Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

thiện ác theo đạo Phật

Câu hỏi: Nam Mô A Di Ðà Phật Kính bạch Sư Phụ, Như vậy thì khi con cầu mong người ta sớm tìm ra thuốc chữa bệnh SARS để những khóa học của Sư phụ ở Phổ Ðà Sơn và Ấn Ðộ có thể thực hiện được mà quên không nghĩ tới những con vật sẽ bị dùng làm thí nghiệm trong việc tìm kiếm thuốc đó cũng là 'Ác pháp' phải không ạ? Mấy hôm nay con ngồi suy nghĩ tới vấn đề đó mà rùng mình, thấy mình ích kỷ quá, chỉ lo cái thân mình mà quên rằng sẽ có bao nhiêu con vật sẽ bị hy sinh cho sự sống của con người. Nếu mình thành tâm cầu nguyện cho những con vật đó được vãng sinh thì có được không ạ? Bạch Sư phụ, Sư phụ hoan hỷ chỉ dạy cho con trong trường hợp nàyngười Phật tử phải xử sự, suy nghĩ ra sao ạ? Có vấn đề cộng nghiệp với những chuyên viên phòng thí nghiệm không ạ? Trả Lời: Là người Phật tử thì phải căn cứ theo tiêu chuẩn nào để mà phán định về thiện và ác? Chính là Giới Luật. Có thọ Giới mới trở thành Phật tử. Mà thọ Giới thời lại có hai phương diện: Một là tâm nguyện, hai là thực hành. Nghĩa là khi thọ Giới, người Phật tử phải phát nguyện "lìa bỏ tất cả các điều ác, nguyện làm tất cả các điều lành, thanh tịnh tâm mình khỏi tất cả các phiền não, và (nếu là Bồ tát thì còn phải) thệ độ tất cả các chúng sinh." Trên mặt tâm nguyện này bắt buộc người Phật tử phải phát tâm cho hoàn toàn viên mãn, không lưỡng lự, không do dự, dứt khoát, chân thật, dũng mãnh, thiết tha... Bởi nhờ do thế mà tâm nguyện phát ra lúc ấy làm cho toàn khối "tâm" của người Phật tử trở nên hoàn toàn thanh tịnh viên mãn, cứu cánh "đến bờ kia". Nhờ vậy ngay khi sát na phát nguyện ấy vừa chấm dứt, người Phật tử thành tựu được "Giới Thể", tức Thiện căn hay Ðạo căn đúng nghĩa, tức hạt mầm của Ðạo quả và Niết Bàn sau này vậy. Song đó chỉ mới là tâm nguyện, mới là hạt giống Ðạo dược gieo vào đất tâm mà thôi. Ðến phương diện thực hành, không ai có thể một lúc mà làm được tất cả các điều thiện, tránh được tất cả các điều ác. Vì thế trên mặt thực hành đức Phật chỉ đưa ra một ít "giới" để mà hành trì. Không những thế Ngài còn phân ra cấp bậc từ 5 Giới, 8 Giới, 10 Giới, 58 Bồ Tát Giới, hay 250 Tỳ Khưu Giới. Cốt yếu là để cho chúng ta dễ hành trì. Ðiều này chứng tỏ là trên phương diện thực hành không ai có thể làm thiện được hết trăm phần trăm. Vậy thì tại sao lại cứ băn khoăn bối rối khi thấy mình còn có điều ác này hay điều ác kia? Vấn đề mình còn có điều ác này điếu ác kia có hai nghĩa: (1) Một là do mình buông lung, tà kiến, không tin nhân quả mà làm ác. (2) Hai là mình có tâm nguyện thiết tha không làm ác, song sức mình chưa đủ nên chỉ thực hành phần ít nào thôi để từ từ mà vươn lên đến chỗ viên mãn. Trường hợp (1) mới đúng là ác. Còn trường hợp (2) không phải là ác, mà là đang tôi luyện, tập luyện, chưa phải là giai đoạn hoàn hảo thì làm sao mà không còn ác được. Tuy còn có ác song không phải là ác, vì mình còn đang tập luyện vậy. Ðiều quan trọng nhất trong giai đoạn này là người Phật tử luôn luôn phải giữ vững tâm nguyện thọ và hành trì Giới viên mãn của mình và không phạm các Giới mình đang thực hành. Thì như thế mình chính là người thiện và tốt rồi, không có lý do gì để phê bình người Phật tử ấy là xấu hay ác được. Thế nên đã là Phật tử thì cứ căn cứ theo Giới Luật mà mình đã thọ để phán đoán mình là thiện hay ác. Cứ phạm Giới và nhất là thối thất tâm nguyện thọ Giới thì đó là ác... Ðạo Phật nhìn nghĩa thiện ác ra sao? Trong Ðạo Phật ý nghĩa của thiện ác được nhìn theo hai cách: (I) Nhìn theo lý Nhân Quả ba đời và sự đạt được các lợi lạc hay bị thất lợi. Theo Ðạo Phật một hành động nào đó mà đem lại một kết quả lợi lạc cho chính người làm thì hành động ấy được coi là thiện. Ngược lại một hành động mang lại hậu quả đau khổ thiệt thòi cho chính người làm, thì hành động ấy bị coi là ác. Song đừng quên rằng kết quả lợi lạc hay hậu quả tai hại đều phải là ở đời sau. Bởi có nhiều kẻ làm ác mà vẫn không thấy có kết quả đau khổ nào đến với hắn trong suốt đời sống hiện tại này. Nhiều kẻ làm ác để được thụ hưởng và rồi nhờ quyền thế hay may mắn nào đó mà cứ thế được hưởng suốt đời. Nếu không có quả báo của đời sau, thì kẻ kia làm ác mà được hưởng lợi lạc, vậy thì hành động ác kia đâu còn là ác nữa?! Bởi làm ác mới bị khổ đau, làm thiện mới được lợi lạc, nay kẻ kia làm điều "ác" ấy mà được lợi lạc, thì chứng tỏ điều "ác" ấy chính là thiện???!!!! Theo Ðạo Phật thì không phải vậy, kẻ làm ác ấy có thể tránh được quả ác trong đời hiện tại này, song trong các đời sau thì hắn phải chịu trả quả, chắc chắn không sao tránh khỏi. Ðạo Phật từ chối không chấp nhận sự sung sướng hiện tại trong đời này là kết quả của việc ác mà hắn làm, mà cho rằng đó chỉ là quả báo thiện của hành động thiện mà hắn đã làm trong đời trước (nhờ hành động thiện trong đời trước nên đời nay hắn mới có kết quả là có nhiều quyền hành hay may mắn để che chở cho hắn không bị quả khổ ngay trong hiện đời). Còn quả báo thật sự của việc làm ác trong đời hiện tại này sẽ là một sự khổ đau không cùng trong các đời sau. Với Ðạo Phật nếu nhân quả ba đời (quá khứ, hiện tại và tương lai) mà không có, thì người ta không còn biết đâu là thiện hay ác nữa, và nếu không có lẽ nhân quả một cách tổng quát thì ý nghĩa của thiện ác sẽ không còn nữa. Nghĩ mà xem, nếu một kẻ giết người cướp của rồi sống vĩnh viễn hạnh phúc, không thấy quả báo giết người cướp của đâu hết, thì ác như thế có hại gì đâu? Mà đã không có hại mà còn có lợi nữa thì sao chúng ta lại không làm? Trong trường hợp như vậy, chúng ta không thể tìm đâu ra một lý lẽ nào đó để bảo chuyện giết người cướp của kia là ác được!!! Và nếu không có nguyên lý nhân quả ba đời, thì kẻ nào mạnh kẻ đó sướng, kẻ nào yếu kẻ đó khổ. Và như vậy quyền hành thế lực và áp bức dành dựt hiếp đáp, tóm lại là làm hại người khác để hưởng lợi cho mình, sẽ là nguyên nhân của hạnh phúc vậy!!! Song Ðạo Phật nhìn thấy rõ tất cả mọi hành động làm hại người khác để được lợi cho mình, dù được hưởng lợi trong đời này, song đều mang lấy các quả báo đau khổ (nhưng phải nhớ là) trong các "đời sau". Thế nên các hành động ấy bị coi là "ác". Ngược lại các hành động xả kỷ vì người, gây lợi ích cho người khác, dù trong đời hiện tại có vì thế mà mình khổ sở, song chắc chắn trong các đời sau mình sẽ được tất cả các quả báo an lạc hạnh phúc.Thế nên các hành động này được coi la "thiện". Tóm lại: (1) Ðiều trước tiên chúng ta cần phải biết là : Ðạo Phật không nói thiện ác theo lý thuyết, mà dựa trên "hành động" của hữu tình đối đãi qua lại với nhau để phân định thiện ác. Tức thiện ác là dựa trên hành động mà phán xét (hành động được gọi là "Nghiệp".) (2) Kế đến, Ðạo Phật dựa trên hành động làm lợi ích hay gây thiệt hại cho người khác làm tiêu chuẩn để đánh giá thiện ác. (3) Sau cùng, Ðạo Phật dựa trên chân lý Nhân Quả trong ba đời, tức kết quả lợi lạc hay khổ đau cho chính cá nhân người hành động, để làm cơ sở lý luận chứng minh cho những gì mà hai điều (1) và (2) ở trên đưa ra. (II) Nhìn thiện ác theo cách thứ hai là: Tất cả mọi nhân quả, dù thiện hay ác, khổ đau hay hạnh phúc, đều chỉ là tạm bợ không thật. Cũng chỉ do vỉ gieo nhân nên phải gặt quả. Mà cứ có nhân có quả thì thiện hay ác gì cũng phải chịu khổ đau nói chung là "sinh lão bệnh tử", chịu hoại diệt mất mát, tan rã khổ đau v.v... Do đó "cái gì" làm cho hữu tình rơi vào trong vòng nhân quả cái đó chính là "ác". "Cái gì" làm cho chúng sinh thoát ra khỏi được vònh nhân quả cái đó mới chính là "thiện". Và Ðạo Phật trả lời, "vô minh" đưa chúng sinh vào vòng nhân quả luân hồi đau khổ và "giác ngộ" đưa chúng sinh thoát ra khỏi vòng nhân quả luân hồi khổ đau. Như vậy vô minh là ác và chỉ duy nhất có Giác ngộ mới là thiện. Theo cách nhìn này, thế gian không hề có thiện mà toàn thể thế gian chỉ là vô vàn bộ mặt của "ác" được biểu lộ ra một cách vẹn toàn. Muốn biết ác ở đâu, muốn hiểu ác là gì, thì cứ nhìn vào thế gian này với tất cả mọi cõi của nó, từ địa ngục lên đến các cõi trời người v.v... Chỉ có hành động theo Ðạo mới được coi là "thiện", chỉ có Niết bàn giải thoát khỏi mọi khổ đau luân hồi thế gian kia mới chân chính là thiện, duy nhất là thiện mà thôi. Nhìn thiện ác theo cách (I) là nhìn theo Thế Tục Ðế, nhìn theo tương đối. Nhìn theo cách (II) là nhìn theo Chân Ðế, nhìn theo tuyệt đối. Nếu chúng ta đã là Phật tử rồi, đã theo Phật tu hành, thì sao lại không biết rõ thế nào là thiện ác, thế nào là Chân Tục hai đế, để rồi nhìn thấy vài khía cạnh nho nhỏ về thiện ác của Tục Ðế mà đã hoang mang nghi ngờ không biết phải đối sử ra sao nữa!!! Chúng ta không hề hay rằng theo Ðạo Phật chính là theo con đường toàn thiện và tối thiện rồi đó hay sao? Chúng ta không biết gì hết về cái ác của thế gian này hay sao? Vá mọi điều thiện của thế gian đều chỉ là tương đối thôi hay sao? Hãy tư duy cho ky về vấn đề thiện ác theo Chân Tục hai đế này đi, trước khi nghe tiêp vấn đề (còn tiếp) Ðạo Phật đã đóng góp gì để xây dựng Thiện Pháp? Vấn đề trước tiên hết đối với Ðạo Phật đó là làm sao để cá nhân một hữu tình, như một con người chẳng hạn, được "là" thiện, trước khi mà người ấy muốn "làm" thiện. Một người xấu vẫn có thể làm thiện, như khi một người bỏn xẻn mà chịu bố thí vậy, hay khi một tên sát nhân tha chết cho một nạn nhân v.v...Ðạo Phật sẽ không chút hài lòng khi một người làm thiện mà vẫn là người ác và xấu như thường, như một người bố thí với tâm đầy kiêu ngạo và tà kiến, một người tu hành chỉ để xây dựng cho danh vọng và địa vị của mình v.v... Ðạo Phật muốn rằng trước khi người ấy làm điều tốt thì người ấy phải "là" tốt, phải "trở thành" tốt trước đã. Tại sao vậy? (1) Thứ nhất, "làm" thiện sẽ không thay đổi gì nhân quả của mình được khi chính mình "là" ác. "Là" là chỉ cho thực chất của mình, bản thể, tự tính của mình. Trong khi "làm" chỉ là một hành vi biểu lộ ra bên ngoài cho mọi người thấy biết. Khi mình thấy một người "làm" thiện, như bố thí chẳng hạn, mình không thể vì vậy mà nói chắc được người ấy "là" thiện hay "là" ác hay "là" không thiện không ác? Nếu mình thuê một người đi bố thí, người ấy "làm" việc bố thí theo tư cách của người làm công, nên dù có "làm" công việc bố thí ấy, song người ấy chẳng phải là thiện cũng chẳng phải là ác. Còn nếu mình thấy bố thí sẽ đem lại cho mình nhiều lợi lộc vật chất như danh vọng, thắng cử tổng thống, hay bố thí ấy sẽ đem lại một mối lợi làm ăn buôn bán nào đó cho mình v.v.., thì đó là "lợi dụng" chuyện bố thí để mưu đồ tư lợi, thì tuy rõ ràng mình hăng hái tích cực "làm" việc thiện bố thí , song thực ra mình "là" ác! Khi mình đã "là" ác như thế, thì có "làm" bao nhiêu lần thiện bố thí đi nữa, trong đời sau mình vẫn phải chịu quả báo ác khổ đau như thường. Bản chất mình "là" ác thì phải chịu quả báo ác, không thể dùng việc "làm" thiện mà che đậy hay trốn tránh được luật nhân quả.Như vậy, một khi mình dã "là" ác rồi, thì "làm" thiện sẽ không có kết quả lợi ích gì, sẽ trở thành vô ích, trái lại lại còn làm tăng thêm tội lỗi của mình ở chỗ lừa dối, bịp bợm, đạo đức giả nữa. Thế nên Ðạo Phật muốn cho mình trở thành thiện và "là" thiện trước đã, rồi mới "làm" thiện sau là vậy. (2) Thứ hai, mình có thể nói : Ðã đành lạm dụng điều thiện như trên là ác rồi, song nếu người ác mà chịu làm thiện mà không phải vì nhằm lợi dụng việc thiện, mà vì các lý do khác như nghe lời khuyên của bạn tốt, thấy tội nghiệp thật, hay cũng có tin phước đức, muốn làm phước để dành cho mình đời sau, hay để lại cho con cái v.v.. thì đó cũng là điều tốt vậy. Người ác mà mình khuyến khích được người ta làm thiện thì còn gì bằng nữa, không hơn là để cho người ta ác luôn hay sao. Tuy "là" ác nhưng có "làm" thiện vẫn hơn là "là" ác mà cũng không "làm" thiện luôn. Ðúng vậy, Ðạo Phật đâu phản đối chuyện này. Song chúng ta phải thấy là trường hợp "ác làm thiện" ở đây khác hẳn trường hợp "ác làm thiện theo lối lợi dụng thiện" ở trên. Người ác ở đây khi làm thiện không hề có tâm lợi dụng mà là tâm thiệnthật sự. Song tâm thiện này của họ chỉ phát ra nhất thời, thế nên nó vẫn lỏng lẻo và hời hợt, có thể dễ tan biến như sương mai! Thế nên dù học có làm thiện và chân thật "là" thiện trong lúc đó, song cái "làm" và "là" thiện đó rất mong manh và không hcắc thực, thế nên họ chỉ "là" thiện nhất thời hay tạm thời, thực chất họ vẫn là ác như thường! Vì vậy họ vẫn không sao tránh được quả báo ác trong tương lai. Sự "làm và là" thiện của họ chỉ nhất thời, nên quả báo thiện ấy của họ trong tương lai cũng chỉ nhất thời và sẽ dễ dàng tan mau! Họ vẫn không bao giờ thật sự thoát khỏi quả khổ được. Vậy thì làm thiện như thế có được lợi ích gì? Ðược hưởng chút quả báo sướng để rồi căn bản khổ vẫn là khổ. Ðôi khi còn vì được hưởng chút quả báo sướng mà đâm kiêu mạn, bất tín, đâm tham lam thêm mà tạo ác đủ thứ nữa. Thế thì làm thiện và là thiện theo lối nhất thời ấy có nguy hiểm hay không? Thế nên Ðạo Phật muốn cho mình trở thành thiện và "là" thiện trước đã, rồi mới "làm" thiện sau là vậy. Và "là" thiện ở đây không phải là nhất thời mà "là" thiện tự bản chất, vĩnh viễn thường hằng "là thiện" vậy. (3) Thứ ba, điều mà không ai nhìn thấy, kể cả các Phật tử, đó là : Tất cả các "Thiện" của thế gian đều là thiện theo lối "nhất thời" như trên, đều không phải thật sự "là" thiện, bản chất là thiện. tự tính là thiện, thế nên thế gian không sao tránh khỏi quả báo đau khổ được là vậy. Tại sao vậy? Qua các nhận xét ở trên, chúng ta thấy rõ "làm" thiện chỉ là hành động bên ngoài, còn "là" thiện hay ác là hoạt động của Tâm ở bên trong. Làm thiện không thôi chưa chắc đã có được quả báo tốt đẹp, và nếu có cũng chỉ nhất thời. Lại nữa chỉ làm thiện không thôi khi được quả báo tốt đẹp, vì quả báo ấy mà sẽ làm tăng trưởng các ác pháp. Thế nên làm thiện không thôi không bảo đảm chút nào, mà phải "là" thiện thì mới chắc chắn luôn luôn được quả báo thiện. "Là" thiện có nghĩa là có Tâm Thiện. Và như vậy: Chính tâm thiện hay ác của một người xác định người ấy là thiện hay ác, chứ không phải là hành động thiện ác bên ngoài của người ấy. Vậy thế nào là một Tâm Thiện? Một tâm ích kỷ chỉ nghĩ lợi cho mình có phải là thiện không? Dĩ nhiên là không. Nền tảng của tâm ích kỷ chính là cái Tôi. Thế gian này có ai không chấp Tôi hay không? Một tâm tham lam, sân hận hay si mê thì là thiện hay ác? Dĩ nhiên là ác.Thế gian này có ai không tham sống, không tham hưởng hay không? Ðã chấp Tôi thời phải có của Tôi, có của Tôi là phải tham đắm trong những cái của Tôi ấy. Có tham đắm ái luyến là có mong cầu khát khao mong ước, đã có khát khao mong ước là phải có sân hận, bực bội khi mong ước ấy không thành hay bị trở ngại. Mà không khát khao mong ước gì hết, không sân hận bực bội gì hết, thì lại thành si mê, ngu ngơ ngù ngờ, như loài vật, như gỗ đá, thì đó là thiện đó hay sao? Mà nếu toàn thể thế gian này đều "là" như thế thì thế gian này "là" thiện hay ác đây? Dĩ nhiên nếu Tâm đã "là" Tôi, "là" tham sân si, thì phải "là" ác thôi. Mà đã là ác thì làm sao có quả báo sướng được? Do đó thế gian này đầy việc thiện ra đó, biết bao nhiêu người "làm" thiện đó. Nhưng căn bản của thế gian vẫn "là" ác, nên vẫn phải chịu quả báo khổ đau như thường. Mà tại sao hữu tình muôn loài, từ loài trời, loài người xuống đến súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, lại cứ có chấp ngã, cứ có tham sân si như vậy? Theo Ðạo Phật, bởi vì họ vô minh, không thấy ra Chân Lý của tất cả các pháp là gì hết! Do đó, do Ðại Từ Bi Tâm muốn cho chúng sinh muôn loài được thoát khỏi quả báo khổ đau, đức Phật đã góp phần của Ngài vào bằng cách xây dựng cho chúng sinh một Tâm Thiện viên mãn, đúng nghĩa, chân thật và vĩnh viễn thường hằng bất động chuyển. Ðức Phật muốn chúng ta vĩnh viễn "là" Thiện, "là" Thiện một cách vững chắc bất động, "là" thiện tự bản chất, từ tự tính, thuộc dòng dõi Thiện... Ngài muốn chúng ta là thiện đến mức dù không hề "làm" thiện đi nữa, cũng vẫn "là" thiện như thường. Muốn chúng ta "là" thiện như thế, tức có nghĩa là muốn chúng ta có một Tâm Thiện, tức một Tâm giác ngộ thấy ra vô ngã, một Tâm dứt trừ hết tham sân si. Vậy Ngài làm bằng cách nào đây? Ðức Phật "thành tựu" chúng sinh bằng cách nào? Thành tựu là thuật ngữ chuyên môn trong Ðạo Phật. Thành tựu có nghĩa là làm cho chúng sinh trở thành Thiện, làm cho chúng ta được "là" Thiện. 1) Bước đầu tiên để chúng ta được "là" Thiện chính là tâm tôn kính hoặc là hâm mộ của chúng ta đối với Thiện. Nhưng trước hết phải luôn ghi nhớ rằng Thiện ở đây không phải chỉ là các "sự việc" qua các hành động như bố thí, phát chẩn v.v... mà là Tâm giác ngộ, Tâm thanh tịnh thoát khỏi mọi chấp ngã tham sân si triền phược ô nhiễm. Một Tâm Thiện như thế thế gian này không hề có, và mọi sự thiện của thế gian như bố thí, đạo đức, thương người, cứu giúp người, nói năng hiền hòa, tử tế, đứng đắn đàng hoàng, trung trực ngay thẳng, không tham lam, không nóng nẩy dữ dằn, không ngu muội v.v... đều không tương xứng được với Tâm Thiện chân chính, tức là Giác Ngộ. Nghĩa là chúng ta không thể thấy một người làm các sự thiện trên mà cho rằng người đó là Giác ngộ, là Thiện chân chính và đúng nghĩa được. Phải luôn nhớ cho rằng, với Ðạo Phật, tất cả mọi cái tốt, mọi người tốt của thế gian, vẫn chỉ là tốt của thế gian, tốt mà gốc vẫn là ác, vẫn chỉ là những người "ác" làm tốt, những người vô minh tham sân si làm tốt mà thôi. Không ai, ngoại trừ các bậc Giác ngộ, thật sự "là" Tốt hết. Do đó tôn kính hoặc hâm mộ Thiện, chính là tôn kính, hâm mộ đức Phật vậy. Khi chúng ta phát tâm tôn kính và hâm mộ đức Phật là bậc tối Thiện, tâm chúng ta bắt đầu "hướng về" Thiện. Sự tôn kính và hâm mộ Bậc tối Thiện làm cho chúng ta khó mà phản đối lại, làm cho chúng ta biết nghe lời Ngài, làm cho chúng ta chịu "theo" Ngài. Song đó mới chỉ là bước đầu, vì tôn kính và hâm mộ thông thường là do chúng ta chỉ mới thấy vẻ đẹp bên ngoài của đức Phật, hay chỉ mới thấy được các điều đạo đức thanh tịnh qua các đối sử và sinh hoạt bên ngoài của Ngài mà thôi. 2) Bước kế đến, từ chỗ tôn kính hâm mộ sắc tướng và đạo đức bên ngoài ấy, chúng ta chấp nhận "đi theo" Ngài, làm đệ tử của Ngài, tức chúng ta bị vẻ bên ngoài của Ngài "nhiếp phục", nghĩa là chúng ta bị Thiện nhiếp phục qua cái đẹp và an lạc bên ngoài của Thiện. 3) Tiếp đến, ngay khi bị nhiếp phục như thế, đức Phật khiến chúng ta "phát Tâm nguyện" chính thức "quy y" về sự tối Thiện và toàn Thiện thể hiện qua Tam Bảo. Tâm nguyện quy y chân thật thành kính tha thiết và hân hoan ấy chính là mầm mống Thiện chân chính nhất, đúng nghĩa nhất. Từ sát na quy y ấy trở đi, chúng ta trở thành Thiện, chúng ta chính "là" Thiện, chứ không còn là "ác" để cứ phải loay hoay "làm" đủ thứ thiện mãi mà rốt cuộc vẫn chỉ "là" ác mà thôi !!! Ðức Phật xây dựng cho chúng ta như vậy đó. Ngài tu hành vô lượng kiếp thành tựu tất cả mọi thiện pháp, mọi Trí Huệ và Từ Bi, để trở thành là một với sự Toàn Thiện, Tối Thiện. Ðể làm gì? Ðể cho chúng ta "có" Thiện ấy một cách sống động cụ thể, mà quy y về đó. lấy đó làm nền tảng, làm gốc gác cho chính mình, để từ đó mình phát triển mà trở thành Thiện, được "là" Thiện. Chỉ tiếc là chính người Phật tử cũng không hiểu rõ ý nghĩa quy y Tam Bảo là gì hết, cho rằng đó chỉ là một hình thức nghi lễ, không có ý nghĩa gì hơn là để chấp nhận cho mình có tín ngưỡng là Ðạo Phật, được công nhận là tín đồ của Ðạo Phật. Ngoài ra chuyện quy y ấy chẳng có liên quan gì đến vấn đề thiện hay ác hết. Hình như toàn thể người Phật tử đều nghĩ như thế !!! Mình cho rằng thương người giúp người mới là thiện, chứ còn quy y Phật thì có gì đâu mà là Thiện?! Do đó mà khi nghĩ đến thiện ác, mình không bao giờ biết nghĩ đến quy y Phật, mà chỉ biết nghĩ đến con vật này bị hy sinh, con vật kia bị chết oan uổng, rồi ngồi đó mà thở than rơi lệ với nhau, và cảm thấy rằng mình thật sự "là" tốt, thật sự hết mình quan tâm đến điều tốt... Có đúng không? Nếu thấy là đúng thì mới nên nghe tiếp nữa... (con tiep) Tóm lại, chính vì người Phật tử chưa hiểu rõ thế nào là thiện ác, chưa hiểu rõ thế nào là một vị Phật, chưa hiểu rõ thế gian là gì, và chưa hiểu rõ Ðạo là gì, vì vậy nên chúng ta luôn bị "lấn cấn" về vấn đề Ðạo Phật đóng góp gì cho thế gian này, Ðạo Phật sao lại lơ là việc làm thiện như vậy? Một khi đã hiểu rõ ra rồi, chúng ta biết rõ quy y về với Phật và Tam Bảo, chuyện theo Ðạo của chúng ta, chính là để tôi luyện cho chúng ta trở nên Tối Thiện vậy. Chúng ta còn phải hiểu rõ thêm rằng muốn trở thành "là" Thiện, cũng phải theo nguyên tắc của Nhân Quả. Quy y Phật, theo Ðạo, tu tập, chỉ mới là "nhân" Thiện mà thôi, chứ chưa phải là "quả" Thiện. Thế nên trong giai đoạn "nhân" này vẫn có lỗi lầm, vẫn có thối thất, vẫn còn đầy nghi ngờ hoang mang khônghiểu v.v... Thế nên các Bồ Tát mới phát nguyện nâng đỡ và nhiếp thọ chúng ta để làm cho chúng ta được "thành tựu" Thiện căn là vậy. Song một khi đã quy y về với Phật và Tam Bảo rồi thì dù có "bê bối" tới đâu đi nữa, chỉ miễn vẫn cứ giữ vững tâm nguyện quy y, cứ tin tưởng trăm phần trăm vào Tam Bảo, là coi như chúng ta vẫn thuộc về dòng dõi Thiện, vẫn thuộc về bản chất Thiện. Còn đã đứng ngoài Tam Bảo thì dù có thiện tới đâu cũng đều thuộc về họ hàng của 4 Ma, cũng đều thuộc về tính chất Ác hết ! Ðiều này rất quan trọng, người Phật tử không nên bao giờ quên. Trở lại với vấn đề của thế gian. Thế gian căn bổn là vô minh chấp ngã và tham sân si, thế nên sự hiện hữu, nói khác là sự sống của thế gian luôn luôn phải có ác thì mới sống được. Loài người muốn sống còn, đã lấn đất và ngang nhiên chiếm hữu "lãnh thổ" của các loài vật, và còn luôn luôn hăm he muốn xâm chiếm chém giết lẫn nhau nữa kìa. Ðể sống còn và hưởng thụ, loài người đàn áp loài vật rất là dã man, ăn thịt loài vật, phá rừng rú làm nhà cửa cho mình ở, khống chế loài vật, biến chúng không phải chỉ là thức ăn cho mình, mà còn thành các thú vui tiêu khiển cho mình, như làm xiếc, như nuôi "pet" ! Tự biến mình thành chủ của loài vật một cách đầy kiêu mạn và "đạo đức giả". Tại sao lại như vậy? Cũng chỉ vì để "nâng cao" mức sống của con người lên. Trong khi được "nâng cao" lên như thế, người nào cũng nghĩ rằng sự nâng cao này bằng văn minh của khoa học hiện đại quả thật là vô cùng "thiện", chứ có biết đâu rằng để nâng cao như thế loài người đã đem sinh mạng của biết bao con vật ra để làm thí nghiệm. Song đó là bản chất của "nghiệp" loài người là như vậy, vì tâm thức của loài người không những đã vô minh, tham sân si còn nặng nề, mà nghiệp thiện thuộc thế gian cũng không hoàn toàn, thế nên đã sinh vào trong loài người là phải có "ác" mà thôi, không sao tránh khỏi. Chúng ta đã cộng nghiệp với nhau ngay từ căn bổn tham sân si và chấp ngã rồi, chứ không phải phải đợi tới lúc mong muốn hết bệnh mới công nghiệp với người thí nghiệm qua loài vật. Song trong cái cộng nghiệp ác với cùng mọi người ấy, chúng ta vẫn dứt khoát không đi theo hướng nghiệp ác ấy, mà chỉ đi theo hướng nghiệp Toàn Thiện qua sự quy y và tin tưởng hoàn toàn về Tam Bảo. Chúng ta vẫn còn ở chung với thế gian trong khu rừng rậm mịt mù đầy hiểm độc của vô minh và ác kiến, song tâm hướng của chúng ta vẫn là làm sao đi ra khỏi khu rừng ấy, chứ không bám víu chết sống trong khu rừng ấy, thế nên có cộng nghiệp mà vẫn không cùng hướng đi. Ðó là ý nghĩa của tình trạng người Phật tử sống giữa thế gian này vậy. Nghĩ kỹ lại hết, chúng ta hiểu ra được ý nghĩa của thế gian và ý nghĩa của Ðạo. Chúng ta cảm nhận ra được một vị Phật thật sự là gì, tôn quý biết dường nào và bao la không cùng đến dường nào. Và cuối cùng, chúng ta thấy rõ lập trường và hướng đi của chúng ta, những người con Phật, là đúng hoàn toàn và chí lý vô cùng, là chân thật toàn thiện và tối thiện vậy... Thế nên hãy đi cho đến cùng, theo Phật cho đến cùng...

Không có nhận xét nào: