Hỏi: Việc chăn gối giữa vợ chồng, có phải người học Phật, niệm Phật chẳng cần việc này? Phải chăng không thể có quan hệ tình dục giữa nam nữ ngoài phạm vi vợ chồng?
Ðáp: Ðức Phật dạy chúng ta sự tham ái giữa nam nữ là cội gốc của sanh tử luân hồi trong lục đạo. Kinh Lăng Nghiêm nói rất tường tận, nếu chẳng đoạn tâm niệm này thì nhất định sẽ chẳng thoát ra khỏi luân hồi. Nếu bạn nghĩ đến nỗi khổ trong lục đạo luân hồi thì tâm bạn sẽ đề cao cảnh giác. Bạn có muốn thoát ra khỏi lục đạo luân hồi ngay trong đời này không? Vấn đề thực tế này được đặt ra: Bạn có chịu tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân hồi hay không? Hoặc là chịu vượt thoát ngay trong đời này? Cơ hội vượt thoát này vô cùng quý báu, hiếm có, thiệt là trong vô lượng kiếp khó gặp được một lần, đời này chúng ta may mắn gặp được là một nhân duyên hết sức hiếm hoi, khó được, nếu bạn có thể cắn chặt răng, nhịn một chút thì sẽ thoát luân hồi; nhịn chịu chẳng được thì phải biết nỗi thống khổ này [to lớn vô cùng], đây là tội nghiệp.
Ðặc biệt là quan hệ tình dục giữa nam nữ ngoài phạm vi vợ chồng, đây là việc phá hoại luân lý, phá hoại đạo đức xã hội, pháp luật cũng chẳng cho phép. Trong Phật pháp gọi là ‘tánh tội’, cộng thêm pháp luật thế gian, tội này quá lớn, quá nặng, chẳng đáng! Vì vậy phải suy nghĩ kỹ càng, bình tĩnh cân nhắc vấn đề này. Nếu không thể giải quyết vấn đề này thì bất luận bạn tu học pháp môn nào cũng chẳng thể thành tựu, việc này rất thực tế.
Trong Mật Tông có ‘Pháp Song Tu’ đây là sự thật, chẳng phải giả. Chúng ta có thể học hay không? Nếu chúng ta học thì chẳng ai không đọa địa ngục A Tỳ cả! Ðây là một thường thức chúng ta phải biết! Thế thì tại sao pháp sư Mật Tông học xong chẳng đọa địa ngục? Trên thực tế họ đọa hay chẳng đọa địa ngục chúng ta không biết, chúng ta cũng không cần lo cho người khác, hãy suy nghĩ tự mình có công phu đến mức này hay không?
Nói một cách đúng đắn thì Mật Tông chẳng phải là pháp môn để cho phàm phu chúng ta tu học, kinh luận nói với chúng ta đến lúc nào mới học Mật? Ðến Bát Ðịa Bồ Tát. Ðó là cảnh giới gì? Bát Ðịa Bồ Tát còn gọi là Bất Ðộng Ðịa, nghĩa là chẳng kể ở trong cảnh giới nào, họ có thể có ‘sự’ nhưng chẳng có ‘tâm’, tâm của họ cũng xem như chẳng có việc đó. Họ có thể trong những việc này nhưng chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, dường như chẳng có việc gì xảy ra; nếu bạn có thể làm vậy được thì không sao cả; nếu trong hoàn cảnh này bạn vẫn còn một chút xíu tham ái thì bạn sẽ đi trình diện ở địa ngục A Tỳ. Mọi người nhất định phải hiểu điểm này, phải xét xem tự mình có công phu đến mức này hay chăng, không phải nói giỡn chơi đâu.
Khi tôi bắt đầu học Phật, vị thầy đầu tiên của tôi là Chương Gia đại sư, thầy dạy tôi: ‘Mật pháp là pháp tối thượng thừa trong Phật pháp’. Sau này tôi đọc kinh Hoa Nghiêm mới biết đây là cảnh giới của Ðịa Thượng Bồ Tát (3), là môn tu của Pháp Thân đại sĩ, chẳng phải của người thường! A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật (Phật ở đây là Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật trong tông Thiên Thai) trong thập pháp giới đều không thể học, họ vẫn chưa đến trình độ này. Tuy họ chẳng còn chấp trước nhưng còn phân biệt; có phân biệt thì còn tạo nghiệp và đọa lạc. Thiệt có thể làm đến chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng vọng tưởng thì mới được. Kinh Hoa Nghiêm nói ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại’, pháp giới chẳng có chướng ngại. Ngày nay khi có người khen mình vài câu thì mình rất vui vẻ; mắng mình vài câu thì mình rất khó chịu, thế là hỏng rồi! Vậy thì đây chẳng phải là cảnh giới của mình, mình vẫn còn chướng ngại! Khi người ta mắng bạn vài câu, tại sao bạn nổi giận đến vài ngày? Chẳng phải là bạn có chướng ngại hay sao? Nếu có chướng ngại thì chẳng thể học, không chướng ngại mới học được. Thế nên chúng ta phải hiểu đạo lý này, nhất định chẳng thể làm sự việc này, phải biết đây chẳng phải là cảnh giới của mình mà là cảnh giới của Ðại Bồ Tát.
Hỏi: Nếu mình niệm Phật nhưng vợ (hay chồng mình) chẳng niệm, vả lại còn phá hoại sự niệm Phật, thậm chí xé rách kinh sách, trong trường hợp như vậy phải làm thế nào?
Ðáp: Việc này lúc nãy chúng tôi đã nói qua rồi, mặc kệ họ, đừng để ý đến họ, tự mình nhất quyết đừng thoái chuyển, phải biết đây là nghiệp chướng của mình hiện lên, hãy chắc thật niệm Phật, niệm đến lúc tâm địa của mình thanh tịnh, bình đẳng thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ hết. Bạn phải có thể cảm hóa được họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét