Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

PHẬT HỌC QUẦN NGHI ( 3)

Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối.
cHỌC PHẬT QUẦN NGHI
(Giải thích những nghi vấn trong Phật học)
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

13- Cư sĩ có thể nhận quà tặng của nhà chùa không?[^]

Theo giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, thì người nào lấy của cải do thập phương cúng dường đem dùng riêng hoặc đem tặng cho cư sĩ đều là "phạm tội thâu đạo" (ăn trộm). Vì đó là của cải do thập phương cúng dường, đã trở thành của cải của tất cả chúng Tăng, là của công, nếu chiếm dụng riêng của công, hoặc đem cho cư sĩ thì sẽ phạm tội rất nặng. Nếu với tâm ô nhiễm, tặng quà vật cho cư sĩ thì mình sẽ phạm tội "làm ô nhiễm người khác".

Có hai trường hợp, cư sĩ có thể nhận quà của nhà chùa. Một là nghèo túng, bệnh tật cấp bách nên tiếp nhận sự bố thí, cứu tế của nhà chùa. Có hai loại cứu tế, một là bằng tiền của vật chất, hai là bằng tinh thần và Phật pháp. Tất nhiên đã tiếp nhận sự cứu tế bằng Phật pháp thì cũng có thể nhận sự cứu tế bằng vật chất. Sau khi được cứu tế mà tai qua nạn khỏi thì người được cứu tế sẽ ra sức cúng dường Tam Bảo, giúp đỡ người khác.

Trường hợp thứ hai là trường hợp công tác cho nhà chùa và có thù lao để sống. Những người phát tâm công tác cho nhà chùa, tu viện, không tiện đem thực phẩm đến nấu ăn ở nhà chùa thì tất nhiên nhà chùa phải lo liệu việc ăn ngủ cho họ. Các bậc đại đức ngày xưa ở Trung Quốc đã từng căn dặn : Đối với những người làm việc cho nhà chùa, phải đảm bảo cho họ ăn uống tử tế, và trả tiền công khá cao. Thông thường chế độ sinh hoạt ở nhà chùa kham khổ, người làm công có thể vì không quen, mà sinh ra bực bội, sinh giận. Nếu chùa có vật phẩm thừa, lại không thể đem đổi lấy tiền được, cũng không biết đem cho ai, thì cư sĩ tại gia nên hoan hỉ tiếp nhận, để tránh lãng phí.

Chế độ sinh hoạt tại chùa ở Trung Quốc và Ấn Độ khác nhau. Chùa Ấn Độ không có bếp nấu, chùa Trung Quốc cũng như chùa Triều Tiên, chùa Nhật đều có dự trữ lương thực và có bếp tự nấu ăn. Đặc biệt trong thời gian có hội chùa, cư sĩ cũng ở lại ăn cơm tại chùa. Đó là chuyện rất phổ biến ở Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên. Kinh phí ăn uống đều do tín đồ đóng góp.

14 - Cư sĩ tại gia lập bàn thờ Phật như thế nào ? [^]

Vấn đề này tùy tình hình mỗi người, mỗi nhà mà sắp xếp giải quyết. Nều nhà ở quá chật hoặc ở ký túc xá công cộng, có nhiều người cùng chung một phòng, thì rất bất tiện khi tiến hành khóa tụng, có thể lấy kinh Phật thay cho tượng Phật đặt ở vị trí thích đáng, cũng không cần đốt hương đốt đèn, nến, không dâng hoa, dâng nước v.v… Trước và sau khóa tụng chỉ cần làm lễ để bày tỏ lòng thành mà thôi. Nếu những người ở cùng với mình trong một phòng một nhà cũng đều là Phật tử, thì có thể bố trí nơi thờ Phật chung. Nhưng nếu có một mình tin Phật tử thì không nên cưỡng ép người khác để cho mình đặt bàn thờ Phật, bởi vì làm như vậy, sẽ khiến cho người khác bực mình khó chịu.

Tình hình cũng như vậy, nếu trong nhà chỉ có mình là theo đạo Phật. Trong trường hợp này, nếu đặt bàn thờ Phật ở trong nhà sẽ dễ làm cho người trong gia đình có ác cảm với đạo Phật. Điều kiện sẽ thuận lợi hơn cho việc đặt bàn thờ Phật tại nhà nếu mọi người trong nhà đều tin Phật, học Phật hay là nếu chủ gia đình là người tin Phật, hoặc cả chồng và vợ đều tin Phật và nhà cửa rộng rãi. Bàn thờ Phật nên đặt ở vị trí chính của phòng khách đối diện với vị trí ngồi bình thường của chủ nhà. Sau tượng Phật không nên có cửa sổ. Tượng Phật phải đặt đối diện với cửa sổ có đủ ánh sáng để cho người khách bước vào có thể thấy ngay được. Bàn thờ Phật chiếm vị trí trung tâm của nhà ở gia đình để có thể phát huy tác dụng cảm hóa an lạc. Nếu có ý kiến của thầy địa lý thì nên lấy ý kiến đó để tham khảo, không nên câu nệ mê tín, chỉ cần không được đặt bàn thờ Phật đối diện với chuồng xí, bếp núc, hay giường ngủ là được. Bàn thờ Phật nên đặt ở phòng vắng lặng, không phải là nơi tiếp khách, hội họp, cười đùa, ăn uống, mà phải là nơi tụng niệm, ngồi thiền, không nên dùng vào mục đích khác.

Nếu trong nhà đã có sẵn tượng Quan Công, Thánh Mẫu, có bàn thờ Thổ Địa thì không nên vì tin Phật mà phá bỏ cả đi, phải tiến hành dần dần từng bước : đầu tiên hãy đặt tượng Phật, Bồ Tát vào vị trí trung tâm, đặt các tượng thần thánh bài vị tổ tiên ở hai bên. Cũng không cần đặt thêm hương án, đèn nến mà làm gì, bởi vì các thần thánh, tổ tiên, ông bà đều hộ trì Tam Bảo gần gũi với Tam Bảo và cũng sẽ trở thành đệ tử Tam Bảo.

Còn bài vị tổ tiên, ông bà thì nên chuyển đến "Vãng sanh đường" trong chùa, trong nhà cũng không nên thờ bài vị tổ tiên làm gì. Nếu muốn giữ lại trong nhà thì có thể đặt dưới chân tượng Phật. Cũng có thể đặt một bàn thờ khác để thờ, nhưng phải nhỏ hơn bàn thờ Phật. Các chùa lớn, rộng đều có "Vãng sanh đường" ở đây đặt các bài vị vãng sinh. Ở các chùa nhỏ không có "Vãng sanh đường" riêng thì có thể thờ bài vị tổ tiên ông bà ở hai chái bên điện thờ Phật. Như vậy vừa kết hợp bày tỏ lòng tôn kính đối với Phật, Bồ Tát và lòng kính hiếu đối với tổ tiên, ông bà.

Các tượng Phật, Bồ Tá thờ ở nhà không nên quá nhiều và phức tạp. Có thể lấy một vị Phật đại biểu cho vạn Phật, lấy một Bồ Tát thay cho các Bồ Tát. Nói chung, phần lớn các gia đình đều thờ tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư… Có thể lấy tượng của một vị đại biểu cho tất cả các vị cũng được. Nếu trong nhà đã sẵn thờ các tượng Phật, Bồ Tát thì nên đặt tượng Phật ở giữa, tượng các vị Bồ Tát ở hai bên, hoặc là ở các vị trí dưới tượng Phật một bậc, làm như vậy để đề cao vị trí độc tôn của Phật. Tranh, tượng Phật, Bồ Tát to hay nhỏ là tùy theo kích thước của gian thờ Phật và bàn thờ Phật. quy mô phải tương xứng, quá to hay quá nhỏ đều không nên.

Khi thỉnh tượng Phật Bồ Tát về nhà, nhiều người thích làm lễ gọi là "khai quang". Theo quan điểm Phật giáo chính thống thì nghi thức đó không cần thiết. Bởi vì tượng Phật và Bồ Tát chỉ là những công cụ để tu hành. Điều quan trọng ở đây là đức tin và lòng thành, lòng sùng kính, chứ đâu phải ở nơi tượng Phật và Bồ Tát.

Khi Phật Thích Ca còn tại thế, lúc Phật lên cõi trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ ba tháng, dân chúng ở cõi người chúng ta có tạo tượng Phật để cúng dường. Lúc bấy giờ không thấy chép có nghi thức khai quang. Về sau này kinh sách Phật, tranh tượng Phật, các pháp khí chùa chiền, bảo tháp đều có ý nghĩa biểu tượng cho tính thường trụ của đức Phật và Phật pháp. Nghi thức càng long trọng càng thu hút nhiều người phấn khởi tín tâm. Vì vậy càng ngày càng có nhiều nghi thức cúng dường, mà khai quang tượng Phật, Bồ Tát là một trong những nghi thức đó. Các nhà chùa, tu viện hiện nay, mỗi lần đặt tượng Phật, Bồ Tát mới đều có triệu tập đông đảo tín đồ làm lễ khai quang, cũng tương tự như lễ khai giảng năm học mới, khai mạc công ty hay cửa hàng mới, khánh thành một công trình kiến trúc mới phải tổ chức để công bố cho đông đảo quần chúng biết.

Còn như đặt tượng, tranh Phật, Bồ Tát ở gia đình thì không cần cử hành nghi thức khai quang làm gì, cũng không cần triệu tập đông người đến chứng kiến. Chỉ cần có lòng thành kính, đem tượng Phật Bồ Tát bố trí ở nơi thích đáng, rồi ngày ngày cúng hương hoa quả trái, không ngày nào quên. Lễ vật cúng dường phải đảm bảo thường xuyên tươi tốt và mới, như vậy sẽ phát huy đầy đủ tác dụng của bàn thờ Phật, Bồ Tát, đạo tâm của người cúng dường nhờ vậy mà được tăng tiến.

Hương đốt phải tốt và mới, mỗi ngày thắp một cây hương là đủ. Không nên thắp nhiều hương quá một lúc, làm cho không khí trong nhà mất tinh khiết. Nên dùng các loại hương như đàn hương, trầm hương là loại hương tự nhiên. Không nên dùng các loại hương hóa học, hay loại hương điều chế bằng nguyên liệu động vật. Ở các gia đình Phật tử "hiện đại" có thể thay đèn sáp bằng đèn điện. Vật phẩm cúng dường phải được đảm bảo xanh tươi, tinh khiết không được để hoa quả héo thối. Tốt nhất, mỗi ngày hai lần sớm tối, có khóa lễ niệm Phật, tụng kinh, thắp hương, rót nước. Trước khi ra khỏi nhà hay là đi đâu về nhà, nên đứng trước bàn thờ Phật, Bồ Tát lạy hoặc vái bày tỏ lòng cung kính cảm tạ.

15 - Tiến hành khóa tụng ở nhà như thế nào ? [^]

Nguyên tắc tiến hành khóa tụng là làm đúng giờ. Nội dung khóa tụng gồm các mục cúng dường, lễ bái, ngồi thiền, niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, tụng kinh, phát nguyện hồi hướng v.v…

Cúng dường là bài trí hương hoa, đèn sáp, quả trái v.v… trước tượng Phật. Nếu điều kiện cho phép thì mỗi ngày thay một lần. Nếu không thì cũng đảm bảo đừng để hoa héo, quả trái thối mục trên bàn thờ Phật, giữ cho bàn thờ Phật lúc nào cũng trang nghiêm, thanh khiết, chỉnh tề.

Nội dung khóa tụng ngày nào cũng nên giống nhau và tiến hành kết thúc vào thời gian quy định. Tốt nhất là nên chọn vào lúc thân tâm, đầu óc sảng khoái. Thông thường tiến hành khóa tụng vào lúc sáng sớm, sau khi thức dậy, trước buổi ăn sáng hay là chiều tối sau buổi ăn chiều, nghỉ ngơi một lát trước khi đi ngủ. Cả hai buổi cộng lại vào khoảng từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, không nên quá 4 tiếng đồng hồ. Nếu không thì thời gian khóa tụng quá dài, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác bình thường của gia đình. Nếu có tình hình đặc biệt, có thể tiến hành khóa tụng vào buổi sáng hoặc buổi chiều cũng được.

Cần tiến hành khóa tụng hàng ngày, ngày nào cũng làm, không ngày nào bỏ. Tác dụng của khóa tụng hàng ngày là giữ thân tâm thăng bằng, tu dưỡng tâm tính, siêng năng tinh tiến.

Cũng như hàng ngày sáng sớm rửa mặt, ăn sáng, quét nhà, đi đại tiểu tiện vậy. Mục đích của tu hành không phải là hình thức, nhưng hình thức có thể giúp làm cho thân tâm an tịnh, kiện khang, hạnh phúc. Ngoài việc tự mình rèn luyện, phản tỉnh, khóa tụng hàng ngày còn đảm bảo cho chúng ta được chư Phật, Bồ Tát, chư thiên gia hộ nữa. Các mục của khóa tụng có thể nhiều hay ít, tùy theo điều kiện và mục đích của mỗi người, thế nhưng các mục như rót nước, dâng hương, lễ bái thì không được thiếu. Trong buổi cá nhân tiến hành khóa tụng, không cần chuông mõ, cũng không cần giọng phải ngâm nga trầm bổng. Nếu không phiền người khác thì có thể dùng mõ nhỏ. Buổi sáng sớm sau khi đặt đồ lễ và lạy ba lạy thì tụng : "Chú đại bi" từ ba đến bảy lần, đọc một lần bài "Tâm kinh" ba lần niệm "Mahabát nhã ba la mật đa", rồi niệm danh hiệu Phật A Di Đà hay Bồ Tát Quan Thế A⭠48 lần hay 108 lần, rồi tụng 10 nguyện lớn của Bồ Tát Phổ Hiền và đọc 4 lời nguyện lớn. Cuối cùng đọc ba lời quy y Phật, Pháp, Tăng và đọc kệ hồi hướng như sau :

    • Nguyện tiêu trừ ba chướng và các phiền não
    • Nguyện được có trí tuệ sáng suốt
    • Nguyện tiêu trừ mọi tai chướng
    • Đời đời hành đạo Bồ Tát
    Xong, lạy ba lạy và buổi khóa tụng kết thúc.

    Nội dung khóa tụng buổi chiều hay buổi tối, sau khi ăn cơm chiều nên gồm:

    • Cúng dường, lễ bái
    • Tụng kinh "Di Đà" hoặc "Bài sám hối" 1 lần
Cũng có thể tụng "Chú đại bi" 7 lần, "Tâm kinh" 1 lần, "Chú vãng sinh" 3 lần, niệm danh hiệu Phật A Di Đà 48 lần hay 108 lần. Sau đó đọc 4 lời nguyện lớn, đọc kệ cảnh tỉnh chúng sinh của Bồ Tát Phổ Hiền, ba quy y và kệ hồi hướng. "Nguyện đem công đức này hồi hướng tất cả chúng sinh, giải thoát nỗi khổ của ba cõi, đều phát tâm bồ đề", sau đó lạy ba lạy và buổi khóa tụng chiều kết thúc.

Tùy theo người hành lễ nhanh hay chậm, có người biết, có người không biết xướng, tùy điều kiện có thể dùng chuông mõ hay không dùng, số lần đọc kinh, đọc chú có thể tăng giảm để đảm bảo thời gian quy định.

Nếu thời gian cho phép, có thể kéo dài mỗi buổi khóa tụng từ 45 phút đến 1 giờ. Trước khóa tụng buổi sáng và sau khóa tụng buổi chiều có thể ngồi thiền từ 25 phút đền 30 phút. Tốt nhất là học được cách thức ngồi thiền an toàn của một thiền sư, có kinh nghiệm thuộc phái Phật giáo chính thống. Nếu không thì phải biết ngồi thẳng người, nghiêm túc, thân tâm thư ruỗi, niệm không thành lời danh hiệu Phật, Bồ Tát, chuyên chú nhất tâm, không căng thẳng cũng không buông lỏng. Nếu không quen ngồi thiền thì có thể thay bằng phương thức lễ bái Phật, Bồ Tát. Lễ bái hay ngồi thiền đều với tâm không cầu mong gì riêng tư. Đó là cách thức lễ bái và ngồi thiền an toàn nhất, đúng đắn nhất. Nếu không dễ sinh ra những lệch lạc gây chướng ngại đối với thân và tâm như thấy cảnh tượng hư huyễn, quái lạ, ảo giác.

Người tu hành chân chính không đòi hỏi một điều kiện nào, tuy rằng có mục đích. Chính bản thân sự tu hành là mục đích.

Nếu như muốn kéo dài thời gian khóa tụng và thời gian ngồi thiền thì có thể, buổi sáng, sau khi cúng dường, lễ bái xong đọc thêm "Chú Lăng Nghiêm" và mười câu chú ngắn. Còn buổi chiều tối, sau khi cúng dường lễ bái, có thể đọc thêm "Phẩm phổ môn" thêm số lần tụng "Chú đại bi" 21 lần hay 48 lần.

Nếu ở nhà rỗi rãi, có thể tổ chức "Lễ bái kinh Phật" theo phương pháp như sau : Trước hết làm lễ cúng dường, đọc mỗi chữ trong kinh thì vái một vái. Khi vái một chữ thì niệm hai lời "Bái kinh". Thí dụ làm lễ bái kinh Pháp hoa vái một vái thì niệm "Nam mô diệu pháp liên hoa kinh" "Nam mô pháp hoa hội thượng Phật Bồ tát". Nếu bái kinh Kim Cương thì niệm "Nam mô bát nhã ba la mật Kim Cương kinh" "Nam mô bát nhã ba la mật hội thượng Phật, Bồ Tát". Nếu bái kinh Di Đà thì niệm "Nam mô Phật thuyết Di Đà kinh" "Nam mô liên trì hải hội Phật, Bồ Tát". Nếu bái "Phẩm phổ môn" thì có hai cách niệm. Các thứ nhất là niệm như đối với kinh Pháp hoa. Cách thứ hai là niệm "Nam mô Quan Thế A⭠Bồ Tát phổ môn phẩm" "Nam mô đại từ bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế A⭠Bồ Tát". Nếu bài kinh "Địa Tạng" hay kinh "Dược Sư" cũng bái theo kiểu như vậy.

Khi bái kinh, thông thường dùng giấy điều màu vàng hay là hương chiên, đàn, và dùng kính chữ to đọc và vái từng chữ một. Bái hết một đoạn kinh thì có thể dùng bút đánh dấu, để lần sau tiếp tục bái. Một lần bái xong phải xếp cuốn kinh lại, không được mở, cũng không được cất cuốn kinh ở một nơi nào khác.

Bái xong trọn một bộ kinh, có thể tiếp tục bái lại bộ kinh đó hay là phát nguyện bái hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn bộ kinh khác. Hay là cả đời chỉ bái một bộ kinh, càng bái nhiều lần càng tốt.

Mục đích của việc tiến hành khóa tụng hay bái kinh có thể là vì lợi ích đời sau hoặc là đời hiện tại, có thể là để đạt đến công đức nhất định, một niềm hy vọng nào đó. Trong thời gian tiến hành khóa tụng thì phải chuyên chú nhất tâm, không nên để bị xao lãng bởi một ước mong riêng tư nào khác. Thái độ tốt nhất là chỉ muốn chúng sinh thoát khổ được vui. Riêng mình thì không mong cầu gì. Đó chính là thái độ hành đạo của Bồ Tát, tu hành không phải vì mình, đó là công đức lớn nhất.

16- Có thể trừ tai họa và kéo dài tuổi thọ chăng? [^]

Lý luận nhân quả của Phật giáo nói lên sự quân bình của lực lượng tự nhiên. Tai họa xảy ra hay là thành đạt hạnh phúc đều là nhân quả báo ứng. Gieo nhân lành thì được quả lành, được phú quý và sống lâu. Gieo nhân ác thì chịu quả ác, gặp tai nạn và bệnh tật. Do vậy theo quan điểm của Phật pháp, làm thiện tránh ác chính là biện pháp tốt nhất để trừ tai họa và sống trường thọ.

Nguyên lý tiêu trừ tai họa, sống thọ là nơi sám hối, phát nguyện. Quả báo đến thì phải chịu, thế nhưng khi phát tâm sám hối và phát nguyện, thì quả báo chưa sinh khởi có thể biến chuyển. Cũng giống như kẻ phạm tội, khi đem ra phán xử, mà biết nhận tội và ăn năn hối lỗi, chịu hợp tác với quan tòa, thì khi luận tội cũng sẽ được khoan giảm. Ngày xưa có chuyện đái tội lập công, đem công chuộc tội, ngày nay có lệ giảm tội mà không bắt giam, không khởi tố hoặc tiến hành hòa giải ngoài phạm vi của tòa án. Đó là những thí dụ tuy có nhân phạm tội, nhưng quả chịu tội được chuyển biến.

Người cầu xin được tiêu trừ tai họa, sống thọ, không được một mặt cầu xin, một mặt cứ tiếp tục làm ác, mà phải sám hối, làm các Phật sự như tụng kinh lễ bái, bố thí cúng dường. Tức là dùng Phật pháp mở đường cho các oan gia trước đây của mình, được lìa thoát cõi khổ, không còn hạch sách đòi nợ cũ nữa. Lại nhờ sức mạnh của phát nguyện mà nhân tố ác đã gieo được cải biến. Trái lại nếu cứ tiếp tục làm ác thì sẽ phù hợp với nhân ác đã gieo, tội ác càng chồng chất, nên bỏ ác làm lành thì có thể hạn chế những nhân tố ác đã làm và nhờ đó tránh khỏi tai họa.

Vì vậy, phát nguyện, học Phật làm điều thiện có thể làm thay đổi vận mệnh tương lai. Đương nhiên, ở đây, còn có sức mạnh bất khả tư nghị của Phật pháp nữa. Trong kinh có nói, người quy y Tam Bảo sẽ được sự gia hộ của 25 vị đại thiện thần(*). Người làm lễ cầu tiêu tai họa và sống thọ, nếu đã quy y Tam Bảo thì cũng được sự gia hộ như vậy. Từ vô thỉ đến nay, nhân quả thiện ác xoay vòng mãi không thôi, cực kỳ phức tạp, ân oán chằng chịt giao xen, người nào mắc nợ người nào, chúng sinh nói chung và cả đến bậc A La Hán nữa, cũng đều rất khó làm sáng tỏ vấn đề này. Do sức mạnh Phật pháp và sự gia hộ của các vị thần hộ pháp, có thể tránh được những quả báo đáng lẽ phải chịu. Cũng như người giàu có không đòi những món nợ nhỏ đối với kẻ nghèo khổ, nỗi oan gia ngày trước, nếu được siêu sinh thoát khổ rồi, thì nỗi oan ức và lòng giận cũng sẽ được giải trừ, không còn lấy oán báo oán nữa. Đó chính là đạo lý của việc tiêu trừ tai họa và cầu trường thọ.

17 - Có công dụng gia trì hay không ? [^]

Giáo pháp đạo Phật bao gồm nhiều nội dung và thứ bậc : có thứ bậc là tín ngưỡng dân gian, có những thứ bậc là tôn giáo cao cấp, là triết học và cao nhất là thứ bậc ngộ đạt thực tướng vô tướng.

Thứ bậc đạt được thực tướng vô tướng tuy là cao như vậy, nhưng lại là căn bản của Phật giáo, cơ sở của Phật giáo, bởi vì Phật giáo chủ trương xa lìa dục vọng, không mong cầu và nương tựa ai, không chấp thụ gì cho nên được giải thoát, không chấp trước có hay không, thiện hay ác, được hay mất, yêu hay ghét. Vì vậy mà nói Phật giáo là không thiên lệch một bên nên gọi Phật pháp và vô biên, hoàn toàn tự tại, thực ra không cần được ai gia trì cũng không gia trì cho ai.

Nhưng người ta sống cuộc đời phàm tục, tuy vẫn hiểu rằng cảnh giới thoát, xa rời dục vọng không mong cầu gì cuối cùng mới là tự tại. Nhưng một khi xảy ra những chuyện không may như đau ốm, bệnh tật, gia đình mắc nạn, công tác gặp khó khăn, thì một cách tự nhiên người ta mong cầu được sự hỗ trợ từ bên ngoài, được sự gia hộ của Phật, Bồ Tát, Thần và Thánh. Do đó gia hộ và hộ trì tuy không phải cứu cánh của Phật pháp, nhưng cũng vì thuận theo nhu cầu của chúng sinh, vì phương tiện cứu độ chúng sinh nên Phật giáo không phủ định hoặc bác bỏ tác dụng và ý nghĩa của gia trì và phù hộ.

(*) Thần lương thiện chỉ giúp đỡ người, không hại.

Công năng của gia trì là sức mạnh của thần chú, sức mạnh của lời nguyện và sức mạnh của tâm. Người trì chú có công đức sâu dày thì bản thân của chú sinh ra lực cảm ứng có thể cảm thông với quỷ thần, giúp đỡ và gia trì người ta. Sức mạnh của lời nguyện có thể giúp thông cảm với sự gia hộ của chư Phật, Bồ Tát và các vị thần hộ pháp. Sức mạnh của tâm có thể ảnh hưởng tới xu thế của tâm, tăng sức mạnh, ý chí, thay đổi quan niệm, chuyển hung thành các tiêu trừ tai họa, chữa lành bệnh, tất cả là do sức mạnh của tâm làm chủ.

Sức mạnh của trì "gia hộ và hộ trì" là ở chỗ làm cho tâm của người được gia trì có chuyển biến, và nhờ đó tăng cường sức mạnh của người được gia trì. Cái gọi là sự gia hộ của thần lực chủ yếu là giúp cho thân tâm được gia trì được ổn định, vượt qua được khó khăn, tăng cường được dũng khí và nghị lực để đối phó với hiện thực, chứ không làm cho người ta khuất phục hay trốn tránh với hiện thực, chứ không làm cho người ta khuất phục hay trốn tránh hiện thực. Đương nhiên có thể nhờ có sức mạnh của gia trì mà áp lực được dịu đi, bớt căng hơn và cuối cùng được triệt tiêu.

Theo lập trường của tín ngưỡng dân gian thì sức mạnh của gia trì là tha lực chứ không phải tự lực. Đó là sức mạnh thần chú, sức mạnh của lời nguyện và tâm người gia trì và nhằm giải quyết vấn đề của người được gia trì.

Đó là mong cầu và niềm tin của người ta nói chung. Bởi vì bản thân không mất công tu hành, không phải trả giá gì hết mà lại vượt qua được mối nguy cơ lớn. Đó là nguyên nhân của tín ngưỡng quỷ thần ở con người bình thường.

Thế nhưng sức mạnh của gia trì, chỉ có thể đối phó với tai họa nhất thời thôi chứ không phải vĩnh cửu, cũng như dựa vào thế lực của người có quyền uy, để trốn tránh xã hội đen tối hoặc để tránh sự truy lùng của chủ nợ. Một khi mà thế lực che chở không còn nữa hoặc bị suy yếu thì tai họa sẽ đổ ập đến ghê gớm hơn nữa.

Biện pháp của Phật giáo thì khác. Nếu bị kê oan gia hay chủ nợ quấy nhiễu gây trở ngại thì người ta trì có thể dùng sức mạnh của lòng từ bi và công phu tu hành của mình để cảm hóa, làm cho oan gia, người chủ nợ rũ sạch hết tâm báo thù và đòi trả oán, khiến họ thoát khỏi sự ràng buộc mà được sinh ở cõi thiện đạo, nhờ đó mà người được gia trì sẽ tai qua nạn khỏi. Nhưng sau đó phải quy y Tam Bảo, tu trì Phật pháp tạo phúc cho chúng sinh, nếu không mà tiếp tục tạo nghiệp ác thì càng chịu quả báo nặng nề hơn nữa.

Có người trì chú Đại Bi trong bát nước, có người dùng sức mạnh của lời nguyện, biến một pháp khí hay đồ vật thông thường thành vật linh thiêng rồi dùng để trị bệnh, đuổi tà, cầu an, giáng phúc. Đó là do sức mạnh của lời nguyện và sức mạnh tu trì, phúc đức, tâm lực của người được gia trì khiến vật phẩm của anh ta sản sinh ra lực lượng. Hiệu lực của vật thiêng nhiều hay ít, kéo dài thời gian bao nhiêu là do phạm vi của cảm ứng.

Đó là tác động chủ yếu do tha lực. Nhưng nếu người được gia trì không chịu thu thập điều thiện, tránh xa điều ác thì sự may mắn của anh ta chỉ là tạm thời. Nếu anh ta cứ tiếp tục làm ác thì hậu quả xảy ra càng trầm trọng hơn. Vì vậy gia trì chỉ là phương tiện có hiệu lực tạm thời, không phải là biện pháp căn bản.

18 - Các bậc đại tu hành có thể tiêu trừ nghiệp chướng cho chúng sinh được không? [^]

Đúng là có người nói như vậy, các bậc tu hành đạo cao đức trọng có thể chịu quả báo thay cho chúng sinh. Thí dụ có người nói, Lão Hòa Thượng Hư Vân gặp phải sự kiện Vân Môn, bị đánh đập thương tích đầy mình, đến nỗi gần chết, chính là đã chịu nạn thay cho tất cả mọi người Trung Hoa trên đại lục. Lại có người nói, có những vị đại Lạt Ma, lâm trọng bệnh, đau đớn đến chết là thay cho toàn nhân loại mà tiêu trừ nghiệp ác. Lại có người nói, có những bậc cao tăng tu khổ hạnh ngồi nhiều ngày trong tuyết, ngồi phơi nắng dưới mặt trời hoặc nhờ người khác dùng roi, gậy đánh đập nhục thân của mình, là để cho số đông người sống được bình an, mạnh khỏe. Hiểu như vậy hình như đúng mà thực là sai, không phải là sự hiểu biết đúng đắn của Phật pháp. Phật giáo giảng lý nhân quả áp dụng chung cho tất cả chúng sinh không phân biệt. Mọi người tạo ra nghiệp riêng biệt, chỉ chịu báo riêng biệt. Nhiều người tạo ra nghiệp chung (cộng nghiệp) thì chịu quả báo chung được phúc báo. Thí dụ : Mọi người đều ăn cơm thì mọi người đều no, không ăn thì đói.

Một người ăn không thể làm cho nhiều người no. Một người không ăn, không liên quan gì đến sự no đói của đại chúng. Kinh Địa Tạng nói : "Cha con là người chí thân, đường đi khác nhau, dù họ gặp nhau cũng không thay đổi cho nhau được".

Sức mạnh tu hành của các bậc cao tăng, đúng là có ảnh hưởng đến người khác. Nơi nào có bậc cao tăng tu hành thì nơi đó quần chúng được lợi, thời nào xuất hiện một đại cao tăng thì quần chúng thời ấy được hỗ trợ nhiều. Đó là sức mạnh cảm hóa của lời nói và việc làm của bậc đại tu hành, là sức mạnh cảm ứng của bậc ấy, khiến cho nhiều người bỏ ác làm lành, quỷ thần cũng che chở. Đó cũng là phúc đức của dân chúng thời ấy nơi ấy cảm ứng mà có cao tăng đại đức xuất hiện, chứ không phải bậc cao tăng tiêu trừ nghiệp chướng thay cho chúng sinh.

Trong trường hợp bậc đại tu hành lâm bệnh nặng hay gặp tai nạn thì có hai khả năng : Một là bậc thánh thể hiện thành tướng phàm phu, ứng xử giống như phàm phu chịu khổ nạn để dễ dàng tiếp cận với phàm phu tác động đến phàm phu. Hai là bản thân bậc đại tu hành đã tạo nghiệp nay chịu báo. Ngay ở kiếp sống cuối cùng của Phật và A La Hán cũng có thọ báo, huống hồ là bậc đại tu hành còn ở giai đoạn phàm phu nói chung. Có trường hợp do bậc cao tăng tinh tấn tu hành khiến các loài Ma Vương khiếp sợ hay là các oan gia cũ, những chủ nợ cũ tái sinh làm quỷ thần, lo sợ bậc đại tu hành sau khi rời khỏi sinh tử sẽ không còn phải trả nợ cũ nữa. Do đó mà chúng gây bệnh tật hiểm nghèo, giáng tai họa lớn vào đầu bậc đại tu hành. Lại có trường hợp do nghiệp ác tạo ra từ trước đáng lẽ nên chuyển nghiệp, không phải đọa ba đường ác, nhưng nhờ công phu tu hành cho nên chuyển nghiệp, không phải đọa cõi ác, mà chỉ phải trả nợ bằng một vài bất hạnh ở cõi người, gọi là phạm tội chịu quả báo nhẹ. Cho nên bậc đại cao tăng gặp tai nạn hay bất hạnh, là hiện tượng tốt, không phải là tiêu trừ nghiệp ác thay cho chúng sinh.

Quan niệm bậc thánh chịu tội thay cho chúng sinh là tư tưởng mượn của tôn giáo thần quyền. Tỉ dụ : Chúa Giê-Su vì để chuộc tội cho loài người mà phải chết trên thánh giá. Trong tín ngưỡng dân gian Trung Hoa, người ta tin rằng các vị Bồ Tát có thể tiêu trừ nghiệp chướng hộ cho chúng sinh, tin rằng đức Phật Dược Sư có quyền năng "kéo dài tuổi thọ, tiêu sạch tai ương" hoặc cho rằng Bồ Tát Địa Tạng vào địa ngục để cứu độ chúng sinh. Lại có người vì để tiêu trừ tai họa, kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ và họ hàng thân thích mà phát nguyện ăn chay, xuất gia, tự mình xin giảm thọ. Những việc làm như vậy tuy xuất phát từ lòng tốt trong sáng nhưng đều không phù hợp với luật nhân quả của nhà Phật.

Có người cho rằng, người tu hành có thể giúp người khác tiêu nghiệp, trị bệnh, đuổi tà xua quỷ; trong nhân gian người ta vốn tin như vậy. Nhưng Phật giáo cho rằng, một khi nghiệp tạo ra được xác định rồi, chín muồi rồi thì nhất định phải chịu quả báo, không tránh khỏi được. Tuy sức mạnh niềm tin tôn giáo của dân gian có thể có công hiệu nào đó, nhưng không thể giải quyết vấn đề một cách căn bản.

Dùng sức mạnh của chú thuật hay sức mạnh tâm linh của người tu hành có thể nhất thời hạn chế nghiệp chướng của người khác. Nhưng nếu hạn chế quá nhiều hoặc miễn cưỡng hạn chế, thì bản thân người dùng chú thuật hay là người tu hành sẽ bị phẫn kích rồi mắc bệnh, thậm chí bị chết. Cũng như dùng ba tấm ván để ngăn dòng thác trên núi đổ xuống thì làm sao thành công được, đó không phải là tiêu nghiệp cho chúng sinh mà là tự mình tạo nghiệp và chịu quả báo do làm trái luật nhân quả. Tuy bản thân có lòng tốt muốn cho người khác không chịu quả báo, nhưng lưới trời lồng lộng khó thoát. Không thể có đạo lý tạo nghiệp ác mà không chịu quả báo. Như vậy là làm trái với tự nhiên, với luật nhân quả.

Dù là giúp người bằng sức mạnh của chú thuật hay sức mạnh của tâm linh của người tu hành, cũng đều phải dựa trên nguyên tắc cân đối. Nghĩa là người được giúp đỡ phải có thiện căn, tâm phải chuyển biến tốt, cộng thêm sức mạnh của chú thuật, và sức mạnh tâm linh của người tu hành mới có thể hiệu quả. Đó là hiệu quả sinh ra trên nguyên tắc hợp lý, chứ không phải là "tiêu nghiệp hộ cho người khác".

19 - Trì chú có công hiệu hay không ? [^]

Trì chú có tác dụng không ? Trì chú là dùng những âm thanh đặc biệt, những ngôn từ đặc biệt, đại biểu cho sức mạnh gia hộ của chư Phật, Bồ Tát hay thần linh để phát huy những công năng nhất định như trị bệnh, xua đuổi tà ma quỷ quái, cầu phúc v.v… Trì chú dưới những hình thức khác nhau đã sớm có trong tôn giáo của các bộ tộc nguyên thủy.

Trì chú xuất hiện nói chung là thông qua môi giới những nhân vật đặc biệt được tin là có phép linh thiêng, có khả năng tiếp xúc với thần linh và được thần linh trao truyền cho mật chú. Ở các nước phương Đông hay phương Tây, nhiều mật chú được lưu truyền, tin tưởng và sử dụng. Ở Trung Quốc, cả phù và chú đều được sử dụng, phù là phù hiệu vẽ bằng bút, nó cũng đại biểu cho một sức mạnh thần kinh nhất định, dân gian tin rằng phù chú có sức mạnh đuổi tà, tránh dữ, giáng phúc cũng như một số loại thuốc dân tộc có tác dụng trị bệnh vậy.

Khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, có một số ít đệ tử cũng dùng phù chú, nhưng đức Phật không cho phép. Sau khi đức Phật diệt độ, những người theo đạo Phật dần dần trở nên phức tạp, số người trước kia là phù thủy, đạo sĩ ngoại đạo sau quy y theo Phật xuất gia làm Tỳ kheo. Nhưng họ vẫn tiếp tục dùng phù chú để chữa bệnh. Trong quyển 27 bộ "Tứ phần luật" và trong cuốn 46 bộ "Thập tụng luật" có ghi các truyện dùng chú trị bệnh.

Theo quan điểm cơ bản của Phật giáo, khi có bệnh phải đến thầy thuốc, gặp tai nạn thì phải sám hối, phải có lòng thành, làm điều thiện mới có thể chuyển hung thành cát, giải trừ được oan trái và nghiệp chướng. Vì vậy, trên nguyên tắc không coi trọng việc dùng mật chú.

Thế nhưng nếu thường xuyên trì tụng những câu thuật chú nhất định thì cũng có thể tạo được sức mạnh của thuật chú, trong đó tất nhiên có sức mạnh của thần linh. Nhưng trọng yếu là sức mạnh của tâm niệm tập trung của người trì chú. Nếu chuyên tâm nhất trí thường xuyên trì tụng một thuật chú thì có thể đạt tới hiệu quả thiền định thống nhất thân và tâm, từ hữu niệm tiến tới vô niệm. Vì vậy, trong giai đoạn phát triển về sau của Phật giáo, người ta không phản đối pháp môn trì chú, hơn nữa các câu chú chữ Phạn có ý nghĩa tổng trì nghĩa là thâu tóm tất cả, cho nên dùng pháp môn trì chú thì có thể thâu tóm tất cả các pháp. Bất kỳ câu chú nào mà tu trì đúng pháp và thường xuyên thì sẽ có hiệu quả lớn. Chủ yếu là do công phu trì chú, kết hợp với giữ giới, tu định mà sinh ra lòng từ bi và trí tuệ và tất nhiên có thể giúp tiêu trừ mọi nghiệp chướng, nhờ đó có thể thông cảm với sức mạnh bản nguyện của chư Phật, Bồ Tát.

Thế nào gọi là Vua của chú (chú vương) ? Theo ý nghĩa tổng trì thì bất cứ câu chú nào, nếu trì tụng thật chuyên, thành ra có sức mạnh, cũng đều là chú vương, trừ các câu tà chú, dùng để lợi mình hại người hoặc để báo thù, rửa hận ra thì bất cứ câu chú nào đều có thể trì tụng được cả.

Vào thời kỳ đầu Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, người ta không coi trọng trì chú. Nếu trì chú thì bị phê phán là tạp tu, mặc dù vào thời Ngụy Tấn cuốn "Kinh chú Khổng tước vương" đã được dịch ra còn cuốn "Đại bi chú" được dịch ra chữ Hán vào đời Đường Cao Tôn. Đó là những tài liệu sớm nhất về Mật Giáo được truyền đến Trung Quốc. Nhưng mãi tới đời Tống, với sự đề xướng của Đại Sư Tứ Minh Tri Lễ, thuộc Tông Thiên Thai thì việc trì chú mới phổ cập. Vào cuối đời nhà Đường "Chú Lăng Nghiêm" đã được truyền ở Trung Quốc.

Đến sau đời Tống "Kinh Lăng Nghiêm" được phổ biến, xem trọng mới được các chùa trì chú. Đến cuối đời nhà Minh, cuốn "Thiền môn Nhật tụng" đã gồm có nhiều câu chú rồi.

Dưới các đời Đường, Tống, Phật giáo truyền vào Nhật Bản không lưu hành các câu chú. Ngoài Mật tông ra, các câu chú không được xem trọng. Tịnh độ tông thì chuyên niệm Phật, Thiền Tông thì chuyên tham thiền, Tông Thiên Thai thì chuyên tu chỉ và quán. Vào thời kỳ Trung Quốc cận đại, người ta trì chú đồng thời kiêm tu các pháp môn khác, đó là điều mà các giới Phật giáo Nhật Bản rất lấy làm lạ. Đó là do ở Trung Quốc, có nhiều tỉ dụ của công việc trì tụng chú Đại Bi nên chúng tôi không phản đối pháp môn trì chú.

Hiện nay trong các câu chú được sử dụng ở Trung Quốc, đại bộ phận là danh hiệu các thần linh, vì theo tư tưởng của Đại thừa thì sức mạnh của tất cả mọi thiện pháp và tác dụng của công đức đều phát xuất từ quyền hiện và hóa hiện của chư Phật, Bồ Tát. Các câu chú mà Phật giáo dùng đều có danh hiệu Phật và Bồ Tát, đều có lời quy y Tam Bảo ở trong đó, nhưng đều dịch âm từ chữ Phạn, chứ không phải dịch ra nghĩa chữ Hán. Tỉ dụ "Nam mô Phật đà, Nam mô Đạt ma, Nam mô Tăng già" là chữ Phạn về quy y Tam Bảo. Nếu tụng "Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát" thì lời lẽ ý tứ rõ ràng hơn.

Người trì chú đúng đắn, tốt nhất là phát âm theo nguyên âm tiếng Phạn. Tụng tiếng Phạn, mọi âm tiết đều có tác dụng và ý nghĩa của nó. Như trong từ A di đà, cần phát âm A cho chuẩn. Thế nhưng trong tất cả các pháp môn, tâm là chủ, thanh là thứ yếu. Hàng nghìn năm lại đây, người Trung Quốc niệm "Nam mô A di đà Phật" không hề thấy xảy ra hậu quả hoặc tác dụng xấu nào cả. Hiện nay, chú Đại Bi được người Trung Quốc, người Tây Tạng, người Nhật, người Triều Tiên, người Việt Nam trì tụng với âm thanh khác nhau, nhưng đều đạt tới hiệu quả giống nhau.

Còn việc trao truyền chú thuật là tập tục của Lạt ma Giáo Tây Tạng của những vị Lạt Ma cao cấp. Thầy trò truyền cho nhau pháp gọi là Du Già mật, hay là Vô thượng Du Già Mật, theo những nghi thức nhất định và tự tu hành nhất định.

Không có nhận xét nào: