hết sức ấu trĩ và nguy hiểm.

Thần thông đòi hỏi những phép tu nhất định. Có phép thần thông nhờ tu định mà chứng được. Có phép thần thông nhờ trì chú mà chứng được. Tu định mà chứng được thần thông, trước hết là nhờ tập trung sức chú ý, tăng cường sức mạnh của tâm, dùng tâm niệm làm cho các quan năng của thân mình tiếp xúc, giao tiếp với từ lực và điện năng của vũ trụ, đạt tới một trình độ nào thì phát sinh ra thần thông. Mọi việc đều diễn ra trong thế giới vật chất. Không có điều kiện vật chất, phép thần thông sẽ không thể thi thố, biểu hiện được, cũng không thể luyện thành được. Cho nên, nói cho đúng đạo lý thì các nhà duy vật cũng có thể chứng được thần thông.

Còn trì chú mà chứng được thần thông là nhờ trì một câu chú hay là trì một số câu chú nhất định mà cảm thông với quỷ thần, sai khiến quỷ thần hay bị quỷ thần sai khiến. Sức mạnh của chú như chúng tôi đã giới thiệu ở một chương riêng, là ở chỗ nó đại biểu cho uy lực của một số quỷ thần nhất định nên trì chú có tác dụng cảm ứng những quỷ thần đó.

Nếu so sánh hai loại biện pháp chứng được thần thông trên đây thì có thể kết luận : Trong biện pháp thứ nhất nếu định lực sút kém thì phép thần cũng mất. Trong biện pháp thứ hai nếu quỷ thần bỏ đi hoặc nếu phạm điều cấm kỵ thì phép thần thông cũng mất. Sức mạnh của quỷ thần có thể biểu hiện theo hai phương thức : một là dựa vào quán năng thần kinh của người mà xuất hiện. Hai là thông tin nói nhỏ vào tai người. Phương thức thứ nhất và thứ hai đều do cảm ứng mà được, chứ không phải tự mình chứng được thần thông. Những phương thức cảm ứng thông qua quan năng thần kinh dễ làm cho người ngộ nhận là mình có thần thông.

Bởi vì, thần thông không thể đi ngược lý nhân quả, không thể thay đổi những sự việc đã rồi, mà chỉ có thể dự báo được tin tức tương lai hoặc tin tức từ nơi xa. Do đó, mà chỉ có khả năng tạm thời chống đỡ hay lẫn tránh sự cố. Thần thông cũng chỉ là một trong những hiện tượng tự nhiên, không thể đi ngược với quy luật tự nhiên. Vì vậy mà người có phép thần thông, ngoài việc làm những việc dị lạ để mê hoặc người ra, không thể giúp ích gì cho tình hình hỗn loạn của xã hội, cũng không làm cho nhân tâm bớt phần lo lắng bàng hoàng. Ngược lại, người đam mê phép thân thông sẽ tách rời cuộc sống bình thường. Vì vậy, khi còn tại thế, Đức Phật không cho phép đệ tử lạm dụng phép thần thông. Các đệ tử A-la-hán, không phải vị nào cũng có thần thông. Dùng thần thông có thể nhất thời cảm hóa chúng sinh, nhưng không thể nhiếp hóa chúng sinh lâu dài được. Trong hàng ngũ tỳ-khiêu giỏi thần thông nhất có Đại-Mục-Kiền-Liên. Trong hàng ngũ tỳ-khiêu-ni, thần thông đệ nhất là Liên-Hoa-Sắc. Thế nhưng, Tôn giả Mục-Kiền-Liên bị ngoại đạo dùng gậy đập chết. Còn Tỳ-khiêu-ni Liên-Hoa-Sắc thì bị gậy sắt của Đề-Bà-Đạt-Đa đánh chết. Chính vì vậy mà các vị Tổ-sư qua các đời ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc đều rất ít dùng thần thông để truyền bá Phật giáo.

Như mọi người đều biết, tại cao nguyên Tây Tạng trong núi cao rừng sâu, có những người tu theo Phật giáo, tập thiền định và chứng được các phép thần thông. Trong họ, có người có khả năng gọi gió, làm mưa, rắc hạt đầu thành binh tướng, có thể phi kiếm chém chết người ở cách xa muôn dặm. Thế nhưng, trong lịch sử của Phật giáo Tây Tạng đã xảy ra pháp nạn một vài lần, Phật giáo bị bài xích và tiêu diệt, thần thông mất hiệu nghiệm.

Ngay ở Đài Loan, hiện nay cũng không ít người chứng được ba minh sáu thông, thế nhưng đảo này hầu như năm nào cũng có bão tố động đất, lũ lụt và những tệ nạn lưu manh trộm cướp, thổ phỉ gây rối loạn cho xã hội. Các vị có phép thần thông đã làm gì cho Đài Loan sống an bình, tránh được thiên tai.

Xem thế mới biết, sức mạnh của nghiệp, cộng nghiệp và biệt nghiệp, là khó chống đỡ. Mê tín phép thần thông của quỷ thần chỉ làm cho tình hình càng khó khăn phức tạp thêm, tài sản càng bị tổn thất nhiều thêm, hao tốn nhiều thời gian và tinh lực hơn. Vì vậy, mà Khổng Tử không chịu nói chuyện "Quái lực loạn thần". Trong thời đại xã hội văn minh và trí thức phổ cập ngày nay, phải lấy Phật giáo chính tín để mở mang trí tuệ, không nên đam mê phép thần thông kỳ lạ. Bởi vì, trên thực tế đó cũng chỉ là huyễn thuật của hiện tượng quỷ thần mà thôi.

33 - Ngũ nhãn (năm con mắt) là gì ?

Chúng ta thấy trên một số ảnh, tượng Phật giáo có những mặt người có ba con mắt, tức là ở giữa hai mắt có thêm một mắt nữa. Thực ra, người không thể có ba mắt. Con mắt thứ ba chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nghĩa là ngoài hai mắt thật ra, còn có mắt của tâm (tâm nhãn). Ý nghĩa của tâm nhãn có sâu có nông. Ý nghĩa nông cạn của tâm nhãn chỉ hoạt động tư tưởng của con người thông thường. Về ý nghĩa thâm sâu của tâm nhãn thì phải nói ngũ nhãn (năm mắt). Theo thuyết ngũ nhãn thì ngoài con mắt thật ra, còn có bốn loại tâm nhãn nữa, với trình độ cao thấp khác nhau.

Cái gọi là ngũ nhãn, chỉ các loại công năng khảo sát sự vật và hiện tượng từ đầu đến cuối, từ gốc đến ngọn trong quá trình tu đạo, từ địa vị phàm phu cho tới quả vị Phật. Có người gọi mắt là cái cửa trí tuệ, là cửa sổ của linh hồn. Con mắt giúp phân biệt sự vật, tăng trưởng tri thức. Công phu tu trì càng cao thì phạm vi của tâm nhãn càng mở rộng. Mắt thật của phàm phu là do cha mẹ sinh ra, nên tầm nhìn, phạm vi nhìn bị hạn chế. Những vật quá nhỏ, quá lớn, quá xa, quá gần đều không nhìn thấy, sáng quá hay tối quá cũng không nhìn thấy. Nếu chứng được thiên nhãn thì trong thế giới vật chất, có thể nhìn một cách tự tại, không bị hạn chế bởi khoảng cách, thể tích và ánh sáng.

Các cõi Trời cũng có thứ bậc, trình độ cao thấp được chia thành Địa Cư Thiên, Không Cư Thiên và Thiền Định Thiên. Loài Trời ở các cõi Địa Cư Thiên tức là các loại quỷ thần phúc đức đối tượng của tín ngưỡng dân gian. Bốn Thiên Vương, các Thiện Thần ở cõi Trời Đao Lợi, các loài trời ở các cõi trời Không Cư Thiên tức là các cõi trời thiện thần dục giới từ Dạ Ma Thiên đến cõi trời Tha Hóa tự tại. Còn Thiền Định Thiên gồm 22 cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới. Thứ bậc và trình độ càng cao thì công năng của thiên nhãn càng lớn. Nói công năng của thiên nhãn thì ngoài việc không có sự hạn chế càng không có sự ngăn cách chướng ngại, không cần có ánh sáng phản chiếu mà chỉ cần tác dụng sức tinh thần mà thôi. Thiên nhãn nhờ tu chứng mà có hay nhờ phúc báo mà có. Các quỷ thần nói chung đều có thiên nhãn, ít hay nhiều, trình độ cao hay thấp. Đây là trường hợp có phúc báo mà được. Đó là do quỷ thần không bị sự ràng buộc của thân xác chỉ có hoạt động của sức mạnh linh thiêng cho nên ít bị vật thể gây chướng ngại. Các linh môi nói chung có thiên nhãn do dựa vào quỷ thần cảm ứng có thể thấy những sự vật mà con người không thể thấy được. Người ta có thiên nhãn nhờ có tu thiền định. Tuy nhiên mục đích của tu thiền định không phải là để có thiên nhãn. Tuy rằng, có những phương pháp chuyên tu thần thông nhưng tu được thiên nhãn chưa chắc chắn đã nhập được thiền định.

Ngoài những công năng kể trên, thiên nhãn còn có thể thấy được những hiện tượng, sự kiện xảy ra. Đó là do hiện tượng nào phát sinh cũng có quan hệ nhân quả của nó. Đã có nghiệp nhân tạo ra, thì tất nhiên có quả báo. Dù hiện tượng xảy ra nhưng những lực lượng tạo ra hiện tượng đã sớm hình thành, và nếu không có nhân tố nào khác tác động vào, thì hiện tượng đó tất yếu sẽ xảy ra. Vì vậy, người có thiên nhãn có thể biết được chuyện vị lai. Năng lực thiên nhãn càng mạnh càng có khả năng thấy xa và chính xác. Vì sao nói độ chính xác của thiên nhãn ? Đây là do thiên nhãn cũng không hoàn toàn đáng tin cậy, bởi vì nhân tố mới luôn xuất hiện làm cho sự việc dự báo có thể không xảy ra hoặc là tuy có thể xảy ra nhưng biến dạng. Vạn pháp là do duyên sinh, duyên biến thì các pháp cũng biến. Vì vậy Phật pháp không chấp trước vào thiên nhãn, cũng không khuyến khích người ta tu tập để có thiên nhãn.

Cái gọi là ngũ nhãn (năm mắt) tức là ngoài mắt thịt và thiên nhãn ra, còn có mắt trí tuệ (tuệ nhãn), mắt pháp (pháp mãn), và mắt Phật (Phật nhãn). Tuệ nhãn là con mắt trí tuệ. Các vị A-la-hán đều chứng được tuệ nhãn, thấy rõ 12 nhân duyên và sự luân hồi sinh tử thoát khỏi vòng sống chết luân hồi, không còn bị thân tâm ràng buộc, lìa năm uẩn, vượt ba cõi. Trong thế gian cũng dùng trí tuệ, nhưng với nghĩa trí tuệ thế gian, còn chấp ngã. Còn tuệ nhãn của bậc A-la-hán là vô ngã, không còn chấp trước.

Còn Pháp nhãn (con mắt pháp) của các bậc Bồ Tát từ Sơ địa trở lên thì có khả năng thấy được bản tính, tức pháp tính của vạn pháp, thân chứng được một phần pháp thân của Phật. Pháp thân của Phật phổ biến khắp nơi, khắp mọi lúc, không phải là sắc, không phải là không có sắc, không phải là có tướng, không phải là không có tướng v.v… Nói rằng, tất cả là pháp thân, cũng có thể tất cả đều không phải là pháp thân. Đối với người chấp thủ, thì tất cả đều không phải pháp thân, nhưng đối với người không có chấp thủ, thì tất cả đều là pháp thân. Vị Bồ Tát có đầy đủ pháp mãn được gọi là đại sĩ pháp thân, đó là những điều mà phàm phu không thể tưởng tượng được.

Có hai loại vô ngã : nhân vô ngã và pháp vô ngã. A-la-hán chứng được lý nhân vô ngã, bỏ được nhân ngã chấp. Còn chứng pháp vô ngã, lìa bỏ pháp ngã chấp, là Bồ Tát từ Sơ địa trở lên. A-la-hán bỏ được nhân quả chấp, chứng được tuệ nhãn vượt khỏi ba cõi, Bồ Tát tiến xa thêm một bước nữa, lìa bỏ pháp ngã chấp, chứng được pháp thân, chứng được pháp nhãn, tuy ở trong ba cõi nhưng không bị hạn chế bởi sống chết nên được gọi là Đại sĩ pháp nhân. Có một số ngoại đạo tự xưng là Phật pháp, luôn tuyên bố mình đã chứng thực tuệ nhãn hay pháp nhãn. Kỳ thực, ngay cả thiên nhãn họ cũng không chứng được, mà chỉ là tác dụng phản xạ của vận động khí mạch, hay là sức mạnh linh thiêng cảm ứng của quỷ thần mà thôi. Còn Phật nhãn thì có tất cả công năng của bốn loại nhãn kể trên chính là toàn bộ trí tuệ, là bản thân "đại viên cảnh trí" (gương trí tuệ lớn) cũng gọi là đại viên giác, cũng gọi là vô thượng bồ đề.

34 - Quan điểm thọ ký của Phật giáo là thế nào?

Thọ ký (ryakarama) là danh từ chuyên dụng của Phật giáo, là một trong 12 bộ kinh. Ý nghĩa của thọ ký là dự báo chúng sinh phát tâm bồ-đề, nhất định sẽ thành Phật. Ngày xưa, trong thời đại chế độ quân chủ, người con trai đầu tiên của vua phần lớn được chọn làm Thái tử gọi là thọ ký. Trong buổi lễ, ở Ấn Độ thường lấy nước bốn đại dương rưới lên đầu. Thái tử (gọi là Quán đỉnh), nhằm tuyên cáo cho thiên hạ biết Thái tử nhận lễ Quán đỉnh sẽ thống trị đất nước và nhân dân trong bốn biển.

Trong kinh Phật, thọ ký là Phật dự báo thời gian các đệ tử của Ngài sẽ thành Phật, chứng đạo Bồ-đề. Thí dụ, trong kinh "Pháp Hoa" có một phẩm gọi là "phẩm thọ ký". Trong phẩm này Phật thọ ký cho 500 vị A-la-hán sẽ thành Phật. Thậm chí, cả Đề-Bà-Đạt-Đa, tội ác tày trời cũng được thọ ký. Tư tưởng thọ ký của Phật pháp là ai ai cũng được thành Phật. Không kể người nào, nếu tu hành theo Phật đạo, thì đều căn cứ vào căn tính và pháp môn tu hành của người đó, thái độ siêng năng hay lười nhác mà phán đoán người đó sẽ thành Phật nhanh hay chậm.

Ai có đủ tư cách để được Phật thọ ký ? Chắc chắn đó phải là vị Bồ Tát đã đạt trình độ bất thoái. Trong kinh "Pháp Hoa", các vị A-la-hán được Phật thọ ký thực ra đều là các vị Bồ Tát đại thừa. Nhưng những người theo Đại thừa, những người tu theo Tiểu thừa chứng quả Thánh từ Sơ quả trở lên cũng được thọ ký sẽ thành A-la-hán. Đã chứng sơ quả (Tu Đà Hoàn) thì sau bảy lần sinh tử luân hồi sẽ chứng quả A-la-hán. Nếu chứng quả Thánh thứ ba thì chỉ lên cõi Trời một lần rồi chứng quả A-la-hán, ở đấy không còn ai trở lại nhân gian nữa. Vì vậy, Phật có thể thấy tâm hành và lịch trình tu hành của tất cả chúng sinh rõ ràng như trong lòng bàn tay. Khi hành giả đạt được quả vị bất thoái, thì tiến trình tương lai đã rất rõ ràng và Phật có thể thọ ký cho hành giả đó.

Thọ ký không phải là dự báo, không phải là suy đoán, cũng không phải là định mệnh. Người thọ ký cũng như người hướng dẫn, cũng như người giáo sư có thể tuyên bố với học sinh mới vào học, học xong mấy năm thì sẽ tốt nghiệp. Trong chuyện này, không có chút gì thần bí cả.

Thiền tông Trung Quốc, trước đây không có chuyện thọ ký và nghi thức thọ ký. Nhưng gần đây, trong tùng lâm tu viện để chọn người kế vị trụ trì chùa hay tu viện sau khi chọn lựa xong cũng tiến hành theo nghi thức thọ ký. Vì ngày xưa, việc truyền pháp thọ ký thực ra là truyền tâm pháp, lấy tâm ấn chứng tâm, không cần có nghi thức, cũng không cần có văn tự chứng minh. Mà người được truyền tâm pháp cũng không nhất định phải lãnh chức trụ trì tu viện. Những năm về sau này, trong thiền lâm Trung Quốc, khi thọ ký, có ban giấy tờ chứng chỉ, những người được thọ ký cũng không nhất thiết là những người có kinh nghiệm chứng ngộ. Mục đích của thọ ký là để hợp thức hóa vị trụ trì của người được lựa chọn. Có thể nói, phần lớn là được thọ ký trên danh nghĩa, không phải là thọ ký thực sự, đã mất đi ý nghĩa ban đầu là truyền tâm pháp.

Một vài vị tu hành có kinh nghiệm thần bí thường tổ chức nghi thức thọ ký cho người khác. Nếu chỉ là việc dự báo những việc xảy ra trong sinh hoạt bình thường thì đó chỉ là việc làm của bọn linh môi, ông đồng, bà cốt không phải bàn ở đây. Nếu có người thọ ký cho các đệ tử của mình thành Phật hay A-la-hán. Thì đó là đại vọng ngữ, họ không phải là Phật, sao lại có thể thọ ký cho người khác thành Phật, hay là thánh A-la-hán được ? Nếu họ tự xưng mình là Phật nhưng trong kinh Phật không thấy Đức Phật Thích Ca dự báo trước khi Đức Phật Di-Lặc xuất hiện, có một vị Phật nào khác giáng sinh ở thế gian này. Đức Phật Thích Ca đã không thọ ký cho anh ta thì làm sao anh ta có thể thọ ký cho người khác được ? Hiện nay, có nhiều người tự xưng là Phật hay Đại Bồ Tát. Họ cũng biểu hiện thái độ từ bi và cứu vớt chúng sinh, nhưng trong thân tâm của họ là một khối ngã mạn lớn. Kỳ thực họ đã phủ định giáo pháp của Phật Thích Ca, do đó không phải là Phật giáo chánh tín, thực lòng quy ngưỡng Tam Bảo, cần phải biết phân biệt điều đó.

Các bậc đại tu hành chân chính phải sống với thân phận như những người phàm phu bình thường. Nếu không thì rất có thể làm bạn với ma, quỷ, thần. Đức Phật Thích Ca thường nhấn mạnh vai trò của Phật hoạt động với thân người, và trong thế giới loài người. Đó là vị Phật lấy nhân cách làm bổn vị, có nhân cách kiện toàn. Vì lý do đó, đại sư Thái Hư đề xướng thuyết "Nhân thành tức Phật thành".

c

Không có nhận xét nào: