Niệm Phật hàng ngày trong thất niệm Phật là chúng ta gieo trồng chủng tử thành Phật. Mỗi tiếng niệm Phật là gieo trồng một chủng tử, mười tiếng niệm Phật là gieo trồng mười chủng tử. Nếu mỗi ngày quý vị niệm một triệu lần, quý vị dã gieo trồng một triệu chủng tử. Cứ niệm, đừng lo tâm tán loạn. - HT Tuyên Hóa
Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2007
quangduc.com
Tiếng Việt Trang nhà Quảng Đức
Tiếng Anh
Phật Học Cơ Bản
--------------------------------------------------------------------------------
...... ... .
Khai Thị
Đại Sư Tuyên Hóa
Việt dịch: Ban Phiên Dịch Đại Học Pháp Giới,
Vạn Phật Thánh Thành
--- o0o ---
Phần 01
1. Thần Chú Đại-bi, Nhiệm Mầu Không Thể Nghĩ Bàn
2. Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
3. Niệm Quán Âm Trong Tự Tánh
4. Tu Hành Phải Biết Hồi Quang Phản Chiếu
5. Tại Sao Chúng Ta Phải Vào Thất Quan Âm?
6. Niệm Quán Âm Cứu Kẻ Lâm Nạn
7. Chuyện Người Đá Cầu Pháp
8. Di Cư Đến Thế Giới Cực Lạc
9. Vạn Phật Thánh Thành Tẩy Rửa Thân Tâm
10. Càng Niệm Quán Âm Càng Bớt Vọng Tưởng
--- o0o ---
1. Thần Chú Đại Bi.
Nhiệm Mầu Không Thể Nghĩ Bàn [^]
Hôm nay bắt đầu vào thất Đại Bi. Buổi tối sau l sái tịnh sẽ tụng Đại Bi Thần Chú. Trong quá khứ, số chư Phật nói chú này nhiều bằng chín mươi chín ức số cát sông Hằng và Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát vì thương hết thảy mọi loài chúng sanh, nên phát tâm đại bi, cưỡi thuyền từ bi trở về cõi Ta-bà để cứu độ tất cả chúng sanh ra khỏi cảnh khổ ách. Có câu: "Bể khổ không bờ, quay đầu là bến," chỉ cần chúng ta kiền thành trì tụng Đại-bi Chú ắt sẽ thấy ứng nghiệm, không thể nghĩ bàn.
Trước đây trong vô lượng kiếp, Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát được Thiên Quang Vương Tĩnh Trú Như-lai diễn pháp Đại-bi Thần Chú cho nghe, lấy bàn tay sắc vàng xoa đầu, khiến Ngài, khi nghe xong liền chứng được quả vị Bồ-tát bậc Bát-địa. Ngài liền sanh tâm đại hoan hỷ rồi lập tức phát nguyện lớn như sau: "Nếu tôi có thể làm lợi ích hết thảy chúng sanh, thì xin cho tôi có ngay ngàn tay và ngàn mắt." Phát nguyện xong, hốt nhiên trái đất chấn động, hào quang phát ra từ chư Phật mười phương chiếu sáng thân Ngài, rồi ngàn tay và ngàn mắt tức khắc trang nghiêm thân tướng của Ngài. Tay thì có thể nâng đỡ, mắt thì có khả năng chiếu soi. Ngàn tay và ngàn mắt tượng trưng cho vô số thần thông và trí huệ.
Ý nghĩa của đại bi. Căn cứ câu: "Bi năng Bạt khổ," bất cứ ai gặp phải mọi cảnh khổ nạn, nếu thành tâm tụng Chú Đại-bi đều có thể được bình an, chuyển hung thành cát. Ngài Quán Thế Âm bạch Phật rằng: "Nếu như chúng sanh trì tụng Đại-bi Chú mà không được mãn nguyện, thì xin thề không thành chánh giác, trừ phi nguyện ước của họ bất thiện hay không thành tâm trì tụng."
Trì tụng Đại-bi Chú không những được tự tại, mà các điều cầu mong còn được thành tựu, có thể tránh được khổ ách tai nạn và được vui sướng an lạc; vượt qua mọi hiểm nghèo, tới chỗ bình an vô sự. Làm sao có thể xa lìa khổ ách? Phải tụng Đại-bi Chú. Làm sao thoát khỏi hiểm nghèo? Phải trì tụng Đại-bi Chú. Chớ có coi Đại-bi Chú là tầm thường hay đơn giản. Tôi xin nói với quý vị rằng nếu quả trong đời quá khứ và hiện tại quý vị không có căn duyên tốt lành thì ngay đến cả cái tên của Chú Đại-bi cũng chưa được nghe, đừng nói tới việc trì tụng. Nay không những quý vị được nghe biết tên của Chú lại còn được trì tụng Chú với một lòng chí thành như vậy, thật là một cơ hội trăm ngàn vạn kiếp mới có một lần, rồi lại được thiện tri thức chỉ dẫn, cách thức đọc tụng, thọ trì, tu trì nữa. Thật đáng cho quý vị coi trọng! Tóm lại, Đại-Bi Chú có những lợi ích không thể nghĩ hết được.
Trong thời gian bẩy ngày này, chúng ta nên thành tâm thành ý, rất mực cung cung kính kính trì tụng Chú Đại-Bi, tụng cho tới độ tâm không vọng tưởng. Lúc đó, lòng lắng trong, hoặc giả có người thấy hào quang, có người thấy hoa xuất hiện, có người được Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát rờ đầu, giúp cho khai mở trí huệ. Hoặc giả có khi ngửi thấy mùi hương lạ, cũng có người dù đã tha thiết chí thành trì tụng, nhưng cũng chẳng thấy một hiện tượng gì khác lạ. Dầu có hay không cũng chớ có nản lòng, cứ hết sức dốc một lòng trì tụng. Khi nào thời khắc tới, sẽ nhất định chứng kiến cảnh giới "cảm ứng đạo giao," xuất hiện ngay trước mắt.
Bất luận thấy cảnh giới nào, hay chẳng thấy gì hết, việc chánh vẫn là tinh tấn trì tụng. Kẻ thấy điềm lành chẳng nên chấp vào tướng lành đó. Kẻ không thấy điềm gì cũng đừng sanh lòng tự ti mà tự bảo rằng: "A ! Vậy là ta chẳng có thiện căn, sao ta chẳng thấy Bồ-tát?" Thiện căn có khi sớm kết thành quả, có khi thì muộn. Nếu như có cảm giác thiện căn của mình chưa đến lúc thành thục, thì ta phải tiếp tục bồi đắp, làm thêm nhiều công đức nữa mới được. Người ta nói: "Chưa trồng căn lành, phải trồng căn lành, đã trồng căn lành, khiến nó tăng trưởng; đã tăng trưởng rồi, khiến nó thành thục; đã thành thục rồi, khiến tới giải thoát."
Quý vị lần đầu tới Kim Sơn Thánh Tự, nghiên cứu Phật pháp, tu tập Phật pháp, phải dốc lòng thành học tập, không ngại khổ, không ngại khó. Nơi đây trong vòng bảy ngày, nên dũng mãnh tinh tấn, xa lìa vọng tưởng. Nếu lại vừa học tập, vừa nghĩ ngợi lung tung, công phu không thể chuyên nhất được. Tâm không chuyên nhất thì khó lòng sanh cảm ứng. Đó là một điều, quý vị phải đặc biệt chú ý!
Những lợi ích của công phu trì tụng Đại-bi Chú, nói ra không thể hết được. Phàm ai đã trì tụng Đại-bi Chú thì tuyệt đối chẳng bị đọa vào ba đường ác. Nếu bị đọa vào các đường ác đó thì Ngài Quán Thế Âm nguyện chẳng bao giờ thành Phật. Phàm ai ngu si mà trì tụng Đại-bi Chú, nếu chẳng biến thành kẻ trí huệ, Ngài Quán Thế Âm cũng nguyện chẳng thành Phật. Thần Chú Đại-bi lại có thể trị tám vạn bốn ngàn loại tật bệnh của thế gian. Ai bị bệnh nan y, cho đến các y sĩ, Tây y hay Đông y phải bó tay, nhưng nếu thành tâm trì tụng Đại-bi Chú cũng nhất định chẳng uống thuốc mà được khỏi bệnh. Thần hiệu của Đại-bi Chú thật không thể nghĩ bàn!
Tại Kim Sơn Thánh Tự có người đã từng được sự ứng nghiệm như vậy. Chữa trị chứng ung thư chẳng phải là chuyện dễ dàng, vậy mà trì tụng Đại-bi Chú khiến cho bệnh tiêu tan. Thần lực của Chú Đại-bi thật mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Chỉ cần xem công phu của quý vị trong bảy ngày ra sao, ai thành tâm, người đó sẽ thấy ứng nghiệm, được lợi ích. Ai có bệnh, bệnh sẽ lui. Ai không bệnh, thì trí huệ được khai mở. Cầu chuyện gì được chuyện đó, cho nên Đại-bi Chú gọi là bất khả tư nghì quảng đại linh cảm, vô ngại Đại Bi Tâm Đà-La-Ni. Chữ Đà-La-Ni (Dharani) dịch nghĩa là tổng trì, tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa, cũng gọi là chú, hoặc gọi là chân ngôn. Tóm lại đó là những chữ mật.
Mật chú gồm có bốn ý nghĩa sau:
Trong bài chú có tên vua các loài quỷ thần, nên phàm tiểu quỷ nghe đến tên này thì không dám làm bậy và phải tôn trọng phép tắc,
Chú được coi như khẩu lệnh trong quân đội, nếu vi phạm ắt sẽ bị trừng trị,
Chú có thể âm thầm tiêu trừ nghiệp tội mà chính mình không hay biết,
Chú là ngôn ngữ bí mật của chư Phật, chỉ có chư Phật mới hiểu được mà thôi.
Quý vị lần này tới tham dự pháp hội Đại-Bi, đều có sẵn căn lành cả, đức hạnh đầy đủ lại được nhân duyên thành thục nên mới tới Chùa Kim Sơn Tự. Hy vọng rằng một khi đã vào tới "Bảo sơn" rồi thì không đến nỗi tay không trở về, tất phải được bảo vật để dùng cho mình. Bảo vật gì? Chính là Chú Đại-Bi. Đại-Bi Chú có thể trị bệnh, có thể hàng phục loài ma, có thể khai mở trí huệ, có thể mang lại sự bình an, hay nói cách khác, cầu việc gì được việc ấy, nhất định toại lòng xứng ý.
Kỳ pháp hội Đại-Bi này còn đặc biệt hơn nữa là tại Trung-quốc rất hiếm có khóa tụng Đại-Bi có tính cách kỷ lục, kéo dài cả bẩy ngày luôn như vậy. Tại các nước khác người ta có niệm Chú Đại-Bi trong bẩy ngày không, điều này tôi không biết, nhưng tại Mỹ, tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên. Mong tất cả quý vị hết sức chân thành trì tụng Đại-Bi Chú, công đức vô lượng!
Ngày 9 tháng 4 năm 1976, tại Kim Sơn Thánh Tự
--------------------------------------------------------------------------------
2. Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát [^]
Ngày hôm nay, quý vị tập họp tại đây, dự Quán Âm thất, để cùng nhau niệm thánh hiệu: Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây là một dịp quý báu, hy hữu, chớ có uổng phí thời gian. Nếu như có lòng coi thường thì sẽ chẳng ích lợi gì, như người đã vào tới Bảo Sơn mà trở về tay không, rất là đáng tiếc. Mong rằng quý vị buông bỏ hết mọi thứ để dũng mãnh niệm với một lòng tinh tấn, nhất định quý vị sẽ thấy cảm ứng, và có như vậy mới không cô phụ mục đích tổ chức Quán Âm thất này.
Bình thường khi vào thất Quán Âm, phần đông đều niệm Phật, niệm Bồ-tát, sau đó nghỉ nửa giờ rồi mới tiếp tục công phu. Tại Hương-cảng hay Đài-loan, đại khái mọi người niệm theo cách thức đó. Chúng ta ở Vạn Phật Thành này sẽ niệm một cách liên tục, không ngưng nghỉ, luôn một mạch từ sáng sớm tới tối, ở giữa không có thời gian nào nghỉ cả.
Quý vị nên biết rằng, chẳng phải chúng ta không nghỉ ngơi mới đúng, hay mọi người nghỉ ngơi là sai. Nói như vậy nghĩa là sao? Bởi vì chúng ta từ trước tới nay chưa hề dụng công, cho nên bây giờ phải hết sức tinh tấn, ráng hết sức để mà tiến tới. Còn như người khác thì họ đã dụng công từ lâu rồi, họ đã vào đạo, họ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hay không niệm cũng vậy thôi, họ đều không có vọng tưởng, do đó họ nghỉ ngơi còn hơn chúng ta tinh tấn.
Giả sử chúng ta lại sanh tâm ngã mạn nghĩ rằng: "A! Chúng ta ở Vạn Phật Thành tu hành rất là dũng mãnh và tinh tấn, còn người ta thì giải đãi, lười biếng." Nếu có ý nghĩ đó thì tất cả công đức của chúng ta đều bị tiêu ma. Đó chính là tâm tự mãn, tâm kiêu ngạo. Chúng ta nên hiểu rằng họ đã dụng công tu hành từ vô lượng kiếp, nay họ nghỉ ngơi chính là chờ đợi số người của chúng ta đương lẽo đẽo theo sau. Nghĩ được như thế thì đúng, và dụng công mới có kết quả tốt, chớ không thể dụng công mà nẩy sanh tâm chướng ngại. Tâm chướng ngại chính là lòng tự mãn, lòng kiêu mạn, có thể phương hại tới hạt giống Bồ-đề. Chúng ta dụng công phải ghi nhớ điểm này. Bất luận trong trường hợp nào, phải tránh cho kỳ được tâm cống cao, ngã mạn, và tránh có ý nghĩ ích kỷ tự lợi, mà phải theo đúng câu: "Pháp là bình đẳng, không có cao thấp," đó chính là châm ngôn của kẻ tu hành.
Khởi đầu dụng công, chúng ta phải giữ tâm cho chánh đáng. Không chánh đáng thì dù công phu ra sao cũng thành ma đạo. Tâm đã chánh đáng, thì dụng công cách gì cũng có thể thành Phật. Con đường dẫn tới Phật hay tới ma chỉ khác nhau ở một niệm. Quý vị hãy đặc biệt chú ý.
Tại sao chúng ta phải niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát? Bởi vì đối với chúng sanh ở cõi Ta-bà Ngài đều có nhân duyên. Ngài là vị Bồ-tát tầm thanh cứu khổ và cứu nạn. Có người nghĩ rằng: "Khi nào chúng ta gặp khổ và gặp nạn chúng ta mới cần cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, bây giờ không gặp cảnh khổ cũng không gặp cảnh nạn thì niệm danh hiệu của Ngài làm gì?" Nói vậy hóa ra chúng ta chẳng khổ chút nào ư? Đây là ngũ trược ác thế -kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mệnh trược, các chúng sanh đều bị khổ cả, khổ không thể nói hết. Rồi trong vòng luân hồi, các chúng sanh lên lên xuống xuống, vậy mà không phải khổ sao? Một ngày, từ sáng tới tối trong tâm toàn là vọng tưởng thôi thúc, đấy chẳng phải là cảnh khổ ư? Rồi lo âu cho riêng mình, muốn có lợi cho riêng mình, nhưng lo không được thì ngủ không an; cầu chẳng được thì ăn không ngon. Vậy mà nói là chẳng khổ ư? Ai dám đoan quyết rằng mình chẳng khổ? Họ chẳng khổ vì điều này thì lại khổ vì điều khác, tóm lại khổ bất ly thân. Trừ phi vạn sự đều buông bỏ, chẳng cầu điều gì họa may mới không khổ.
Chúng ta niệm câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa câu này. Nam mô là tiếng Phạn, có nghĩa là quy mạng, Quán là quán sát, lấy diệu quan sát trí để quán sát. Ai có diệu quan sát trí? Ngài Quán Thế Âm, vì Ngài có loại trí huệ đó, cho nên đối với hết thảy mọi âm thanh của thế gian Ngài đều hay, đều thấy, không hề bị lầm lẫn. Chữ Thế là chỉ thế gian. Âm là âm thanh. Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tu pháp môn phản văn văn tự tánh, cho nên Ngài dùng tâm để quán sát tiếng kêu cứu của các chúng sanh trong thế gian. Khi Ngài nghe được sẽ tức khắc phân thân đến nơi để cứu độ nạn nhân ra khỏi bể khổ, thoát được khổ và được vui sướng, cho nên có câu kệ rằng:
Thiên xứ kỳ cầu thiên xứ ứng,
Khổ hải thường tác độ nhân chu.
Nghĩa là:
Ngàn nơi cầu, ngàn nơi ứng,
Ngài là thuyền vớt người trong bể khổ.
Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như các bậc mẹ hiền, con cái cầu mẹ thì sẽ được mẹ cứu, không dến nỗi bị thất vọng bao giờ. Cho nên Ngài có danh hiệu là Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chữ "Bồ-tát" có một nửa là tiếng Phạn, nói cho đủ là Bồ-đề-tát-đỏa [Bodhisattva], dịch nghĩa thành Giác-hữu-tình hay Hữu-tình-giác, cũng nghĩa tương tự. Giác là giác ngộ, hữu tình chỉ chúng sanh. Giác-hữu-tình tức là một chúng sanh trong số người giác ngộ, hoặc kẻ giác ngộ trong số chúng sanh. Bồ-tát thuộc hàng thánh tự giác giác tha - tự mình giác ngộ và giúp người khác giác ngộ - không tự tư tự lợi, một lòng chỉ nghĩ tới hạnh phúc của chúng sanh, mà quên lợi ích của riêng mình. Đó chính là tinh thần vô ngã.
Như chúng ta muốn cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát giúp đỡ và phù hộ cho mình thì chúng ta phải thực lòng niệm: Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, lúc đó trong lòng mới thành khẩn và tác dụng cảm ứng mới phát sanh ra được, lúc đó Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ nghe tiếng kêu cầu và tới nơi để cứu độ chúng ta ra khỏi bể khổ. Ngược lại nếu sự kêu cầu không thành tâm, hay lẫn lộn với những ý tưởng cầu danh cầu lợi, thì chẳng thể có cảm ứng.
Nay chúng ta niệm thánh hiệu: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, ta nên giữ lòng thanh tịnh, niệm một cách khẩn thiết và chí thành, không vì lợi ích riêng tư mà niệm, mà chính vì lợi ích cho tất cả chúng sanh trong cõi ngũ trược ác thế này. Chúng ta cầu Ngài rủ lòng từ bi tế độ, khiến cho toàn thể nhân loại trên thế giới khỏi ách nạn, tội diệt phước sanh, tất cả đều được lợi ích.
Tất cả mọi người cùng niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát và cùng hướng theo một tôn chỉ như vậy, ắt sức mạnh cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Nào! Quý vị hãy đem mọi công đức niệm thánh hiệu hồi hướng tới khắp chúng sanh trong pháp giới! Chính là:
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo.
Khai thị nhân khóa Quán Âm thất tại Điện Quán Âm,
Vạn Phật Thánh Thành, từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 10 năm 1981
--------------------------------------------------------------------------------
3. Niệm Quán Âm Trong Tự Tánh [^]
Nay chúng ta chuyên tâm một lòng niệm Ngài Quán Âm Bồ Tát, vậy ta cũng phải niệm Ngài Quán Âm trong tự tánh của chúng ta. Chúng ta phải nghĩ rằng ở bên ngoài có cái gì, bên trong cũng có cái đó, như ở bên ngoài có Quán Thế Âm Bồ Tát thì bên trong cũng có Quán Thế Âm Bồ Tát. Bởi vậy, khi niệm Ngài Quán Âm thì ta phải làm sao niệm cho trong và ngoài là một, không phải hai.
Trong tự tánh của chúng ta, đã gồm đủ mọi đức tánh của vô lượng chư Phật đông như số cát sông Hằng, cho nên khi miệng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trong lòng cũng phải chí thành tha thiết, mọi tạp niệm đều chẳng sanh, mọi vọng niệm đều dứt bặt, và chỉ nhất tâm chuyên chú vào niệm. Không mong ước điều gì, không tham một sự gì, cũng chớ nên có ý nghĩ: "Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để làm gì?" Phải coi việc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chính là một tự tánh bổn phận.
Chúng ta niệm đến trình độ "niệm mà chẳng niệm, chẳng niệm mà niệm," đó là cảnh giới tự tánh Quán Thế Âm hiện tiền, kết thành một khối, quên người quên mình, như vậy còn chỗ nào là phiền não nữa? Còn chỗ nào là vô minh? Đến cảnh giới vô ngại tự tại thì đại viên kính trí sẽ hiển lộ, bình đẳng tánh trí sẽ hiện tiền, rồi diệu quan sát trí cũng như thành sở tác trí đều đầy đủ. Có đủ bốn trí, nhưng chỉ mới tới giai đoạn đầu, bởi trong bốn trí còn trăm ngàn vạn loại khác nhau tùy theo từng giai đoạn. Chẳng phải mới thấy các trí xuất hiện mà cho rằng chúng cùng với bốn trí của chư Phật là giống nhau. Bất luận ở giai đoạn nào, tới được quả vị nào, thứ bậc không phải nhất loạt ngang nhau.
Người tu hành phải hiểu rõ ý nghĩa "sai một ly đi một dặm," phải tự nhắc mình dụng công đi đúng hướng, tránh rẽ ngang, khỏi đi vào bàng môn ngoại đạo, và lầm vào tình trạng tà tri tà kiến. Phải luôn luôn giữ chánh tri chánh kiến, tức chánh niệm mới hiện tiền.
Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tức là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của chúng ta chớ không phải niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của người khác. Thế nào gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát của ta? Chính là ta với Quán Thế Âm Bồ Tát là cùng một thể, niệm như vậy, nghĩa là ta cũng có đức từ bi, cũng có hỷ xả của Quán Thế Âm Bồ Tát, và cũng đầy đủ "bẩy nạn, hai cầu," cũng ba mươi hai ứng thân như Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.
--------------------------------------------------------------------------------
4. Tu Hành Phải Biết Hồi Quang Phản Chiếu [^]
Người tu hành phải thực tình, phải thật sự tu, phải bỏ công sức ra chớ không thể nhởn nhơ. Có một số người nói họ hành đạo Bồ-tát, nhưng đúng ra là họ cốt biểu diễn cho bà con thấy. Mỗi một cử chỉ, mỗi một hành động, mỗi lời nói ra, họ đều phô trương cho mọi người thấy, chớ không phải cho chính họ thấy. Những người đó cần phải biết hồi quang phản chiếu, còn như chờ người khác trông thấy mới niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, nếu quả có tử tưởng đó thì phải mau mau sửa đổi lại.
Phàm kẻ tu hành mà chỉ muốn người khác trông thấy mình tu, chính là bỏ gốc cầu ngọn. Quên cái gốc để chạy theo cái ngọn là chuyện không được. Tu hành là để cho chính mình thấy, trông thấy được mình tức là hồi quang phản chiếu. Nhớ kỹ! Hồi quang phản chiếu, chớ không phải phóng quang ngoại chiếu. Nếu phóng quang để chiếu ra ngoài, tức là chỉ muốn cho người khác nhận thấy, để họ bảo rằng mình là người thật sự tu. Phải biết rằng khi đã phóng quang ra ngoài thì chẳng còn gì nữa, bởi hào quang của mình chẳng có bao nhiêu, một khi phóng ra là hết. Mình chưa tu hành đến độ viên mãn, quang độ yếu ớt, chờ khi nào tu đến viên mãn, lúc đó phóng quang cũng chưa muộn. Bây giờ đang trong giai đoạn tu hành, không nên phóng quang.
Việc tu hành cũng giống như việc học. Mới đầu học Tiểu học, tiếp theo là Trung học, sau lên Dại học, rồi sau nữa mới có bằng tiến sĩ. Tu hành cũng như vậy, cứ từng bước một mà tiến lên dần dần, chớ không thể đi theo lối tắt. Có người bảo: Thiền tông đề xướng đốn ngộ, khai ngộ một cách chớp nhoáng. Chúng ta nên hiểu rằng đốn ngộ là nói về lý - cái lý về ngộ ngay tức khắc, nhưng về sự thì phải tu tập dần dần. Đốn ngộ là nói về cá nhân đốn ngộ, chớ không phải nói về thời hạn đốn ngộ, một khi tu là ngộ ngay. Trước đây từ vô lượng kiếp, người ta đã tu rồi, đã từng gieo trồng hạt giống Bồ-đề rồi, lại nỗ lực canh tác, mỗi ngày một ít tích lũy lại, cho tới ngày nào đó công phu mới trổ thành quả chín. Không khi nào có trường hợp chẳng tu mà được khai ngộ. Câu nói: "Lý là đốn ngộ, Sự là tiệm tu" chính là nghĩa này.
Tại nơi này chúng ta tham dự thất Quán Âm, chúng ta phải mang hết tinh thần trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, chớ không thể lười biếng cầu an, kiếm cớ để tre nải. Nếu như để cho tâm hồn phóng dật, tức là để thời gian qua đi một cách uổng phí, lỡ mất cơ hội khai ngộ, đáng tiếc biết bao! Thất Quán Âm này, xin quý vị hết mình dụng công, pháp hội này chính là một cơ hội hiếm có. Mong quý vị hãy trân quý từng thời khắc, nỗ lực dụng công trì niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, nhất định sẽ có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn.
--------------------------------------------------------------------------------
5. Tại Sao Chúng Ta Phải Vào Thất Quán Âm [^]
Chúng ta cần niệm danh hiệu Phật, danh hiệu Bồ-tát một cách thường xuyên. Kỳ thực đối với người tu hành, thì ngày nào cũng coi như ở trong thất. Còn đối với chúng ta, vì chưa từng dụng công nên mới cần phải định ra một thời gian, để tất cả mọi người tu hội lại, rồi cùng nhau cử hành nhập thất, cái đó gọi là khắc kỳ thủ chứng. Trong vòng bảy ngày này, mọi duyên bên ngoài đều buông bỏ, một niệm chẳng sanh, chuyên tâm nhất chí, trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Niệm danh hiệu của Ngài sẽ có thể lìa mọi tà tri tà kiến đồng thời tăng trưởng chánh tri chánh kiến. Trong lúc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì tâm bình hòa, hơi thở đều đặn, tinh thần tập trung. Không nên có ý ganh đua, có tâm cạnh tranh. Ganh đua và cạnh tranh là hành vi của người thế tục. Tu hành là không đua với người đời, không ganh với ai, mọi người đều cùng nhau dụng công. Người nào ráng sức dụng công cũng vậy, cũng coi như chính ta dụng công. Có tư tưởng đó thì hết tranh đua hơn kém. Người tu hành cũng không nên buông lung và sợ vất vả, phải thường xuyên tinh tấn, luôn luôn tinh tấn, tinh tấn từng giờ, từng khắc, từng phút, từng giây. Một phút tinh tấn là một phút cảm ứng; mười phút tinh tấn là mười phút cảm ứng.
Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, trong lòng có chân thành chăng? Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát ở trên trông thấy rất rõ. Ai niệm Ngài với một lòng chân thành, người đó sẽ được Ngài gia hộ cho trí huệ sáng suốt, căn lành tăng trưởng, tội ác tiêu diệt, ba chướng diệt trừ - tức nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng, tóm lại hết thảy ác nghiệp đều được tiêu diệt. Bởi vậy, phàm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải niệm hết sức chân thành. Ai niệm chân thành, kẻ đó được lợi ích; ai niệm không chân thành, tuyệt đối không gặp cảm ứng.
Trong thất Quán Âm, có người niệm một cách chân thành, nhưng cũng có người niệm một cách tùy hỷ, mà chưa phải là thật lòng. Thấy mọi người niệm, mình cũng niệm; thấy mọi người chạy, mình cũng chạy; thấy mọi người ngồi, mình cũng ngồi, trước sau chân tâm vẫn không nẩy sanh (chân tâm nghĩa là không có vọng tưởng). Khi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, không thấy tâm tham, cũng không có tâm cầu, tức là có chân tâm. Không tranh, không ích kỷ, tự lợi, cái đó cũng thuộc về chân tâm. Dụng công với chân tâm, mọi nghiệp chướng đều được tiêu trừ. Tâm không chân, nghiệp chướng vẫn bám riết theo. Cho nên, trong thời gian nhập thất Quán Âm, hay nhất là: "bớt một câu nói, thêm một tiếng niệm." Có câu rằng: Đả đắc niệm đầu tử, hứa nhữ pháp thân hoạt, nghĩa là làm chết tạp niệm thì pháp thân sẽ hiển hiện (sống).
Người tu hành, vì chuyện dứt sanh tử, vì mục đích cứu độ chúng sanh mà dụng công tu tập, chẳng phải vì cầu được cảm ứng. Có câu rằng: Tư y Y chí, Tư thực Thực chí; nghĩ tới áo thì có áo - áo đến - nghĩ tới ăn thì có ăn, nghĩ chuyện gì thì có chuyện đó, đây là cảnh giới của chư thiên, nhưng tới lúc phước trời hưởng hết thì lại trở về luân hồi chịu khổ. Người tu đạo nên hướng tới pháp rốt ráo là giải thoát, mới mong ra khỏi được tam giới, mới dứt được phần đoạn sanh tử.
--------------------------------------------------------------------------------
6. Niệm Quán Âm Cứu Kẻ Lâm Nạn [^]
Phật tử Quả-Khiêm (Hằng Nhượng) vừa rồi đã kể lại kinh nghiệm chạy nạn từ Việt-Nam, gặp đủ mọi cảnh ngộ hiểm nghèo, tóm lại là thập tử nhất sanh. Chỉ vì nữ Phật tử Quả Khiêm thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát nên được Ngài từ bi gia hộ, khiến cho mọi sự bình an, thoát khỏi nơi hang hùm và cuối cùng tới được Vạn Phật Thành để tu hành. Những người chạy nạn từ Việt Nam ở Vạn Phật Thành này đều được nghe nói về chuyện này. Hy vọng họ cũng nói hết những điều bản thân họ đã gặp, công bố cho cả thế giới hay. Ngày sau xuất bản thành sách sẽ lấy tên là "Nạn Dân Thiệp Hiểm Ký."
Hiện nay chúng ta ở nước Mỹ, bình an vô sự, chẳng biết thế nào là khổ là nạn, cái đó phải là người đã từng gặp nạn thì mới thể hội hết cảnh thống khổ ra sao. Bởi vậy mong rằng quý vị chớ nên theo lối "lúc bình thường chẳng chịu đốt hương, khi lâm nạn mới ôm chân Phật," lúc ấy chẳng kịp nữa đâu. Chúng ta phải có sẵn tinh thần: "chưa mưa đã chuẩn bị, chưa khát đã đào giếng," "Nghi vị vũ nhi trù mâu, Vô lâm khát nhi quật tỉnh". Tại nơi đây chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, chính là cầu nguyện cho các nạn nhân trên thế giới, mong sao cho họ lìa khổ và an vui, thoát ly cảnh khổ ách. Mục tiêu nhập thất của chúng ta nhằm việc cứu vớt các nạn nhân, kéo họ ra khỏi bể khổ, tức là quan thiết tới sanh mạng và sự an toàn của nhân loại vậy. Sứ mạng này lớn lao như vậy nên chúng ta phải dốc lòng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Càng thành tâm bao nhiêu càng giúp được nhiều người bấy nhiêu. Tấm lòng trắc ẩn, ai ai cũng có. Lại nữa, quan điểm của Phật-giáo là phải cứu độ khắp chúng sanh, do đó chúng ta phải xả thân mạng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Tông chỉ của Vạn Phật Thành vốn là cứu độ chúng sanh trên khắp thế giới. Vì sự khổ não của chúng sanh mà hàng ngày chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu Ngài với ngàn mắt chiếu soi, ngàn tai nghe vọng, ngàn tay cứu vớt, độ khắp chúng sanh. Chúng ta nay, trong thất Quán-Âm, phải tận lực niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu là lười biếng, tức không có lòng từ bi, và người nào như vậy thì không có tâm đạo đức, sẽ không có công đức và trong tương lai, quả vị thành tựu được rất là hạn hẹp. Chúng ta tu theo pháp đại thừa, phải có tinh thần xả kỷ cứu nhân, cầu hạnh phúc cho chúng sanh, cầu hòa bình cho chúng sanh; chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng phải là niệm cho chúng ta, mà là niệm cho các nạn nhân, vì cảnh khổ của họ mà chúng ta niệm. Với tông chỉ như vậy, thì công phu niệm của chúng ta nhất định sẽ mang lại cảm ứng rất lớn lao.
Quý vị! Nghe xong câu chuyện của Phật tử Quả Khiêm, mới hay rằng Ngài Quán Âm không phải chỉ là tầm thanh cứu khổ, mà còn bảo hộ cho chúng sanh được an toàn nữa. Ngài chính là chỗ chúng sanh có thể nương tựa. Trong thời gian dự Quán Âm Thất này, quý vị phải thành tâm mà niệm. Thêm một người niệm là thêm một phần kết quả; thêm một phần kết quả là được thêm một địa phương hòa bình, công đức ấy thật là trọng yếu. Chúng ta chẳng cầu cho chúng ta, cho lòng tham của chúng ta, mà cầu hòa bình, cầu an ninh cho toàn thể nhân loại. Ai là Phật tử chân chánh thì nên hành động như vậy, nên trang bị tư tưởng như vậy, nhất định sẽ có Phật và chư Bồ-tát gia hộ.
--------------------------------------------------------------------------------
7. Chuyện Người Đá Cầu Pháp [^]
Hôm nay tôi xin kể một câu chuyện có thực. Cách nay khoảng mười năm, có một gã hình dung cổ quái, chẳng phải trắng, chẳng phải đen. Ăn mặc thì lôi thôi, quần áo lam lũ, thân cao khoảng năm feet, người khẳng khiu như que củi, sắc mặt không đổi thay. Ngày đó gã tới cổng lớn của chùa Kim Sơn, rồi ở đấy, gã ngồi tựa lưng vào tường. Gặp phải lúc trời mưa lớn, gã vẫn ngồi yên bất động. Có người bảo gã đi nơi khác, gã vẫn nín thinh không thèm để ý tới. Chừng ba ngày sau, tôi ra cổng chùa coi thử. Gã không hề nói chuyện với một ai, vậy mà gã lại bắt chuyện với tôi. Tôi hỏi gã họ gì, gã đáp: "Họ Thạch." Tên gì, gã đáp: "Tên Nhân" (nguyên văn viết chữ 'nhân' là người). Lại hỏi ở đâu tới thì đáp: "- trên núi xuống." Khi hỏi đến để làm gì thì đáp rằng: "Đến để cầu pháp." Tôi mới bảo: "- đây chúng tôi chẳng có pháp nào để cầu cả, anh đến như vậy sẽ thất vọng." Gã trả lời: "Tôi chẳng bị thất vọng đâu."
Hỏi han như vậy xong, gã theo tôi vào chùa Kim-Sơn, rồi cùng theo Đại chúng, khi ngồi thiền, khi ngủ nghỉ, nhưng tuyệt đối gã không ăn, không uống, không cả việc tiểu tiện hay đại tiện, thật là một gã kỳ quái. Ngày ngày gã ngồi yên tọa thiền, không nói năng, không cử động, trông gã tựa hồ như kẻ bị ngộ độc, cũng giống như kẻ đến để ngồi rỡn chơi. Gã dấu trong mình một khúc than củi, hỏi đến thì gã nói dùng khúc than đó để giữ hơi ấm. Gã ở tại chùa trong mấy hôm, hoạt động chung với Đại chúng. Mọi người ở thiền đường dụng công, gã cũng dụng công, khi tất cả lên lầu ngủ, gã cũng lên lầu ngủ. Mọi người sợ gã ăn cắp đồ đạc, nên cho người bố trí canh gác gã, và trong lúc gã ngủ trong nhà thì người gác cũng nghỉ ở ngoài cửa, phòng khi gã mở cửa đi ra thì người gác có thể phát giác ngay được.
Bỗng một hôm, không ai thấy gã "người đá" đâu cả. Người gác rất lấy làm lạ, không biết gã dùng cách gì mà đi khỏi Chùa, không ai hay biết. Câu chuyện này chúng ta phải giảng ra sao đây? Người đá còn biết tới Kim Sơn Thánh Tự để cầu pháp, huống chi chúng ta, vốn là vạn vật chi linh mà không cố gắng học pháp, chẳng là đáng tiếc hay sao?
--------------------------------------------------------------------------------
8. Di Cư Đến Thế Giới Cực Lạc [^]
Tại Trung Hoa, người ta thường nghe nói câu: "Nhà nhà Quán Thế Âm, nhà nhà Di đà Phật" (gia gia Quán Thế Âm, hộ hộ Di đà Phật). Ngài Quán Thế Âm thật là đặc biệt có duyên với chúng ta, Ngài sẵn sàng rước chúng ta về cư ngụ vĩnh viễn nơi đất Cực Lạc, chẳng phải qua một thủ tục di dân nào. Chỉ cần chúng ta tỏ ra chân thành, một niệm thỉnh cầu, là có thể tới được, tuyệt đối không có gì là phiền phức. Chỉ khi nào không có bằng chứng về "Một niệm chân tâm" thì chúng ta không thể tới thế giới Cực Lạc.
Làm thế nào để có bằng chứng về "Một niệm chân tâm?" Thật quá dễ dàng, đơn giản vô cùng! Chúng ta chỉ cần chân thành mang hết tâm ý ra niệm: "Nam mô A-di-đà Phật," hay "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát" hay "Nam-mô Đại Thế Chí Bồ-tát" là đủ, bởi vì Phật A-di-đà là giáo chủ của thế giới Cực Lạc, còn Bồ-tát Quán Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí là những vị phụ tá đứng hai bên. Quý vị đó được gọi là Tây phương Tam Thánh. Bất cứ chúng ta niệm danh hiệu của vị nào, niệm sao cho đến nhất tâm bất loạn, nhất trần bất nhiễm, thì ắt được đoái nghiệp vãng sanh, nghĩa là sanh về nước Cực Lạc dầu ta còn mang nghiệp, từ trong hoa nở ra thấy Phật hay thấy các vị Bồ-tát.
Nếu chẳng muốn di cư đến thế giới Cực Lạc, thì khỏi cần niệm danh hiệu Tam Thánh, nhưng còn muốn về Cực Lạc thì phải niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát, khi còn sống sẽ được miễn ba tai bẩy nạn, khi chết thì được vãng sanh cõi Tịnh-độ, nhất cử lưỡng tiện, còn gì hay cho bằng.
Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, niệm làm sao cho chúng ta cùng Ngài là một, tách nửa cũng chẳng rời ra, như vậy tới lúc lâm chung, dầu không muốn cũng phải sanh về Cực Lạc. Tại sao vậy? Bởi vì một khi gốc rễ đã vững chắc, thì tương lai ắt phải sanh cành sanh lá, nở hoa và kết trái vậy.
--------------------------------------------------------------------------------
9. Vạn Phật Thánh Thành Tẩy Rửa Thân Tâm [^]
Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tại đạo tràng thì rất dễ có cảm ứng. Niệm với một lòng kiền thành, niệm mà không loạn tưởng, niệm đến trình độ niệm Phật tam muội thì gió thổi chẳng lọt, mưa rơi chẳng thấu, mọi nguyện vọng sẽ được mãn túc. Khi niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải hết lòng cung kính, phải chú tâm không có vọng tưởng, nhất định sẽ có cảm ứng. Bất kể chúng ta có vọng tưởng gì, Ngài Quán Thế Âm cũng biết. Chúng sanh có các loại tâm nào, Quán Thế Âm Bồ Tát đều biết hết, đều thấy hết. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát với lòng chí thành hết mực ắt có cảm ứng. Không thành tâm sẽ không có cảm ứng.
Những người ở Vạn Phật Thành, ai nấy đều phải thanh tịnh thân tâm, không cho sanh khởi tâm vô minh, tâm phiền não, không được tức giận, lúc nào cũng phải giữ một thái độ hòa nhã, hướng tới lòng từ bi, không đối xử thô lỗ với bất cứ ai, không xen vào bất cứ một chuyện gì. Giữ được như vậy mới là thực lòng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát và thực lòng thờ lạy Ngài.
Những ai đến Vạn Phật Thành, lạy Phật, không thể sanh tâm phiền não. Nếu có phiền não thì chẳng những cầu chẳng được phước, mà còn thêm khổ não. Dầu trong bất cứ trạng huống nào, cũng phải tập nhẫn nhục ba-la-mật. Vạn Phật Thành là đạo tràng để tẩy rửa thân tâm. Khi có phiền não, đến Vạn Phật Thành thì thân tâm liền được thanh tịnh. Tại sao vậy? Bởi vì được Ngài Quán Âm gia hộ, khiến cho mọi phiền não của chúng ta đều nhất loạt tan biến.
Ai đến Vạn Phật Thành phải học tập theo tinh thần từ bi hỷ xả của Quán Thế Âm Bồ Tát, phải trang bị tư tưởng xả kỷ lợi nhân, cho lòng rộng mở, bao dung mọi sự dù bất như ý. Có duyên mới gặp gỡ nhau, hà tất cãi vã với nhau, chẳng có gì là hay ho cả! Ai như vậy thì cố mà sửa đổi, ai không thì hãy cố gắng!
Vạn Phật Thánh Thành là nơi tẩy rửa tập khí của chúng sanh. Đến đây rồi, vị nào hút thuốc sẽ không hút thuốc, ai uống rượu sẽ không uống rượu, ai đánh bạc sẽ không đánh bạc, ma túy cũng không, các đồ độc hại đều nhất loạt bỏ lại. Chẳng phải chỉ tại Vạn Phật Thành mới có được như vậy, mà đi tới đâu cũng sẽ giữ giới, cái đó là do tới Vạn Phật Thành, thân tâm được tẩy rửa tinh khiết, thân được khang kiện, tâm được khang kiện, con người hoàn toàn đổi mới. Khi các tập khí phiền não tiêu trừ , lúc đó mới thực là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, mới thực không uổng tâm nguyện nhập thất Quán Âm.
Mọi người đều không sanh phiền não, là có được vật báu. Có câu nói như sau :
Chẳng sanh phiền não, chẳng tâm nghi,
Chỉ lo việc ta chẳng việc người,
Nhẫn điều không phải, bớt tranh cãi,
An nhiên thanh tịnh trí huệ sanh,
Minh tâm chuyện khó không trở ngại,
Kiến tánh còn đâu gặp ưu sầu,
Ưu tư oán hận tâm mờ tối,
Phật quang chẳng phải chẳng chiếu khắp.
Nếu theo được như mấy câu trên, nhất định sẽ đặc biệt có cảm ứng.
--------------------------------------------------------------------------------
10. Càng Niệm Quán Âm Càng Bớt Vọng Tưởng [^]
Niệm thánh hiệu của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát có tác dụng tẩy rửa rác rưởi trong tâm của chúng ta. Niệm một câu là bớt đi một vọng tưởng, niệm hai câu sẽ bớt đi hai vọng tưởng. Niệm tới vạn lần Quán Thế Âm Bồ Tát tức là cả vạn vọng tưởng được tẩy rửa. Có người bảo: "Pháp sư nói không đúng rồi! Đệ tử vừa niệm Quán Thế Âm Bồ Tát lại vừa thấy có vọng tưởng, số vọng tưởng nổi lên còn nhiều hơn số niệm thánh hiệu nữa." Nói như vậy thì quả là bản lãnh quá cao cường, không thể nghĩ bàn! Một đàng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, một đàng nổi lên vọng tưởng! Kỳ thực người nào nói đó chẳng hề niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, đây chỉ là trạng thái tâm bất tại, nhìn mà chẳng thấy, lắng mà chẳng nghe. Tuy rằng anh ta có theo mọi người niệm Quán Âm, nhưng chính anh chẳng hề chú ý tới Ngài. Bởi anh ta không chú ý tới Ngài nên vọng tưởng của anh mới sanh ra. Vọng tưởng đến rồi, thì miệng niệm mà tâm thì tạp loạn. Trong lúc có vọng tưởng, miệng cũng quên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Quên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, vọng niệm lại nổi lên. Cái đó chính là thiếu nghiêm túc, không thực lòng. Anh ta đến đây, chẳng phải là để niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, mà chỉ là a-dua theo mọi người, do đó, niệm không đúng cách, thanh âm không mạnh mẽ, khí lực không đầy đủ.
Trong lúc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, mắt nhìn Quán Thế Âm Bồ-tát, tâm tưởng hướng về Quán Thế Âm Bồ Tát, nhận ra Quán Thế Âm Bồ Tát trước mắt mình, ngàn mắt chiếu soi mình, ngàn tay nâng đỡ mình. Âm thanh do chính mình niệm cũng do tai của mình nghe một cách rõ ràng. Rồi thanh âm do chúng ta niệm bèn rót thẳng vào tâm, ta lại đón nhận âm thanh đó như đón nhận chính Bồ-tát tới ngự trị trong tâm của ta. Trong tâm đã có Quán Thế Âm Bồ Tát rồi thì còn đâu vọng tưởng nữa. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chính là liều thuốc mầu nhiệm để trị bệnh vọng tưởng, cho tới khi tâm được thanh tịnh thì lúc đó có sự tự tại.
--- o0o ---
| Mục Lục | | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 |
--- o0o ---
| Thư Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Vi tính : Diệu Nga - Samuel
--------------------------------------------------------------------------------
Webmaster:quangduc@quangduc.com Trở về Trang Phật Học Cơ Bản
Đầu trang
Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com
Cập nhật ngày: 01-02-2002
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét