Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Vì sao con người ai cũng ở trong trạng thái mê mờ

Vì sao con người ai cũng ở trong trạng thái mê mờ? Ðó là do họ không hiểu được mình từ đâu tới, chết đi về đâu. Mỗi ngày bóng dáng bạn thấy khi tự soi gương nào phải là bạn. Nếu bạn muốn biết bản lai diện mục (chân tâm) thì phải quay mặt soi lòng, tìm nơi tự tâm. Người đời thì bị ngũ dục làm mê mờ, ngày ngày bị tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ kềm tỏa đến ngột ngạt khó thở, song họ vẫn cứ muốn cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho những thứ ấy.

Lòng tham của ta thì cao hơn trời, dầy hơn đất. Nó như cái thùng không đáy, đồ bỏ vào bao nhiêu cũng chẳng đầy.

Con người không có đạo đức mới thật là nghèo cùng.

Phải tìm đâu ra ngọc ngà châu báu mà mình sẵn có? Hãy tìm ở Kinh Hoa Nghiêm. Có câu rằng: Không đọc Kinh Hoa Nghiêm, không biết được sự giàu có của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm là vua của tất cả các vị vua kinh điển (tức là kinh đứng hàng đầu của những bộ kinh tuyệt diệu nhất mà Phật đã thuyết).

Nếu dùng tham sân si để xử lý mọi việc thì kết quả là trời đất sẽ u ám, sinh đủ tai nạn. Nếu dùng giới định huệ để giải quyết vấn đề thì trời đất trong sáng, mọi sự kiết tường. Nên nói: Nơi nào nhiều kẻ ác, nơi ấy nhiều tai nạn; chốn nào nhiều người thiện, chốn ấy thường an vui. Tai nạn hay an bình đều do người mà ra cả.

Người ta không thành Phật là bởi vì cứ dụng công nơi ngoài miệng (nói mà không tu, không thực hành).

Mọi sự, việc gì cũng là Phật pháp, cũng đều là thứ không thể chấp trước, không thể nắm bắt. Trên đời vạn sự, vạn vật, chuyện gì xảy ra cũng chính là thuyết pháp (hiển bày chân lý), chính là giảng kinh. Chúng ta mỗi người ai cũng nên đem bộ kinh của đời mình ra đọc cho kỷ, học cho thuộc, chớ làm việc sai lầm với đạo lý nhân quả. Ðời ta mới chính là bộ kinh điển chân chính nhất.

Nếu bạn cứ nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác hoài thì bạn vẫn còn khổ. Nếu bạn đã hết khổ thì bạn nhìn ai cũng thấy họ là Phật. Nhìn người nào, bạn cũng thấy họ hệt như Phật. Thật là đơn giản, thật là cạn cợt: Vậy mà bạn làm không xong!

Con người ta không phải sống để mà ăn. Sống: là ta phải lập công với đời, phải có đức với người, phải làm lợi cho thiên hạ. Mình phải: Từ bi thay trời dạy dỗ; trung hiếu vì nước cứu dân.

Một ngày chẳng sửa lỗi lầm là một ngày chẳng tạo công đức.

Phiền não tức bồ đề: Nghiã là, ngay lúc có phiền não mà mình có thể chẳng sinh phiền não, mình có thể nhận biết được nó, thì ngay lúc đó gọi là bồ đề. Chẳng phải rằng: vất bỏ phiền não đó đi rồi, sau đó tìm một cái bồ đề nào khác.

Bịnh AIDS là một bịnh làm diệt chủng, làm mất nước. Tôi hy vọng người Trung hoa không muốn mất nước, không nên học hành động của người tây phương.

Người học Phật pháp, cần phải tiết dục, giữ lòng trong sạch, ít ham muốn. Chớ nên có nhiều dục vọng. Ðó là điều quan trọng, vì nó là gốc rễ của vấn đề sức khỏe.

Các bạn có thể ngày nay quy y Tam Bảo là vì các bạn đã trồng căn lành to lớn trong quá khứ. Ngày nay khi họp mặt với nhau, đại chúng nên phát lòng bồ đề, cầu đạo vô thượng. Không nên làm loài sâu bọ trong Phật giáo, không nên làm kẻ hư đốn bại hoại. Hễ bạn thấy ai hủy báng Phật giáo, bạn chớ cùng họ tranh biện. Bạn hãy tu hành với hành động chắc thật . Dùng sự tu hành để hiển minh lời Phật dạy. Ðừng nên dùng lời nói ngoài miệng (khẩu đầu thiền) để làm họ tin mình. Phải chân thật tu hành.

Chiến tranh ở trên thế giới đều bắt đầu từ những chiến tranh nho nhỏ trong tâm mình phát khởi. Cổ nhân nói: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách (Sự thạnh suy của một nước, ngay kẻ tầm thường cũng phải có trách nhiệm). Chẳng nên nghĩ rằng: Ðó là chuyện của người khác, chẳng phải chuyện của mình. Nếu mỗi người ai cũng chẳng có chiến tranh, thì chiến tranh thế giới sẽ chấm dứt.

Ðừng nên đem ánh sáng chiếu rọi bên ngoài. Lúc nào cũng phải biết xoay ánh sáng lại rọi lòng mình. Chiếu soi xem mình là súc vật? là quỷ? là gì?

Thế nào là đạo đức? Tức là lấy sự lợi lạc của chúng sinh làm chủ, lấy sự không cản trở người khác làm tông chỉ. Ðạo đức cũng có nghĩa là trong lòng mình tràn ngập lòng nhân từ, nghĩa khí, lễ độ, trí huệ và thành tín.

Vì sao mình không tương ưng với đạo? Vì tâm cuồng chưa ngừng. (tâm cuồng là tâm đầy vọng tưởng).

Việc tốt là do tâm khởi đầu. Việc xấu cũng từ tâm khởi đầu.

Ba thứ độc tham sân si so với nha phiến, rượu mạnh hay với độc dược cực độc, thì nó lợi hại hơn gấp bội. Những thứ thuốc, rượu, độc dược chỉ là độc tố hữu hình, hại thân thể người. Còn tham sân si thì hại pháp thân huệ mạng của ta, đó mới là thứ tối chướng ngại tu đạo.

Tu hành pháp Phật tức là: Ðừng làm việc ác, làm toàn việc thiện.

Nhìn xuyên thủng thì mình sáng tỏ; hễ buông bỏ thì mình giải thoát. Giải thoát là tự tại. Khi tự mình không tại (không ở đây) thì giặc cướp sẽ xâm phạm, mình sẽ bị cảnh giới lay chuyển.

Người tu nếu không có tiền bạc gì cả thì mới tu hành được. Một khi có tiền thì tuyệt đối chẳng thể tu hành đặng. Ðó là điều tôi dám bảo chứng.

Sự khoái lạc chân chính thì chẳng có gì mong cầu. Khi tới chỗ không còn mong cầu thì ta sẽ chẳng có âu lo. Khi bạn chẳng mong cầu điều gì thì đó mới là sự vui sướng chân chính, cũng là sự an vui yên ổn thật sự của tự tánh.

Cái tật xấu lớn nhất của chúng sinh là lòng si ái (yêu đương si mê). Ngày đêm ở trong vòng si ái mà chẳng phút nào buông bỏ cho đặng. Nếu mình có thể đem lòng háo sắc biến thành lòng ham học Phật, giờ phút nào cũng chẳng quên học phật, thì rất mau có thể thành Phật.

Hãy đem sự thông minh, trí huệ nhỏ bé để qua một bên. Ðừng nên nghĩ rằng chuyện gì mình cũng biết, cũng hiểu. Nếu bạn nghĩ rằng việc gì mình cũng biết thì bạn không phải là người chân chính hiểu Phật pháp.

Vạn Phật Thánh Thành, không ai được phép nịnh hót, nói những lời dua nịnh, vuốt ve kẻ khác.

Trong chùa, nơi đạo tràng, việc xấu xa nhứt là ta chẳng chịu tu hành. Ai chẳng tu hành thì tương lai đều phải đọa lạc.

Tu hành cần ta phải dưỡng nục, nghĩa làm ra vẻ khù khờ. Càng ngu ngơ khù khờ càng tốt. Khù khờ đến chỗ rằng một vọng tưởng cũng chẳng còn.

Người tu hành đừng nên có cái TA. Vất cái ngã vô thùng rác. Ðến đâu cũng vì người khác, vì việc công mà phục vụ. Phải biết hòa quang (hòa đồng với mọi người), dùng sự nhượng bộ làm bước tiến. Việc gì cũng giữ gìn, chẳng đua đòi tranh giành, chơi nổi. Một khi chơi nổi thì bạn sẽ gặp rắc rối ngay.

(Nói với người xuất gia:) Nếu đồ ăn thức uống không thanh đạm thì đừng ăn. Trách nhiệm của người tu là hoằng pháp chớ không phải đi tiếp đãi người ta. (Ðây là ý nói về chuyện người xuất gia hay đi ra tiệm ăn uống để tiếp đãi, hoặc bàn bạc chuyện đời, chuyện danh lợi, chuyện riêng tư.)

Có người cư ngụ tại Vạn Phật Thánh Thành, nhưng chờ Sư Phụ tới mới chịu đi nghe giảng, còn bình thường thì chẳng chịu tham gia hai thời công phu sáng và chiều. Nghe giảng lại chẳng chịu tùy hỉ. Ðó thật là ích kỷ. Họ chỉ muốn tới lấy mà chẳng phải tới cho, đi ngược lại với tinh thần căn bản của chùa Vạn Phật. Ðại chúng thì là một thể, bạn không thể làm việc riêng tư ích kỷ, chẳng đếm xỉa gì tới toàn thể đại chúng.

Ai là kẻ thù của người tu? Chẳng phải ma vương đâu, chính là lòng ích kỷ. Làm việc với lòng ích kỷ thì vạn sự chẳng thành; dẫu có thành công cũng chỉ là hư vọng.

Người dụng công tu đạo thì một tích tắc cũng không thể khởi vọng tưởng. Rằng: Ðại sự chưa xong, khổ như có tang. Việc sinh tử đại sự chưa giải quyết xong thì cũng bi ai đau khổ hệt như người con có cha mẹ mới chết vậy.

Phật pháp sâu rộng như biển lớn: Phải dũng mãnh tinh tấn, siêng năng tu tập thì mới có thể thành tựu được.

Người tu đạo cần phải có sự hiểu biết đúng đắn và cái nhìn đúng đắn (chính tri chính kiến). Không nên điên đảo thị phi. Trắng đen phải phân cho rõ, chẳng thể lầm mắt cá là hạt ngọc. Chẳng thể làm qua loa, làm cho có. Nếu làm vậy thì bạn sẽ có sự hiểu biết và cái nhìn lệch lạc (tà tri tà kiến) vĩnh viễn chẳng thể thành Phật đặng.

Suy nghĩ vẩn vơ: Nếu bạn biết chắc chuyện đó chẳng thể làm được thì sao cứ cố ý nghĩ đến nó hoài? Nếu biết đó là vọng tưởng, suy nghĩ vẩn vơ, thì sao bạn không dẹp nó qua một bên? Ðây là thói quen xấu của nhiều người: Biết là sai mà cứ cố ý làm. Nói trắng ra thì đó là bạn không nhìn thủng, chẳng buông bỏ (chấp trước). Bạn không chấp trước bên này thì cũng chấp bên nọ; không trước món này lại trước món khác; không chấp đàn ông thì cũng trước đàn bà. Thế là bạn lãng phí hết thời gian quý báu.

Lòng từ bi bắt nguồn nơi tự tánh. Nó chẳng cần bất kỳ sự tạo tác gì mới có. Mình không cần phải nịnh hót (mới có lòng từ bi); nịnh hót là việc giả dối. Người ta từ từ trưởng thành, thế nào họ cũng sẽ hiểu đạo lý này. Khi ấy tâm họ sẽ tự nhiên phát sinh lòng từ bi, mà không cần phải cố ý làm bất kỳ việc gì. Cố ý là ra vẻ từ bi thì bạn sẽ rơi vào chỗ yếu mềm, nịnh bợ. Cố ý làm vẻ không từ bi, thì bạn sẽ trở nên rất lạnh lùng, xa cách. Làm quá mức thì cũng chẳng khác làm chưa đủ. Chuyện gì cũng phải giữ trung đạo, tức là vô tâm , vô niệm.

Là đệ tử của Phật, mình phải cẩn thận chuyện nhân quả. Chớ tùy tiện hủy báng, chửi rủa người khác.

Khi một niệm chẳng sinh, quỷ gì cũng chẳng có. Tới lúc chẳng còn thứ gì (hết tham sân si, vọng tưởng phiền não) thì lúc ấy, cái gì cũng có: Phật Bồ Tát đều tới. Vì sao? Vì rằng bạn chẳng có gì cả thì Phật mới tới. Nếu bạn còn có một thứ gì (phiền não, chấp trước), thì Phật sẽ chẳng đến. Lúc tới cảnh không thì bạn phải hết tuyệt tánh (phiền não, chấp trước) của mình, cũng tới tận cùng lý tánh của con người, lý tánh của vạn vật, lý tánh của trời đất. Chư phật chính là bạn, mà bạn cũng là chư Phật. Khi bốn tướng chấp trước đều hết thì còn gì để phiền não?

Nếu bạn hiểu (giác ngộ) thì chuyện gì cũng là ý của tổ sư. Nếu bạn không hiểu thì chuyện gì cũng tức tối, nóng giận.

Một niệm lành, trời đất kiết tường. Một niệm ác, trời đất cuồng phong bão táp. Do đó nước nào dân chúng lương thiện, biết giữ ngũ giới, tu thập thiện, thì nước ấy chẳng có việc gì (hung hiểm).

Nếu có người chân chính tu hành thì Phật giáo mới hưng thạnh. Nếu chẳng có ai thì Phật giáo sẽ bị hủy diệt.

Lúc tu hành, bạn đừng sợ khó, đừng sợ khổ, đừng sợ chẳng có tiền, cũng đừng sợ không có cơm ăn. Nếu có lòng sợ hãi thì bạn chẳng thể tu hành đặng. Người tu đạo thì tương phản với kẻ thế tục: Người đời cầu ngũ dục (tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ hưởng thụ), chẳng thể nào buông bỏ chúng.

Nếu bạn có thể nhẫn dục (nhẫn nhịn không khởi dục vọng): Ðó tức là trì giới. Chẳng thể nhẫn dục thì chẳng phải trì giới.

Trong sinh hoạt của tùng lâm thì giữ quy củ là việc trước tiên. Lên điện theo công khoá, lễ lạy, cúng ngọ, là việc nhất định bạn phải làm. Việc này quan trọng hơn tất cả việc khác. Bạn phải tùy chúng (làm theo mọi người) không được biệt chúng (làm khác hẳn đại chúng). Nếu không thì bạn không được ở chung với đại chúng.

Khi tu hành nếu bạn không hiểu đạo, thì một mặt tu, một mặt tiêu (mất công đức). Ví như nói bạn đừng nổi lòng tham dục, bạn lại nổi tham dục nhiều hơn. Từ sáng đến chiều cứ nghĩ yêu người này, thèm khát người kia. Toàn là ý nghĩ không thanh tịnh. Trong tâm bạn nước trí huệ sẽ vẫn đục, bạn sẽ chẳng còn trí huệ nào nữa, vì sự ô trược bị quấy lên rồi. Do vì bạn chẳng hiểu đạo nên cứ tu mãi mà chẳng chứng quả, chẳng thấy đạo. Ðó là vì sao? Bởi vì bạn có lòng ái dục. Nếu không có lòng ái dục thì rất mau bạn sẽ thấy đạo.

Khi bạn không dụng công, không tu hành thì bạn cũng giống như cục đá mài dao. Tuy không thấy cục đá bị hư hao gì, nhưng để lâu ngày, mới hay là đá ngày càng nhỏ lại.

Vô minh là một cái phòng tối đen. Nếu có trí huệ thì phòng tối sẽ biến thành sáng sủa. Trên đời này, chữ TÀI và chữ SẮC đã hại không biết bao nhiêu người tu đạo. Người tu nếu không buông bỏ được tiền tài thì sẽ sinh lòng tham tiền tài, của cải; không buông bỏ được sắc đẹp thì sẽ háo sắc, tham dâm. Ðạo nghiệp tuyệt đối chẳng thể nào thành tựu.

Nếu tinh đầy đủ, bạn chẳng cảm thấy lạnh; nếu khí đầy đủ, bạn chẳng thấy đói; nếu thần đầy đủ, bạn chẳng buồn ngủ. Tinh, khí, thần (theo Ðạo giáo) gọi là Tam Bảo. Lý này cũng tương tợ như Phật Pháp Tăng của nhà Phật.

Sai một ly, đi một dặm, khi tu đạo mình không được bê bối tùy tiện. Nếu bạn khởi vọng tưởng, không tu luật nghi, không nghiêm chỉnh học đạo, thì có thể bạn sẽ lập tức chiêu cảm quả báo hay sự trừng phạt vô cùng nghiêm trọng.

Xuất gia là vì muốn tu hạnh thanh tịnh. Nếu sau khi xuất gia rồi, lại chẳng muốn xuất trần, tới đâu cũng giao tế, đãi đằng, thù tạc thì làm sao gọi là người xuất gia?

Bạn chớ nên quá chấp trước, cứ đeo trên người mấy thứ gồng gánh mãi. Gồng gánh gì? Tức là những thứ thói hư tật xấu. Nếu bạn có những thứ luộm thuộm đó thì chẳng thể nào rút chân ra khỏi bùn lầy, chẳng thể nào tới đặng bờ bên kia.

Người tu đạo chân thật thì đi tới đâu cũng chẳng mong người ta cúng đồ ăn ngon, có nhà ở tốt. Mình chẳng nên có tư tưởng như thế vì nó là hạt giống làm ta đọa lạc. Tới đâu, hễ có đồ vật bình thường là đủ rồi, chớ nên tham cầu hưởng thụ. Chớ nên có thái độ vui vẻ với người đối xử tốt với mình, còn đối với kẻ đối xử không tốt với mình thì chẳng vui lòng chút nào.

Không có nhận xét nào: