3. Uống nước nhớ nguồn, bàn về ân đức
Chư vị pháp sư, chư vị đồng tu:
Hôm nay chúng ta có được nhân duyên thù thắng như vầy, mọi người tụ họp tại đạo tràng Tịnh Tông Học Hội Úc châu, tuy đạo tràng chẳng lớn lắm, nhưng rất trang nghiêm, đây là nơi đầu tiên Tịnh Tông được truyền đến Úc châu. Chúng ta uống nước phải nhớ nguồn, trước tiên phải hiểu rõ sự hoằng truyền Tịnh Tông trong những năm gần đây đã trải qua một giai đoạn rất gian khổ.
a. Niệm Phật, Pháp môn hạng nhất của nền giáo dục Phật Ðà. Văn Thù, Phổ Hiền, Thiện Tài đều tu pháp này
Lúc tôi mới bắt đầu học Phật, người giới thiệu Phật pháp cho tôi là Phương Ðông Mỹ tiên sinh, đây là chuyện vào năm Dân Quốc bốn mươi hai (1953). Sau đó chẳng bao lâu tôi quen Chương Gia đại sư, ngài rất từ bi, giảng dạy hết lòng, cơ sở Phật học của tôi là do ngài xây dựng cho. Ba năm sau Chương Gia đại sư viên tịch. Một năm sau tôi gặp lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi theo học với thầy Lý được mười năm. Ðến năm Dân Quốc năm mươi sáu (1967) mới rời khỏi Ðài Trung, cho nên trên thực tế thời gian tôi tu học Ðại thừa Phật pháp là mười ba năm.
Sau khi đến Ðài Trung, thầy Lý giới thiệu pháp môn Tịnh Ðộ cho tôi, lúc đó tôi còn trẻ, cũng như phần đông những người trẻ tuổi thường ham thích những gì xa vời viễn vông, cứ nghĩ pháp môn niệm Phật là pháp môn dành cho ông già bà cả, trong Phật pháp còn rất nhiều kinh sách, có nhiều pháp môn rất hấp dẫn, những người trẻ tuổi như tôi rất hâm mộ, ưa thích, đặc biệt là Hoa Nghiêm, Pháp Hoa. Nhưng thầy Lý dùng trí huệ, phương tiện thiện xảo hướng dẫn chúng tôi. Tuy chẳng tiếp nhận hoàn toàn nhưng thời gian được thầy hun đúc, rèn luyện lâu dài nên từ từ chúng tôi cũng nhận thức được pháp môn này, nảy sanh lòng tin, mới biết pháp môn này rất thù thắng. Thực sự lúc tôi chân chánh hiểu rõ sự thù thắng của pháp môn này là sau khi tôi giảng kinh Hoa Nghiêm được mười bảy năm. Từ năm Dân Quốc sáu mươi (1971) tôi bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm, trong mười bảy năm này giảng được phân nửa Bát Thập Hoa Nghiêm, Tứ Thập Hoa Nghiêm cũng giảng được phân nửa, đều chưa giảng hết. Sau này thường thường ra nước ngoài hoằng pháp, thời gian có lúc gián đoạn, có lúc liên tục nhưng vẫn chưa giảng hết bộ kinh này. Từ trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta khẳng định pháp môn Niệm Phật là pháp môn hạng nhất.
Năm đó tôi đột nhiên nghĩ đến hai vị Bồ Tát trong hội kinh Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền. Bồ Tát Văn Thù đã từng là thầy của bảy vị Phật, nghĩa là trong số học trò của Ngài có bảy người đã thành Phật. Bản thân của Ngài có thể nói là cổ Phật tái lai ứng hóa, Ngài đã thành Phật từ một kiếp xa xôi về trước, bây giờ thị hiện ở thế giới Sa Bà, làm người trợ giúp cho Phật Tỳ Lô Giá Na, thị hiện là Ðẳng Giác Bồ Tát. Tôi đặc biệt để ý hai vị Bồ Tát này, họ tu pháp môn gì? Kết quả là từ kinh Hoa Nghiêm thấy được cả hai vị đều niệm Phật A Di Ðà cầu sanh Tịnh Ðộ, việc này làm cho tôi rất kinh ngạc!
Sau đó quan sát kỹ Thiện Tài đồng tử, người thị hiện làm học trò đắc ý, đệ tử của Bồ Tát Văn Thù, Ngài học pháp môn gì? Thì ra Ngài cũng niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tịnh Ðộ nữa. Cho nên năm mươi ba lần tham học [của Thiện Tài đồng tử] dạy cho chúng ta biết: đối với hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian một người niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ phải nên tu học như thế nào. Ðiều này dạy cho chúng ta một chuyện rất quan trọng, nói theo ngôn ngữ hiện nay tức là một người đệ tử chân chánh của Di Ðà niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ phải sanh hoạt như thế nào? Nên làm việc như thế nào? Nên tiếp xúc với mọi người như thế nào? Ðây đều là vấn đề vô cùng thiết thực đối với chúng ta, hơn nữa đều là những vấn đề chẳng thể không biết, câu trả lời nằm trọn trong kinh Hoa Nghiêm. Ðiều này cũng nói rõ kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh mà người học Phật chẳng thể không đọc.
Nhưng kinh Hoa Nghiêm quá dài, nếu dùng kinh nghiệm giảng kinh của tôi mà xét, giảng từ đầu đến cuối cũng mất khoảng ba ngàn giờ đồng hồ. Trong xã hội hiện nay có ai nhẫn nại như vậy, ai chịu dùng ba ngàn giờ đồng hồ để học một bộ kinh? Và cũng có thể nói người đời nay nghiệp chướng nặng hơn người thời xưa, người xưa có khả năng, có cơ duyên học bộ kinh này; hiện nay bước vào xã hội công nghiệp, thế kỷ sau này (thế kỷ hai mươi mốt) nhất định sẽ còn khẩn trương hơn bây giờ; bất kể là áp lực đời sống, áp lực công việc nhất định sẽ nhiều hơn bây giờ, nói một cách khác thời gian ngày càng ít. Cho nên không thể không tìm cầu bộ kinh khác. Rất may mắn chúng ta tìm được một bộ kinh cũng thù thắng, viên mãn giống kinh Hoa Nghiêm nhưng lại ngắn hơn nhiều, hết sức thích hợp cho người đời nay tu học, đó tức là kinh Vô Lượng Thọ.
Các đại đức thời xưa nói: ‘Kinh Vô Lượng Thọ là trung bổn Hoa Nghiêm, kinh A Di Ðà là tiểu bổn Hoa Nghiêm’. Kinh văn có dài, ngắn khác nhau, Bát Thập Hoa Nghiêm rất dài, Kinh A Di Ðà rất ngắn, nhưng nghĩa lý và cảnh giới trong đó chẳng có sai khác; đây là lời của cư sĩ Bành Tế Thanh nói vào những năm đầu triều vua Càn Long. Bành Tế Thanh có một tác phẩm rất xuất sắc là ‘Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận’, quyển này tuy không dài nhưng nội dung vô cùng phong phú. Gần đây lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã giảng quyển sách này một lần ở Bắc Kinh, có lưu lại băng thâu âm, từ băng ghi âm chép ra thành giảng ký, hiện nay đã được xuất bản, rất dễ kiếm, quyển này nói rõ kinh Hoa Nghiêm rất quan trọng trong pháp môn niệm Phật
Chúng ta hãy xem lời răn dạy, lời nhắc nhở của Văn Thù Bồ Tát cho Thiện Tài, hết thảy đều là dạy về tâm lý và thái độ để thân cận thiện tri thức. Những lời dạy này vô cùng quý báu và hết sức quan trọng. Vị thứ nhất mà Thiện Tài tham phỏng là tỳ kheo Kiết Tường Vân, vị thiện tri thức này tiêu biểu cho Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, bốn mươi mốt vị Pháp thân đại sĩ trong hội kinh Hoa Nghiêm. Tại sao lại xưng Pháp thân đại sĩ bằng danh từ tỳ kheo? Ý nghĩa của tỳ kheo này chẳng giống với ý nghĩa trong các kinh khác; tỳ kheo là người xuất gia, ngài xuất cái nhà nào? Không phải xuất cái nhà ruộng vườn, cái nhà vợ con thê thiếp, ngài xuất cái nhà thập pháp giới; vượt thoát thập pháp giới mới là thực sự xuất gia. Vượt thoát ra khỏi thập pháp giới rồi đi đến đâu? Ðến Nhất Chân pháp giới. Hoa Tạng thế giới là Nhất Chân pháp giới, Cực Lạc thế giới cũng là Nhất Chân thế giới, tỳ kheo ở đây tượng trưng cho ý nghĩa này.
Thập pháp giới là nhà, lục đạo là nhà, cái nhà này rất phiền phức! Pháp môn trong Phật pháp rất nhiều, kinh luận rất nhiều, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. Trên lý luận thì bất cứ pháp môn nào cũng có thể giúp bạn vượt thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, vượt thoát thập pháp giới, chứng được Nhất Chân pháp giới, tức là thành Phật. Lý luận chẳng sai nhưng thực sự căn tánh chúng sanh chúng ta chẳng giống nhau, trong kinh thường chia ra ba loại căn tánh: thượng, trung, hạ. Thượng căn lợi trí thì không có gì để nói, chẳng có vấn đề gì hết. Nhưng chúng sanh có căn tánh trung, hạ thì chẳng dễ, rất nhiều pháp môn chúng ta chẳng có cách gì học được, tuy chúng ta y theo lý luận, phương pháp để tu nhưng cũng không thể thành tựu. Tại sao không thể thành tựu? Vì không thể đoạn dứt phiền não, không thể đoạn dứt tập khí. Tu học Phật pháp có thể thành tựu hay không là ở tại chỗ này, chứ chẳng phải mỗi ngày đọc bao nhiêu quyển kinh, tĩnh tọa bao nhiêu giờ đồng hồ, niệm bao nhiêu vạn câu Phật hiệu. Những thứ này không quan trọng, quan trọng là đoạn phiền não, giảm bớt vọng niệm, đó gọi là công phu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét