Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

CÔNG SỞ LÀ ÐẠO TRÀNG

  • Làm việc tức là tập thể dục, công sở tức là đạo tràng.

  • Có đủ ba thứ: đức tin, nghị lực và dũng khí thì không có việc gì trong thiên hạ bạn chẳng làm thành.

  • "Tận nhân sự, thính thiên mệnh" nghĩa là làm tận sức mình rồi hãy nghe mệnh trời. Không nên trong lòng lúc nào cũng sợ khó khăn. Con người phải khắc phục khó khăn, không nên bị khó khăn kềm chế mình.

  • Thành tựu lớn nhất ở đời người là do từ trong thất bại mà ta đứng lên.

  • Người ta nên có lòng dũng mãnh xăn ống quần lội xuống bùn (ám chỉ nhảy vào làm việc cực nhọc khó khăn). Một khi đã ướt nước rồi, mình chẳng nên lo sẽ toát mồ hôi, hay mưa ướt nữa.

  • Hễ có việc thì có phiền não. Nếu muốn làm việc gì thì trước phải quyết tâm, tuyệt đối không được sợ phiền não rắc rối. Nếu không sợ phiền não thì bất kỳ khó khăn rắc rối nào bạn cũng giải quyết đặng.

  • "Niệm tư tại tư" nghĩa là khi tay làm việc gì thì tâm chú ý vào việc đó. Khi chân bước đi trên đường lộ thì tâm chú ý vào bước chân. Khi miệng nói điều gì thì tinh thần chú ý vào miệng nói.

  • Bất luận là việc gì trong sinh hoạt hàng ngày bạn phải chú ý đến sự an toàn, đề phòng chuyện bất trắc. Không nên xem nhẹ rằng gió nhỏ, không nên khinh thường rằng lửa yếu: Một đóm lửa nhỏ tý có thể đốt rụi cả rừng cây.

  • Người bị người ta chi phối (điều động) là người có năng lực. Người chi phối (điều động) người khác là người có tài trí.

  • Ðời người vô thường, do đó khi xã hội cần đến mình, bạn hãy mau mau đáp ứng. Hôm nay có thể nhấc chân cất bước thì hãy mau mau tiến bước.

  • Không nên sợ chở nặng. Chỉ cần la bàn phương hướng đúng đắn thì xe gì đi cũng được. Khi độ người khác thì tự mình cũng sẽ được độ.

  • Không nên tìm đường tắt, đường hẻm. Nếu bạn chọn ngõ hẻm đôi khi ngõ hẻm là ngõ bí, không thể thông suốt. Cuối cùng bạn phải trở lại ngõ chính lúc đầu, đi mất một vòng xa hơn.

  • Làm người hay làm việc, mình phải giữ lòng tinh tấn. Tinh nghĩa là không tạp. Tấn nghĩa là không thối lui. Tinh thì chuyên tâm nhất niệm. Làm việc gì cũng cần chuyên tâm thì mới thành. Không có hai niệm tạp nhạp thì mới tiến bộ.

  • Ðời người giống như leo núi: mình phải tìm một mục tiêu thật tốt. Dùng quảng đời ngắn ngủi của kiếp người dồn hết về mục tiêu ấy. Không nên giải đãi, lười biếng. Bởi vì trên sườn dốc, một khi lười biếng thì sẽ tụt xuống ngay. Cũng không nên đặt mục tiêu tại quá nhiều đỉnh núi. Bởi vì núi này cao còn có núi khác cao hơn. Nếu cứ trèo xong núi này, lại tụt xuống leo núi khác thì kết quả tốn công mệt sức. Mình phải chọn đỉnh núi tốt nhất, thích ứng với mình nhất rồi dũng mãnh tiến tới. Ngày này tháng nọ, cuối cùng mình sẽ thành tựu kết quả to lớn.

  • Người đời nay, thế trí biện thông (thông minh, hiểu rộng), miệng nói hay ho, nhưng khi làm việc thì chuyện gì cũng tính toán hơn thiệt (ích kỷ). Ða số người ta chỉ hiểu lý thuyết, không biết thật sự. Họ biết chữ nghĩa nhiếu lắm song khi đụng phải người, gặp phải việc thì không thể điều giải dung hợp. Ðó chính là tâm phàm phu.

  • Sự cải biến ở xã hội không phải do hò hét mà thành. Do làm mà có.

  • Những kẻ hò hét, nói về chính nghĩa có bao nhiêu kẻ dám hy sinh?

  • Thế nào là chân lý? Khi lý và sự hợp nhất, sự và lý tương dung thì đó là chân lý.

  • Sự (sự việc) không thể tách rời lý (nguyên lý, quy tắc, đạo lý). Phải đặt lý ở trung tâm , còn sự thì vây quanh. Dùng lý để chuyển sự. Không phải dùng sự để sửa đổi lý.

  • Ở giữa lý và sự, trung gian cần có người. Khi lý viên mãn, sự viên mãn thì người viên mãn.

  • Gạo trong thiên hạ: một người không sao ăn cho hết. Công việc trong thiên hạ: một người làm không xuể. Cũng vậy: Một người chẳng sao lập được công cho cả thiên hạ.

  • Làm việc gì cũng phải giữ vững nguyên lý. Không nên cứ chìu lòng, thuận theo người ta đi ăn uống (xã giao). Cứ thường chìu lòng như vậy, thì chẳng những bạn không độ được người ta mà mình còn bị kéo xuống đường xấu.

  • Nếu không thể gây ảnh hưởng tốt tới người khác, tốt nhất hãy làm chuyện bổn phận của mình. Ngay cả Phật còn tại thế, có ba việc Ngài làm không được: 1/ Không thể chuyển được định nghiệp của chúng sinh. 2/ Không thể độ chúng sinh nào mình chẳng có duyên. 3/ Không thể độ hết nghiệp của chúng sinh.

Không có nhận xét nào: